Theo dấu Mekong: Thượng nguồn hùng vĩ

Chủ Nhật, 20/12/2020, 10:33
Như ý nghĩa tên gọi của nó "Sông Mẹ" trong tiếng Lào và tiếng Thái, Mekong là nguồn sống của hơn 65 triệu dân. Trong lưu vực sông Mekong, các quốc gia có nhiều điểm tương đồng về đặc điểm tự nhiên cũng như khí hậu nhiệt đới gió mùa và tập quán canh tác nông nghiệp. Văn hóa cũng ảnh hưởng lẫn nhau với sự đồng điệu trong kiến trúc đền chùa, trong văn hóa ẩm thực, các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian...

Mỗi khi nhắc đến những dòng sông, tôi đều liên tưởng đến những lạch nguồn chảy từ miền trầm tích, đưa nước lành và phù sa mát ngọt về bồi đắp nên bao vùng quê trù mật. Với gần bốn trăm con sông được định tên trên lãnh thổ Việt Nam, các dòng chảy ấy cứ ngạo nghễ bắt nguồn từ biên giới, vượt qua thác ghềnh, qua châu thổ rồi hiền hòa tan chảy vào biển Đông mặn mòi. Xuôi Bắc ngược Nam, hành trình của những dòng sông luôn đem lại những vần thơ hay nhất, những nốt nhạc đẹp nhất của mỗi vùng quê. Và Mekong cũng là khởi nguồn của hàng chục con sông chảy trên đất Việt.

Một nhà khoa học đã ví von, nếu Trái Đất là một cơ thể sống thì sông chính là những mạch máu trên cơ thể Mẹ Trái Đất. Hẳn rồi, bởi sông mang nước và phù sa bồi đắp châu thổ, chuyển hoàn dinh dưỡng, làm sống lại các vùng đất khô cằn và hỗ trợ hệ sinh thái của hành tinh. Sông chuyên chở khoáng thạch, hoàng thổ nơi quan san kết nối với trầm tích hải hà biển cả dưới đáy đại dương. Sông mang trong mình triệu triệu mầm sống, tạo nên nguồn lợi thủy sản đa dạng cho con người… 

Với gần bốn trăm con sông được định tên trên lãnh thổ Việt Nam, các dòng chảy ấy cứ ngạo nghễ bắt nguồn từ biên giới, vượt qua thác ghềnh, qua châu thổ rồi hiền hòa tan chảy vào Biển Đông mặn mòi. Xuôi Bắc ngược Nam, hành trình của những dòng sông luôn đem lại những vần thơ hay nhất, những nốt nhạc đẹp nhất của mỗi vùng quê. Nên sẽ không ngoa khi nói dòng Mekong là một kinh mạch lớn với những giá trị kiến tạo không thể thay thế.

Như ý nghĩa tên gọi của nó "Sông Mẹ" trong tiếng Lào và tiếng Thái, Mekong là nguồn sống của hơn 65 triệu dân. Trong lưu vực sông Mekong, các quốc gia có nhiều điểm tương đồng về đặc điểm tự nhiên cũng như khí hậu nhiệt đới gió mùa và tập quán canh tác nông nghiệp. Văn hóa cũng ảnh hưởng lẫn nhau với sự đồng điệu trong kiến trúc đền chùa, trong văn hóa ẩm thực, các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian...

Nguồn vàng trắng phong phú tại thượng nguồn sông MeKong.

Nhớ đến những nẻo đường biên giới đã từng qua, mới giật mình nhận ra mình đã gặp rất nhiều chi lưu của dòng sông ấy trải dài trên lãnh thổ Việt Nam từ Bắc vào Nam. Ngoài dòng Cửu Long uốn khúc chín đầu rồng, tạo nên Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích bốn triệu ha, thì tôi cũng đã từng đến Thượng Xê Xan, Thượng Sêrêpốc của Tây Nguyên. Hay huyện Hướng Hoá, Quảng Trị có một phần diện tích nằm trong lưu vực sông Mekong với dòng Xê A Sáp đổ vào Sê Kông chảy dọc tỉnh Sê Kông và vùng lòng chảo Điện Biên là con sông Nậm Rốm bắt nguồn từ vùng núi cao Mường Phăng đổ vào sông Nậm Ư của Lào.

Vậy là khoác ba lô, máy ảnh lên đường khám phá dòng Sông Mẹ của hàng trăm dân tộc thuộc con dân của sáu quốc gia Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Để lắng mình trong rực rỡ sắc màu văn hóa nghìn năm được con người kiến tạo trên lưu vực sông, để cúi đầu cảm nhận những trầm luân mà con người nghìn năm qua đã khắc chế thiên nhiên, cùng thiên nhiên làm nên cây lành trái ngọt... Và còn để thấy dòng sông huyền thoại đang dần trở nên nhỏ bé trước sự tham lam tàn phá của con người.

Đáp máy bay đi Vân Nam, chúng tôi không theo tour du lịch thông thường mà tự mình thuê một chiếc ô tô nhỏ để lên đường đến Thanh Hải. Nhà báo Chu Khiết, một cây bút tự do của Thành Đô qua lời giới thiệu của một người bạn là Tùy viên quốc phòng Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã tình nguyện dẫn đường đưa chúng tôi đi. Vượt một chặng đường dài hơn 1.000 ki-lô-mét, chúng tôi chính thức bước vào địa giới của cao nguyên Tây Tạng, hai bên đường xe chạy thấy được dáng vẻ mềm mại, xanh ngát của những hàng liễu cao, loài cây biểu tượng của Tây Ninh - một tỉnh lỵ của Thanh Hải.

Trên hành trình, điều chúng tôi cảm thụ rõ nét chính là sự kỳ vĩ của cảnh quan, sự tráng lệ của văn hóa truyền thống, sự đa dạng của nghệ thuật mà những cư dân thuộc thành phần các dân tộc nơi đây đã sáng tạo và gìn giữ suốt mấy nghìn năm qua. Chu Khiết tranh thủ đưa chúng tôi đi thăm chợ Nhiệt Cống, dịch nghĩa là "Thung lũng Vàng" để có thể mua những món đồ thủ công đặc sắc như tranh tường, đồ thêu tay và đặc biệt nhất là Thang Ka - loại tranh cuộn thêu hình các vị Phật của tôn giáo Tây Tạng trên vải  satin nhiều màu sắc.

Cứ di chuyển liên tục như thế, sau ba ngày, chúng tôi đã có thể đến được vùng núi Quốc Trung Mộc Sách thuộc tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc. Chỉ có thể đứng nhìn để hình dung hành trình tìm về với biển của dòng phù sa ấy đã trải qua biết bao khắc chế của địa hình, địa vật chứ không đủ thời gian và sức khỏe để lên tận khe suối nằm khuất tít sau trùng trùng thâm u. 

Ông chủ quán trọ người Tây Tạng dưới chân Quốc Trung Mộc Sách có cái tên rất khó đọc là Trison Dantsu chỉ khoảng hơi nước mù mịt bốc lên phía xa bảo rằng, con sông này người địa phương đặt tên là Dza Chu, có nghĩa là Trát Khúc. Càng đi về phía thượng nguồn, Mekong càng dữ dằn, hoang dã, nước gầm gào, sôi réo quanh năm. Có lẽ bởi vì thế mà trên địa phận Trung Quốc, sông Mekong có tên gọi là Lan Thương Giang, mang nghĩa là "con sông cuộn sóng".

Hệ thống sông Mekong vừa là nguồn sống, vừa là kênh giao lưu giao thương tấp nập.

Qua khỏi địa phận Trung Quốc, Mekong hạ độ cao từ nghìn mét xuống còn 400 - 500 mét so với mực nước biển ở biên giới Lào với Myanmar và Lào với Thái Lan. Suốt mấy trăm ki-lô-mét, sông vẫn miệt mài chảy giữa rợn ngợp thành quách đá. Có cảm giác rằng, sông phải khó khăn, nhẫn nại lắm mới vượt qua được những trận địa đá để trổ đường ra biển lớn. "Giang hồ vặt" như tôi không đủ can đảm để bám theo dòng sông, chỉ có thể chọn một vài điểm đến để cảm nhận "tình phù sa tuy đục mà trong" của dòng sông đã mang lại sự sống cho con người một dải đất rộng dài Đông Nam Á.

 Điểm đến tiếp theo của tôi chính là cố đô Luang Frabang với Hoàng cung của các triều đại vua Lào trong quá khứ. Leo 329 bậc đá lên ngọn núi đơn độc Pu Si, toàn cảnh cố đô yên bình và tịnh lệ hiện ra trong tầm mắt, và dòng Mekong uốn lụa làm đường phân ranh đất nước Lào với nước bạn Thái Lan. Cô hướng dẫn viên người Lào tên Chăn Thi May dáng vẻ căng mọng như búp hoa Chăm-pa ngậm sương nói tiếng Việt rất giỏi bởi đã nhiều năm học tiếng Việt tại trụ sở Hội Người Việt Nam ở Luang Frabang. 

Qua lời kể của cô, chúng tôi biết thêm ở đây có rất nhiều người Việt sinh sống hòa thuận cùng người Lào, còn có một ngôi trường Tiểu học Hùng Vương của học sinh người Việt, mà thầy hiệu trưởng cũng là người Việt. Có Bưu điện Luang Frabang, nơi ra đời của nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Chăn Thi May bảo, ở Thái Lan và Lào, các con sông đều được dịch là "Mẹ của nước", biểu thị bằng tiền tố Mae, có nghĩa là "mẹ", còn Nam là "nước".

Trước mắt chúng tôi, "con sông cuộn sóng" đã không còn mà chỉ là một dòng nước lênh loang hắt nắng sáng lên như một mảnh vàng khổng lồ. Dòng nước này đang lừng lững hướng về Viên Chăn, qua thác Khôn, xuôi Hạ Lào, hòa vào Tông-lê Sáp của Campuchia rồi đổ vào Việt Nam qua khu vực cửa khẩu Thường Phước, nơi có cột mốc 240. Trên địa phận Lào, Thái Lan, Campuchia cũng như Việt Nam, hầu hết người dân sống bên dòng sông đều là dân nghèo làm nghề nông nghiệp, đánh bắt cá... Gia đình Chăn Thi May cũng vậy. Có lẽ vì thế mà cô tỏ ý lo lắng trước việc những người thân và ngôi làng của cô đang bị bị đe dọa bởi lũ lụt, nạn phá rừng, ô nhiễm cũng như các dự án thủy điện khổng lồ đang được xây dựng phía thượng lưu.

Những ngư dân Lào đánh cá trên sông Mekong.

Anh họ của Chăn Thi May, Chăn Thạch Sang đích thị là một ngư dân chính hiệu, chạy chiếc xe ba bánh đưa chúng tôi về ngôi làng cách Luang Frabang gần 80 cây số. Trái ngược với cố đô, vùng ngoại ô này chỉ có những ngôi nhà thấp, mái tôn xám xịt, tương phản với bờ bên kia của Thái Lan đã mang dáng dấp của một đô thị mới. Ngay phía bến sông, nơi có hàng trăm chiếc thuyền nhỏ đang đậu, những người đàn ông da đen sạm, tóc hung vàng vì nắng đang tất bật sắp xếp ngư lưới cụ, chuẩn bị cho lần đánh cá mới.

Chăn Thạch Sang khoe lần này họ sẽ xuôi về hạ nguồn tìm dòng cá mới vì những năm gần đây, cá trên thượng du bị ngăn lại tại các hồ thủy điện nên không còn là mấy, các loại cá đặc sản như cá hô, cá lăng, cá ngựa nam cũng cạn kiệt... Lịch trình của ngư dân Lào khá rõ ràng. Vào mùa khô, những tay lưới này sẽ giong thuyền xuống Sa-van-na-khẹt, Khăm-muộn... Còn mùa lũ thì ngược lên bắc Lào để săn các loài quý...

Thật vui là khi thuyền ra đến giữa dòng, chúng tôi gặp một thuyền câu Thái Lan nhập hội. Vông Sa Ly, chủ thuyền câu bảo ngư dân hai nước cùng khai thác cá trên sông rất ít khi xảy ra tranh chấp. Họ cùng thống nhất với nhau sẽ không đánh bắt kiểu tận diệt để bảo tồn nguồn lợi thủy sản chung. Hai chiếc thuyền chào nhau bằng một hồi còi rồi cùng song song chạy. Cứ thế cho đến khi qua gầm cầu hữu nghị Lào - Thái Lan II, đến ngã ba sông, nơi có hữu ngạn Mê Na Mun thì chiếc thuyền của ngư dân Thái Lan mới bẻ lái chuyển hướng về phía tây.

Phạm Vân Anh
.
.