Đại hội VII Đảng Cộng sản Cuba: Tiếp tục kiên định con đường đã chọn

Thứ Hai, 25/04/2016, 17:15
Chiều ngày 19-4, Đại hội VII Đảng Cộng sản Cuba đã bế mạc sau khi hoàn tất chương trình làm việc kéo dài trong bốn ngày. Đại hội đã thông qua Nghị quyết Đại hội, bầu đại biểu Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị khóa mới, bầu các Bí thư Đảng và các Phó Chủ tịch nước.

Đặc biệt, tại Đại hội lần này, lãnh tụ Fidel Castro đã nói lời chia tay Đại hội - một dấu hiệu của sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo đất nước Cuba tiến vào giai đoạn phát triển mới.

Toàn cảnh Đại hội VII Đảng Cộng sản Cuba.

Không đi chệch hướng theo sự lôi kéo của các thế lực thù địch

Ngay trong ngày khai mạc, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã có bài phát biểu khai mạc đầy ý nghĩa. Trong bài phát biểu, Chủ tịch Raul Castro đã đưa ra đề xuất một số thay đổi trong nhiệm ký tới của Đảng. Trong đó quan trọng nhất là việc Chủ tịch Raul đề nghị giới hạn độ tuổi của đảng viên tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ 60 tuổi trở xuống, và độ tuổi tham gia các chức danh lãnh đạo cao cấp là 70 tuổi trở xuống.

Mục tiêu của việc giới hạn độ tuổi này là nhằm trẻ hóa toàn bộ hệ thống lãnh đạo trong Đảng để sẵn sàng cho những giai đoạn phát triển mới của đất nước theo kịp đà phát triển của thế giới. Những thay đổi này sẽ đòi hỏi phải thay đổi luôn cách lãnh đạo, điều hành trong Đảng. Ông cũng yêu cầu hệ thống chính quyền cần có những thay đổi tương tự cho đồng bộ. Để đạt được mục tiêu thay đổi này, Cuba sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân trong vài năm tới để “điều chỉnh hiến pháp cho phù hợp tình hình mới”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Raul tuyên bố sẽ không có sự thay đổi nào trong hiến pháp liên quan đến chế độ của Nhà nước Cuba là Nhà nước xã hội chủ nghĩa và vai trò tiên phong lãnh đạo xã hội của Đảng Cộng sản Cuba.

Kể từ sau Đại hội lần thứ VI vào tháng 4-2011, đất nước Cuba đã bắt đầu khởi động chương trình đổi mới từng bước về kinh tế - xã hội theo hướng mở cửa cho phép một số lĩnh vực, ngành nghề được kinh doanh tự do, như bất động sản, xe cộ, hợp tác đầu tư khai thác dầu khí,…

Lãnh tụ Fidel Castro phát biểu chia tay Đại hội.

Bước ngoặt quan trọng nhất về đối ngoại chính là việc đàm phán thành công dẫn đến việc nước Mỹ dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Cuba, và sau đó hai nước Cuba và Mỹ đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 7-2015. Trong bối cảnh mới này, Đại hội VII được đánh giá là bước tiếp theo nhằm triển khai thực hiện thành công chương trình cải cách mà Đại hội VI đã vạch ra. Chương trình cải sách đó phải được thực hiện theo nguyên tắc, đường lối đúng đắn của cách mạng Cuba, không được đi chệch hướng theo sự lôi kéo của các thế lực thù địch bên ngoài.

Kết thúc Đại hội VII, Chủ tịch Raul Castro đã tái đắc cử chức Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, và chức Bí thư thứ Hai thuộc về ông Jose Ramon Machdo Ventura. Đại hội đã bầu 142 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, trong đó có 17 người được bầu vào Bộ Chính trị, bên cạnh Bí thư thứ Nhất và thứ Hai của Đảng còn có các nhân vật đáng chú ý như Miguel Diaz-Canel, Esteban Lazo, Ramiro Valdes, Salvador Valdes, Leopoldo Cintra và Bruno Rodriguez. Ban Bí thư gồm có 7 đồng chí.

Về các chức danh Phó Chủ tịch Cuba, ông Miguel Mario Diaz-Canel được bầu làm Phó Chủ tịch thứ Nhất. Năm nay 56 tuổi, việc Mario Diaz-Canel là một trong những lãnh đạo trẻ tuổi được bầu lên trong kỳ Đại hội này, thể hiện quan điểm đổi mới từng bước của Đảng Cộng sản Cuba, trong đó vấn đề giới hạn độ tuổi lãnh đạo cấp cao đã được thực hiện ngay.

Lãnh tụ Fidel Castro và Chủ tịch Raul Castro tại Đại hội.

Cũng trong bài phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Raul Castro tái khẳng định, Cuba sẽ theo đuổi những thay đổi và cải sách đã vạch ra, nhưng đất nước Cuba vẫn sẽ tiếp tục kiên định đi theo con đường mà cách mạng Cuba đã chọn cách đây 56 năm: Con đường xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Raul khẳng định, hệ thống chính trị Cuba vẫn sẽ tiếp tục ổn định đường lối do Đảng Cộng sản Cuba lãnh đạo. Đồng chí bác bỏ những luận điệu của các thế lực bên ngoài đang lăm le muốn thay đổi chế độ tại Cuba, trong đó có luồng tư tưởng do Mỹ “bơm” vào Cuba đòi thực hiện chế độ đa đảng như ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ.

Chủ tịch Raul khẳng định, cách mạng Cuba là của nhân dân lao động, là cuộc cách mạng của các tầng lớp dân thường Cuba. Và cách mạng Cuba sẽ không bao giờ chấp nhận khôi phục chủ nghĩa tư bản trên hòn đảo tự do. Sự quay trở lại của chủ nghĩa tư bản chỉ dẫn đến những hành động tàn bạo của giới tư sản giàu có gây khốn khổ cho dân thường và phá hỏng sự đoàn kết và tin tưởng của các tầng lớp nhân dân tập hợp xung quanh Đảng Cộng sản Cuba.

Đồng chí Raul tuyên bố sẽ thôi chức Chủ tịch Cuba trong thời gian tới, có thể vào khoảng năm 2018, để bàn giao lại cho thế hệ kế thừa lãnh đạo đất nước đi tiếp con đường cách mạng Cuba đã chọn.

Đại hội VII của Đảng Cộng sản Cuba cũng chứng kiến một sự kiện quan trọng. Đó là việc đồng chí Fidel Castro lên diễn đàn phát biểu trước Đại hội. Đây là một trong những lần hiếm hoi đồng chí Fidel Castro xuất hiện trước một diễn đàn công cộng.

Trong những năm gần đây, do tuổi cao, đồng chí đã phải dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và điều trị bệnh. Đồng chí đã bàn giao chức Chủ tịch Cuba lại cho người em trai là Chủ tịch Raul Castro. Lần gần đây nhất người ta nhìn thấy đồng chí Fidel Castro là dịp Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện chuyến thăm lịch sử đến Cuba hồi tháng 3-2016, khi đó đồng chí đã có cuộc tiếp xúc, nói chuyện cởi mở với Tổng thống Obama.

Trong phát biểu của mình, Lãnh tụ Fidel Castro đã nói lời chia tay các đồng chí và nhắc đến việc mình tuổi đã cao, sắp bước sang tuổi 90 và sẽ không còn nhiều thời gian nữa. “Và cuối cùng, nhân dân Cuba sẽ giành thắng lợi”, lãnh tụ Fidel khẳng định.

“Cánh tay phải” của người đứng đầu Nhà nước Cuba

Ông Miguel Diaz-Canel, đương kim Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã được bầu làm Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Nhà nước, cơ quan quyền lực cao nhất ở Cộng hòa Cuba do Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba (PCC) Raul Castro làm Chủ tịch. Với vị trí mới, ông M. Diaz-Canel có thể thay thế vai trò của Chủ tịch R. Castro khi cần theo quy định của Hiến pháp Cuba.

Ông M. Diaz-Canel chào đời ngày 20-4-1960 tại tỉnh Villa Clara ở miền Trung Cuba, với tên khai sinh đầy đủ là Miguel Diaz-Canel Bermudez. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc Khoa Điện tử của Trường Đại học Khoa học thông tin (UCI) ở thủ đô Havana trong năm 1982, tân cử nhân M. Diaz-Canel phục vụ trong quân đội với quân hàm Trung úy.

Chủ tịch Raul Castro và tân Phó Chủ tịch M. Diaz Canel.

Sau 3 năm phục vụ tại Bộ Các lực lượng vũ trang Cách mạng Cuba trong vai trò sĩ quan truyền tin, tới đầu tháng 4-1985, Đại úy M. Diaz-Canel giải ngũ và chuyển sang giảng dạy ở Học viện Marta Abreu de Las Villas (UCLV). Đến năm 1987, sau một thời gian đảm nhiệm vai trò Cố vấn Giáo dục trong đoàn chuyên viên tình nguyện quốc tế sang giúp đỡ cách mạng Nicaragua, Giáo sư M. Diaz-Canel trở về nước rồi chuyển qua hoạt động chính trị.

Cũng trong năm 1987, Giáo sư M. Diaz-Canel được bầu làm Bí thư thứ Nhất Đoàn Thanh niên Cộng sản Cuba (UJC) của tỉnh Villa Clara quê hương. Đến tháng 10-1991, trong kỳ Đại hội IV của PCC ở thành phố Santiego de Cuba, đô thị lớn thứ 2 trên hòn đảo tự do, Bí thư tỉnh đoàn Villa Clara M. Diaz-Canel được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương PCC.

Tại Hội nghị lần thứ 2 khóa IV của PCC diễn ra năm 1993, M. Diaz-Canel, lúc ấy 33 tuổi, trở thành ủy viên trung ương chính thức trẻ nhất, rồi được bổ nhiệm làm Bí thư thứ Nhất tỉnh ủy Villa Clara. Thời gian này cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Roberto Robaina, ông đã khởi xướng phong trào của những nhà lãnh đạo trẻ tuổi tiên phong đạp xe đi làm, nêu gương tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, gây ấn tượng mạnh trong dân chúng.

Sau một thập niên lãnh đạo tỉnh nhà, đến giữa năm 2003 ông M. Diaz-Canel được bổ sung vào Bộ Chính trị PCC, rồi chuyển sang làm Bí thư thứ Nhất tỉnh ủy Holguin phía đông nam Cuba, cũng là địa bàn đông dân đứng hàng thứ 3 sau Havana và Santiego de Cuba. Bí thư M. Diaz-Canel đã có những quyết định cởi mở sáng suốt thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành du lịch Holguin, góp phần đưa tỉnh này trở thành địa phương có nguồn thu ngân sách hàng đầu đất nước.

Phó Chủ tịch thứ Nhất M. Diaz-Canel (hàng đầu bên phải) trongthành phần Hội đồng Nhà nước mới được bầu.

Gần 6 năm sau, M. Diaz-Canel được giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đại học, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thiết thực trên toàn quốc trong một hệ thống giáo dục hoàn toàn miễn phí. Tới cuối tháng 3-2012 ông rời Bộ Giáo dục để đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng theo đề nghị của Chủ tịch R. Castro.

“M. Diaz-Canel có mái tóc màu xám, thân hình cao ráo, luôn ăn vận chỉn chu với khiếu hài hước thiên bẩm; đồng thời cũng rất hoạt bát và ứng xử thông minh trước bất cứ ai chứng tỏ kinh nghiệm dày dạn của một nhà quản lý tầm cỡ”, phóng viên Pieter Smidt của hãng thông tấn lớn nhất nước Đức DPA thường trú lâu năm ở Havana nhận xét, nhân sự kiện ông M. Diaz-Canel được bầu làm “nhân vật số 2” hay “cánh tay phải” của người đứng đầu Nhà nước Cuba.

“Là một người kiên định với ý thức hệ đã chọn, M. Diaz-Canel xứng đáng đại diện cho thế hệ kế thừa tiếp bước các nhà cách mạng tiền bối trong việc tham gia lãnh đạo đất nước”, Chủ tịch R. Castro nhấn mạnh tại cuộc họp báo giới thiệu thành phần Hội đồng Nhà nước mới.

Trương Hùng - Quang Long (tổng hợp theo Prensa Latina)
.
.