Afghanistan:

Đệ nhất phu nhân Afghanistan muốn thoát khỏi những định kiến

Thứ Năm, 29/01/2015, 16:10
Bà Rula Ghani, đệ nhất phu nhân của Afghanistan, đã khiến người dân nước này và cộng đồng quốc tế biết đến ngày càng nhiều hơn qua nỗ lực trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Bà đã khiến người dân thay đổi cách nhìn về vai trò của người phụ nữ trong xã hội Afghanistan. Chủ động có cách nghĩ và cách làm riêng biệt, bà đã tạo ra những tín hiệu tích cực trong một xã hội mà vai trò và quyền lợi người phụ nữ vẫn còn bị xem nhẹ.

Phân phối hàng cứu trợ là một trong những dự án lớn đầu tiên bà Rula Ghani tiến hành nhằm giúp đỡ phần nào những người dân Afghanistan ở vùng sâu, vùng xa đang gặp nhiều khó khăn. Để đến được những vùng xa xôi này, đội  mang hàng cứu trợ đã phải trải qua nhiều ngày trên những con đường gồ ghề, dốc đá. Khi họ tới được ngôi trường cấp ba ở Ruyi Du Ab, tỉnh Samagan, hàng trăm người đã xếp hàng để nhận những thùng hàng cứu trợ thiết yếu như: bột mì, đường, gạo, dầu ăn, chăn màn...

Bà Ghani đã đưa hàng cứu trợ tới hàng ngàn gia đình ở các vùng có khí hậu khắc nghiệt. Bà muốn đóng góp vào cộng đồng nhiều hơn những đệ nhất phu nhân trước đó....

Bà Rula Ghani - Đệ nhất phu nhân Afghanistan.

Afghanistan là quốc gia được phân phối nhiều hàng cứu trợ của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức cứu trợ phương Tây. Hàng cứu trợ trị giá 2 triệu USD của Ghani là một phần trong gói cứu trợ 130 triệu USD mà Chính phủ Arập Xêút cung cấp cho Afghanistan trong chuyến thăm của Tổng thống Ashraf Ghani vào tháng 10/2014.

Việc phân phối hàng viện trợ của đệ nhất phu nhân là một cách thể hiện Chính phủ Afghanistan có thể có nhiều cách thức để phục vụ người dân hơn là hệ thống chính trị thuần túy. Tuy nhiên, nó cũng khiến bà gặp phải một số chỉ trích của những người bảo thủ. Bà cũng không giấu nhân thân gốc gác, sinh ra ở Liban của mình, những thứ mà những người đối lập có thể sử dụng  để chống lại Tổng thống.

Nhìn lại lịch sử Afghanistan, đệ nhất phu nhân cuối cùng có vai trò nổi bật trong công chúng là Nữ hoàng Soraya, vợ của Vua Amanullah Khan, người đã lãnh đạo Afghanistan từ năm 1919 đến 1929.

Bà Soraya hoạt động chính trị rất tích cực, là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và tham gia tích cực vào việc chống lại những hủ tục ràng buộc phụ nữ Afghanistan, bảo vệ sự tiến bộ của phụ nữ.

Bà Rula Ghani, người đã hoạt động từ thiện tích cực trước khi  ông Ghani được bầu làm Tổng thống, từng nói rằng phân phối hàng cứu trợ  là "một cơ hội không chỉ đến được với những người thực sự khó khăn mà còn cho chúng ta biết chính xác mình cần làm gì để giúp đỡ họ".

Nhưng bà Ghani không tham gia các chuyến đi cứu trợ vì điều đó khiến công tác an ninh thêm phần vất vả. Tuy vậy, bà vẫn theo dõi quá trình hoạt động của đội từ văn phòng ở Kabul.

Abdul Rahman, Hiệu trưởng Trường Shahid Abdul Aziz ở Ruyi Du Ab, là một đầu mối được nhận hàng cứu trợ nói rằng gói cứu trợ sẽ giúp các học sinh quay trở lại trường học vào mùa xuân. Hiện có hơn 100 em trong tổng số 800 học sinh của trường thường xuyên vắng mặt. Tỉ lệ mù chữ ở tỉnh Ruyi Du Ab lên tới 80%. "Khi bọn trẻ bước sang tuổi 12, hầu hết không đến trường mà đi đến Kabul lao động".

Người dân ở tỉnh Samangan chờ được cung cấp hàng cứu trợ.

Bộ Giáo dục từng cung cấp bánh quy miễn phí cho học sinh  nhằm khuyến khích chúng đến lớp. Song chương trình này cũng đã kết thúc cách đây 2 năm. Ông Abdul Rahman cũng đã rất vui khi đội cứu trợ của bà Ghani đến được ngôi trường này, nơi mà ông nói rằng "là một vùng rất khó tiếp cận".

Tuy nhiên, những nỗ lực của bà Ghani không phải lúc nào cũng  nhận được sự ủng hộ. Một nhà làm luật đã cho rằng bà Ghani là người có thành kiến dân tộc và ưu tiên người Pashtun. Tổ chức cứu trợ của bà Ghani đã gửi 2.000 lều bạt đến tỉnh Khowst, do người Pashtun, nhóm dân tộc chiếm phần đông dân số Afghanistan, kiểm soát. Và Tổng thống Ghani là người Pashtun.

Tuy nhiên, những nỗ lực của bà cho thấy mọi việc mới chỉ bắt đầu có những tín hiệu tích cực. Hy vọng rằng với sự ủng hộ của cộng đồng, bà Ghani sẽ tạo ra sự thay đổi thực sự trong cuộc sống của những người dân còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là phụ nữ.

Lương Lan (theo LA times)
.
.