Iran có nữ đại sứ đầu tiên

Thứ Năm, 23/04/2015, 17:45
Dù chưa chính thức thông báo nhưng ai cũng biết rằng bà Marzieh Afkham chắc chắn sẽ là nữ đại sứ đầu tiên của Cộng hòa Hồi giáo Iran (tính từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979). Sự kiện đột phá này đánh dấu bước tiến mạnh mẽ trong vấn đề nữ quyền của Iran dưới thời ông Hassan Rouhani làm Tổng thống.

Thông tin sơ bộ từ Iran cho biết, bà Marzieh Afkham sẽ nhận nhiệm vụ tại một quốc gia Đông Á, có thể đó là một quốc gia thân thiện với Iran hoặc một quốc gia Hồi giáo ở Đông Nam Á, tùy thuộc sự điều động của Tổng thống Rouhani. Bà Afkham sẽ đóng vai trò cầu nối thông tin giữa Bộ Ngoại giao Iran và thế giới.

Một bộ mặt mới của Bộ Ngoại giao Iran trong giai đoạn nước này đang nỗ lực tăng cường sự hợp tác trở lại với thế giới trong tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân và tái thiết quan hệ nhiều mặt với phương Tây.

Bà Afkham nhận quyết định bổ nhiệm phát ngôn viên từ tay Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif, năm 2013.

Năm nay 50 tuổi, bà Marzieh Afkham được cho là người phụ nữ rất hợp với các nhà lãnh đạo thiên về cải cách như Rouhani.

Từng công tác 30 năm trong ngành ngoại giao, bà Afkham đã được giao nhiều vị trí, nhiệm vụ khác nhau, từ trợ lý Bộ trưởng, dưới thời Tổng thống cải cách Mohammad Khatami, cho đến vai trò người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của Bộ Ngoại giao trước khi bước lên những vị trí công tác cao hơn.

Cuối tháng 8/2013, Afkham được bổ nhiệm làm người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, trở thành nữ phát ngôn viên đầu tiên của Bộ này. Vụ bổ nhiệm này cũng được giới quan sát đánh giá là động thái "trả nợ" vì cho đến thời điểm đó dư luận quan tâm vấn đề nữ quyền ở Iran đã bắt đầu sốt ruột lên tiếng đòi hỏi ông Rouhani thực hiện các lời hứa lúc tranh cử của mình.

Afkham đã chứng tỏ mình chính là tiếng nói của Bộ Ngoại giao Iran ngay trong những ngày đầu tiên. Ngay hôm sau khi được bổ nhiệm, bà đã nổ phát pháo đầu tiên với phát biểu trước báo chí quốc tế phản bác một tuyên bố trước đó của Liên đoàn Arập rằng "Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào tháng 8/2013 ở khu vực ngoại ô Damascus", tuyên bố cáo buộc đó là không có cơ sở. Một phát ngôn thể hiện rõ quan điểm ủng hộ Syria của chính quyền Iran.

Việc Marzieh Afkham được chọn làm đại sứ của Iran ở nước ngoài đã khiến dư luận quan tâm đặc biệt. Đây không chỉ là vấn đề thực hiện lời hứa, mà còn là một bước tiến rõ nét nhất của Tổng thống Rouhani. Động thái này đã được đón nhận một cách tích cực từ Tổ chức Giám sát về quyền phụ nữ Iran, các tổ chức quốc tế cũng như dư luận trong nước và ở nước ngoài.

Thật ra thì Afkham chưa phải là phụ nữ Iran đầu tiên làm đại sứ Iran ở nước ngoài. Từ thời trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979, bà Mehrangiz Dolatshahi, người từng 3 lần làm nghị sĩ, nổi tiếng với chủ trương ban hành Luật bảo vệ gia đình, đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Iran tại Đan Mạch từ năm 1976. Sau bà này, một số phụ nữ khác cũng được bổ nhiệm vào các chức vụ nhà nước.

Khi lên nắm quyền năm 1997, ông Khatami đã "đền đáp" sự ủng hộ của nữ giới dành cho ông bằng việc bổ nhiệm bà Massoumeh Ebtekar làm Phó tổng thống phụ trách bảo vệ môi trường.

Phó Tổng thống Elham Aminzadeh

Ebtekar nổi tiếng trong báo giới Mỹ với biệt danh "Sơ Mary", được biết đến qua việc tham gia phong trào sinh viên Iran tấn công Đại sứ quán Mỹ và bắt cóc 52 con tin trong Cách mạng Hồi giáo 1979. Nhưng sau này bà lại quay sang ủng hộ ông Khatami chủ trương cải thiện quan hệ với nước Mỹ.

Sang thời Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, bà Marzieh Vahid Dastjerdi đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Y tế năm 2009, là nữ bộ trưởng đầu tiên của Iran. Tuy nhiên, không lâu sau đó, bà bị cách chức do bất đồng với Tổng thống Ahmadinejad xung quanh việc dự trữ thuốc men trọng yếu trong bối cảnh Iran bị cấm vận quốc tế.

Từ khi lên nắm quyền, ông Rouhani đã thể hiện quan điểm "mềm" hơn trong vấn đề bình đẳng giới ở Iran. Ông công khai chống lại việc tách riêng nam và nữ ở các trường đại học, hay như việc cấm phụ nữ tham gia các sự kiện thể thao lớn cùng với nam giới. Đối với những lời hứa liên quan đến quyền lợi phụ nữ thì ông chưa thực hiện được nhiều.

Đến thời điểm hiện tại, ông Rouhani mới chỉ bổ nhiệm một phụ nữ vào chức vụ cấp cao là bà Elham Aminzadeh, giữ chức Phó tổng thống phụ trách các vấn đề pháp lý. Trước đó, vào tháng 12-2013, một phụ nữ thuộc sắc tộc Baluchi, bà Samieh Balichzehi, cũng đã được bổ nhiệm làm Thị trưởng thành phố tỉnh lẻ Kalat.

Ở đất nước Iran, phụ nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới. Họ phải xin phép chồng hay cha để được đi ra nước ngoài. Họ không được tự do tham gia một số hoạt động xã hội, và bắt buộc phải đeo khăn trùm đầu khi xuất hiện ở nơi công cộng.

Mặc dù đã rất thoáng so với các xã hội phong kiến Hồi giáo trong khu vực, nhưng Iran vẫn còn khắt khe với phụ nữ. Phụ nữ chưa được tin tưởng trao cho những vị trí lãnh đạo trong bộ máy chính quyền, nhất là những vị trí cấp cao trong chính phủ.

Chính vì vậy, việc bà Afkham trở thành người đứng đầu một phái đoàn ngoại giao Iran ở nước ngoài có ý nghĩa rất lớn, góp phần nâng uy tín của Iran trên trường quốc tế. Việc Iran được Cơ quan Hội đồng Nữ quyền Liên Hiệp Quốc (UNWRB) bầu là một trong những thành viên lãnh đạo cách đây vài hôm là minh chứng cho những tiến bộ gần đây của Tehran về vấn đề này.

An Châu (tổng hợp)
.
.