Điều ít biết về dinh thự của Tổng thống Italia

Chủ Nhật, 15/02/2015, 21:35
Từ ngày 3/2 vừa qua, tân Tổng thống Italia Sergio Mattarella đã chuyển đến sinh sống và làm việc tại Cung điện Palazzo del Quirinale, một trong những tòa nhà nổi tiếng nhất đất nước hình chiếc ủng. Hiếm người bình thường nào biết được chi tiết về quần thể khu cung điện đồ sộ này.

Cung điện Palazzo del Quirinale được khánh thành  vào năm 1583 do đích thân Giáo hoàng Gregory XIII (1502-1585) ra lệnh xây dựng, để dùng làm nơi ở chính thức của Hội đồng Giám mục, cơ quan quyền lực cao nhất của Giáo hội Công giáo La Mã. Tòa cung điện Del Quirinale tọa lạc trên ngọn đồi mang tên thần Janus Quirinus, vị thần đầu tiên trong thần thoại La Mã, cũng là ngọn đồi cao nhất trong số 7 ngọn đồi hình thành kinh thành Rome, vốn nổi tiếng từ thế kỷ IV trước Công nguyên như là địa điểm biểu tượng cho quyền lực của đế chế La Mã, nổi danh qua câu ngạn ngữ tồn tại từ thời Trung cổ: "Mọi ngả đường đều đổ về Rome".

Mặt tiền cung điện Palazzo del Quirinale.

Quần thể Cung điện Palazzo del Quirinale rộng khoảng 110.500 m², bao gồm 4 dãy nhà cùng khu vườn rộng 40.000m², với 1.200 phòng ốc riêng biệt có các chức năng khác nhau. Đây là tòa cung điện lớn hàng thứ 6 trên thế giới, cũng là cung điện chính thức của các triều đại vua Italia kể từ năm 1870, còn từ năm 1946 đến nay trở thành Dinh Tổng thống nước Cộng hòa Italia. Để so sánh, toàn bộ khu phức hợp của Nhà Trắng, nơi ở và làm việc của Tổng thống Mỹ có quy mô nhỏ hơn 20 lần so với Cung điện Del Quirinale.

Một trong những điều gây ấn tượng là kiểu kiến trúc độc đáo của quần thể Cung điện De Quirinale, do kiến trúc sư huyền thoại người Italia Carlo Maderno (1556-1629) thiết kế, người được tôn vinh là "cha đẻ" của trường phái kiến trúc Baroque, cũng là vị kiến trúc sư của nhiều tòa nhà nổi danh khác như Vương cung Thánh đường St. Peter ở Vatican, Nhà thờ Sant'Andrea della Valle ở Rome, hay Đại chủng viện Santa Susanna trên đồi Quirinale...

Quần thể khu cung điện đồ sộ nhìn từ bên trong.

Ngoài ra, quần thể cung điện hùng vĩ này còn nổi tiếng với bộ sưu tập độc đáo các tác phẩm nghệ thuật, do các danh họa bậc thầy của phong cách hậu Baroque sáng tác như: Guido Reni (1575-1642), hay bức bích họa sơn dầu tuyệt mỹ  "Blessing Christ" (Chúa Kitô chúc phúc) của họa sĩ kiêm kiến trúc sư Melozzo da Forli (1438-1494)… Rồi tượng điêu khắc, thảm trang trí, phù điêu, đồ nội thất, đồ gốm sứ, đồng hồ tinh xảo... được bày biện khắp nơi.

Trái ngược với chủ trương triệt để tiết kệm của tân Tổng thống S. Mattarella, việc duy trì Cung điện Del Quirinale vốn hết sức tốn kém, lên tới 237 triệu euro mỗi năm. Trong khi Điện Elysée là Dinh Tổng thống Pháp chỉ vào khoảng 110 triệu euro/năm; còn cung Điện Buckingham nơi ở của Hoàng gia Anh là 60 triệu euro/năm.

Tân Tổng thống S. Mattarella (trái), mạn đàm cùng người tiền nhiệm G. Napolitano tại phòng Khánh tiết, cung điện Del Quirinale.

Trong năm tài khóa 2015, ngân sách Cung điện Del Quirinale dự trù nhiều khoản chi khác nhau, như 15 triệu euro để mua sắm trang thiết bị và cung ứng dịch vụ thiết yếu (văn phòng phẩm, hoa tươi…), 1,73 triệu euro tiền điện, 420.000 euro tiền nước, 750.000 euro tiền gas sưởi ấm và đun nấu, 15.000 euro thuê bao truyền hình cáp kỹ thuật số… Nhưng khoản chi lớn nhất trong ngân sách thường niên của Cung điện Del Quirinale là dành để trả lương cho đội ngũ nhân viên gồm 1.636 người với 113,81 triệu euro, trong đó 92,1 triệu euro là tiền lương hưu của những người đã nghỉ việc.

Tuy một phần quần thể khu cung điện đồ sộ được mở cửa cho du khách tham quan vào mỗi Chủ nhật hàng tuần (trừ ngày lễ và trong kỳ nghỉ hè), với giá vé vào cửa là 10 euro, giảm 50% cho người từ 18-25 tuổi, cũng như miễn phí cho người dưới 18 tuổi và trên 65 tuổi, nhưng chẳng thấm tháp vào đâu so với các khoản chi phí khổng lồ nêu trên. Giới chuyên gia kinh tế am hiểu đều đồng nhất với quan điểm, rằng vị chủ nhân mới của Cung điện Del Quirinale chắc chắn sẽ xem xét lại ngân sách đã được Quốc hội Italia phê duyệt nhằm duy trì đường lối "tiết kiệm là quốc sách" mà ông luôn theo đuổi.

Tuy nhiên, lịch sử của Cung điện Del Quirinale gắn liền với tên tuổi của 30 đức Giáo hoàng, 4 đời vua và 12 vị tổng thống của Italia, là những người sinh sống và làm việc ở đây khi tại nhiệm, trở thành tòa nhà - biểu tượng cho bộ mặt của cả quốc gia. Do vậy tân Tổng thống S. Mattarella phải xử sự sao cho thật khéo léo và tinh tế, nếu muốn cắt xén các khoản kinh phí dành cho nơi ông đang cư ngụ, nhằm tránh mang lại những hậu quả đáng tiếc về mặt xã hội.

Trần Hồng (tổng hợp)
.
.