Hé lộ kỹ thuật xây dựng di sản Angkor Wat, Campuchia

Thứ Ba, 17/04/2018, 11:22
Toàn thể khối cấu trúc Angkor Wat là một tuyệt tác kiến trúc tượng trưng cho núi Meru linh thiêng trong thần thoại học của Ấn Độ giáo, hoặc là đỉnh Tu Di của Phật giáo, mà đối thủ của ngọn núi này là ngọn Olympus trong thần thoại Hy Lạp. Các thống kê về cách thức xây dựng và sáng tạo ra Angkor Wat đều khiến hậu thế đi từ bất ngờ này sang ngạc nhiên khác.

Là một minh họa diệu kỳ của kiến trúc Khmer cổ điển, mà lần đầu tiên nó được phát hiện bởi các nhà lữ hành Tây dương trong suốt thế kỷ 16, 17, kể từ khi đó, quần thể đền tháp Angkor Wat đã trở thành nguồn cảm hứng của chinh phục và ấn tượng.

Kỹ thuật xây đá không dùng vữa

Buổi ban đầu, đền Angkor được xây dựng như một kiểu đền Ấn Độ giáo để tôn thờ Tỳ Thấp Nô tức vị thần bảo hộ cho đế quốc Khmer, nhưng vào cuối thế kỷ 12, nó đã được biến đổi hoàn toàn thành một ngôi chùa Phật vĩ đại (Đại Phật Tự).

Trong thế kỷ 12, các kiến trúc sư lỗi lạc người Khmer đã rất am hiểu kỹ thuật dùng sa thạch để xây dựng hơn là sử dụng các vật liệu thông thường như gạch hoặc đá ong. Những khối sa thạch rắn chắc có thể được quan sát bằng mắt thường tại nhiều khu vực của thánh địa. Đá ong đã không được sử dụng như một vật liệu xây dựng chủ yếu và thường dùng để dựng những phần không quan trọng như các cấu trúc bí mật hay tường thành ngoài của kỳ quan kiến trúc.

Có không ít câu hỏi đầy hồ nghi xoay quanh việc phải có hoặc không về một vật liệu nào đó dùng để kết dính chặt 2 loại vật liệu khác biệt với nhau. Các loại nhựa thiên nhiên và vôi tôi là 2 trong số nhiều câu trả lời nghe ra có vẻ chấp nhận được.

Tuy nhiên, gần như chắc chắn là mọi người đều đồng ý rằng Angkor Wat là “minh họa cổ điển hoàn hảo”, theo cách nói của nhà bảo tồn Maurice Glaize vào giữa thế kỷ 20. Theo cách nói của Maurice Glaize thì: “Angkor Wat là một tác phẩm của quyền lực, thống nhất và phong cách”.

Chúng ta đã không ít sửng sốt khi đặt câu hỏi rằng thế nào để xây dựng nên đại kim tự tháp Giza và cũng câu hỏi tương tự như thế rằng làm thế nào mà các kiến trúc sư của Khmer cổ đại đã xây dựng nên Angkor Wat. Có độ mềm mại, trơn láng như phiến cẩm thạch được đánh bóng, những viên đá dựng nên Angkor đã nằm khít với nhau mà không hề dùng đến bất kỳ miếng vữa nào.

Các khớp nối giữa những phiến đá tỏ ra khít khao đến nỗi đôi khi không ai có thể nhận ra. Các khối đá thường liên kết với nhau thông qua mối nối mộng và gia cố trong suốt quá trình xây dựng.

Các kiến trúc sư Khmer cổ đại cũng dùng kỹ thuật mộng đuôi én và trọng lực. Hầu hết các học giả đã chỉ ra rằng, phần lớn các khối đá đều có những cái lỗ đường kính 2,4cm và sâu 3cm bên trong.

Một số học giả tuyên bố rằng rất có khả năng người thợ xa xưa đã luồn các thanh sắt để gia cố giữa các khối đá với nhau. Số học giả khác lại cho rằng có thể thợ xưa đã dùng những cái chốt sắt để gia cố tạm thời các viên đá vào đúng vị trí.

Vẻ đẹp hùng vĩ của phế tích Angkor Wat ở Campuchia.

Những bằng chứng khảo cổ học ấn tượng

Có một thực tế ấn tượng rằng Angkor Wat đã sử dụng ít nhất 5 hay khoảng 10 triệu khối sa thạch. Trọng lượng mỗi khối khoảng 1,5 tấn. Những con số này tự chúng đã nói lên chính bản thân chúng, có nghĩa là toàn bộ đô thị cổ đại Angkor đã dùng lượng đá xây dựng nhiều hơn tất cả các kim tự tháp ở Ai Cập gộp lại.

Chưa hết, khu phế tích đền tháp này còn tọa lạc trên một thửa đất còn lớn hơn thủ đô Paris hiện đại ngày nay. Xa hơn, nếu các kim tự tháp của Ai Cập thường xuyên dùng mỏ đá vôi nằm gần kế các công trình xây dựng kim tự tháp, thì toàn thể đền tháp Angkor lại dùng sa thạch tại các mỏ đá ở các rặng núi xa. Nguồn tài nguyên sa thạch đã được vận chuyển từ các mỏ đá nằm tận núi Kulen, cách Angkor tới 25 dặm đường về hướng đông bắc.

Có một vài giả thuyết nhằm hướng đến việc trả lời rằng làm thế nào sa thạch được chuyển từ núi Kulen về đô thị Angkor. Trong đó, một đề xuất nói rằng có một tuyến đường dài 22 dặm chạy xuyên qua con kênh đào tiếp giáp hồ Tonlé Sap. Từ đây, đá sẽ được vận chuyển qua hồ đi thêm 22 dặm nữa và cuối cùng đi thêm 9 dặm để vượt sông Siem Reap. Tổng cộng, tuyến đường này dài tới 56 dặm.

Một giả thuyết khác của 2 học giả người Nhật Bản là Etsuo Uchida và Ichita Shimoda đã chỉ ra một con kênh đào dài 22 dặm kết nối giữa núi Kulen và Angkor Wat. Khám phá về tuyến đường mới này là có khả thi thông qua việc sử dụng kỹ thuật quét vệ tinh, và 2 học giả Nhật đã khẳng định rằng đây là tuyến đường hợp lý hơn để mang sa thạch xây dựng đến công trường.

Và một trong những tình tiết hấp dẫn đáng quan tâm là tất cả các mặt tiền, trụ cột, rầm cửa và mái nhà dùng để khắc họa nên Angkor Wat. Khu phế tích này với hàng dặm các hình họa phù điêu mô tả sống động những hình ảnh được tìm thấy trong văn học Ấn Độ cổ đại. Một con mắt dị thường có thể được nhìn thấy ở hầu hết trên những hình tượng sinh vật huyền bí như kỳ lân, điểu sư hay con rồng có cánh đẩy các cỗ xe.

Những minh họa ấn tượng khác đã chỉ ra cảnh các chiến binh đi sau một tướng lĩnh cưỡi voi hay những cô gái thiên thần nhảy múa trong các suối tóc tô điểm kiểu cách.

Các chuyên gia như Roger Hopkins và Mark Lehner cũng tiến hành các thử nghiệm nhằm minh họa cho các nỗ lực của họ về công tác xây dựng tổng thể Angkor Wat. Một trong những thử nghiệm được tiến hành đã cho thấy phải cần đến 12 nhân công mỏ đá và khoảng 22 ngày làm việc cật lực để khai thác được 400 tấn sa thạch.

Tiếp đó, để vận chuyển đá từ mỏ ở núi Kulen về công trường xây dựng thì phải cần đến sự tham gia của hàng ngàn người. Những kỹ thuật dùng để khắc phù điêu đã được phát triển vài trăm năm trước khi tiến hành xây dựng đại kiến trúc Angkor Wat, đôi khi còn tìm thấy những hiện vật nhân tạo có niên đại từ thế kỷ thứ 7, nghĩa là trước thời kỳ hoàng kim của đế quốc Khmer. Nếu vào năm 1993 chỉ có không đầy 8.000 du khách viếng thăm Angkor Wat, thì chỉ trong vòng 1 thập kỷ, con số này đã tăng chóng mặt.

Theo nguồn tin từ Chính phủ Campuchia, từ năm 2012, du khách đổ về tỉnh Siem Reap để tham quan Angkor Wat đã cán mốc 2 triệu người.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.