“Phao cứu sinh” cho Haiti giữa giông tố chính trị

Thứ Năm, 22/07/2021, 09:34
Chính phủ Haiti mới đây đã chính thức bổ nhiệm ông Ariel Henry làm Thủ tướng, gần hai tuần sau khi Tổng thống Jovenel Moise bị bắn hạ trong một vụ ám sát chấn động, đã đẩy quốc gia Caribe vốn bị chia rẽ sâu sắc này vào tình trạng bất ổn chính trị nghiêm trọng hơn.

Ông Ariel Henry, một bác sĩ giải phẫu thần kinh 71 tuổi và là cựu Bộ trưởng Nội các, đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Haiti trong một buổi lễ ở thủ đô Port-au-Prince ngày 20/7 (giờ địa phương). 

Cũng trong sự kiện này, ông đã bắt đầu bài phát biểu nhậm chức với một phút mặc niệm dành cho vị Tổng thống mới bị ám sát, vụ việc đã đẩy Haiti, nơi đã trải qua bạo lực băng đảng gia tăng và bất ổn chính trị trong nhiều năm, rơi vào tình trạng hỗn loạn hơn nữa. “

Đã đến lúc thống nhất và ổn định”, tân Thủ tướng Haiti cho biết trong bài phát biểu, đồng thời, kêu gọi các nỗ lực hỗ trợ từ quốc tế cho chính phủ, vốn nhận hàng tỷ USD viện trợ kể từ trận động đất kinh hoàng năm 2010. Haiti, đất nước được coi là nghèo nhất Tây Bán cầu, đã vật lộn với tình trạng vô pháp do các băng nhóm bạo lực hoành hành. 

Tân Thủ tướng cho biết ông có kế hoạch gặp gỡ với các thành phần xã hội khác nhau trong những ngày tới để xây dựng sự đồng thuận chính trị nhằm giải quyết các vấn đề mà Haiti gặp phải, nhấn mạnh thêm rằng, ông muốn tạo điều kiện cho càng nhiều người được tham gia bầu cử vào tháng 9 tới càng tốt. 

Đầu tuần này, Thủ tướng lâm thời sắp mãn nhiệm Claude Joseph cho biết ông sẽ từ chức “vì lợi ích của quốc gia” và việc chỉ định ông Henry là nhằm tạo điều kiện cho cuộc bầu cử. 

Nhắn gửi đến người kế nhiệm, ông Joseph đã đưa ra lời cảnh báo về những khó khăn phía trước, đặc biệt là trong sự “thiếu vắng vị trí Tổng thống và cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có tiền lệ, bất an phi mã và tình hình kinh tế bấp bênh và khó khăn” tại Haiti. 

Thủ tướng Haiti Ariel Henry phát biểu tại lễ nhậm chức ở Port-au-Prince, ngày 20/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Dư luận chia làm hai hướng trước việc ông Henry trở thành Thủ tướng Haiti. Một số quan sát viên nhận định, lời tuyên thệ nhậm chức của ông Henry đánh dấu “một bước quan trọng cho sự ổn định của Haiti”. 

Ông Henry cũng là người được Tổng thống quá cố chỉ định trước khi qua đời. Tuy vậy, vẫn có ý kiến cho rằng ông này chỉ là một con bài của các nước lớn. 

Một liên minh đối lập tại Haiti đã gọi ông Henry là “con rối” của cộng đồng quốc tế và bác bỏ việc bổ nhiệm của ông. “Bước đi này chỉ là một hành động khiêu khích chính trị, sẽ đổ thêm dầu vào lửa và đẩy đất nước vào khủng hoảng hơn nữa”, liên minh này cho biết. 

Robert Fatton, một chuyên gia chính trị về Haiti tại Đại học Virginia, Mỹ, cho biết sự ra đi của ông Joseph đã được dự kiến trước. “Mọi thứ xảy ra ở Haiti đều có một thành phần nước ngoài mạnh mẽ can thiệp”, chuyên gia này cho biết.

Cuối tuần trước, một nhóm quan chức nước ngoài đã kêu gọi thành lập “một chính phủ đồng thuận và bao trùm” ở Haiti và cho biết họ “rất khuyến khích” ông Henry với tư cách là Thủ tướng được chỉ định “thành lập một chính phủ như vậy”. 

Nhóm này bao gồm các đại sứ từ Đức, Brazil, Canada, Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp, Liên minh Châu Âu. Các nhà hoạt động xã hội dân sự hàng đầu của Haiti gần đây cũng đặt câu hỏi về việc Mỹ, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác thúc đẩy Haiti tổ chức tổng tuyển cử trong năm nay, nhấn mạnh rằng một cuộc bỏ phiếu sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng ở một quốc gia mà nhiều cơ quan chủ chốt không hoạt động. 

Tổng thống Moise đã nắm quyền điều hành đất nước bằng sắc lệnh kể từ năm ngoái, và làm trầm trọng cuộc khủng hoảng tại Haiti với các cuộc biểu tình lớn vào tháng 2 khi ông khẳng định rằng ông còn một năm trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, một điều mà các nhóm đối lập hết sức phản đối. 

Ông Moise bị bắn chết vào ngày 7/7 khi một nhóm tay súng xông vào tư dinh của ông ở Port-au-Prince và nã đạn, phu nhân Martine Moise, cũng bị thương nặng và phải đưa sang Mỹ cấp cứu. 

Vụ ám sát đã làm rung chuyển một hệ thống chính trị vốn đã mong manh tại Haiti, trong khi đó, nhiều người đã chuyển hướng sự chú ý vào các thể chế an ninh yếu kém bị “kìm kẹp” bởi các băng nhóm tội phạm lớn mạnh kiểm soát các vùng đất ở Haiti như các lãnh chúa phong kiến. 

Sau cái chết của Tổng thống Moise, ông Joseph đã giữ chức Thủ tướng bất chấp những lời chỉ trích từ các đối thủ chính trị trong nước, những người cáo buộc ông theo đuổi một cuộc tranh giành quyền lực liều lĩnh. 

Ông Joseph sẽ trở lại công việc trước đây của mình là Ngoại trưởng Haiti. Một số vị trí quan trọng khác trong nội các vẫn sẽ được giữ nguyên. Hiện nay vẫn còn nhiều nghi vấn chưa được giải đáp xung quanh vụ ám sát Tổng thống Haiti, trong đó có động cơ và người đứng đằng sau âm mưu táo tợn này. 

Ngày 20/7, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Haiti, Leon Charles, công bố thêm 4 nghi phạm bị bắt, bao gồm 3 sĩ quan cảnh sát, nhưng chi tiết vẫn chưa được tiết lộ. Đến nay, 26 nghi phạm, gồm 18 người Colombia, 5 người Haiti và 3 người Mỹ gốc Haiti, đã bị bắt. 

Tang lễ của ông Moise sẽ được tổ chức tại thành phố CapHaitien vào ngày 23/7.

Duy Tiến
.
.