Bóng áo lính sâu trong lòng Ngàn Trươi

Thứ Ba, 07/01/2020, 22:03
Hồ Ngàn Trươi huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh được ví như Vịnh Hạ Long giữa núi rừng Trường Sơn. Thế nhưng, sâu trong cảnh sắc mây trời lung linh sắc màu, là những gian truân, nhọc nhằn của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Hương Quang chắc tay súng giữ gìn phên giậu biên cương Tổ quốc.


Vùng đất 4 không

Cách đây mấy năm, tôi cũng lướt mặt hồ này hơn 1 tiếng đồng hồ vượt quãng đường thủy dài gần 30km để đến với những người lính Biên phòng đồn Hương Quang. Ngày ấy, đón tôi là Thiếu tá Trần Vương Anh, chính trị viên phó của đồn Biên phòng Hương Quang. 

Gặp tôi, anh hồ hởi như đón người thân xa nhà đã lâu. Ngồi bên nhau tôi mới biết, vì xa xôi cách trở, nên cán bộ, chiến sĩ thường dành những tình cảm rất trân trọng cho những vị khách "dám" đến với đồn. Phần nhiều do xa xôi cách trở và gần đồn Biên phòng đóng quân như biệt lập với cuộc sống đời thường, nên đối với cán bộ chiến sĩ ở đây những người khách ghé thăm đã mang đến đồn một hơi thở mới của những câu chuyện cuộc sống vội vã tuy bình thường thành thị nhưng giá trị với giữa heo hút núi rừng. 

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hương Quang giúp dân di dời nơi ở.

Cũng như em trai, Trần Văn Quang, người dân địa phương, đang có dự định đi thăm trang trại ở bờ hồ, cách đồn Biên phòng Hương Quang không xa. Quang nở nụ cười tươi sau hàng giờ đón đợi để đưa giúp hai chúng tôi về vùng 4 không "không điện, không sóng điện thoại, không dân, không trường-trạm".

"Đi ra đi vô muộn thế này phiền em quá", tôi áy náy.

"Có gì đâu anh", Quang trả lời. Đồng bào nhân dân ở đây mang ơn các cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Hương Quang nhiều lắm! Đói được hỗ trợ lương thực, gặp khó khăn được bộ đội biên phòng hỗ trợ giúp đỡ. Tình thương lâu dần thành tình thân anh ạ! Quang mỉm cười nói.

Mặt trời đã khuất sau dải Trường Sơn, ráng chiều tím mênh mông hòa vào mặt nước, trong lúc tôi còn đang mải mê ngắm nhìn những đàn chim thưa thớt về rừng, Thiếu tá Vương Anh đùa nói: Nếu có sự cố gì là chúng mình thả trôi luôn đấy!

Tôi giật mình, con thuyền nhỏ bằng composite như chiếc lá giữa mênh mông hồ. Lại nghe nói, phía dưới mặt nước là hàng vạn cây xanh trước kia như các cọc trận chiến Bạch Đằng, sẵn sàng đục sàn thuyền mong manh. Bèn hỏi lại: "Sao lại thế anh?".

Nở nụ cười tươi để cho tôi an lòng, Thiếu tá Vương Anh nói:

- Nếu anh để ý, điện thoại đã mất sóng từ lâu, giờ nếu có sự cố gì thì không thể nào liên lạc được để nhờ người cứu hộ.

Đến lúc này thì những cung bậc khoái cảm trong tôi dần nhường chỗ cho nỗi sợ lan trùm. Miệng cười tươi nhưng mỗi khi nhìn ánh sáng dần tắt, tôi thầm mong điều kỳ diệu nhất sẽ đến là được đỗ bến khi hoàng hôn còn le lói. Bất ngờ, tiếng máy thuyền đang nổ giòn chợt tắt lịm. Hoảng hồn nhìn về phía sau, Quang - người lái đò thản nhiên nói: "Chân vịt mắc lưới rồi", phải gỡ đã.

Nghe nói chỉ còn khoảng 3km nữa thôi là đến bến. Chiếc thuyền nhỏ dập dềnh theo sóng. Tôi chết chân ngồi kệ những con muỗi rừng khát máu tấn công, còn Quang và Thiếu tá Vương Anh hì hục, người dùng dao cắt, kẻ lựa chèo giữ thuyền để gỡ chân vịt.

"Cuộc sống ở đồn cũng vậy" - Thiếu tá Vương Anh bắt chuyện trong lúc làm việc để giết thời gian, cũng là để cho tôi bớt cảm giác sợ hãi đang từ từ len lỏi và dâng lên trong lòng. Mọi liên lạc giữa cán bộ, chiến sĩ với người thân đều vất vả khó khăn. Hầu hết thư từ và tin tức đều phải đi bằng thuyền tiếp phẩm của đơn vị (bình thường mỗi ngày một chuyến ra vào) nên đều chậm trễ.

Đồn Biên phòng Hương Quang trao học bổng "Nâng bước trẻ em tới trường" tặng học sinh nghèo xã Hương Quang.

10 phút… rồi 20 phút… thời gian nhích từng chút dài như bất tận, màn đêm đã buông che kín mặt hồ. Chợt tiếng máy nổ lại giòn tan, hú hồn, vậy là trời còn thương!

Vất vả là vậy, nhưng đến đơn vị tôi mới thấy các anh còn vất vả hơn nhiều. Bữa cơm của cán bộ, chiến sĩ biên phòng đồn Hương Quang còn thiếu thốn khi phải sống trong nơi thâm sâu khắc nghiệt. 

Tháng 3-2016, thực hiện dự án tích nước hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang, 100% dân cư phải di dời khỏi các xã, bản lòng hồ. Đồn Biên phòng Hương Quang cũng chuyển đến vị trí này và rơi vào tình cảnh 4 không. Hơn nữa, vì vừa mới chuyển đến nơi ở mới, nên đời sống gặp nhiều khó khăn. 

Hàng ngày phải đi tiếp phẩm từ thị trấn vào. Để giải quyết khó khăn nên trời vừa hửng sáng, các cán bộ, chiến sĩ đã phải tận dụng thời gian đi lấy đất mùn từ xa về để làm vườn, tăng gia sản xuất. Buổi tối, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào nguồn điện từ máy phát điện trong thời gian ngắn ngủi. 

Nghe nói máy phát điện cũng hỏng nhiều, may được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành tặng cho vài máy mới nên đơn vị mới có máy để thay. Ngày đầu đến với các anh ngắn ngủi, nhưng trong lòng tôi đã in đậm hình bóng của người chiến sĩ biên phòng nơi heo hút mây ngàn Trường Sơn.

Vững bước quân hành

Nhân chuyến công tác về Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh trước thềm xuân Canh Tý 2020, khi nghe Thượng tá Hồ Năng Bảo, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Hà Tĩnh nói rằng, đồn biên phòng Hương Quang giờ đã có điện. Tôi liền đề nghị các anh cho vào thăm nơi đó. 

Được sự đồng ý của chỉ huy Bộ chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh, tôi vui mừng bấm số điện thoại của Vương Anh, số điện thoại mà tôi lưu cách đây nhiều năm nhưng chưa một lần sử dụng vì nghĩ rằng ở nơi đây vẫn mất sóng.

Đầu bên kia điện thoại, tiếng Chính trị viên phó Vương Anh vẫn ấm cúng. Vui mừng khi nối lại liên lạc với nhau, lần này, đích thân Chính trị viên phó Vương Anh đón tôi tại chốt biên phòng thị trấn Vụ Quang, huyện Vũ Quang để đưa tôi vào đồn.

Lần này, tôi được đi trên chiếc thuyền sắt tiếp phẩm của đồn BP Hương Quang. Giữa mênh mông sóng nước, cảnh vật vẫn như xưa, tình người ấm nồng hơn xưa. Nhưng chưa quên chuyện cũ, tôi hỏi dò:

- Em vẫn sợ gặp sự cố như lần trước anh ạ!

Sau tiếng cười sảng khoái. Anh Vương Anh khẳng định. Chú yên tâm, lần này đi thuyền của đồn. Trên thuyền đầy đủ trang bị vật chất thiết bị sửa chữa. Cán bộ vừa là thuyền trưởng vừa là thợ máy trưởng đấy.

Thuyền trưởng là Thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Đình Anh. Qua tìm hiểu tôi được biết, là người dân xã Hương Quang nên Đình Anh gắn bó với các dòng sông và hồ Ngàn Trươi từ tấm bé. Mọi con nước, mọi luồng lạch, Đình Anh đều nắm rõ như lòng bàn tay. Thường thì một ngày một chuyến ra vào tiếp phẩm, ngày "mùa" - do yêu cầu công việc khẩn cấp thì được 3 chuyến ra vào. 

Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Hương Quang tuần tra bảo vệ cột mốc biên giới.

Sáng 4 giờ dậy đi chợ, rồi gồng gánh trên chiếc xe máy đến bến chuyển lên thuyền đưa vào đơn vị. Gần trưa lại trở ra. Công việc đều như vắt chanh. Nếu có cử cán bộ ra thay thế cũng là vạn phần khó khăn vì không thể thông thuộc luồng lạch mà đi.

Thiếu tá Vương Anh chỉ tay về những cột điện mới đang được dựng phấn khởi nói:

 - Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Quân đội, đã có dự án kéo điện lưới về tận đồn. Bớt thêm 1 không là bớt thêm khó khăn trong cuộc sống như: điện làm việc; lưu trữ thực phẩm tốt hơn - giảm bớt chi phí trong tiếp phẩm; công tác tăng gia sản xuất sẽ được tự động hóa một phần; có điện sẽ đảm bảo ánh sáng, xây dựng đơn vị xanh, sạch, đẹp.

Vậy là thuyền trưởng Đình Anh cũng được giảm tải công việc người lái đò tiếp phẩm. Đặc biệt khi tết đến xuân về, đơn vị phải gửi thực phẩm ở tủ đông ngoài thị trấn, ngày tết nào Vương Anh cũng phải chở thực phẩm vào đồn cho đồng chí, đồng đội vui xuân đón tết.

Quả nhiên, chuyến đi này thuận buồm xuôi gió, chúng tôi an nhiên ngắm mây trời và vui vẻ lên bến về đồn. Khung cảnh ở đồn đã khác xưa. Hàng vạn giọt mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Hương Quang đã tưới mát và biến những mảnh đất cằn cỗi quanh doanh trại thành những vườn rau xanh mướt đáp ứng đủ nhu cầu rau xanh cho bộ đội. Thiếu tá Đoàn Đức Long, Chỉ huy trưởng Đồn BP Hương Quang vui vẻ cho biết:

- Chúng tôi vừa tổ chức 3 đoàn đi tuần tra biên giới cột mốc, đảm bảo an toàn tuyệt đối và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Qua trao đổi với Thiếu tá Đoàn Đức Long, chúng tôi được biết thêm: Đồn BP Hương Quang quản lý gần 47km đường biên giới với 14 cột mốc, gần như 100% đường đến tuyến mốc đều vừa xa vừa nguy hiểm, phải trèo đèo, lội suối, vượt dốc thẳng đứng. Mỗi chuyến tuần tra phải tổ chức từ 2 đến 3 đoàn, đi thực hiện nhiệm vụ mất khoảng 7-11 ngày. Vậy nên, mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ, là một lần cán bộ, chiến sĩ đồn BP Hương Quang ghi thêm một chiến công vào công tác bảo vệ phên giậu biên cương Tổ quốc của BĐBP.

Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Hương Quang tăng gia sản xuất cải thiện cuộc sống.

Bữa cơm ngày xuân với cán bộ, chiến sĩ trong lòng hồ Ngàn Trươi ấm cúng và đầy đủ hương vị, thịt gà, giò, thịt bò, bánh chưng, dưa hành… Sau thời gian gặp nhau ngắn ngủi, Thiếu tá Đoàn Đức Long chở tôi trên chiếc bình bịch (xe máy) ra bến tàu của đơn vị. 

Anh tâm sự: Hiện nay, cái khó khăn nhất của đơn vị là phương tiện đi lại qua lòng hồ Ngàn Trươi. Theo thực tế nhiệm vụ, nếu được trang bị thêm 1 xuồng máy 40 hoặc 60 để trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có việc đột xuất, hoặc đưa cán bộ, chiến sĩ bị ốm thì đưa ra điều trị sẽ kịp thời hơn. Trước đây, vào năm 2018, đơn vị cũng có cán bộ bị nhồi máu cơ tim, nếu như kịp thời chuyển đến bệnh viện thì chắc cũng có thể giảm phần nào điều đáng tiếc xảy ra.

Thuyền rời bến, lòng tôi man mác buồn về tâm sự của Thiếu tá Đoàn Đức Long, Ngàn Trươi đẹp đấy! thơ mộng đấy! hồ Ngàn Trươi tạo nên muôn vàn khó khăn, vất vả cho những cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Hương Quang, đang ngày đêm giữ gìn phên dậu biên cương Tổ quốc.

Việt Thùy
.
.