Mỹ “đẩy” đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ về phía Nga

Thứ Tư, 11/04/2018, 12:47
Để bảo đảm lợi ích chiến lược dài hạn, Thổ Nhĩ Kỳ một mặt vẫn ở lại trong NATO, theo đuổi gia nhập Liên minh châu Âu (EU), hàn gắn mối quan hệ với Mỹ, trong khi vẫn duy trì quan hệ gần gũi với Nga. Tuy nhiên, việc Mỹ luôn ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ trên chiến trường Syria đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ thất vọng với các đồng minh lâu năm này, trong khi đó, Moskva đã “chìa tay” đón Thổ Nhĩ Kỳ bằng những hợp đồng trăm tỷ USD, chuyển giao vũ khí S-400 lừng danh...

Nga vẫn giao S-400 đúng hạn cho Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông đã nhất trí với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về việc đẩy nhanh tiến trình chuyển giao hệ thống phòng không S-400 cho Ankara. Động thái chắc chắn sẽ khiến Mỹ và NATO nổi giận. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không chọn loại tên lửa phòng không Patriot của Mỹ là do phía Mỹ từ chối chuyển giao công nghệ của tổ hợp Patriot.

Ngoài ra việc Mỹ thường thêm các “điều kiện” phụ như các yếu tố chính trị đã như giọt nước tràn ly, đẩy quan hệ Mỹ-Thổ xuống đáy, kể khi khi hai bên trở thành đồng minh trong Chiến tranh Lạnh khi cùng chống lại Nga.

Vũ khí được mua bán thể hiện lợi ích được trao đi, đổi lại. Thể hiện sự nồng ấm hay lạnh nhạt của một mối quan hệ quốc tế. Như vậy, chỉ cần một lý do ấy thôi đã tự hiểu quan hệ Mỹ-Thổ đang bị phá sản. Trong khi đó, ngược lại, một năm sau vụ Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị sát hại, mối quan hệ giữa hai nước đang ở vào giai đoạn phát triển rực rỡ nhất, bất chấp vẫn còn những bất đồng ở một vài lĩnh vực.

Cả năm 2017 đã chứng kiến một năm ngoại giao tích cực giữa hai nước liên quan đến vấn đề Syria. Tổng thống T.Erdogan và V.Putin là hai chính trị gia từng kịch liệt lên án lẫn nhau hồi cuối năm 2015, nay đã gặp nhau ít nhất 8 lần trong năm 2017. Cùng với Tehran, Moskva và Ankara đã tạo thành thành “bộ ba” bảo trợ cho tương lai của Syria, trong khi đó châu Âu và Mỹ gần như đứng bên lề.

Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Tayyip Erdogan trong cuộc gặp vừa diễn ra tuần trước. Ảnh: RT.

Khách du lịch Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng mạnh, Nga nối lại việc hỗ trợ xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ và xúc tiến triển khai dự án đường ống dẫn khí đốt dưới đáy biển một cách nhanh chóng. Trong khi đó, Ankara đang tiến tới việc mua 2 hệ thống phòng không S-400 của Moskva với giá 2,5 tỷ USD. Động thái này của Ankara khiến các đồng minh trong NATO lo ngại.

Để duy trì đà quan hệ tốt đẹp đó, Nga đã bất chấp các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ để cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ đúng hạn. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố nêu rõ: “Tổng thống Tayyip Erdogan đã đưa ra câu trả lời rõ ràng, theo đó chủ đề Nga cung cấp hệ thống tên lửa S-400 đã khép lại, và thỏa thuận đã được chốt, sẽ không có bất cứ thay đổi nào, bất chấp việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Rosoboronexport”.

Trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Putin vừa qua, hai bên nhất trí đẩy nhanh tiến độ, theo đó Moskva sẽ bàn giao hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Ankara vào tháng 7-2019.

“Tuần trăng mật” Nga - Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Putin đã nhấn mạnh hiện không có bất cứ yếu tố nào cản trở quan hệ song phương tiếp tục phát triển. Tổng thống Nga cũng khẳng định hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực rất hiệu quả, đặc biệt việc thực hiện các dự án chung như “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, cũng như hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân. Theo Tổng thống Putin, việc thực thi thỏa thuận quan trọng vừa ký, ưu tiên trong thời gian tới sẽ là việc Nga cung cấp các loại vũ khí hiện đại khác cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh, đã có âm mưu của một số thế lực muốn phá hoại mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ và âm mưu này đã thất bại. Hai nước đã vượt qua được giai đoạn khó khăn và đạt được nhiều kết quả ấn tượng, quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay đạt mức chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.

Tổng thống Putin đã nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt tại Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đầu tiên Tổng thống Putin thăm sau khi tái đắc cử Tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 18-3. Chuyến thăm được giới quan sát đánh giá là thể hiện sự coi trọng lớn của Moskva đối với Ankara.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin, Syria. Ảnh: AP.

Cuộc gặp tại Ankara diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang xung quanh các cáo buộc của Anh về việc Nga dính líu tới vụ án điệp viên Skripal. Mỹ, Anh và một số quốc gia EU đã trục xuất một loạt nhà ngoại giao Nga. Song, Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO từ năm 1952, đã từ chối “bày tỏ đoàn kết” với Anh và các thành viên NATO khác.

Ngày 26-3, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cho biết Ankara sẽ không có bất cứ hành động nào chống lại Nga. Ông Bozdag phát biểu “đang có những tiến triển tích cực trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Trong bối cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ không có kế hoạch ra các quyết định chống lại Nga”.

Các chuyên gia Nga cho rằng, đối đầu với phương Tây và quan điểm độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vụ Skripal thúc đẩy Moskva tăng cường liên lạc với Ankara. “Nếu chúng ta nhìn vào mối quan hệ đang đi xuống với các nước phương Tây, chúng ta sẽ thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số ít đối tác mà chúng ta có”, chuyên gia Yuri Mavashev, nghiên cứu chính trị cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, nói với báo Moscow News.

Chuyên gia Ilshat Saetov, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu khoa học Nga, đồng ý với quan điểm trên và nói thêm rằng “Nga không có nhiều lựa chọn trong đối đầu với phương Tây. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là đối thủ lịch sử của Nga, nhưng hai nước có các mối quan hệ bổ trợ trong lĩnh vực kinh tế”. Những người chỉ trích Nga thậm chí công nhận rằng mối quan hệ đang phát triển giữa Moskva và Ankara là một tín hiệu cho thấy hai nước này đang tìm cách thắt chặt quan hệ hơn nữa.

Sergey Korsunsky, Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ từ 2008-2016, miêu tả cuộc gặp giữa Putin và Erdogan là một sự khẳng định về việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang cải thiện quan hệ lên mức chưa có tiền lệ trong lịch sử.

Từ đồng minh thành kẻ thù và từ kẻ thù thành đồng minh

Giới phân tích cho rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục cải thiện quan hệ song phương mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, Ankara ngày càng có nhiều mâu thuẫn với cả Mỹ và NATO. Hòa giải Nga-Thổ đã đem đến những thành quả trong nhiều lĩnh vực quốc phòng nhạy cảm. Bất chấp những cảnh báo mà Mỹ và NATO liên tục đưa ra.

Cahit Armagan Dilek, Giám đốc Viện Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ 21 có trụ sở tại Ankara, cho rằng chính quyền của ông Erdogan, vốn bị phương Tây cáo buộc là đang đi theo hướng ngày càng độc tài, chưa bao giờ hòa thuận với các đồng minh phương Tây hay xem mình là một phần của phương Tây, trong khi đó Ankara luôn được hưởng lợi từ hợp tác với Nga.

Hai nhà lãnh đạo Erdogan và Putin đã gặp nhau tới 8 lần trong năm vừa qua, phản ánh thực tế hai bên đã có sự hợp tác chặt chẽ. Theo ông Dilek, trong hồ sơ Syria, Ankara hợp tác với Nga và Iran chặt chẽ hơn là với Mỹ, đồng minh NATO của mình, nhất là từ mùa hè 2016 khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu cải thiện quan hệ với Moskva.

Về phần mình, nhiều nhà phân tích cho rằng Nga đã tận dụng việc hai bên hòa giải với nhau để hoàn tất nhiều thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, phục vụ lợi ích của Moskva và kéo Ankara về phía mình trong vấn đề Syria. Ông Dilek bình luận: “Với những thứ như thỏa thuận S-400, Nga đã khoét thêm những rạn nứt trong NATO giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây”.

Các nhà phân tích phương Tây “cay cú” khi cho rằng, nếu S-400 là tiền đề cho mối quan hệ quốc phòng lớn mạnh hơn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, có nghĩa, Nga đang thực hiện một chính sách nhằm kéo Thổ Nhĩ Kỳ khỏi phương Tây. Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, việc dựa vào Nga nhiều hơn không phải là điều họ mong muốn mà là do hoàn cảnh xô đẩy. Bởi Nga từng là đối thủ lịch sử.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ý kiến tại Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng quốc gia này có thể sẽ lệ thuộc quá nhiều vào Nga trong lĩnh vực năng lượng. Một nửa số khí đốt và 30% số than đá Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu là từ Nga. Moskva cũng là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ ba của Ankara. Không chỉ vậy, việc Nga đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và cung cấp nhiên liệu cho nhà máy này cũng sẽ khiến Ankara sẽ càng lệ thuộc vào Moskva.

Ông Dilek dự đoán rằng quan hệ Ankara-Moskva sẽ càng trở nên sâu sắc hơn chừng nào cả Tổng thống Putin và Erdogan còn tại vị. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ hy vọng tăng kim ngạch thương mại song phương từ 22 tỷ USD trong năm 2017 lên mức 100 tỷ USD.

Theo ông Dilek, nếu Erdogan tái đắc cử, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến gần hơn tới việc trở thành một cường quốc Âu-Á, bởi những quan điểm của nhà lãnh đạo này cùng hệ thống chính trị tập trung quyền lực vào tay tổng thống có thể sẽ đưa Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xa rời phương Tây.

Báo Tầm nhìn (Nga) có bài viết cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng chuyển trọng tâm từ Mỹ sang Nga. Điều quan trọng muốn đề cập đến không chỉ là về chính sách chính trị mà còn cả về tâm trạng của người dân đất nước này. Điều này được minh chứng rõ ràng thông qua các cuộc thăm dò ý kiến người dân. Quá trình này có một ý nghĩa lịch sử nhất định đối với cả Moskva lẫn Ankara.

Cái chết của phi công Nga Roman Filipov ở Syria đã tạo ra một làn sóng mới phản đối Thổ Nhĩ Kỳ. Một vài người thậm chí còn nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp cho các phần tử thánh chiến ở tỉnh Idlib hệ thống phòng thủ tên lửa di động MANPADS này và từ đó khiến Su-25 bị bắn hạ.

Trong khi đó, trên thực tế, chính Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp lấy lại thi thể phi công Filipov từ tay các chiến binh thánh chiến và, sau đó, thi thể Filipov đã được chuyển về Nga.

Hệ thống S-400 với nhiều tính năng vượt trội sẽ được Nga chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ vào giữa năm 2019. Ảnh: RT.

Hiện trong cuộc chiến ở Syria, ban đầu Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ các lực lượng đối lập khác nhau (có nghĩa là 2 nước ở các đầu chiến tuyến khác nhau), 2 nước đã rất khó để đi đến thống nhất về các hành động chung và có thể đạt được hiểu biết về các lợi ích chung. Nếu quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ được thử thách bởi cuộc chiến Syria thì có thể nói về bản chất mạnh mẽ của họ và triển vọng lớn dành cho 2 nước trong hợp tác chiến lược.

Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng sử dụng phép thử trong thời kỳ đầu của chiến dịch quân sự của Nga ở Syria, điều đã dẫn đến việc tiêm kích Su-24 của Nga bị bắn hạ và quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ bị “đóng băng” kéo dài 9 tháng. Tuy nhiên, kể từ khi ông Erdogan ngỏ lời xin lỗi về sự hy sinh của phi công Su-24 Oleg Peshkov và duy trì được quyền lực của mình sau âm mưu đảo chính thì ông Erdogan đã phải đưa ra sự lựa chọn và không dám tiếp tục “trò chơi” chính trị lợi dụng mâu thuẫn giữa Nga và Mỹ.

Không phải ngẫu nhiên mà giọng điệu tuyên bố của ông Erdogan đối với Mỹ trở nên cứng rắn hơn. Trên thực tế, ông Erdogan đã có những tuyên bố trách cứ Washington vì quan điểm chống Thổ Nhĩ Kỳ.

Những người bạn mới

Thổ Nhĩ Kỳ giờ đã đứng hẳn sang phe Nga. Ông Erdogan từng nói rằng: “Chúng tôi được hỏi là khi nào kết thúc chiến dịch quân sự ở Syria. Vậy còn các bạn (nước Mỹ) khi nào sẽ rời khỏi Afghanistan và Iraq? Các bạn nói rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng không còn nữa. Vậy các bạn còn ở lại làm gì? Điều đó có nghĩa là các bạn có những tính toán chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hay có khả năng là chống lại cả Nga nữa. Nhưng chúng tôi vẫn sẽ đứng vững”.

Quan hệ với Iran và Nga đang trở thành một sự lựa chọn địa chính trị đối với Thổ Nhĩ Kỳ, không đơn giản chỉ trong tình hình ở Syria mà còn sâu rộng hơn ở toàn Trung Đông và thậm chí là trên toàn cầu. Thậm chí, cuộc gặp giữa 3 tổng thống đã trở nên thường xuyên hơn. Các mối quan hệ trong tam giác Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran và quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là mong muốn và tình cảm của lãnh đạo các quốc gia này mà còn là lợi ích khách quan của họ. Hơn nữa, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã mục đích đạt 100 tỷ lĩnh vực kinh tế, quân sự, chính trị...

Chính bởi vậy mà không có lý do gì để từ bỏ việc xây dựng mối quan hệ chiến lược đáng tin cậy giữa 2 nước. Điều này giải thích tại sao đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc xích lại gần NATO, tập trung vào gia nhập EU không còn đóng vai trò quan trọng nữa. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận thức về hy vọng ảo tưởng cho việc gia nhập EU và tỏ ra không hài lòng đối với sự phụ thuộc vào NATO và Mỹ.

Đồng thời, tâm trạng người dân cũng cho thấy những tín hiệu tích cực về mối quan hệ giữa 2 nước trên. Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới đây do Công ty Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ Optimar thực hiện, 62% số người được hỏi cho rằng sự xích lại gần nhau giữa Ankara và Moskva là hoàn toàn tích cực.

Nguyễn Hòa
.
.