Nỗi lo AI không còn là ảo ảnh

Thứ Tư, 30/10/2019, 11:20
Sự xuất hiện của những thế hệ robot và ứng dụng AI vào quân sự có thể khiến hậu quả từ các xung đột hay chiến tranh trở nên vô cùng thảm khốc.

Trang Thedailybeast mới đây đã đưa ra những cảnh báo về sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI) trong thời gian gần đây. Không còn là ảo ảnh trong các bộ phim Hollywood, viễn cảnh AI dần thay thế con người trong các hoạt động sản xuất ngày càng rõ rệt, dẫn tới bùng nổ thất nghiệp trong nhiều lĩnh vực, cũng như đe dọa quyền tự do khi cuộc sống cá nhân đứng trước nguy cơ bị giám sát liên tục bởi chính các sản phẩm từ AI.

Nghiêm trọng hơn, sự xuất hiện của những thế hệ robot và ứng dụng AI vào quân sự có thể khiến hậu quả từ các xung đột hay chiến tranh trở nên vô cùng thảm khốc.

Nguy cơ mất việc

Viễn cảnh AI "cướp" việc của con người hoàn toàn có thể thành hiện thực khi AI chi phối robot, cho phép hệ thống máy móc thống trị lĩnh vực tự động hóa, tiến hành các chuỗi thao tác lặp lại tạo ra năng suất cao vượt trội hơn rất nhiều.

AI dần thay thế con người trong các hoạt động sản xuất ngày càng rõ rệt, dẫn tới viễn cảnh bùng nổ thất nghiệp trong nhiều lĩnh vực.

Điển hình như việc "ông lớn" thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba vừa giới thiệu một công cụ AI cho phép tạo nên khoảng 20.000 mẩu quảng cáo thông minh mỗi giây chỉ cần một nút bấm. Tập đoàn còn nung nấu ý định toàn cầu hóa AI này, tiến sâu vào các thị trường tiềm năng bằng AI mà không cần đến sự xuất hiện quá nhiều của con người.

Trong khi đó, báo cáo tháng 10 của Nhà Trắng nhận định AI sẽ khiến hàng triệu người Mỹ thất nghiệp trong những năm tới. Tỉ lệ tự động hóa ở nhiều công ty/tổ chức trên thế giới có thể đạt 90%, khiến nhiều người hoài nghi về tương lai AI tạo nên "cơn bão" thất nghiệp nhờ khả năng làm việc không mệt mỏi.

AI tác động mạnh nhất đến lớp công nhân trình độ thấp, khiến khoảng cách giàu - nghèo ngày càng gia tăng. Báo cáo Nhà Trắng cũng tiết lộ đến 47% công việc sẽ chịu kiểm soát của robot thông minh trong ít nhất 5 năm tới, và AI có thể gây sức ép giảm lương và tác động lên sự bất bình đẳng.

Dù nhiều ý kiến ủng hộ việc AI có thể tạo ra những việc làm mới, thế nhưng lo ngại về sa thải hàng loạt vẫn còn đó, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến môi giới, ngân hàng, phân tích tài chính, giao thông hay dịch vụ. Ngoài ra, không dễ để nhận được các công việc mới liên quan đến AI vì cần có hiểu biết và kỹ năng thực sự thuần thục để thích nghi với sự vận hành của hệ thống máy móc thông minh.

Giám sát kiểu mới

Khi AI trở thành xu thế thịnh hành của kỷ nguyên công nghệ 4.0, văn phòng làm việc sẽ vắng bóng con người, và thay vào đó là những loại máy móc thông minh làm nhiệm vụ giám sát hàng ngày. "Ông lớn" bảo hiểm MetLife áp dụng AI theo dõi thái độ nhân viên trong các hoạt động giao dịch, từ đó phát ra các cảnh báo theo từng tình huống và thêm đánh giá nhắc nhở vào bảng giám sát của cấp trên.

Một số công ty khác như Amazon và IBM còn sử dụng thuật toán theo dõi năng suất nhân viên với tỷ lệ được tuyên bố lên đến 96%, rồi chính AI sẽ hỗ trợ đưa ra quyết định sa thải.

Tại Trung Quốc, AI thậm chí được thử nghiệm để giám sát mọi người liên tục trong ngày thông qua công nghệ nhận diện gương mặt. Hiện quốc gia này cho lắp đặt khoảng 200 triệu máy quay công cộng, cho phép lưu trữ hình ảnh và truy xuất dữ liệu khi cần thiết.

Vậy nhưng, đa số ý kiến cho rằng, ứng dụng AI kiểu MetLife hay Trung Quốc đang dần biến con người thành "nô lệ" dưới tầm kiểm soát của máy móc. Nhận dạng khuôn mặt có thể xâm phạm quyền riêng tư cá nhân ở một mức độ nhất định, đặt ra câu hỏi về cân bằng lợi ích cá nhân và xã hội.

Trong khi đó, AI giám sát nhân viên gây nên nhiều tranh cãi khi hệ thống máy móc vô cảm, không hiểu tâm tư của nhân viên nên không thể đưa ra quyết định chính xác. Một số ý kiến coi "sếp" AI như một hình thức tra tấn thời đại mới, nhấn mạnh xung đột có thể phát sinh khi quản lý nhân sự bằng thuật toán. Chưa hết, nhiều công ty hứng chỉ trích khi hệ thống tính lương dựa trên giám sát của AI còn thiếu minh bạch.

Mối họa chiến tranh

AI không chỉ ảnh hưởng đến việc làm mà còn được dự báo sẽ khiến chiến tranh trở nên nguy hiểm hơn nếu bị vũ khí hóa. Thế hệ mới của vũ khí tự động được phát triển dựa trên AI (hay robot sát thủ) có thể trở thành cỗ máy giết người hàng loạt, dễ bị quân khủng bố thao túng để sát hại dân thường.

Ngoài ra, AI đang châm ngòi cho một cuộc chạy đua quân sự khi khoảng 50 quốc gia hiện đang nghiên cứu các robot chiến trường, làm dấy lên lo ngại AI bị đưa vào guồng máy chiến tranh nhằm chế tạo các hệ thống tự hành tinh vi đủ khả năng tự học và tự thực hiện nhiệm vụ.

Động thái này khiến AI dần bộc lộ những mối đe dọa còn nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân, có thể dẫn tới Thế chiến thứ 3. Thậm chí, một nghiên cứu đã chỉ ra AI sẽ châm ngòi một cuộc chiến hạt nhân vào đầu năm 2040 và dẫn đến "ngày tận thế AI". Theo đó, AI có khả năng phát đi một cảnh báo giả, thúc giục các quốc gia tham chiếm nhằm giành lợi thế, ngay cả khi họ không hề có ý định thực hiện.

Trong bối cảnh này, nhiều tổ chức đã lên tiếng kêu gọi chính phủ các cường quốc chấm dứt phát triển robot sát thủ, hay ứng dụng AI vào quân sự, cảnh báo chiến tranh AI nổ ra đồng nghĩa với sự tuyệt diệt của loài người.

Rõ ràng, việc AI đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội là không thể tránh khỏi. Sự tiến bộ của AI tạo nên những cỗ máy với khả năng học hỏi, phán đoán và hành động được nâng cấp từng ngày.

Nhiều chuyên gia lo ngại, sự phụ thuộc gia tăng vào AI có thể dẫn đến những sai lầm, giống như nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking từng nhận định AI ra đời đánh dấu sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử nền văn minh. Vì vậy, để tránh những thảm họa tương lai, thế giới cần tìm cách kiểm soát sự phát triển của AI trước khi máy móc thống trị lại chính người tạo ra chúng.

Lê Nam
.
.