Thủ tướng New Zealand với “vai trò kép”: Làm mẹ và làm thủ tướng

Thứ Hai, 13/08/2018, 16:48
Ngày 6-8 vừa qua, nữ thủ tướng trẻ nhất thế giới của New Zealand - Jacinda Ardern - đã có ngày làm việc đầu tiên sau 6 tuần nghỉ phép sinh con. Dư luận một lần nữa xôn xao với những vấn đề mới liên quan đến việc bà đảm đương cùng lúc hai vai trò: một của người phụ nữ nuôi con nhỏ và một của người phụ nữ đứng đầu chính phủ. Ardern hạ quyết tâm sẽ làm được cả hai một cách tự nhiên nhất.

Để chuẩn bị cho ngày làm việc đầu tiên sau khi sinh con, chiều Thứ bảy ngày 4-8, nữ Thủ tướng Jacinda Ardern cùng người bạn đời (không phải chồng) Clarke Gayford và con gái mới sinh tên Neve Te Aroha Ardern Gayford (Neve trong tiếng Ailen có nghĩa là “Rực rỡ”, còn Te Aroha trong tiếng bản xứ New Zealand có nghĩa là “Tình yêu”) xuống sân bay Wellington trong sự chào đón của hàng trăm người ủng hộ.

Rất đông phóng viên trong và ngoài nước cũng chờ ở đó để phỏng vấn nữ thủ tướng. Vấn đề được họ quan tâm đặt câu hỏi nhiều nhất chính là việc bà đảm đương cùng lúc hai vai trò, vừa làm mẹ, vừa làm thủ tướng. Cả hai vai trò này đều đòi hỏi ở người phụ nữ rất nhiều công sức và thời gian.

Cựu Thủ tướng Helen Clark, người thầy dẫn dắt cho Jacinda Ardern.

Trả lời câu hỏi của báo chí, bà Ardern tuyên bố cảm thấy “rất may mắn” và được ân huệ lớn khi đảm đương cả hai vai trò này cùng lúc. Bà khẳng định sẽ cố gắng thực hiện tốt nhất vai trò của mình, một cách bình thường, tự nhiên như bao phụ nữ khác trong xã hội. Ardern thẳng thắn bà không phải là người đầu tiên và duy nhất ở New Zealand vừa làm mẹ, vừa đi làm việc. Bà cho biết có hàng ngàn phụ nữ đảm đương “vai trò kép” như bà.

Khi Ardern sinh con vào ngày 21-6 vừa qua, cựu nữ Thủ tướng Helen Clark - người thầy dẫn dắt cho Ardern - đã phấn khích viết một bài báo đăng trên tờ the Guardian của Anh, trong đó nhấn mạnh: “Jacinda Ardern cho thấy không cánh cửa nào khép lại với phụ nữ”, ám chỉ “phụ nữ ngày nay có cơ hội làm mọi thứ họ muốn”. Ardern đồng ý với nhận định này nhưng nói thêm rằng mình vẫn phải có trách nhiệm tạo sự cân bằng trong vấn đề quyền lợi của phụ nữ trong xã hội và xác định “phía sau mỗi cánh cửa mở ra đều có tội lỗi”.

Ardern lập luận, phụ nữ ở mọi tầng lớp xã hội đều cảm thấy áy náy khi quá chú trọng vào vai trò này thì buộc phải hy sinh một chút ở vai trò kia. Ardern bày tỏ mong ước một ngày nào đó “phụ nữ có nhiều lựa chọn hơn và sẽ cảm thấy hài lòng khi làm hết khả năng của mình, cả ở nơi làm việc và ở gia đình”.

Ardern nói bà ý thức được sự quan tâm rất lớn của dư luận quốc tế xung quanh việc bà làm mẹ trong khi vẫn đảm đương cương vị thủ tướng, có lẽ do trường hợp của bà còn khá hiếm hoi trên thế giới hiện nay, là nữ thủ tướng thứ hai trên thế giới sinh con khi đương chức (người thứ nhất là cố Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto), và hy vọng một ngày nào đó, trường hợp của bà sẽ trở thành một “chuyện bình thường”.

Ardern cho biết, trong giai đoạn trước mắt, khi em bé mới sinh Neve cần bú sữa mẹ và bà sẵn sàng để thực hiện thiên chức làm mẹ. Như vậy thì bé Neve sẽ xuất hiện trước công chúng nhiều hơn và điều này bà Ardern không mong muốn vì bà cho rằng con gái bé bỏng cũng cần có sự riêng tư nhất định.

Jacinda Ardern và Clarke Gayford cùng em bé mới sinh Neve tại nhà riêng ở thành phố Aucland.

Bé Neve vẫn sẽ theo mẹ đến công sở, cả nhà vẫn ở bên nhau ngay trong dinh thủ tướng, kể cả những khi phải đến hội trường quốc hội. Trong những trường hợp này, ông Gayford sẽ đi theo để bế con trong khi bà Ardern làm việc và Ardern cho biết, bà sẽ yêu cầu báo chí hạn chế việc chụp ảnh em bé.

Trong lúc bà Ardern bận lo việc nước và không thể mang con theo thì người bạn đời Gayford sẽ “ở nhà” trực tiếp chăm sóc cho bé gái Neve. Khá nhiều phóng viên báo chí đặt câu hỏi mang tính tò mò về việc ông Gayford lại ở nhà chăm con; liệu ông sắm vai trò làm cha hay chỉ là “vú em” cho con gái của nữ thủ tướng? Đây là vấn đề tế nhị nhưng với bà Ardern thì có vẻ như chẳng có “việc gì lớn lao” khi ông Gayford ở nhà chăm con.

Thực ra, việc người cha nghỉ làm việc ở nhà chăm con hiện nay, giống như trường hợp ông Gayford, không còn là chuyện hiếm trên thế giới. Ngày càng nhiều quốc gia đang áp dụng chính sách “nghỉ hộ sản” dành cho nam giới, để người chồng có điều kiện hỗ trợ cho vợ trong thời gian sinh con và nuôi con nhỏ. Ở Australia, người chồng, người bạn đời (không phải chồng) được nghỉ phép hưởng nguyên lương 2 tuần trong thời gian vợ, bạn gái sinh con (chiếm 4-5% gia đình ở Australia).

Ở New Zealand, người làm bố cũng được nghỉ phép 2 tuần nhưng không hưởng lương và có khoảng 4% ông bố ở nước này chấp nhận nghỉ ở nhà chăm con cho vợ đi làm. Ở Anh, từ năm 2015 đã áp dụng chính sách cho cặp vợ chồng được thay phiên nhau nghỉ phép (mỗi đợt 2 tuần) để chăm con nhỏ, tổng thời gian được nghỉ là 50 tuần, trong đó có 37 tuần được hưởng lương. Tỉ lệ các cặp vợ chồng thực hiện chính sách này là 2%.

Vậy tại sao có quá ít cặp vợ chồng chọn chính sách “người bố nghỉ phép chăm con”? Vấn đề tài chính căng thẳng chắc chắn là yếu tố quan trọng nhất, kế đến là truyền thống văn hóa dân tộc, trong đó người chồng, người cha là trụ cột gánh vác gia đình, người vợ ở nhà chăm con vẫn còn ăn sâu ở nhiều nơi trên thế giới.

Trong bối cảnh thế giới ngày nay đang quá thiếu những đột phá trong vấn đề quyền lợi phụ nữ và gia đình thì việc nữ Thủ tướng Ardern không ngại việc đảm đương “vai trò kép” để khuyến khích, cổ vũ cho quyền lợi phụ nữ trong xã hội đã đưa bà trở thành một biểu tượng tươi mới, một “người hùng” mới cho lực lượng chính trị cánh tả ở New Zealand và cả thế giới.

Bên cạnh “biểu tượng Ardern”, Gayford cũng xứng đáng để tôn vinh trong vai trò “người bố chăm con”.

An Châu (tổng hợp)
.
.