Cherizier – Ông vua không ngai ở Haiti

Thứ Sáu, 14/08/2020, 08:30
Là quốc gia ở vùng biển Caribbean, Nam Mỹ, với dân số gần 12 triệu, thu nhập bình quân 800USD/người/năm, Haiti được Quỹ Tiền tệ thế giới xếp vào hàng một trong những nước nghèo khó và kém phát triển nhất hành tinh.

Về tính chính danh, Haiti được lãnh đạo bởi Tổng thống Jovenel Moise, nhưng theo các nhà hoạt động nhân quyền châu Mỹ Latinh, Jimmy Cherizier, bí danh “thịt nướng”, kẻ cầm đầu băng nhóm G9 là ông vua không ngai ở đất nước này…

Khi quyền lực và tội ác nương tựa lẫn nhau

Năm nay 43 tuổi, Jimmy Cherizier, bí danh “thịt nướng” với hình xăm huy hiệu cảnh sát trên cánh tay phải và khẩu súng lục 9mm luôn giắt ở thắt lưng, từng làm việc trong ngành cảnh sát Haiti suốt 14 năm nên tiếng tăm của ông ta ở thủ đô Port-au-Prince và nhất là ở khu ổ chuột Pont-Rouge chẳng ai xa lạ gì.

Tội ác đầu tiên của Cherizier là đã tự tiện ra lệnh cho cảnh sát hành quyết 14 thường dân vô tội ở khu phố Grand Ravine, thủ đô Port-au-Prince trong một chiến dịch bài trừ các băng nhóm tội ác, xảy ra vào tháng 11/2017.

Một năm sau, tháng 11/2018, cũng Cherizier ra lệnh cho cảnh sát giết hại 71 người. Đây được gọi là “vụ thảm sát La Saline” khiến cả thế giới phẫn nộ, Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã gọi đích danh Cherizier là “kẻ vi phạm quyền con người trắng trợn nhất”. Vì vậy, tháng 12/2018, Cherizier bị sa thải khỏi ngành cảnh sát thay vì phải ra tòa.

Cherizier (X) trên một con phố ở La Saline trước ngày xảy ra vụ thảm sát.

Trở về đời sống dân sự, Cherizier nhận ra rằng chính những băng nhóm tội ác mới thực sự có quyền lực bởi lẽ thời điểm ấy, Tổng thống Moise luôn phải đối mặt với những cuộc biểu tình đòi ông từ chức.

Người dân Haiti đổ lỗi cho Moise đã đưa đất nước vào cuộc khủng hoảng kinh tế, tham nhũng tràn lan; số người thất nghiệp ngày càng gia tăng, nhu yếu phẩm thiếu thốn. Phản ứng lại, Tổng thống Moise tung ra nhiều cuộc đàn áp người biểu tình đồng thời hoãn cuộc bầu cử quốc hội vô thời hạn mà mục tiêu chính là ngăn cản cựu tổng thống Michel Martelly - đã bị lật đổ trong một cuộc bạo loạn trước đó - trở lại nắm quyền.

Đầu tháng 5/2020, sau những cuộc “đi đêm” với một số quan chức cao cấp trong chính phủ của Tổng thống Moise, Cherizier tập hợp thủ lĩnh của các băng nhóm lớn nhất thủ đô Port-au-Prince với ý đồ thống nhất thành một mối.

Tại buổi gặp, Cherizier nói: “Chúng ta sẽ không bị đàn áp miễn sao các bạn giữ cho tình hình trong các khu phố do các bạn kiểm soát được yên ổn...”. Điều này có nghĩa là bên cạnh việc mua bán ma túy, bắt cóc đòi tiền chuộc, tống tiền, bảo kê mại dâm, cờ bạc…, nhiệm vụ chính của các băng nhóm là đập tan những cuộc biểu tình chống chính phủ ngay khi nó mới chớm hình thành.

Kết thúc cuộc gặp gỡ, thủ lĩnh 9 băng nhóm gồm Iscar, hùng cứ khu vực Belekou, Krisla, đứng đầu khu Tibwa, Micanord, cai quản khu Wharf Jeremie, Kobe, khu Chancerelles, Makenson, khu Pont Rouge Depote và Sonson, Matyas, Djouma, E Dixiel, Ti Junior, cầm đầu các nhóm nhỏ lẻ, đều đồng ý thành lập một tổ chức mới, gọi là nhóm G9 do Cherizier cầm đầu. 

Chỉ 20 ngày kể từ khi nhóm G9 ra đời - ngày 23/5 -Cherizier cùng những kẻ lãnh đạo 9 băng nhóm lên kế hoạch tấn công vào một số khu phố ở Port-au-Prince, nơi những người biểu tình đang chuẩn bị cho một cuộc tuần hành lớn. Tất cả những thông tin về cuộc tấn công này đều được các thành viên G9 thông báo cho nhau qua mạng Internet, và được mã hóa là một buổi tiệc.

2 giờ chiều ngày 24/5, khoảng 300 thành viên trong nhóm G9 bao vây 4 khối nhà thuộc khu Pont-Rouge trong khi Cherizier và một nhóm khác tiến đến quận Nan Tokyo cùng các sĩ quan cảnh sát. Từ đó đến tối, tiếng súng tự động vang lên ở nhiều nơi. Bước sang ngày hôm sau -  3 giờ chiều ngày 26/5 - năm chiếc xe bọc thép của cảnh sát chặn lối vào khu phố Nan Brooklyn, quận Cité Soleil. Hơi cay từ những khẩu súng bắn ra từ những chiếc xe này đã buộc người dân trong khu vực phải chạy trốn.

Ngay sau đó, nhóm G9 xả đạn vào những thường dân vừa thoát ra khỏi nhà. Một số người bị thương bị thành viên G9 đâm chết bằng dao hoặc đơn giản hơn là bị đập bằng những hòn đá. Nhiều căn nhà bị đốt cháy, thiêu sống cả những người ở trong đó chưa ra kịp. Những người may mắn thoát khỏi cơn thịnh nộ của nhóm G9 và cảnh sát bằng cách chạy vào các khu lân cận như Cité Militaire và Simon Pelé.

Số khác trà trộn trong các trại an dưỡng dành cho bệnh nhân suy giảm thể chất hoặc khiếm thị và cũng chẳng thiếu những người liều mạng lao mình xuống biển. Tổng cộng có 34 người chết và gần 100 người bị thương. Nhiều nhân chứng cho biết họ thấy các thành viên G9 lục lọi trên từng tử thi để lấy nhẫn, đồng hồ, dây chuyền, tiền bạc.

Điều này đã khiến Đại sứ Mỹ ở Haiti là ông Maxine Waters lên tiếng tố cáo sự tàn bạo đồng thời kêu gọi Chính phủ Haiti phải chấm dứt mãi mãi những hành động dã man chống lại người dân vô tội. Tuy nhiên, theo Đại sứ Maxine Waters: “Lời kêu gọi của tôi rơi vào những cái lỗ tai điếc”.

Một báo cáo điều tra nội bộ đóng dấu “Mật” của Cục Cảnh sát hình sự Haiti bị tiết lộ cho thấy đã có lệnh bắt giữ Cherizier cùng 68 người khác với các cáo buộc giết người, hiếp dâm, trong đó Cherizier trực tiếp liên quan đến hai vụ: Một phụ nữ khẳng định Cherizier và 13 người khác bắn chết anh họ của cô rồi phi tang xác chết bằng cách ném xuống một đầm lầy. Một người phụ nữ khác tố cáo Cherizier giết con trai mình nhưng hơn 6 tháng sau cuộc tàn sát, Cherizier cùng các đồng phạm vẫn nhởn nhơ, không ai bị buộc tội.

Hai tay súng G9 theo dõi một ngôi nhà được cho là nơi gặp gỡ của những người biểu tình chống chính phủ.

Điều trần trước Quốc hội Mỹ, ông Pierre Esperance, giám đốc tổ chức Mạng lưới quốc gia bảo vệ nhân quyền ở Haiti (viết tắt là RNDDH) nói: “Cá nhân Cherizier thường xuyên nhận được thông tin từ những quan chức cấp cao trong Chính phủ Haiti đồng thời còn nhận tài trợ từ họ. Nhóm G9 được họ trang bị súng tiểu liên, bắn chẳng bao giờ hết đạn…”.

Những lời tố cáo của ông Pierre Esperance hoàn toàn phù hợp với việc diễn ra sau đó: Ngày 9/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Cảnh sát Haiti Lucmanne Delille tuyên bố ông sẽ đích thân chỉ huy chiến dịch truy lùngcác băng đảng.

Ngay hôm sau, Tổng thống Moise ký sắc lệnh sa thải Lucmanne Delille theo yêu cầu của “vua không ngai” Cherizier, chưa kể theo “khuyến nghị” của Cherizier, Chính phủ Haiti ngày 24/6/2020, đã tiến hành bổ nhiệm Frantz Iderice - là bạn cánh hẩu của Cherizier - làm người đứng đầu Quỹ Hỗ trợ xã hội. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy ngày 18/3, có 3 thường dân thiệt mạng ở khu phố La Saline.

Đến cuối tháng 4, các cuộc đụng độ xảy ra tại khu phố Martissant làm chết 8 thường dân và 11 người bị thương, 136 gia đình phải bỏ nhà đi lánh nạn. Trong một cuộc họp gần đây, các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bày tỏ sự báo động về việc cảnh sát Haiti không tuân thủ luật pháp trong vụ thảm sát La Saline.

Văn phòng Hợp nhất Liên Hợp Quốc tại Haiti cũng đã ghi nhận 470 trường hợp vi phạm nhân quyền từ ngày 1/1 đến 31/5, theo đó cảnh sát Haiti được cho là phải chịu trách nhiệm cho cái chết của 93 người.

Sức mạnh vô biên

Theo Mạng lưới quốc gia bảo vệ nhân quyền Haiti, nhóm G9 của Cherizier ngày càng có sức mạnh. Ngoài một số chính trị gia, nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân cũng phải nhờ đến G9 để bảo vệ lợi ích của họ trước những cuộc đình công đòi tăng lương hoặc cải thiện điều kiện làm việc.

Chả thế mà Cherizier đã mạnh miệng tuyên bố bằng những lời lẽ mị dân: “Mọi người đều muốn đứng về phía tôi. Trước khi tôi xuất hiện, trẻ em luôn lo sợ khi đến trường, các bậc cha mẹ mỗi ngày đi làm đều không biết hôm nay mình có chết vì bị bắn nhầm hay không. Bây giờ, tất cả mọi chuyện đã chấm dứt…”.

Điều đó giải thích vì sao ở nhiều khu phố, tầng lớp lao động nghèo lại đặt niềm tin vào nhóm G9, nhất là ngày 12/7, một trẻ sơ sinh 8 tháng tuổi chết vì đạn lạc tại quận Cite Soleil trong một cuộc đụng độ giữa các thành viên G9 và một băng nhóm trước đây đã từ chối tham gia G9.

Sau cuộc đụng độ này, Cherizier cam kết với người dân quận Cite Soleil rằng ông ta sẽ xóa sổ tất cả những kẻ chống đối, mang lại an ninh cho mọi người miễn là họ không biểu tình chống chính phủ!

Cũng nhằm khuếch trương thanh thế, Cherizier còn tận dụng mạng xã hội Youtube. Fakebook. Có khoảng 2.000 video clip lẫn bài viết của băng nhóm này được tung lên kể từ cuối năm 2019 đến nay, chưa kể nó còn là nơi liên lạc giữa các thành viên G9. Vẫn trên mạng Internet, Cherizier phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với các vụ thảm sát đồng thời cho rằng kẻ thù của ông ta đã liên kết ông ta với những vụ giết người nhằm mục đích hạ uy tín.

Theo Cherizier, sở dĩ ông ta có biệt danh “thịt nướng” là vì mẹ ông làm nghề này chứ không phải ông ta chuyên giết người bằng cách đốt cháy.

Cherizier tuyên bố: “Tôi không bao giờ tàn sát những người cùng tầng lớp xã hội với tôi". Mỉa mai thay, đây cũng chính là câu nói của nhà độc tài quá cố Francois "Papa Doc" Duvalier, người tự xưng là “tổng thống trọn đời”, cai trị Haiti với sự tàn bạo đẫm máu từ năm 1957 đến 1971.

Trước tình hình bạo lực gia tăng, giữa tháng 2, Bộ Ngoại giao Mỹ đã rút toàn bộ nhân viên không cần thiết ra khỏi Haiti đồng thời khuyến cáo công dân Mỹ không đi du lịch Haiti. Jean-Pierre, người đã dời doanh nghiệp của mình từ Montreal, Canada đến Port-au-Prince, Haiti năm 2011 cho biết quán cà phê ở Lower Delmas của ông đã bị các thành viên G9 đập phá 3 lần.

Khu ổ chuột Pont-Rouge.

Jean-Pierre nói: “"Tôi yêu đất nước này nhưng đến nay, tôi phải đưa ra quyết định tốt nhất cho gia đình mình. Tôi không nghĩ rằng bạo lực đã lên đến đỉnh mà nó còn dữ dội hơn trong những tháng tới. Vì vậy, một lần nữa tôi lại nghĩ đến việc dời đi…”.

Villard, tổng chưởng lý Haiti cho biết bạo lực còn tồi tệ hơn so với năm 2004, khi cựu Tổng thống Jean-Bertrand Aristide bị lật đổ bởi một cuộc bạo loạn, dẫn đến sự can thiệp của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc mà sự can thiệp này sẽ kết thúc vào tháng 10 tới đây.

Theo Serge Therriault, ủy viên Liên Hợp Quốc tại Haiti: “Trong giai đoạn đầu, lực lượng gìn giữ hòa bình cơ bản đã giải quyết các vấn đề băng đảng nhưng khi họ rút đi, không gì bảo đảm rằng nó lại không hồi sinh, nhất là nền kinh tế Haiti đang lâm vào tình trạng suy thoái.

Về phía cảnh sát, việc đối phó với các thành viên G9 đang tìm cách xâm nhập lực lượng này cũng là điều nan giải. Hồi tháng trước, một số học viên cảnh sát bị nghi ngờ liên quan đến G9 khi một đặc vụ bị giết trong một khu phố cao cấp và một giáo sư đại học bị bắn chết sau khi rời ngân hàng. Tuy nhiên việc tìm ra chứng cứ để kết tội hoặc sa thải họ không phải là chuyện dễ dàng.

Khi đại dịch COVID-19 lan đến Haiti với 7.532 người nhiễm, 171 người chết (thống kê ngày 6/8/2020), các hoạt động của nhóm G9 không vì thế mà dừng lại, nhất là ngày 17/10 tới đây, theo dự kiến Tổng thống Moise  sẽ đến thăm khu phố Pont-Rouge mà không có tiếng súng chào đón ông và đoàn tùy tùng như đã từng xảy ra hồi năm 2018 khiến ông phải bỏ chạy.

Thông qua G9, ông Moise đang tìm cách kiểm soát toàn bộ khu vực Fontamara - Cité Soleil nhằm áp đặt sự im lặng lên những những người biểu tình, đồng thời giành chiến thắng bằng mọi cách trong cuộc bầu cử chưa biết lúc nào sẽ diễn ra với sự đảm bảo cựu tổng thống Joseph Michel Martelly không bao giờ có thể quay lại.

Vũ Cao (theo Latin America Today)
.
.