Ngày bình yên còn xa vời

Thứ Bảy, 10/07/2021, 11:41
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/7 (giờ địa phương) thông báo, sứ mệnh quân sự của Mỹ tại Afghanistan sẽ kết thúc vào ngày 31/8 tới, gần 20 năm kể từ khi phát động cuộc chiến chống khủng bố tại quốc gia Nam Á này sau vụ tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo Afghanistan đoàn kết để ngăn chặn cuộc nội chiến và dẫn dắt đất nước trong tương lai.

Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng về các nỗ lực nhằm khép lại cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, Tổng thống Joe Biden khẳng định, Quân đội Mỹ đã đạt được các mục tiêu tại Afghanistan, theo đó làm suy yếu mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và ngăn chặn nhiều cuộc tấn công nhằm vào Mỹ. 

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đang kết thúc cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ” và sẽ hoàn thành trước ngày 31/8, sớm hơn thời hạn đặt ra ban đầu là ngày 11/9. Lầu Năm Góc cho biết, kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan đã hoàn tất 90%. 

Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố, Mỹ “không đến Afghanistan để xây dựng đất nước này” và người Afghanistan cần phải tự quyết định tương lai của họ: “Chính phủ Afghanistan và các nhà lãnh đạo nước này phải xích lại gần nhau. Rõ ràng là họ có khả năng để duy trì chính phủ. Câu hỏi đặt ra là liệu họ có tạo ra được kiểu gắn kết để thực hiện điều đó hay không. Họ có khả năng, họ có lực lượng và có trang bị, do vậy câu hỏi đặt ra là liệu họ có sẵn sàng thực hiện điều đó hay không”. 

Tổng thống Mỹ đồng thời bày tỏ tin tưởng Quân đội Afghanistan có thể bảo vệ đất nước trước lực lượng Taliban đang ngày càng lớn mạnh, với lý do 300 nghìn quân nhân Afghanistan đã được Mỹ huấn luyện và trang bị trong hai thập niên qua. Tổng thống Joe Biden cam kết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ chính phủ và các lực lượng an ninh Afghanistan sau khi rút quân khỏi nước này. 

Tổng thống Joe Biden kêu gọi các nhà lãnh đạo Afghanistan đoàn kết để ngăn chặn cuộc nội chiến và dẫn dắt đất nước trong tương lai. Ảnh: Bloomberg

Ông cho hay Washington sẽ duy trì hiện diện ngoại giao tại Afghanistan, cũng như đảm bảo an ninh cho sân bay quốc tế Kabul và theo đuổi một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt bạo lực. Ông cũng bác bỏ ý kiến cho rằng, Mỹ sẽ chịu trách nhiệm về những người Afghanistan thiệt mạng trong cuộc nội chiến.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia và quan chức không chia sẻ sự lạc quan của Tổng thống Joe Biden. Việc Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên tục rút quân đã làm dấy lên những quan ngại rằng Afghanistan có thể trở nên đổ máu hơn nữa. Tướng hàng đầu của Quân đội Mỹ Austin S.Miller, hiện là Tư lệnh Phái bộ Hỗ trợ Kiên quyết của NATO tại Afghanistan đã cảnh báo rằng, một cuộc nội chiến có thể xảy ra khi Taliban tăng cường chính sách kìm kẹp của lực lượng này. 

Các chuyên gia cũng đánh giá đất nước Afghanistan “đang ở vào tình thế quân sự vô cùng nhạy cảm” với những diễn biến phức tạp và vô cùng khó lường. Một mặt, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban vẫn được thúc đẩy, dù chưa có nhiều tiến triển. 

Mặt khác, giao tranh giữa Quân đội Afghanistan và các tay súng Taliban đang diễn ra ác liệt, gây thương vong cho dân thường ở mức đáng báo động. Làn sóng bạo lực gia tăng ở Afghanistan đang có nguy cơ làm chệch hướng tiến trình đối thoại và hòa giải chính trị ở quốc gia Tây Nam Á vốn chìm trong chiến tranh 20 năm nay, thậm chí còn có thể đẩy Afganistan vào một cuộc nội chiến mới. Nó cũng đang khiến dư luận hoài nghi về tác động của thỏa thuận rút quân của Mỹ. 

Trong tuyên bố chung ngày 8/7, sau cuộc đàm phán được tổ chức tại Thủ đô Tehran của Iran, các phái đoàn của Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban đã nhất trí về nguy cơ chiến tranh tiếp diễn cũng như thiệt hại mà chiến tranh sẽ gây ra đối với sự thịnh vượng của đất nước. Hai bên khẳng định rằng “chiến tranh không phải là giải pháp cho vấn đề Afghanistan và tất cả các nỗ lực đạt được một giải pháp chính trị và hòa bình cần được chứng minh”. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục đàm phán về một cơ chế cụ thể nhằm đạt được hòa bình lâu dài và xây dựng nhà nước Hồi giáo trong cuộc họp tiếp theo, dự kiến sẽ được tổ chức trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, diễn biến trên thực địa ở Afghanistan lại đang gây lo ngại. Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Bismillah Mohammadi tuyên bố “giao tranh đang diễn ra ác liệt” với Taliban, sau khi các tay súng này tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn vào Qala-i-Naw, thủ phủ của tỉnh Badghis Tây Bắc Afganistan. Giao tranh giữa Quân đội Afghanistan và Taliban gia tăng sau khi các lực lượng nước ngoài do Mỹ đứng đầu bắt đầu rút quân khỏi chiến trường Tây Nam Á này từ ngày 1/5, trong đó Taliban đã mở rộng quyền kiểm soát thêm nhiều vùng lãnh thổ, chiếm đóng lại nhiều khu vực, chủ yếu ở miền Bắc - nơi sinh sống của các nhóm sắc tộc thiểu số. Theo thống kê của tạp chí Long War Journal, trước ngày 1/5, Taliban kiểm soát 73 trong số 398 quận/huyện thuộc 34 tỉnh của Afghanistan, trong khi Chính phủ Afghanistan kiểm soát 115 quận/huyện, và 210 quận/huyện khác ở trong trạng thái giằng co. 

Tuy nhiên, đến ngày 7/7, Taliban đã kiểm soát 196 quận/huyện, và khu vực kiểm soát của Chính phủ Afghanistan chỉ còn 74 quận/huyện. Trong khi đó, Chính phủ Afghanistan, hiện vẫn nắm giữ các tỉnh/thành chủ chốt, các thành phố lớn như Kabul, Kandahar, Kunduz, Herat...., đã mở chiến dịch tổng động viên quân, trang bị vũ khí cho dân thường và các lực lượng dân quân địa phương để đối phó với các cuộc tấn công của Taliban, đồng thời lên kế hoạch phản công tại các tỉnh miền Bắc nước này sau khi để mất quyền kiểm soát khu vực vào tay Taliban. Với thực trạng hiện nay, dư luận lo ngại bất ổn tại Afghanistan sẽ còn trầm trọng hơn và tiếp diễn trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, sau 20 năm kể từ khi Mỹ và đồng minh đưa quân vào Afghanistan tháng 10-2001, lật đổ chính quyền Taliban cầm quyền khi đó, bạo lực và bất ổn vẫn bao trùm đất nước Afghanistan, bất chấp sự hiện diện của lực lượng nước ngoài.

Phát biểu ngày 8/7 tại thủ đô Kabul, Tổng thống Ashraf Ghani khẳng định quá trình chuyển tiếp chính trị tại quốc gia Tây Nam Á này “hiện đang ở một trong những giai đoạn phức tạp nhất”. Tiến trình hòa bình do người Afghanistan dẫn dắt và làm chủ đang đối mặt với thử thách khắc nghiệt mà bạo lực leo thang khiến nguy cơ đổ vỡ ngày càng tăng. Sự nghi kỵ, chia rẽ sắc tộc và phe phái vốn đã rất sâu sắc tại đất nước này đang tạo ra những biến số khó lường, khiến mục tiêu đạt được giải pháp cuối cùng ở Afghanistan trên cơ sở một thỏa thuận chính trị lâu dài được cả chính quyền Kabul và Taliban chấp nhận, thêm xa vời.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.