Tài năng hội họa sớm khánh kiệt vì thói đua đòi trưởng giả

Thứ Ba, 13/02/2018, 20:05
Hiếm có cây cọ nào trong lịch sử, lại vẽ nhiều chân dung về mình như danh họa lỗi lạc người Hà Lan Rembrandt (1606-1669). Suốt nửa thế kỷ kể từ khi mới 14 tuổi cho đến lúc từ trần, ông đã vẽ hàng trăm bức chân dung tự họa đều được liệt vào dạng kiệt tác.

Họa sỹ vẽ chân dung như thật 

Là con trai áp út trong một gia đình thợ xay bột có 9 đứa con, với tên khai sinh đầy đủ là Rembrandt Harmenszoon van Rijn, cũng là người may mắn nhất so với tất cả các anh em ruột thịt còn lại, bởi chỉ riêng Rembrandt là được cha mẹ lo cho ăn học đến nơi đến chốn. Rồi anh được gửi tới học nghề vẽ tranh tại nhà một họa sĩ ở Leiden - chốn “tỉnh lẻ” vô danh và cũng là thành phố quê hương của Rembrandt. Tài năng hội họa của chàng trai trẻ ngày một nảy nở, anh quyết định chuyển đến kinh đô Amsterdam nhằm phát huy sở trường của mình.

Năm 1634 Rembrandt cưới Saskia van Uylenburgh (1612-1642), một thiếu nữ trẻ đẹp thuộc dòng dõi quý tộc Đức cư ngụ lâu đời ở Hà Lan. Từ đó trở đi, Rembrandt nổi danh như là “tác giả của các bức chân dung giống y như thật”. Mọi người trong giới thượng lưu Amsterdam vương giả đua nhau đặt Rembrandt vẽ hình mình, đương nhiên là tiền bạc cũng chảy vào túi anh như nước.

Rembrandt bắt đầu tự biến đổi “gu” thưởng thức cá nhân như một đấng “Hiệp sĩ kinh đô chính cống”. Đầu tiên là đam mê sưu tập tranh tượng cùng những đồ vật thiên về nghệ thuật tinh xảo, một điều dễ hiểu do rất phù hợp với nghề nghiệp của người cầm cọ. Nhưng thứ đến lại là gấm vóc đắt tiền, đồ trang sức xa xỉ cùng phục sức thời thượng đắt giá… trở thành một trong những nguyên nhân khiến nhà danh họa thiên tài và giàu sụ này trở nên khánh kiệt về sau.

Ví như một bức chân dung Rembrandt thuộc Bảo tàng viện Louvre ở Paris (Pháp), vẽ ông với sợi dây chuyền vàng “to đùng và dài thượt”; rồi những bức họa trong các bộ trang phục quyền quý có giá cao vời vợi, đang được trưng bày tại các tòa bảo tàng nghệ thuật ở Florence (Italia), Berlin (Đức), hay The Hague (Hà Lan); hoặc với mũ đính kim cương đang hiện hữu trong Gallery Nghệ thuật Dresden (Đức)…

Chân dung đầu đời (1628) và cuối cùng của danh họa Rembrandt (1669).

Trong sự nghiệp cầm cọ đồ sộ, Rembrandt từng vẽ tổng cộng cả trăm bức tranh về mình, với đủ dạng kích cỡ khác nhau cao từ 15cm đến 1,3m. Một vài tấm chân dung tự họa tiêu biểu của Rembrandt từng được tôn sùng là “kiệt tác hội họa của thế kỷ XVII”, tô điểm các gian Đại khánh tiết trong chốn cung đình của các vương triều châu Âu như Vua Anh Charles I (1600-1649), hay Đại Công tước Italia Cosimo III (1642-1723)… Chính nhờ vậy mới sản sinh ra huyền thoại Rembrandt bất hủ, cho đến gần 4 thế kỷ sau vẫn còn là niềm tự hào của 36 bảo tàng viện quốc gia và vô số các bộ sưu tập tư nhân rải rác khắp thế giới.

Với vô số kiệt tác chân dung tự họa là một bằng chứng hùng hồn, khẳng định tài năng thiên bẩm của nhà danh họa Hà Lan lỗi lạc. Qua các bức chân dung kinh điển ấy, thể hiện cụ thể và sinh động “bản tiểu sử bằng tranh” của một Rembrandt bất hủ! Không có bất cứ người họa sĩ nổi tiếng nào, ngay cả cây cọ gạo cội đồng hương Vicent van Gogh, người từng được tôn vinh là “bậc thầy về chân dung tự họa” sau này, lại thường xuyên vẽ chân dung về mình đều đặn như Rembrandt.  

 Vào năm 1642 sau 8 năm chung sống, người vợ Saskia đột ngột qua đời khi vừa tròn 30 tuổi, để lại cậu con trai Rumbartus mới 8 tháng tuổi. Cô đơn và buồn chán, Rembrandt tìm kiếm sự an ủi qua cô nhũ mẫu Geertje Dircx (1615-1656) cũng thuộc giới quý tộc Amsterdam, rồi dần dà biến thành người tình của ông.

Nhưng nàng bảo mẫu lại lôi kéo đứa bé đứng về phía mình chống lại Rembrandt, sau khi phát hiện ra ông đang đeo đuổi cô giúp việc Hendrickje Stoffels (1626-1663) tươi trẻ hơn. Rembrandt thường ở lỳ trong phòng tình nhân mới trên gác xép tầng thượng. Ông đã bị xã hội thượng lưu “xua đuổi” qua vụ scandal tình ái nói trên.

Chân dung tự họa vẽ năm 1658, được đánh giá là bức tranh hoàn thiện nhất về người họa sĩ lỗi lạc.

Trắng tay đến mức cả kỷ niệm cũng không còn

Nhóm nhân viên mặc sắc phục đen bất ngờ ập vào ngôi nhà của một người đàn ông đứng tuổi, bất chấp chủ nhân đang cố sức cản họ lại. Nhóm nhân viên lục soát tiền sảnh, phòng khách, nhà bếp… Rồi họ leo lên tầng 2, rà soát tỉ mỉ từng căn buồng một, ngay cả căn gác xép trên tầng thượng cũng bị họ kiểm tra kỹ lưỡng. Họ nẫng đi tất cả những gì đáng giá, nhất là về mặt nghệ thuật.

Người đàn ông hớt hải chạy theo họ, năn nỉ trong nỗi tuyệt vọng mong đừng lấy hết số tài sản ít ỏi còn lại của mình… Nhóm nhân viên xô đẩy người đàn ông một cách thô bạo. Họ là các thành viên trong đội thi hành cưỡng chế thuộc tòa án địa phương; còn người đàn ông bất hạnh kia chính là thiên tài hội họa Rembrandt.

Vào cuối năm 1656, khi cơ quan tư pháp của kinh thành Amsterdam quyết định trưng thu mọi hiện vật trong ngôi nhà tuyệt đẹp của Rembrandt giữa khu phố thượng lưu Breestraat, lúc ấy ông đã ngoài 50 tuổi. Sau một chuỗi những sự kiện bi đát của riêng mình: mất mát người thân, sầu muộn triền miên…

Rembrandt lâm vào cảnh nợ nần; để cuối cùng Tòa án Amsterdam phải ra phán quyết tịch thu tài sản của ông đem bán đấu giá trừ nợ. Khi người đại diện cho công luật dõng dạc liệt kê những đồ vật trong phiên đấu giá: “Tấm giấy có nét vẽ; một phiến đá sứt…”, khiến Rembrandt bất hạnh thốt lên: “Nhưng xin quý ngài hãy đặc biệt lưu ý, bởi đó là chân dung của Bá tước Durer quyền uy; còn phiến đá kia chính là bức kiệt tác - di cảo của Đại danh họa người Italia Michelangelo…”.

Nhà họa sĩ từng bị một cú sốc thực sự, khi một nhân viên chấp pháp thu vén không nương tay tới cả bức tranh dang dở cuối cùng đang nằm trên giá vẽ của ông: “Ngài lấy luôn cả cái này nữa ư? - Rembrandt gặng hỏi - Bức này đâu còn là của tôi nữa, vì người khách hàng đặt vẽ đã trả tiền trước rồi”.

Dinh cơ bề thế của cây cọ ưa phù phiếm lúc sinh thời, nay là Viện bảo tàng Rembrandt ở Amsterdam.

Nhưng… mặc kệ! Nhóm nhân viên mặc sắc phục tư pháp vẫn lấy đi tất cả những gì có thể, nghĩa là: “Hết thảy những kỷ niệm vui buồn suốt cuộc đời tôi”, như nguyên văn lời trần tình của Rembrandt trong phiên bán đấu giá.

 Hoàn toàn trắng tay sau khi tài sản bị đem bán đấu giá trả cho các chủ nợ, Rembrandt lâm vào cảnh đơn côi và bất hạnh gấp bội, ngày càng tự khép kín mình lại. Những bức chân dung cuối cùng thể hiện ông như một kẻ đầy thất vọng và mệt mỏi trên đường đời.

“Ở đây ông muốn nói lên vài điều gì đó qua sắc thái mỹ thuật, nhưng rất khó thể hiện bằng ngôn từ cụ thể… - họa sĩ kỳ cựu Vicent van Gogh (1853-1890) lên tiếng nhận định khi xem bức kiệt tác tự họa sau cùng của Rembrandt - Tấm chân dung này đã khẳng định ông chính là người họa sĩ đích thực và lỗi lạc hơn bao giờ hết”.

Thu Hường (theo The Burlington Magazine)
.
.