Crimea - vùng đất cổ tích

Thứ Ba, 23/01/2018, 19:56
Vùng đất Crimea của nước Nga không chỉ là khu du lịch, nghỉ dưỡng vùng biển nổi tiếng ở nước Nga và toàn châu Âu mà còn được xem như một địa điểm hội ngộ mà nhiều họa sĩ, nhà thơ và nhà văn Nga không thể không đến một lần trong đời. Bán đảo thơ mộng với nhiều cảnh quan đẹp như cổ tích từng in dấu chân của A. Pushkin, Lev Tolstoy, N. Gogol, A. Chekhov, O. Mandelstam, Anna Akhmatova, M. Tsvetaeva, N. Gumilev, I. Aivazovsky, F. Shalyapin...

Crimea có địa thế và khí hậu ôn hòa, là nơi Hoàng gia Nga chọn làm điểm nghỉ dưỡng mùa hè cho các Sa hoàng. Chẳng thế mà, họ đã ra lệnh xây dựng những cung điện, khu nghỉ dưỡng, spa hay cả những khu vườn trồng nho làm nên thương hiệu rượu vang trứ danh của vùng này. Crimea là cội nguồn cảm hứng cho nền văn học vĩ đại của Nga, từ đó, họ đã sáng tác ra những tác phẩm được xếp vào hàng kinh điển của nền văn học Nga.

Thật khó tìm ra được nhà văn hay nhà thơ nào chưa từng đến Crimea và không viết gì về mảnh đất ấy. Bao thế hệ học sinh Nga đã biết đến bán đảo tươi đẹp và lãng mạn này qua truyện “Đài phun nước ở Bakhchisarai” của A. Pushkin. Cuộc sống và tính nết của dân Cossacks vùng Crimea đã được biết đến từ “Taras Bulba” của N. Gogol.

A. Chekhov và Lev Tolstoi tại Yalta năm 1900.

Đại văn hào Lev Tolstoy cũng miêu tả trận chiến phòng thủ Sevastopol qua nhiều truyện ngắn. Nữ nhân vật của A. Chekhov trong “Người đàn bà và con chó nhỏ” đã từng nghỉ ở Yalta. Đây cũng là điểm đến của viên giám đốc Stepu Likhodeev của nhà hát tạp kỹ trong cuốn tiểu thuyết “Trái tim chó” của Bulgakov.

Crimea đã được ca tụng ca rất nhiều trong thơ của các thi hào Nga như Mayakovsky, I. Brodsky, I. Bunin, N. Zabolotsky và những người khác. Vì thế, dù chưa được đến đây nhưng hàng triệu người Nga đã biết và yêu Crimea từ thuở cắp sách tới trường.

Đại văn hào Nga Anton Chekhov đến Crimea - với bầu trời xanh ngắt cao vợi, bầu không khí trong lành và ánh mặt trời rực rỡ - để điều trị bệnh lao phổi. Năm 1898, gia đình Chekhov định cư ở Yalta và ông đã sống 5 năm cuối đời mình, cho ra đời tại đây những tác phẩm kịch bất hủ là “Vườn anh đào” và “Ba chị em”. Ngôi nhà mà khi đó được chính văn hào xây dựng và giờ là một bảo tàng lúc nào cũng đông người tham quan vì ngưỡng mộ tài năng của ông. Đúng ra là ngay từ khi vừa xuất hiện, ngôi nhà của nhà văn ngay lập tức đã trở thành một địa điểm hành hương văn hóa và thu hút mọi người.

Đặc biệt, để được giao tiếp với Chekhov, Lev Tolstoy và Maxim Gorky đã đến Yalta. Các nhà văn trẻ Ivan Bunin và Alexandr Kuprin cũng đã làm khách ở đây một thời gian dài.

Vladimir Kataev, giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Moskva, chuyên gia nổi tiếng về A. Chekhov, chia sẻ với đài “Tiếng nói nước Nga”: “Thời còn ở ngoại ô Moskva, tại điền trang Melihovo, A. Chekhov đã tham gia các công tác xã hội, giúp đỡ người nghèo bằng cách chữa bệnh miễn phí, xây trường học cho nông dân. Và ở Crimea, ông vẫn tiếp tục làm những việc như thế.

Ở Yalta, A. Chekhov không chỉ sống, mà ngay từ đầu - luôn mang trong mình suy nghĩ về bổn phận đối với xã hội - ông đã trở thành trung tâm thu hút những ai muốn giúp đỡ các bệnh nhân, đặc biệt là giới nhà văn, cũng như giáo viên và những người khác đến Yalta điều trị. Ông cũng tham gia quyên góp tiền và cố gắng sắp xếp bố trí chỗ cho họ. Rất nhiều người sau đó đã viết thư cho ông bày tỏ lòng biết ơn”.

Với sự xuất hiện của A. Chekhov, đời sống văn hóa của Crimea bước vào thời kỳ hưng thịnh. Năm 1898, Nhà hát nghệ thuật Moskva dựng ở thủ đô vở kịch “Chim hải âu” của Chekhov, gần như ngay sau đó là một vở kịch lừng danh khác của ông là “Bác Vanya”. A. Chekhov đã có ý định về Moskva để xem các buổi biểu diễn, nhưng các bác sĩ Yalta không cho ông đi. Khi đó, toàn bộ dàn diễn viên nổi tiếng của nhà hát thủ đô do Stanislavsky dẫn đầu đã đến Crimea.

Biểu tượng của Crimea - lâu đài Chim Yến.

Lúc đầu, nhà hát công diễn vài vở kịch ở Sevastopol, sau đó diễn ở ngay Yalta. Các nghệ sĩ đã biểu diễn tất cả những vở kịch hay nhất trong tiết mục của mình, trong đó có “Chim hải âu” và “Bác Vanya”.

Thời Liên bang Xôviết, Crimea còn được người dân Nga gọi là “khu nghỉ dưỡng toàn Liên bang” vì là nơi nghỉ dưỡng ưa thích nhất ở biển Đen và biển Azov. Các lãnh đạo Liên Xô đã biến nơi này trở thành khu nghỉ mát cho đại đa số dân chúng. Trong nhiều năm, dân số của bán đảo tăng lên gấp đôi vào mỗi dịp hè khi các du khách từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô ùn ùn kéo tới.

Dọc theo bờ biển của bán đảo trải dài hơn 2.500 km có các thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng: Yalta, Evpatoria, Alushta, Feodosia, Foros hay các thị trấn Yevpatoriya, Saki, Feodosia nổi tiếng với loại hình dịch vụ tắm bùn và suối nước khoáng. Các tín đồ của loại hình du lịch chữa bệnh sẽ được chào đón nồng nhiệt tại hàng trăm viện điều dưỡng và khu an dưỡng với hàng trăm liệu trình chữa bách bệnh.

Tại Yalta Lớn (gồm các làng Livadia, Koreiz, Gaspra, Kurpaty và Otradnoe) có các khu điều dưỡng nổi tiếng nhất chuyên điều trị các bệnh mãn tính về phổi, tim mạch và hệ thần kinh.

H.T. (tổng hợp)
.
.