Châu Âu xúc tiến thành lập quân đội chung

Thứ Tư, 21/09/2016, 19:15
Nhiều nước trong số 27 thành viên còn lại của EU tiếp tục đề xuất ý tưởng thành lập quân đội chung EU tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh Châu Âu (EU) vừa bế mạc hôm 17/9, tại thủ đô Bratislava của Slovakia.

Siêu quân đội

Các nước ở Trung Âu, Đông Âu, Tây Âu như Đức, Pháp, Séc, Slovakia, Hungary, Bungary,... cho rằng, thành lập lực lượng quân đội chung sẽ bảo vệ tốt hơn toàn châu lục. Thủ tướng Cộng hòa Séc đề nghị EU xây dựng một lực lượng quân đội chung để tự bảo vệ mình trước những thách thức đang nảy sinh. Thủ tướng Đức Merkel cũng nhấn mạnh rằng, EU cần phải tiến gần hơn tới việc thành lập quân đội chung.

Nếu được thành lập, EU sẽ đầu tư thiết bị quân sự hiện đại nhất cho quân đội của EU, gồm máy bay không người lái, hệ thống phòng thủ mạng, máy bay chiến đấu, vận tải, trinh sát và tàu hải quân... Trước đó, Đức và Pháp đã phác thảo những thay đổi lớn trong chính sách quân sự của EU, trong đó có việc lập một trụ sở thường trực cho quân đội EU nhằm điều phối hoạt động quân sự của khối.

Phát biểu tại hội nghị ngoại giao thường niên của Cộng hòa Séc ở thủ đô Praha, ngày 22/8/2016, Thủ tướng Séc Bohuslap Sobotkachỉ rõ: Thực tế là châu Âu đang phải đối mặt với những vụ tấn công khủng bố ngày một đa dạng hơn về hình thức, mà điển hình nhất là các vụ tấn công đẫm máu gần đây tại Đức và Pháp.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng khẳng định, lập quân đội chung EU là cần thiết. Ông Jean-Claude Juncker nhấn mạnh: Việc thiếu vắng một lực lượng quân sự đủ mạnh và một "cơ cấu thường trực" khi cần thực hiện các nhiệm vụ quân sự sẽ khiến EU phải đối mặt với mọi nguy cơ rủi ro, nhất là trước những thách thức về di dân và an ninh.

Bài phân tích của Nhật báo thời sự - chính trị “Europa” (Italia) số ra mới đây về sự cấp thiết phải xây dựng một quân đội chung cho EU cũng khẳng định: “Họ là một tập hợp các nước châu Âu để tạo nên một siêu cường thực sự với gần 2 triệu binh sĩ, chứ không phải thực tế không thể huy động 60 nghìn binh sĩ trong vòng 60 ngày để làm nhiệm vụ.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk trả lời phỏng vấn báo chí sau khi Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU bế mạc tại thủ đô Bratislava của Slovakia, hôm 17/9. Ảnh: en.radiovaticana.va.

Trước đó, hôm 10/9, tờ Sueddeutsche Zeitung đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Đức và Pháp đã đưa ra bản thảo về những thay đổi lớn trong chính sách quân sự của EU bao gồm “việc thành lập một “trụ sở thường trực cho quân đội chung EU” điều phối đưa quân đội EU hoạt động ở nước ngoài. Ngoài ra, Đức và Pháp còn đưa ra sáng kiến xây dựng một hệ thống trinh sát bằng vệ tinh cũng như thành lập bộ chỉ huy hậu cần và y tế tại châu Âu.

Sẽ thoát khỏi sự “bảo hộ” của NATO

Theo cây viết Ted Galen Carpenter của trang National Interest, đã có một cơ hội lớn để thay đổi chính sách an ninh hiện tại của châu lục già với khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Có lẽ cơ hội rõ ràng nhất là khi Nam Tư bắt đầu tan rã vào đầu năm 1990, khi cả châu Âu còn lúng túng, các đồng minh đã tìm đến sự "lãnh đạo" của Mỹ, và Tổng thống Bill Clinton khi đó đã đáp lại. NATO đã kiểm soát nhiều quyết định an ninh xuyên Đại Tây Dương.

Bước đi đầu tiên là sự can thiệp vào Bosnia vào năm 1995 và sau đó là tại Kosovo trong năm 1999. An ninh của châu Âu vẫn phải dựa dẫm trong khi vai trò của NATO và Washington tiếp tục gia tăng đều đặn khi liên minh quân sự này mở rộng vào khu vực trung tâm châu Âu và sau đó vào Đông Âu. Và một thực tế là châu Âu tuy có dân số lớn và một nền kinh tế chung không kém cạnh Mỹ, hiện đang thất bại trong việc xây dựng một lực lượng quân sự của riêng mình.

Tờ báo này cũng phân tích, tháng 12/1998, Tổng thống Pháp Jacques Chirac và Thủ tướng Anh Tony Blair đã gặp nhau ở Saint-Malo và đề xuất cái gọi là “Chính sách châu Âu về an ninh và quốc phòng” (PESD), trong đó nhấn mạnh rằng “EU cần phải có năng lực và sự tự chủ trong việc can thiệp quân sự ở các điểm nóng”. 

Gần 20 năm đã qua kể từ ngày đó, PESD vẫn còn nằm trên giấy, và cuộc xung đột Kosovo cũng như những hậu quả của nó đã một lần nữa cho thấy sự yếu kém về mọi mặt của EU, khi chưa chủ động được về mặt quân sự, tạo điều kiện cho người Mỹ có cơ hội tiến sâu hơn nữa trong các công việc nội bộ của châu Âu.

Cây viết Ted Galen Carpenter đã cho rằng, Washington nên ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến này và đây là một động thái có ý nghĩa đối với châu Âu để giải quyết các vấn đề an ninh trong khu vực thay vì chờ đợi sự giúp đỡ của Hoa Kỳ từ cách đó hơn 8.000 km.

Hiện tại, một sự thay đổi đáng kể trong quan điểm về các thỏa thuận quốc phòng dường như đang diễn ra trên cả hai bờ Đại Tây Dương. Tại Mỹ, hai ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump đang có những lập trường rất khác biệt về chính sách an ninh quân sự, đặc biệt là quan hệ với các đồng minh hiện nay của Mỹ cũng như vai trò của Washington tại NATO.

Châu Âu phải tự chứng tỏ mình

Cựu Tổng thư ký NATO George Robertson cho rằng: “Các nước EU không được phép chậm chễ hơn nữa trong việc lập ra một hệ thống phòng thủ chung. An ninh của châu Âu không thể phụ thuộc vào NATO với vai trò chủ đạo của Mỹ”.

Tướng Italia Fabio Mini, Tổng Tư lệnh các lực lượng NATO ở Kosovo năm 2003 cho rằng: “Một quân đội chung của châu Âu sẽ góp phần nâng cao uy tín và sự tự chủ trong vấn đề an ninh của EU, một khối nước mạnh về kinh tế, nhưng lại rất yếu về chính trị”.

Năm 2007, Nick Witney, Giám đốc Cơ quan châu Âu về quốc phòng, đã cảnh báo rằng các lực lượng quân sự của châu Âu không thể đáp ứng được các nhu cầu về phòng ngự, can thiệp và tấn công trong thời hiện đại, bởi theo ông “quân đội các nước châu Âu vẫn còn dáng dấp của mô hình quân đội thời Chiến tranh lạnh”, khi 70% lục quân không thể thực hiện các sứ mệnh quân sự ở nước ngoài.

Cho tới nay, chỉ có 6 nghìn lính châu Âu, tương đương với 0,3% lực lượng, đáp ứng được các tiêu chuẩn của PESD. Ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu lại đứng trước tình trạng chồng chéo, giẫm chân lên nhau (hiện có đến 5 chương trình thiết kế tên lửa đất đối không

song song được thực hiện, 6 chương trình cho tàu ngầm và 20 kế hoạch phát triển vũ khí hạng nặng). Điều đó đã làm suy yếu các tập đoàn công nghiệp quân sự của châu lục và tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Mỹ cạnh tranh nhảy vào kiếm lời.

Witney cho rằng EU phải gây sức ép để họ phải đứng trước 2 sự lựa chọn, hoặc gia nhập hệ thống phòng thủ châu Âu, hoặc đứng ngoài hệ thống này. Trong khi đó, tuần báo "Thời đại", Đức trước đó cũng có bài bình luận cho rằng các nước EU có lý do xác đáng để cần có một quân đội chung. Trước hết, nếu châu Âu muốn trở thành một bộ phận của cái mà ngày nay người ta gọi là "Sự thống trị toàn cầu" (global governance), thì đương nhiên phải có sự xác định rõ hơn về vai trò của châu Âu trong các vấn đề an ninh. Trong trường hợp cần thiết có thể can thiệp bằng các phương tiện quân sự.

Binh sĩ Pháp tham gia huấn luyện tại thao trường.

Báo này chỉ rõ, việc Anh quyết định ra đi khiến EU nay có thêm quyết tâm thực hiện các kế hoạch hợp tác quốc phòng ở mức cao hơn. Anh không đồng ý thành lập lực lượng quân đội chung châu Âu vì không muốn có một nhóm nước “đối đầu với NATO”. “Điều này sẽ không xảy ra. Chúng tôi vẫn có đầy đủ tư cách là thành viên EU do đó chúng tôi sẽ ngăn chặn mọi nỗ lực thành lập nhóm đối đầu với NATO”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon chia sẻ trên tờ The Times hôm 17-9.

Để phản bác lại quan điểm trên, Tạp chí Challenges của Pháp số ra mới đây đưa ra nhận định rằng, nước Anh rời khỏi EU, nếu nhìn từ một góc độ khác, lại có tác dụng tích cực cho việc thúc đẩy EU hướng đến cùng chia sẻ một nền quốc phòng chung bởi London vốn luôn phản đối ý tưởng thành lập lực lượng quốc phòng chung của EU.

Vượt qua khác biệt

Theo ghi nhận của chuyên gia Vivien Pertusot thuộc Viện nghiên cứu về quan hệ quốc tế (IFRI) tại Brussels (Bỉ), Pháp và Đức đã thể hiện sẵn sàng nhận trách nhiệm nhiều hơn và đã đưa ra một số đường hướng cụ thể trong đó đề nghị đầu tiên là "tăng ngân sách cho các hoạt động chung của EU trong lĩnh vực quốc phòng".

Một quan chức thân cận của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã nói rằng: "Những gì chúng tôi muốn là để kích hoạt dễ dàng hơn các hoạt động của EU".

Từ 13 năm nay, EU đã thực hiện các sứ mệnh ngoài liên minh như: giúp đào tạo cho quân đội châu Phi (Somalia, Mali, Cộng hòa Trung Phi...), chống hải tặc (Chiến dịch Atalanta) và gần đây chống nạn buôn bán người di cư (Chiến dịch Sophia). Nhưng một số nhiệm vụ đã gặp rắc rối ngay từ khi bắt đầu triển khai mà nguyên nhân cơ bản là thiếu lực lượng sẵn sàng từ các nước thành viên. Do đó, Pháp và Đức gợi ý tạo ra một "lực lượng dự bị" gồm các huấn luyện viên và cố vấn để có thể triển khai nhanh chóng nhiệm vụ đề ra.

Ngoài ra, cả Paris và Berlin cũng đề nghị sự chia sẻ nhiều hơn trong các loại hình hoạt động vận tải (đường bộ/ đường không/ đường biển), tạo ra một "trung tâm hậu cần của châu Âu", chia sẻ các hình ảnh vệ tinh và hình thành một "trung tâm chỉ huy về y tế của châu Âu" để đảm trách các hoạt động cứu thương cho "tiền tuyến". Hai nước cũng kêu gọi EU cần phải đầu tư hơn nữa cho công tác nghiên cứu để tạo thuận lợi hơn cho ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Juncker mới đây đã khẳng định rằng những chi phí để bù đắp cho "sự thiếu hợp tác" trong lĩnh vực quốc phòng ở châu Âu có thể lên tới từ 20 tỷ đến 100 tỷ euro/năm.

Tuy nhiên, chủ trương của Ủy ban châu Âu về việc thiết lập một trung tâm chỉ huy thường trực của châu Âu, lại không phải là một mục tiêu trước mắt đối với Pháp và Đức. Ông Vivien Pertusot lưu ý rằng, trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận của cả 27 thành viên EU, Paris và Berlin sẽ đề nghị thiết lập một "Ủy ban hẹp" theo cơ chế của Hiệp ước Lisbon (cơ chế này chưa bao giờ được kích hoạt).

Một khi định hướng này được các nhà lãnh đạo EU thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh tới đây, các Bộ trưởng Quốc phòng EU sau đó sẽ gặp nhau vào ngày 26-27/9 và ngày 15/11 tới để đưa ra các biện pháp cụ thể.

Nói về những khó khăn để có được một đội quân chung cho châu Âu, Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Ba Lan Stanislaw Koziej thì cho rằng một lực lượng quân đội chung phải chịu sự giám sát của công dân các nước EU, điều này chỉ đạt được khi có một châu Âu đoàn kết, thống nhất, một "hợp chủng quốc châu Âu". Trong bối cảnh hiện nay, khó có thể làm được điều này, Giáo sư Valentin Naumescu, Đại học Babes-Bolyai (Romania) cho rằng, với đội quân 27 nước EU và tổng cộng khoảng gần 2 triệu binh sĩ, vấn đề chi phí là rất lớn.

Ngoài ra, việc phân bổ nhiệm vụ cho từng nước theo khả năng quân sự riêng cũng sẽ chuyên biệt hơn. Với hầu hết các nước EU, quân đội từ lâu là biểu tượng cơ bản cho chủ quyền quốc gia và đã có truyền thống rất lâu đời. Việc giao quân đội cho EU là điều khó xảy ra, đặc biệt với các nước lớn, nơi mà quân đội được xem là nền tảng cơ bản cho ảnh hưởng chính trị.

Giáo sư Valentin Naumescu phân tích, đề xuất của ông Juncker không phải là điều mới lạ, bởi từ những năm 1950, Đức, Pháp, Italia và các nước thuộc Liên minh Hải quan Benelux đã muốn thành lập "Cộng đồng Quốc phòng châu Âu", tuy nhiên, ý tưởng hồi đó đã đổ vỡ do không vượt qua được rào cản tại Quốc hội Pháp. Từ đó tới nay, kế hoạch này còn được nhiều lần nhắc lại.

Gần đây nhất, năm 2004, EU đã quyết định thành lập một lực lượng quân sự luân chuyển giữa các nước thành viên để sẵn sàng triển khai can thiệp vào các khu vực khủng hoảng, song thực tế lực lượng này chưa bao giờ được triển khai.

Nguyễn Hòa
.
.