CQĐT đã phá vụ "gian lận xăng dầu bằng công nghệ cao" như thế nào?

Thứ Ba, 16/12/2014, 11:35
Sau khi bắt, khám xét khẩn cấp Nguyễn Sơn Hải trú tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu (Nghệ An), là Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị xây lắp xăng dầu Trường Hải, thu giữ 23 chíp IC giả các loại, nhãn hiệu SEEN, Lê Văn Toán đã đến Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An đầu thú và nộp laptop chạy chương trình cùng một số chíp điện tử giả.

Toán đã khai số IC giả được lắp đặt tại các cây xăng của Hải là mua của 1 đối tượng ở TP Vinh và 1 đối tượng ở Hà Nội, nhưng cả hai không cho biết danh tính cụ thể. Mỗi lần bán, người thanh niên ở Hà Nội dặn Toán là mua đứt bán đoạn, tuyệt đối không để người thứ hai biết. "Đối tượng ở Hà Nội bảo tôi là nếu để vợ con biết thì cùng vào ngồi nhà đá cả lũ", Lê Văn Toán nói.

Bắt đối tượng trong nhà nghỉ

Từ lời khai của Hải và Toán, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, Ban chuyên án quyết phải nhanh chóng tìm ra đối tượng sản xuất, mua bán và lắp đặt IC giả gắn vào cây xăng dầu để "móc túi" khách hàng. Với sự quyết đoán, sau 7 năm trực tiếp tham gia đấu tranh với bọn "đầu nậu" về ma túy, Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng Ban chuyên án chỉ đạo các điều tra viên, trinh sát chia làm 2 tổ công tác. Tổ thứ nhất có trách nhiệm tiến hành nhận diện đối tượng ở TP Vinh theo mô tả của Toán. Tổ thứ 2 tập trung truy tìm danh tính đối tượng nói giọng Bắc, và đã phát hiện Trần Lê Đức là người ở Hà Nội, nhưng hắn có 6 địa chỉ nơi cư trú khác nhau.

Cơ quan chức năng đang làm việc với chủ cửa hàng xăng dầu vi phạm về chất lượng đo lường.

Từ sáng sớm ngày 14/11, Tổ công tác đã phối hợp với Công an TP Hà Nội lần tìm các địa chỉ của Đức, và phát hiện chỉ có một địa chỉ là nơi cư ngụ của Trần Lê Đức (35 tuổi) trú tại tổ 7, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, còn lại là địa chỉ "ma". Thế nhưng, khi trinh sát đến nơi thì Đức không có ở nhà. Được sự hỗ trợ tích cực của Phòng CSĐT tội phạm Công nghệ cao và PC46, Công an TP Hà Nội, Tổ công tác đã xác định đối tượng Trần Lê Đức đang có mặt tại sân bay Nội Bài chuẩn bị bay vào  Nha Trang. Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm chỉ đạo Tổ công tác phải mua vé vào Nha Trang gấp.

Trần Lê Đức khai báo trước Cơ quan điều tra.

Được sự phối hợp của PC46 Công an Khánh Hòa, cả trăm khách sạn, nhà nghỉ đã được kiểm tra, nhưng không phát hiện ai có tên Trần Lê Đức. Tổ công tác phối hợp với Công an phường Phúc Thọ, TP Nha Trang tiếp tục kiểm tra các khách sạn, nhà nghỉ nằm sâu trong hẻm. Tại khách sạn Quang Vinh, phát hiện một cô gái ở Hà Nội tên H. đến đăng ký nghỉ từ trưa 14/11. Theo nhân viên lễ tân, ngoài cô gái tên là H. còn có 1 nam thanh niên khoảng trên 30 tuổi cùng thuê chung phòng. Nhận định Đức đưa người tình đi du lịch, vì y đã bỏ vợ, cán bộ điều tra đưa bức ảnh của Đức để nhân viên lễ tân nhận diện, nhưng không nhận ra vì Đức đeo kính râm quá to, chỉ biết nam thanh niên cao khoảng 1,65 m, mặt gầy, khá bảnh trai, nói giọng Bắc. Xác định đúng Trần Lê Đức đang ở cùng người tình, kế hoạch bắt giữ Đức được triển khai khá kỹ.  Nhân viên gõ cửa đến lần thứ 3 thì Đức mới lên tiếng, quát tháo cho rằng tại sao đêm khuya rồi còn gọi… Khoảng 10 phút sau, cánh cửa vừa hé mở, Tổ công tác lao vào phòng khống chế Trần Lê Đức. Lúc đó là 0 giờ 10 phút, sáng 15/11.

Ngay sau đó, Tổ công tác yêu cầu cô gái cùng Đức về Cơ quan Công an để làm rõ. Riêng cô gái phản ứng gay gắt, cho rằng cô chỉ là bạn của Đức, không liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên qua thuyết phục, thấy việc mình phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an là cần thiết, cô gái chấp nhận đề nghị trên. Về đến Công an tỉnh Khánh Hòa, các cán bộ Công an tỉnh Nghệ An phải thức tận sáng để tranh thủ lấy lời khai Trần Lê Đức.

Thủ đoạn và công nghệ sản xuất IC giả                                    

Sáng hôm sau, Tổ công tác chuẩn bị dẫn độ Trần Lê Đức ra sân bay về Hà Nội, thì nhận được điện báo từ Ban Chuyên án cho biết, đã lần ra đối tượng chuyên mua bán, lắp đặt IC giả tại một số cây xăng ở Nghệ An, lệnh bắt khám xét khẩn cấp đối với Bùi Thế Ái (45 tuổi), trú tại khối 12, phường Quang Trung, TP Vinh (Nghệ An), thu giữ 78 IC giả các loại. Ái thừa nhận đã mua IC giả của một đối tượng ở Hà Nội.  Điều tra và mở rộng, Ban Chuyên án tiến hành khám xét nhà của Phạm Đình Tuấn, đối tượng có liên quan đến vụ án,  thu giữ 9 bảng vi mạch có gắn IC giả và 3 IC và một số tài liệu liên quan;  phát hiện  thêm một cửa hàng xăng dầu cài đặt IC giả.

Một trong những cửa hàng xăng dầu bị niêm phong, xử phạt hành chính.

Phấn khởi bởi chuyên án phá đường dây sản xuất, mua bán, lắp đặt  IC giả đã bị lật tẩy, nhiệm vụ của Tổ công tác lúc này phải đưa đối tượng Đức về Hà Nội gấp trong ngày, kịp khám xét khẩn cấp nơi ở của y.

Tại Hà Nội, một tổ công tác có mặt tại nhà ở của Đức tại tổ 7, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ,  thực thi lệnh khám xét khẩn cấp. Tại đây, Tổ công tác thu giữ 121 IC giả, 1 bộ máy, 1 bộ điều hành chạy phần mềm sau khi lắp đặt IC giả. Ngay trong đêm, Trần Lê Đức tiếp tục được đưa vào Nghệ An để phục vụ công tác điều tra. Theo lời khai của Trần Lê Đức, bố mẹ là công nhân viên chức nhà nước. Tốt nghiệp THPT, y ở nhà lao động tự do, sau đó lấy vợ và xin vào làm việc tại Công ty CP Kỹ thuật SEEN, đóng tại Khu Công nghiệp Từ Liêm, Hà Nội, đây là một trong những công ty hàng đầu Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tích hợp và ứng dụng công nghệ tự động hóa vào các ngành công nghiệp, chuyên sản xuất cột bơm xăng dầu điện tử, công tơ điện tử và các thiết bị đo cho ngành điện…

Các bo mạch được dùng cài chíp ma.

Năm 2008, vào mạng xã hội, Đức phát hiện một loại chíp mới dành cho cây xăng gọi là "chíp ma", được sản xuất bằng công nghệ cao, tinh vi, rất khó phát hiện. Một loại dùng điều khiển từ xa để chỉnh số sai lệch xăng dầu thông qua chíp điều khiển; một loại liên kết với máy tính để điều khiển bằng phần mềm thông qua hệ mạch ngầm đã cài đặt trước, điều chỉnh tỉ lệ phần trăm thêm bớt xăng dầu, giá trọn gói 9,5 triệu đồng. Với kinh nghiệm và đã được đào tạo cơ bản, Đức bỏ việc về nhà mua 1 bộ nạp chạy chương trình IC với giá 17 triệu đồng phục vụ việc sản xuất các chíp ma (IC giả).

Sau đó, Đức mua các bảng mạch của Công ty CP Kỹ thuật SEEN về xóa hết phần mềm đã cài đặt theo tiêu chuẩn đo lường của Bộ Khoa học và Công nghệ và chạy lại chương trình theo ý muốn của mình. Biết được địa bàn Nghệ An nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu sử dụng cây xăng của hãng SEEN, Đức chủ động tìm mối tiêu thụ và hướng dẫn cách cài đặt lắp ráp cho các cửa hàng xăng dầu có nhu cầu để bớt xén lượng xăng dầu bán ra.

Khi "sản phẩm" IC giả làm ra không kịp nhu cầu, Đức mua các IC loại rẻ tiền của Đài Loan sản xuất đem về lập trình lại thành IC giả rồi in nhãn mác giả Hãng SEEN đem bán. Một số đối tượng tiêu thụ cho Đức bán trọn gói (cả công lắp đặt) từ 9 đến 10 triệu đồng. Tuy nhiên chíp "ma" của Đức tuổi thọ chỉ 5-6 tháng, do đó việc sản xuất ra IC giả không kịp so với nhu cầu của một số chủ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chuyên "móc túi" thiên hạ. Khi có tiền, Đức bắt đầu đua đòi ăn chơi, tìm đến các cô gái trẻ. Người mà Đức mê đắm chính là H. đang là sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội. Tranh thủ H. vừa thi xong học kỳ, Đức đã cùng người tình vào Nha Trang để hưởng "tuần trăng mật". Nhưng có lẽ y không ngờ hành vi vi phạm pháp luật của mình đã bị Công an theo dõi và bắt giữ.

Gần đây nhất Cơ quan chức năng phát hiện Cửa hàng xăng dầu Ngọc Lý ở xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, sử dụng IC giả để gian lận thương mại khi bán cho khách hàng. Theo khai nhận của ông Hồ Đình Ngọc, chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu Ngọc Lý, từ tháng 4/2014 một số các cây xăng dầu tại đây đã được lắp IC giả của Trần Lê Đức. Theo tính toán của cơ quan chức năng, trong gần 6 tháng qua, nếu tính sai lệch 2% lượng xăng dầu bán ra thì cửa hàng xăng dầu Ngọc Lý đã ăn bớt hơn 2.400 lít dầu của các ngư dân ở địa phương. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chánh thanh tra Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh cho biết, đây là loại công nghệ cao, chạy được 2 chương trình đúng và sai nên rất khó cho việc kiểm tra, phát hiện.

Để đối phó  với cơ quan chức năng, trong khi bơm xăng dầu, nhân viên cửa hàng chỉ cần ngắt cầu dao điện, hoặc bấm số trên màn phím được ngầm định trong phần mềm, lập tức hệ điều hành IC gian lận thương mại trở về chương trình đúng. Còn việc điều chỉnh tỷ lệ sai số % lượng xăng dầu bán ra bao nhiêu cũng tùy thuộc vào việc điều chỉnh trên đồng hồ. Để tiện cho việc đối phó, hầu hết các cửa hàng xăng dầu lắp đặt IC giả đều sử dụng cầu dao điện trên diện rộng,  cần thiết sẽ được ngắt điện. Đến ngày 24/11, Cơ quan điều tra đã thu  giữ hơn 230 IC giả do Trần Lê Đức sản xuất. Được biết 22 cửa hàng xăng dầu phát hiện sử dụng IC giả ngoài bị tạm đình chỉ kinh doanh trong 1 tháng, mỗi cửa hàng còn bị phạt  70 triệu đồng theo Nghị đinh 97/2013 của Chính phủ.

Điều dư luận quan tâm, và đưa ra câu hỏi là hiện nay trên địa bàn Nghệ An có trên 600 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, được trải rộng trên khắp các huyện, thị, ai dám chắc chỉ dừng lại ở 22 cửa hàng gian lận trong kinh doanh để móc túi khách hàng? Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Nghệ An cho biết, hiện cơ quan này đã trình UBND tỉnh phương án để chỉ đạo, cho phép Sở Khoa học - Công nghệ phối hợp với các hãng sản xuất cây xăng dầu điện tử, các thiết bị đo lường để kiểm tra, rà soát tất cả các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh, sắp xếp lại trật tự, phân biệt IC giả và IC thật; đồng thời tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học, cơ quan liên quan kiểm tra, tìm ra phương pháp chống gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Nghệ An, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đang họp bàn để thống nhất tội danh trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Hữu Trọng
.
.