Thổ Nhĩ Kỳ có nhượng bộ trước sức ép của EU?

Thứ Năm, 17/09/2020, 16:28
Ngày 13-9, tàu nghiên cứu thăm dò khí đốt Oruc Reis được chính quyền Ankara rút khỏi khu vực tranh chấp giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông Địa Trung Hải, giàu khí tự nhiên.

Theo tờ báo thân Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ Yeni Safak, nhiệm vụ của tàu Oruc Reis được triển khai kể từ ngày 10-8 tại khu vực lãnh hải do Athens và Ankara tranh chấp, kết thúc hôm Thứ bảy tuần trước, đã không được chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ gia hạn thêm.

Theo nhật báo này, Oruc Reis đã quay trở lại cảng Antalya (phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ). “Đây là một bước tích cực đầu tiên (...). Tôi hy vọng sẽ có những bước tiếp theo”, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nói trong một cuộc họp báo ở Thessaloniki (phía Bắc). Ông Kyriakos Mitsotakis nhấn mạnh rằng “bước đi này của Thổ Nhĩ Kỳ là đúng”, hướng tới “giảm leo thang tình hình” và có thể góp phần vào việc nối lại đối thoại giữa hai nước và rằng “Athens luôn sẵn sàng bắt đầu các cuộc tiếp xúc với Ankara”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp thượng đỉnh với 6 nước ven Địa Trung Hải, ngày 10-9.

Sự hiện diện của tàu Oruc Reis, được tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống, ở phía Đông Địa Trung Hải trong hơn một tháng qua, đã gây ra cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước thành viên NATO, đang tranh chấp lãnh hải trên biển Aegean. Hy Lạp, nhận được sự ủng hộ của EU và đặc biệt là của Pháp. Nước này đã thực hiện các cuộc diễn tập quân sự chung với lực lượng hải quân Hy Lạp gần khu vực tranh chấp này.

Ngày 10-9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã họp với lãnh đạo 6 nước Nam Âu tại đảo Corse của Pháp. Mục tiêu của cuộc họp là đạt được một lập trường thống nhất cho cuộc họp thượng đỉnh châu Âu về hồ sơ Thổ Nhĩ Kỳ sắp diễn ra.

Trong bản tuyên bố kết thúc hội nghị, lãnh đạo 7 nước Nam Âu đã tái khẳng định quyết tâm nối lại đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng vẫn đe dọa ban hành các biện pháp trừng phạt Ankara. Mặc dù Tổng thống Macron đã tránh không nói đến chữ “trừng phạt”, khi ông nhấn mạnh nhiều hơn đến sự cần thiết phải nối lại đối thoại nhưng trên tuyến đầu cùng với Síp trong cuộc khủng hoảng này, Thủ tướng Hy Lạp lại có giọng điệu gay gắt hơn. Ông cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải chấm dứt những hành động và lời lẽ hung hăng. Thủ tướng Hy Lạp còn nói là, nếu không thể có đối thoại xây dựng, vấn đề sẽ được đưa ra trước Tòa án Quốc tế La Haye.

Không có thái độ hiếu chiến như thế, các đối tác Malta, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nhấn mạnh sự cần thiết toàn thể Liên minh châu Âu có một tiếng nói chung trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 24 và 25-9 bàn riêng về căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. EU cảnh báo rằng trừ khi Thổ Nhĩ Kỳ ngồi xuống đàm phán với Hy Lạp, khối này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ankara trước cuối tháng 9.

Bên cạnh sức ép ngoại giao, trong thông điệp tối 12-9, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, cho biết đã đến lúc quân đội Hy Lạp phải được trang bị thêm nhiều phương tiện và vũ khí mới để đối phó với tình hình căng thẳng trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, Hy Lạp đang đàm phán với Pháp để trang bị thêm 18 chiến đấu cơ đa năng Rafale, đặt mua 4 tuần dương hạm và tuyển mộ thêm 15 ngàn binh sĩ. Thủ tướng Hy Lạp cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa biên giới phía Đông của châu Âu và an ninh khu vực. Đối với Paris, đồng minh của Athens trong vụ xung khắc với Ankara, quyết định của Hy Lạp còn là một thành công của công nghệ hàng không quân sự. Bộ trưởng Bộ Quân lực Pháp Florence Parly cho đây là “quyết định tăng cường quan hệ giữa hai quân đội Pháp-Hy Lạp”.

Trong khi đó, phía Mỹ kêu gọi các bên hạ nhiệt bằng ngoại giao. Phát biểu nhân chuyến thăm Cộng hòa Síp mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông Địa Trung Hải, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết bất đồng qua giải pháp ngoại giao. Ông Pompeo cũng khẳng định Hy Lạp và Cộng hòa Síp có quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của các nước này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar ngày 13-9 tuyên bố việc tàu khảo sát địa chấn Oruc Reis trở về gần vùng bờ biển phía Nam của nước này không có nghĩa là Ankara từ bỏ các quyền của mình ở Đông Địa Trung Hải. Ông Akar nêu rõ, việc tàu Oruc Reis trở về nằm trong kế hoạch hoạt động của tàu này. Trước đó, ngày 12-9, Tổng thống Erdogan kêu gọi Hy Lạp “tránh xa” những hành động “sai trái” được các nước như Pháp hậu thuẫn.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho rằng Pháp “không thể dạy cho Thổ Nhĩ Kỳ một bài học về nhân tính” vì quá khứ thuộc địa của Pháp ở Algeria và vai trò của nước này trong cuộc diệt chủng tại Rwanda năm 1994. “Chúng tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ ở Địa Trung Hải và biển Aegean”, ông Erdogan quả quyết.

Đây không phải là lần đầu EU gia tăng sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới những tranh chấp ở Địa Trung Hải. Hồi cuối tháng 8, châu Âu dọa bắt giữ tàu khoan của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng câu trả lời từ phía Ankara là “việc EU viện đến lời đe dọa trừng phạt không giúp giải quyết được vấn đề. Trái lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quyết tâm hơn bao giờ hết”, theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hami Aksoy. Thậm chí ngày 1-9, Thổ Nhĩ Kỳ còn thông báo kéo dài thời gian thăm dò khí đốt tại khu vực giàu khí đốt ở phía Đông Địa Trung Hải.

Trong một phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 5-9, Tổng thống Erdogan cảnh báo: “Họ sẽ hiểu, hoặc thông qua ngôn ngữ chính trị và ngoại giao hoặc trên thực tế thông qua những kinh nghiệm cay đắng. Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống và hậu quả”. Với NATO, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không ngại nói thẳng. Trong cuộc điện đàm với ông Erdogan tuần trước, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh sự cần thiết phải “đối thoại” và “giảm leo thang” Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan trả lời ông Stoltenberg rằng “NATO nên hoàn thành trách nhiệm chống lại các sáng kiến đơn phương không tôn trọng luật pháp quốc tế và gây tổn hại đến hòa bình khu vực”.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.