Phượt ở Australia (tiếp theo và hết)

Thứ Ba, 25/06/2019, 10:06
Hai anh em vào đến khu trại là 4 giờ rưỡi, còn đúng một tiếng trước khi mặt trời lặn, tôi chọn chỗ dưới bóng cây to, dựng lều của mình hết khoảng 20 phút. Ông em lều nhỏ hơn mà loay hoay phải hơn nửa tiếng mới xong.

Lúc này tôi đang tranh thủ dùng bếp gas mini nấu một gói cơm gà cà ri xanh kiểu Thái (loại ăn liền). Việt thì nấu món mỳ Ý sốt cải chân vịt cậu mang theo. Cơm xong, 2 anh em ngồi ngoài lều uống trà hoa cúc. Khu này không được đốt lửa trại (đề phòng cháy rừng), mỗi người đeo một cái đèn kiểu thợ mỏ trên đầu, vừa nói chuyện vừa xuýt xoa vì lạnh.

Tới 7 giờ, ai chui vào lều của người nấy, tôi nằm đọc cuốn sách “Nhân Tố Enzyme” của bác sĩ người Nhật Hiromi Shinya. Đến 9 giờ, đội mũ len, khoác áo mô tô, quần short, tôi hé lều bước ra ngoài, cuốc bộ ra nhà vệ sinh rồi vào ngủ.

Đêm ngủ lều, với thiết bị tối giản, trời thì lạnh 7 độ C, không thể gọi là thoải mái được. Sinh ra và lớn lên ở thành phố, đêm nay nằm rừng nghe tiếng chim kêu tưởng chuông điện thoại, nghe tiếng sóng biển ngỡ tiếng xe chạy trên cao tốc. 5 giờ sáng mở mắt, nhìn lên nóc lều thấy trời sang sáng, bèn mò dậy, ra ngóng biển, tập thể dục, rồi phát hiện ra là trăng sáng chứ không phải mặt trời! 7 giờ thì trời sáng hẳn, hai anh em dọn trại, đun nước pha cà phê uống, ai nấy xuýt xoa đêm qua ngủ lạnh quá.

Thắng cảnh 12 Apostles.

8 giờ 30 sáng, hai anh em lên xe chạy về hướng trạm hải đăng Otway. Mua vé vào tham quan và chụp ảnh xong, ghé quán cà phê ăn bữa sáng nhẹ. Tới 10 giờ hơn, chúng tôi nhổ neo chạy về hướng Port Campbell, dự tính đêm nay ngủ ở đây, tại một khu trại có điện đóm và phòng tắm công cộng.

Chả bao lâu sau thấy đường đông hẳn lên, quang cảnh người xe nhộn nhịp, thì ra đã tới 12 Apostles, một trong những thắng cảnh chính của Great Ocean Road, vốn là 12 cột đá núi do nước biển và gió lớn bào mòn mà thành. Thực tế nay chỉ còn 8 cột đang đứng, còn lại đã gãy, sập xuống biển do phần chân bị ăn mòn. Khách du lịch đến đây đông khủng khiếp.

Chụp vội vài tấm ảnh, ghé vòi uống nước công cộng đổ đầy bình nước dự trữ (ở những khu vực đông người đi bộ thường có vòi nước uống miễn phí), chúng tôi rong ruổi tiếp. Công bằng mà nói, nhiều nơi ở Việt Nam, như Gành Đá Đĩa chẳng hạn, đẹp hơn nhiều. Nhưng cách tổ chức và khai thác du lịch ở đây thì quả thực là chuyên nghiệp.

Đoạn đường hôm nay khác hẳn, không nằm sát biển như hôm qua, mà hoặc là chạy xuyên rừng, hoặc qua những đồng cỏ trải dài mênh mông, thiên nhiên rất trù phú, màu mỡ. Tầm 1 giờ chiều đã tới Port Campbell, ăn bữa trưa tú ụ gồm bánh burger và khoai tây rán xong, 2 anh em bảo nhau chạy tiếp, thay vì đóng tại đây đêm nay. Chiếc Yamaha 250 của Việt đã chạy hết bình xăng, đổ thêm xăng từ bình 4 lít mang theo rồi, vậy mà cây xăng duy nhất ở Port Campbell lại chỉ có xăng 91. Vậy là lại phải chờ đến cây xăng sau, cách đó hơn 50km, tại Lavers Hill.

Lúc này, xăng phụ xe Việt còn được khoảng 17km (theo lý thuyết), trại đêm cách đó 21km, trời thì sắp tối. Chúng tôi quyết định chạy cố về trại rồi tính sau. Đi rón rén nhẹ tay ga, cuối cùng về được đến trại, thở phào. Tới lô số 3, thấy có người đã dựng lều ở đó, kiểm tra lại, té ra Việt đặt chỗ ở Aire River (Tây) mà lại nghĩ là trại Đông, nên mới ra đòi nhầm chuồng của người ta. Cũng may, bờ Đông và bờ Tây chỉ cách nhau một cây cầu gỗ.

Lưu ý là ở các khu này hoàn toàn không có nhân viên tiếp tân hay bảo vệ gì cả, khách tự đăng ký trên mạng rồi đến tự tìm chỗ của mình mà dựng trại thôi. Giữa các lô cũng chỉ có ranh giới tưởng tượng mà thôi, ai nấy đều tự giác dựng trại “trong phạm vi” lô của mình, đủ để giữ ranh giới riêng tư giữa các nhóm.

Dựng trại xong tôi điện thoại cho RACV (công ty bảo hiểm, cứu hộ xe lớn nhất ở Victoria, Úc), vì tôi có thẻ thành viên nên họ mang xăng đến đổ cho (xe Việt) 5 lít không mất tiền, hôm sau dư sức đi đến cây xăng tiếp theo. Cả trại có mỗi 2 anh em tôi đi xe máy đến, mấy cậu ở lều gần đó, vốn cũng là dân chơi mô tô, ghé qua hỏi thăm xe cộ mấy lần.

Bữa trưa ăn muộn, hơn nữa trời tối rồi nên hai anh em cũng chẳng buồn nấu bữa tối, ngồi uống trà hoa cúc một lúc thì tôi chui vào lều đọc sách. Việt lân la ra đống lửa gần đó ngồi nói chuyện phiếm với các nhóm khác. Tôi nghe lỏm thấy Việt nói chuyện xe máy với một cậu Tây một lúc lâu, vì tưởng nhầm lúc nãy cậu này sang hỏi chuyện xe cộ, đến cuối, té ra cậu chưa bao giờ đi xe máy cả, thế mà 2 ông ngồi tám như đúng rồi!

Nấu nướng ăn tối.

Ở trại ngay sát bên là một nhóm 4 du học sinh người Thái Lan, 3 nam 1 nữ, mang có đúng cái lều, không túi ngủ, không chăn, phen này tha hồ lạnh. Sáng ngày ra, mới thấy các cô chú ngồi cả trong ô tô, nổ máy bật sưởi cả đêm, may mà không đứa nào chết ngạt. Nhớ năm nào, ở Láng Hạ có 2 anh lái xe ngủ trưa trong xe, đóng kín cửa bật điều hoà, ngạt khí CO chết cả hai. Tội!

Ra quán cà phê ở Apollo Bay ăn bữa sáng no nê với bánh mỳ, xúc xích, thịt xông khói, 2 trứng ốp, nấm cùng cà chua, sau đó vào toilet công cộng đánh răng rửa mặt. Tất nhiên toilet công cộng ở đây sạch sẽ chứ không như thứ thường thấy ở nhà. Cuối cùng là lấy thêm nước uống và đổ xăng.

Đêm, hai anh em tính ngủ ở Beauchamp Falls, khu cắm trại miễn phí này không có hệ thống đặt chỗ trước mà hoạt động theo cơ chế “ai đến trước thì xí chỗ” (first in first serve). Chúng tôi quyết định đi thẳng tới trại, mới 12 giờ 30 trưa đã đến nơi, dựng trại xong xuôi mới là hơn 1 giờ chiều. Đồ đạc cho hết vào lều, kéo xoẹt khoá phéc mơ tuya, hai anh em nhảy lên xe đi chơi. Vì lúc này xe nhẹ, dễ điều khiển, chúng tôi có cơ hội đi những con đường khó, hiểm trở, dành riêng cho ô tô địa hình.

Qua những khu rừng bạt ngàn cây cao dăm bảy chục mét, to mấy người ôm, cảnh trí như trong phim thám hiểm thời nguyên thuỷ. Đây hẳn là rừng nguyên sinh, khác với những khu rừng thông được trồng để khai thác gỗ, mà dọc đường đi cũng thấy nhiều. Hẳn là do quy hoạch tốt, hơn nữa luật pháp lại nghiêm, nên ở bên này cũng đã lâu mà tôi chưa nghe thấy chuyện khai thác gỗ trái phép bao giờ.

Về đến trại thì trời còn sáng, dân tình xung quanh ai nấy đi kiếm củi vụn về để nổi lửa trước lều của họ. Khu trại này cho phép đốt lửa ở những hố đào sẵn rải rác khắp khu. Có một đám thanh niên châu Âu du lịch bụi, tôi thấy ngồi từ trưa đến giờ, tay cưa tay rìu, chẻ một khúc gỗ to bằng cả người ôm, để làm củi. Hẳn là hội này mót được khúc gỗ to như vậy ở công trường khai thác gỗ gần đó.

Hai anh em tôi lười, thay vì kiếm củi đốt thì lại lôi bếp gas ra nấu nướng ăn. Lúc này mấy lều xung quanh đã nổi lửa, khói nghi ngút sang chỗ bọn tôi ngồi, cảm thấy cũng như mình có đống lửa riêng vậy!

Cầu gỗ qua sông Aire River.

Rút kinh nghiệm mấy đêm trước ngủ lạnh, đêm nay tôi mặc tất cả quần áo mang theo lên người, trải quần áo mưa lên trên đệm hơi, rồi mới đặt túi ngủ lên và chui vào, trên cùng còn đắp thêm áo khoác đi mô tô nữa. Nằm ấm, đêm ngủ ngon hơn hẳn. Ông em thì cứ thấy lục đục cả đêm, sáng hỏi ra thì cậu bảo bị đau bụng, đầy hơi, không ngủ được. Uống 2 viên thuốc chống đầy hơi tôi đưa cho, khoảng một tiếng sau, Việt thấy đỡ và hai anh em quyết định lên đường.

Hôm nay đã là thứ năm, là ngày quay trở về nhà. Sau bữa sáng no nê và lấy thêm nước uống ở Apollo Bay, chúng tôi hướng đến Mount Sabine Road, con đường đất chạy xuyên khu rừng quốc gia Otway.

Đến một khúc rẽ tay phải, thoáng, rộng, tôi bảo Việt dừng xe và chuẩn bị điện thoại để quay trong lúc tôi “thể hiện” lại cú rê đít giống hôm qua. Nào ngờ, hôm nay xe chở nặng khiến đuôi xe văng ngang mạnh hơn, bẻ lái không kịp, xe trượt dài và tôi ngã lăn quay, xe đè lên chân phải đau điếng.

Hai anh em hì hục dựng chiếc xe nặng khoảng 230kg (kể cả trang thiết bị và hành lý), kiểm tra xe thì thấy chân phanh bị cong, chính là do chân tôi kẹt vào. Vẫn còn may vì tôi đi ủng cứng chuyên dụng đi địa hình, loại bó chặt chân để chống vặn sái khớp. Nắn lại chân phanh xong thì cũng đỡ choáng, chúng tôi tiếp tục hành trình.

Cả đoạn đường rừng khoảng 150km, chỉ gặp vài ba chiếc xe hơi và dăm người đi xe đạp. Trời lúc thì lất phất mưa, lúc lại có ánh nắng le lói qua kẽ lá. Ngoài tiếng động cơ gầm gừ của 2 chiếc xe, tiếng rột roạt của lá cây bị bánh xe nghiến, chỉ nghe tiếng chim hót. Chim, vẹt các loại bay qua trước mặt thường xuyên. Thỉnh thoảng thấy vài chú wallaby (loài thú có túi hơi giống kangaroo nhưng nhỏ hơn) nhảy tâng tâng trên đường. Cá biệt, có lúc tôi nhìn thấy một chú koala tụt trên cây xuống rơi phịch bên vệ đường, ngơ ngác, thậm chí có lần thấy một cô hươu sao chạy ngang mũi xe.

Hươu ở Úc có khá nhiều, và nhiều loại trong đó được phép săn bắn, tất nhiên tùy vào quy hoạch từng vùng và tùy vào tuổi hay kích cỡ của hươu mà thợ săn biết được là có được phép bắn hay không. Mỗi thợ săn đều có giấy phép sử dụng súng săn, giấy phép săn bắn, mỗi năm phải đóng phí thành viên và tham gia các chương trình phổ biến, cập nhật điều lệ.

Rừng bạt ngàn cây cao dăm bảy chục mét.

Đó là cách nước Úc giáo dục, đồng thời quản lý cộng đồng săn bắn để đảm bảo phát triển bền vững. Tôi mới nhớ đến anh bạn tên Simon, có một vợ hai con, cả gia đình dựng nhà trên một mảnh đất 10 hecta ở trong vùng rừng Kinglake West, bang Victoria. Nhà anh này không bao giờ mua thịt ở ngoài, mà Simon xách súng đi săn, chủ yếu là hươu, mang về thịt rồi để tủ đá, ăn dần. Chừng nào ăn hết thì mới đi bắn tiếp, không bao giờ bắn thừa, chỉ bắn đủ ăn mà thôi.

Đoạn về gần Anglesea, là điểm đầu của Great Ocean Road, đường có vẻ mới được trải đá dăm. Đá dăm dày khiến xe chao đảo, đuôi quẫy mạnh, cả 2 anh em đều suýt bị hất văng khỏi xe mặc dù chỉ đang chạy dưới 30km/h. Có vài chiếc xe 4x4 đi ngược lại, đồng thời cũng thấy đôi ba chiếc xe mô tô cào cào đi thành nhóm, thảo nào trên bản đồ có ghi chú rằng vùng này dân chơi xe địa hình hay đi khám phá.

Qua mỏ than lộ thiên Anglesea, rẽ ra đường chính, chúng tôi bắt gặp một nhóm xe cào cào vừa kết thúc cuộc chơi, đang chằng buộc xe lên thùng 2 chiếc bán tải Hilux và Ranger. Gật đầu chào họ, anh em tôi tăng tốc hướng phía Melbourne, về nhà.

Hơn một tuần sau, trong lần đầu đi đổ xăng xe ôtô kể từ khi về nhà, tôi bồi hồi nhớ lại cảm giác tự do khi ấy trên từng cây số. Ghé cây xăng ngày 2 bận, xe chất đầy đồ đạc, tháo mũ bảo hiểm, mặt mũi lấm lem khi nhìn mình trong gương. Chuyến đi kéo dài chỉ hơn 3 ngày 3 đêm, chưa tới 800km cả đi lẫn về, vậy mà được chứng kiến rất nhiều loại địa hình, phong cảnh khác nhau, cùng những khoảnh khắc nhớ mãi.

Phải nói, Great Ocean Road và rừng quốc gia Otway có vô vàn điều hấp dẫn để khám phá. Như đã nêu ở đầu bài, đây là lần thứ 7 tôi đi qua khu vực này, nhưng chắc chắn, sẽ không phải là lần cuối cùng.

Lê Anh Quân - Lê Hoàng Việt (từ Melbourne, Australia)
.
.