Đưa người nghiện đi cai trước Tết

Thứ Hai, 15/12/2014, 19:45
Ngay khi được Quốc hội cho phép áp dụng các biện pháp trước mắt để có thể nhanh chóng đưa người nghiện vào các trung tâm; sau đó tiến hành cắt cơn, giải độc trong khi chờ Tòa án thực hiện các thủ tục cần thiết đưa người nghiện đi cai bắt buộc… Những ngày gần đây, TP HCM đang ráo riết tiến hành các bước chuẩn bị để có thể đưa người nghiện không nơi cư trú ổn định đi cắt cơn trước Tết Nguyên đán.

Ráo riết đưa người nghiện đi cắt cơn

Để Tết Nguyên đán năm nay người dân thành phố không còn phải nơm nớp lo âu khi chứng kiến cảnh người nghiện lên cơn vã thuốc, phê ma túy hay ngáo đá trong các khu dân cư. Những ngày gần đây, chính quyền TP HCM đã tiến hành một loạt các bước chuẩn bị cụ thể, chi tiết và đồng bộ. Sau khi quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án quản lý người nghiện ma túy trong thời gian chờ hoàn thiện thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn, ngày 10/11 vừa qua, với thành phần gồm Trưởng ban là Phó chủ tịch UBND thành phố Hứa Ngọc Thuận; các Phó trưởng ban gồm Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an thành phố và Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Trần Trung Dũng, các thành viên ban chỉ đạo gồm chủ tịch 24 quận, huyện và lãnh đạo các sở ngành. Để việc thực hiện thông suốt từ trên xuống dưới, các quận huyện cũng sẽ tiến hành thành lập ban chỉ đạo và hướng dẫn cấp phường xã, thị trấn thành lập ban chỉ đạo ở cơ sở.

Cảnh sát 113 bắt giữ đối tượng nghiện vi phạm pháp luật.
Tiếp đó, ngày 11/11, thành phố đã họp để triển khai công tác chuẩn bị tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn vào các trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội để thực hiện cắt cơn, giải độc. Tại cuộc họp này, người đứng đầu Ban chỉ đạo đã đặt mục tiêu sẽ hoàn tất việc "gom" người nghiện không nơi cư trú ổn định vào các trung tâm cắt cơn trước ngày 20 tết để người dân TP HCM đón tết trong bình yên; không còn phải bất an với mối họa sống chung với người nghiện. Bởi như đánh giá của Thành đoàn TP HCM, thực trạng tội phạm ma túy trong thanh thiếu niên ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng và tính chất nguy hiểm hơn. Không lo lắng sao được khi mà trong quá trình điều tra, triệt phá các băng nhóm tội phạm liên quan đến ma túy những năm gần đây, ngoài số lượng lớn các loại hung khí, Công an TP HCM cũng đã kịp thu giữ 28 khẩu súng quân dụng các loại. Mà số vũ khí này luôn kè kè trong tay các đối tượng sẵn sàng manh động chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ, thậm chí là trong cơn ngáo đá chúng có thể cướp đi sinh mạng của người khác.   
Cảnh sát 113 bắt giữ đối tượng nghiện vi phạm pháp luật.

Càng khẩn trương hơn, chỉ một ngày sau đó, ngày 12/11 TP HCM tiếp tục phát đi yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tổ chức lại Trung tâm Tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu và Trung tâm Giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân để làm nơi tiếp nhận các đối tượng vào cắt cơn. Thành phố cũng giao Sở Y tế ưu tiên tổ chức tập huấn ngay việc điều trị cắt cơn nghiện ma túy cho đội ngũ bác sĩ, y sĩ của các quận, huyện và hai trung tâm cai nghiện trên. Lực lượng Công an các quận, huyện, phường, xã, thị trấn tập trung truy quét, đấu tranh trấn áp, xử lý tội phạm và tệ nạn ma túy để đưa người nghiện vào các trung tâm. Các quận, huyện cũng có trách nhiệm phải nhanh chóng phối hợp với các đoàn thể ở địa phương tiến hành vận động người thân, gia đình và người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện. Như vậy đến thời điểm này công tác chuẩn bị của TP HCM cơ bản là đã ổn. Chỉ còn chờ hướng dẫn của Chính phủ trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội liên quan đến vấn đề này là có thể "nhấn nút" triển khai vận hành hệ thống một cách đồng bộ để ngăn chặn vấn nạn ma túy tàn phá giới trẻ. Càng không thể chần chừ thêm trước thực trạng tuổi phạm tội liên quan đến ma túy ngày càng trẻ, đối tượng tuổi từ 18 - 30 đã chiếm đến gần 65% trong số đối tượng vi phạm loại tội danh này.

"Gom" ngay người nghiện không nơi cư trú ổn định

Với mục tiêu trước mắt là tập trung quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, nên ngay khi lực lượng Công an và các tổ chức đoàn thể tại cơ sở kiểm tra, phát hiện người nghiện lang thang và lập biên bản, Chủ tịch xã, phường, thị trấn sẽ được phép ra quyết định để đưa ngay vào trung tâm tiếp nhận xã hội. Ở đây, người nghiện được điều trị cắt cơn, chăm sóc sức khỏe cho đến khi hoàn tất hồ sơ, thủ tục để tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Về quy trình xử lý, theo Sở LĐ-TB&XH, tại 2 trung tâm tiếp nhận người nghiện đến cắt cơn sẽ được bố trí các phòng chức năng phù hợp để TAND cấp quận, huyện tiếp xúc, thẩm vấn hoặc làm việc với người nghiện ma túy. Đồng thời nếu cần có thể mở phiên tòa lưu động tại chỗ, ra ngay phán quyết áp dụng biện pháp đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc. Áp dụng thủ tục xét xử rút gọn như vậy, thời gian giải quyết đưa người nghiện đi cai bắt buộc chỉ còn kéo dài từ 15 - 17 ngày, thay vì phải mất ít nhất nửa năm như trước đây. Về lý do phải ưu tiên tập trung vào đối tượng nghiện không có nơi cư trú ổn định để làm trước, như Thiếu tướng Phan Anh Minh từng nhiều lần khẳng định vì những đối tượng này đã không có nơi ở rõ ràng để quản lý, không nghề nghiệp ổn định, nên tiền đâu để mua ma túy sử dụng hàng ngày…?   

Thời gian cắt cơn được rút ngắn, nên chỉ cần 2 trung tâm tiếp nhận là Trung tâm Cai nghiện Bình Triệu và Trung tâm Giáo dục dạy nghề - giải quyết việc làm Nhị Xuân là đã có thể tiếp nhận hơn 1.000 người nghiện đến cắt cơn mỗi đợt. Do đó, ngay cả với người nghiện có nơi cư trú ổn định ở thành phố, nếu gia đình hoặc bản thân người nghiện có nguyện vọng cũng sẽ được các trung tâm trên sẵn sàng tiếp nhận. Với 16 cơ sở quản lý người nghiện cắt cơn và sau cai nghiện với lực lượng cán bộ nhân viên và đội ngũ y, bác sĩ lên tới 1.300 người. Các cơ sở cai nghiện này cũng đã có bề dày kinh nghiệm nhiều năm tổ chức tập trung đưa đi cắt cơn, cai nghiện bắt buộc và dạy nghề cho gần 20.500 người nghiện. Vào thời kỳ cao điểm trước đây, chỉ riêng các cơ sở quản lý người cắt cơn và sau cai của lực lượng thanh niên xung phong thành phố đã có đủ sức tiếp nhận cùng lúc tới 13.500 người. Trong khi đó hiện các cơ sở cai nghiện trên địa bàn chỉ còn quản lý cắt cơn và sau cai tập trung cho hơn 9.000 người. Như vậy việc đưa toàn bộ số người nghiện tại thành phố với con số đã nắm chắc là 19.000 người hay con số ước tính là 40.000 người tập trung cùng lúc vào hệ thống cơ sở cắt cơn, cai nghiện là việc TP HCM hoàn toàn có đủ khả năng.   
Chỉ một đối tượng ngáo đá quậy phá đã đủ gây náo loạn, bất an cho cả khu dân cư vào ban đêm.

"Gồng mình" để chặn hiểm họa từ người nghiện

Trong những năm triển khai việc tổ chức cắt cơn, cai nghiện tập trung cho người nghiện trước đây, lãnh đạo chính quyền TP HCM đã có câu nói gây ấn tượng với dư luận: Cùng cả nước, vì cả nước, TP HCM sẵn sàng "gồng mình" chi ngân sách cho việc cai nghiện tập trung. Dù bất kể người nghiện đó là người tỉnh, thành nào, nhưng hễ cứ phát hiện quả tang hút chích tại TP HCM là lập tức sẽ bị đưa vào các cơ sở cắt cơn, cai nghiện tập trung của thành phố ngay. Thực tế đã chứng minh điều này bởi trong số hơn 8.000 người nghiện từ các cơ sở cai nghiện của thành phố được đưa về địa phương cư trú để theo dõi, quản lý hỗ trợ sau cai… có hơn 2.500 người ở các tỉnh, thành khác chứ không phải là công dân của thành phố. Số liệu thống kê về người nghiện của thành phố cũng đã chứng minh rằng, giai đoạn 2009 - 2013, thời điểm TP HCM quyết liệt trong việc đưa người nghiện đi cắt cơn, cai nghiện tập trung hoặc bắt buộc cai nghiện tại cộng đồng, số vụ vi phạm pháp luật do người nghiện gây ra đã giảm đi 1,5 lần. Nhưng kể từ khi việc đưa người nghiện đi cai tập trung của TP HCM bị ách tắc, đã có đến 60% số vụ phạm pháp hình sự xảy ra tại TP HCM là do người nghiện gây án. Và dù đã được quản lý cắt cơn, cai nghiện tập trung trong thời gian dài, nhưng tỷ lệ người tái nghiện vẫn tăng hơn 2,4 lần trong khoảng thời gian này sau khi được trả về địa phương. Chính vì  vậy mà việc buộc người nghiện phải đi cắt cơn, cai nghiện tập trung để giảm hiểm họa người nghiện gây ra với cộng đồng là vấn đề được dư luận người dân đồng tình ủng hộ.

Tạm tính mức chi phí hàng tháng để phục vụ một người nghiện có thể yên tâm cắt cơn, cai nghiện tập trung sẽ vào khoảng 4 triệu đồng. Chỉ cần TP HCM huy động tổng lực để "gom" hết 60% trong số 19.000 người nghiện đã có hồ sơ quản lý hoặc được xác định chính xác là đã nghiện. Khi đó tổng số người nghiện không nơi cư trú ổn định được đưa vào các cơ sở sẽ là hơn 11.000 người. Số này đem nhân với khoản tiền ngân sách thành phố phải chi phí hàng tháng cho một người, sẽ vào khoảng 45 tỉ đồng mỗi tháng. Đem nhân tiếp với thời gian 1 năm, 2 năm, thậm chí là 3 năm để lo cho người nghiện đi cai bắt buộc, ngân sách phải chi cho các đối tượng cai nghiện là rất lớn. Nếu không có gì thay đổi, khoản chi này sẽ được đưa ra để các đại diện cử tri xem xét, quyết định tại kỳ họp HĐND thành phố vào trung tuần tháng 12 sắp tới.

Nhưng dù điều kiện kinh phí còn eo hẹp hiện nay, số tiền bỏ ra là không nhỏ song nó có thể cứu vãn tương lai cho cả chục ngàn người nghiện. Quý hơn cả là những đồng tiền này đã góp phần bảo đảm cuộc sống bình yên cho hàng triệu người dân thành phố. Nếu như trong vòng 5 năm, từ 2009 đến 2013, để triệt nguồn cung cấp sỉ, lẻ; ngăn ma túy lây lan trong xã hội, Công an TP HCM đã bắt giữ hơn 16.000 đối tượng liên quan đến hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ tổng cộng 66,3kg ma túy tổng hợp và hơn 53kg heroin. Nhưng chỉ trong 9 tháng đầu năm nay tại một điểm nóng là cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã có 7,7kg hêrôin, 13kg côcain, 4kg ma túy đá… tiếp tục được các lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ và nguồn này chủ yếu được tuồn vào thành phố để cung cấp cho người nghiện. Chính lượng ma túy khủng, tràn về thành phố này đã cho biết một điều, để chặn bão ma túy thành công, cần triệt cả nguồn cung lẫn nơi tiêu thụ cùng lúc. Đây cũng chính là yêu cầu cấp thiết nhằm kéo giảm tội phạm tại TP HCM cũng như các địa phương trên phạm vi cả nước hiện nay.

Thái Bảo
.
.