Những thử thách chờ đợi tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett

Thứ Năm, 17/06/2021, 09:55
Ngày 13-6, Quốc hội Israel đã phê chuẩn chính phủ liên minh mới do lãnh đạo đảng Yamina, Naftali Bennett dẫn dắt, sau cuộc bỏ phiếu với kết quả 60 phiếu thuận, 59 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Bước thay đổi này đã chấm dứt 12 năm cầm quyền liên tục của cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Theo thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh của tân Thủ tướng Bennett và Chủ tịch đảng Yesh Atid là ông Yair Lapid, hai lãnh đạo này sẽ cùng nhau chia sẻ 4 năm làm Thủ tướng, trong đó ông Bennett đảm nhận 2 năm đầu nhiệm kỳ. Đây được coi là một chiến thắng với ông Bennett nhưng chính phủ mới của ông sẽ lập tức đối mặt với vô số vấn đề thử thách cần giải quyết từ đối nội tới đối ngoại.

Thử thách ở vấn đề đối ngoại

Trên mặt trận đối ngoại, ông Bennett đối mặt với 2 vấn đề chính.

Thứ nhất, đó là quyết định của Washington về Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Với sự thúc đẩy của ông Netanyahu, năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, hiện đương kim Tổng thống Joe Biden đang đàm phán để đưa Washington trở lại JCPOA và buộc Tehran tuân thủ những điều kiện đã cam kết năm 2015. Ông Netanyahu đặt câu hỏi: “Ai có thể nói không với ông Biden?”.

Sự tan rã chính phủ liên minh của cựu Thủ tướng Netanyahu dẫn tới giải pháp chính phủ mới của ông Bennett.

Rõ ràng, ông Bennett chưa thể chứng minh được tiếng nói, cũng như vị thế của một chính trị gia lão làng như người tiền nhiệm. Tuy nhiên, tân Thủ tướng Israel khẳng định sẽ phản đối việc Mỹ quay trở lại JCPOA, cho “hợp pháp hóa hành vi” của Iran là sai lầm. Theo đó, Israel sẽ duy trì quyền tự do hành động của mình trong vấn đề Iran. Ông nhấn mạnh điều này qua tuyên bố: “Israel không phải là một bên tham gia thỏa thuận hạt nhân và hoàn toàn tự do hành động”.

Thứ hai, quan trọng hơn là vấn đề hòa bình với người Palestine. Giới chuyên gia nhận định dưới chính quyền mới, căng thẳng Israel - Palestine thậm chí có thể trở nên gay gắt hơn. Mahmoud Dodeen, phó giáo sư luật tại Đại học Qatar, đánh giá tân Thủ tướng Israel có quan điểm cực đoan hơn về xung đột Israel - Palestine so với người tiền nhiệm.

Trong 12 năm cựu Thủ tướng Netanyahu cầm quyền, các cuộc đàm phán hòa bình không có tiến triển đáng kể, khi lãnh đạo mỗi bên đều cáo buộc bên kia gây cản trở tiến trình hòa đàm. Với nhiều người dân Palestine, việc thay thế ông Netanyahu không phải một bước tiến, bởi ông Bennett, người từng giữ chức Chánh văn phòng của cựu Thủ tướng Netanyahu, ủng hộ việc sáp nhập các khu vực Bờ Tây và mở rộng xây dựng những khu định cư cho người Do Thái. Ông hoàn toàn bác bỏ việc công nhận nhà nước Palestine.

Chính phủ mới tại Israel cần sự đồng lòng nhìn về một hướng của ông Bennett và ông Lapid cũng như lãnh đạo các đảng phái khác trong liên minh.

"Các chính sách của Israel sẽ không thay đổi nhiều vì một chính phủ liên minh mới lên nắm quyền", Hasan Awwad, chuyên gia về chính trị Palestine và Israel tại Đại học Bridgeport ở Connecticut, Mỹ, nhận xét.

Sau cuộc xung đột chết chóc kéo dài 11 ngày hồi tháng trước giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza, nhóm dân quân Hồi giáo này đã gia tăng đáng kể ảnh hưởng trong cộng đồng người Palestine ở Dải Gaza, trong khi tín nhiệm của chính quyền Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại khu Bờ Tây đang rơi xuống mức thấp nhất lịch sử.

"Chính quyền Palestine đã đánh mất tất cả các quân bài của mình, vì thế họ không còn lựa chọn nào khác là dựa vào Mỹ và cộng đồng quốc tế", Awwad cho hay. Chuyên gia này tỏ ra bi quan về mối quan hệ tương lai giữa Israel và Palestine, cho rằng tân Thủ tướng Bennett, trong nỗ lực kéo dài "tuổi thọ" của chính quyền mới, sẽ phải tìm mọi cách để xoa dịu những thành phần cực đoan nhất bên phía cánh hữu. Điều này có nghĩa các chính sách hiện nay của Israel vẫn sẽ được duy trì và nguy cơ xung đột quân sự bùng phát vẫn hiện hữu.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden mong muốn mở cửa lại Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Jerusalem, vốn đã đóng cửa dưới thời ông Donald Trump. Người Mỹ mong muốn sử dụng cơ sở này để duy trì quan hệ với người Palestine. Ông Netanyahu cũng khẳng định chính quyền ông Biden đã yêu cầu Israel “đóng băng” quá trình xây dựng các khu định cư tại Bờ Tây, cũng như mở rộng diện tích sinh sống của người Do Thái tại Jerusalem.

Trong bối cảnh đó, cựu Thủ tướng Israel nhấn mạnh: “Bên cạnh Iran, thách thức thứ hai mà chúng ta phải đối mặt là ngăn chặn việc thành lập một nhà nước Palestine có thể đe dọa sự tồn tại của chúng ta. Chính quyền mới của Mỹ hiện đang triển khai một số nỗ lực theo hướng này”.

Thủ tướng Naftali Bennett sẽ phải sớm quyết định xem có nên cho phép Qatar và Hamas thực hiện các giao dịch tài chính hay không, nhất là khi lực lượng này đe dọa sẽ tiếp tục tấn công bằng tên lửa nếu yêu cầu không được đáp ứng.

Những thách thức trong đối nội

Ngoài 2 vấn đề chính trong chính sách đối ngoại, ông Bennett cũng gặp 2 thách thức lớn trong vấn đề đối nội.

Ông Bennett phát biểu trước Quốc hội Israel.

Đầu tiên là những biện pháp vực lại nền kinh tế đang suy thoái. Vừa qua, Bộ Du lịch Israel đã công bố kế hoạch tái thu hút nguồn du khách nước ngoài nhằm khôi phục nền kinh tế bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Lượng du khách nước ngoài tới Israel trong năm 2020 giảm 81% và khoảng 1/3 khách sạn hiện vẫn phải đóng cửa, hàng trăm nghìn lao động Israel phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu này.

Trung tâm Nghiên cứu chính sách xã hội Taub của Israel đánh giá dịch COVID-19 sẽ tiếp tục có ảnh hưởng lớn trong thời gian dài tại Israel, trong đó tỷ lệ nghèo đói đang ngày càng gia tăng. Theo một báo cáo của Taub, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Israel trong năm 2020 sụt giảm tới 4,5-5%, khiến nền kinh tế nước này thụt lùi khoảng 6 năm. Ngân hàng Trung ương Israel đánh giá thâm hụt ngân sách năm 2020 vượt qua con số 13% GDP, so với mức 3,7% trong năm 2019. Báo cáo này cũng cho hay, "suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao do dịch COVID-19 có ảnh hưởng tiêu cực tới thu nhập của hàng trăm nghìn hộ gia đình trong nhiều tháng liên tục. Nạn nhân chủ yếu là những người khó tìm việc làm, trong khi hầu như không nhận được hỗ trợ và không có các khoản tiền để dành, đặc biệt là các lao động trẻ và những người gần đến tuổi nghỉ hưu”.

Xung đột với Palestine cần được ông Bennett giải quyết thấu đáo.

Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trung bình năm 2020 tại Israel là 15-20%, cao nhất là 22% hồi tháng 4, so với mức 3,4% tại thời điểm cuối năm 2019. Bộ Tài chính Israel ước tính sẽ giảm tỉ lệ thất nghiệp xuống 7,2-10,2% sau một năm nữa và sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.

Trong khi đó, Viện Bảo hiểm quốc gia đánh giá tỷ lệ nghèo đói đã tăng thêm 8%, lên mức 14%. Chính phủ đã phải chi khoảng 50 tỷ shekel (hơn 15,5 tỷ USD) cho các chương trình phúc lợi xã hội và trợ cấp thất nghiệp. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, 21% hộ gia đình tại Israel đã phải cắt giảm thực phẩm tiêu thụ hằng ngày. Tỷ lệ này tại các cộng đồng Arab là 33%.

Vấn đề thứ hai mà ông Bennett phải đối mặt là những bất ổn chính trị nội bộ. Theo thỏa thuận thành lập chính phủ mới, ông Naftali Bennett sẽ làm thủ tướng luân phiên trong chính phủ liên kết cho đến tháng 8-2023, sau đó chuyển giao cho Chủ tịch đảng Yesh Atid, ông Yair Lapid trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

Chính phủ “thay đổi” dựa trên liên minh 8 đảng trong Quốc hội Israel gồm Yesh Atid (đang giữ 17 ghế), Xanh và Trắng (8 ghế), Yisrael Beytenu (7 ghế), Lao động (7 ghế), Yamina (6 trong số 7 ghế), Hy vọng mới (6 ghế), Meretz (6 ghế) và Ra'am (6 ghế).

Nhưng, chính bản thân ông Netanyahu đã nếm trải những bất ổn chính trị những năm gần đây ở Israel với giải pháp thủ tướng luân phiên. Tính cả cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 3-2021 vừa qua, trong vòng 2 năm đất nước này đã diễn ra 4 cuộc bầu cử; 3 cuộc bầu cử trước đó đều không dẫn đến ông Netanyahu (đảng Likud) hay ông Gantz (lãnh đạo đảng Xanh-Trắng) hội đủ ít nhất 61 ghế trong quốc hội để thành lập chính phủ.

Thế bế tắc chỉ chấm dứt vào tháng 5-2020. Theo thỏa thuận thành lập chính phủ thống nhất giữa Likud và Xanh-Trắng khi ấy, ông Netanyahu sẽ đảm nhận vị trí thủ tướng chính phủ trước trong thời hạn 18 tháng, cho tới tháng 10-2021, là thủ tướng nắm quyền lâu nhất kể từ khi nhà nước Israel được thành lập năm 1948 đến nay. Sau đó ông Gantz sẽ tiếp quản chức vụ này trong 18 tháng tiếp theo. Thế nhưng, tháng 12-2020, mâu thuẫn giữa hai đảng cùng hai lãnh đạo trong các chính sách điều hành đất nước khiến cho chính phủ liên minh thành lập khi ấy tan rã.

Nền kinh tế Israel cần sớm có chính sách phục hồi.

Dù hầu hết người Israel bỏ phiếu cho các đảng phái chống lại ông Netanyahu nhưng chính phủ mới lại chỉ được thông qua với cách biệt vỏn vẹn 1 phiếu tại quốc hội. Một liên minh cầm quyền đa dạng về thành phần, từ cực hữu đến tả, từ Do Thái đến Arab, vì vậy đoàn kết sẽ là bài toán không hề đơn giản.

Người xưa có câu: “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”. Song, trong trường hợp này, liệu “đi cùng nhau” có giúp chính phủ liên minh của Thủ tướng Israel Naftali Bennett “đi xa” được hay không, chỉ thời gian mới có thể trả lời.

Đỗ Tiến
.
.