Chiến dịch Pangea chống thuốc tây giả của Europol

Thứ Tư, 29/11/2017, 16:00
Vào đầu tháng 11-2017, chính quyền Trung Quốc thông báo sẽ tiếp tục tăng cường giám sát thị trường thuốc tây và thiết bị y tế trên Internet và kể cả sản lượng dược chất tại các nhà máy hoạt động hợp pháp để phát hiện sớm hành vi buôn bán trái phép với bọn tội phạm.

Ấn Độ cũng tiến hành hàng loạt cuộc đột kích nhắm vào những đối tượng nghi ngờ cung cấp thuốc tây giả cho thị trường. Chính quyền Pakistan – hiện đang nổi lên là quốc gia cung cấp thuốc tây giả hàng thứ 2 ở châu Á -  yêu cầu in mã vạch trên mọi bao bì thuốc tây để có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về dược phẩm.

Một lý do khiến cho các trang web bán thuốc tây nở rộ trên Internet là sản phẩm được bán trực tiếp đến người tiêu dùng trong khi loại hình kinh doanh này chưa được quản lý đúng mức. Vào giữa tháng 9-2017, Chiến dịch Pangea chống hàng giả (được tiến hành hàng năm) của Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) giúp đánh sập 3.584 trang web và 3.000 quảng cáo trực tuyến mặt hàng thuốc tây giả tại 123 quốc gia.

Chiến dịch xuyên quốc gia của Interpol phát hiện 25 triệu dược phẩm giả trị giá hơn 51 triệu USD, trong đó bao gồm nhiều loại thuốc (giảm đau, trị rối loạn sinh lý, thuốc chữa động kinh và chữa bệnh tâm thần) cũng như các sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng. Khoảng 400 đối tượng bị bắt giữ trong 1.000 chiến dịch được Interpol triển khai toàn cầu.

Thuốc tây giả bị bắt giữ tại chuỗi hiệu thuốc ở Pattaya, Thái Lan.

Thông qua chiến dịch Pangea được triển khai hàng năm, các nhà điều tra bắt giữ được hàng tấn thuốc tây cũng như sản phẩm y tế trên thị trường châu Á và châu Âu. Nhưng Tim Morris, giám đốc điều hành các chiến dịch ở Interpol, buộc phải thừa nhận: “Bất chấp việc Chiến dịch Pangea được tiến hành đều đặn suốt 10 năm qua, chúng tôi nhận thấy thị trường thuốc bất hợp pháp trên Internet vẫn cứ phát triển không ngừng. Đó là thách thức lớn cho các chính quyền và cơ quan hành pháp”.

Theo báo cáo năm 2016 của tổ chức phi lợi nhuận Viện An ninh Dược phẩm (PSI) đặt trụ sở tại thành phố Vienna nước Áo: năm 2015 có đến 1.100 vụ buôn bán thuốc bất hợp pháp được báo cáo ở châu Á, 779 vụ ở Bắc Mỹ, 494 ở Mỹ Latinh, 358 ở châu Âu, 256 ở Eurasia, 244 ở châu Phi và 135 ở Trung Đông.

Châu Á được xác định là nguồn chính trong mạng lưới kinh doanh thuốc tây giả trên toàn cầu – theo Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm Liên Hiệp Quốc (UNODC). Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia sản xuất thuốc tây giả lớn nhất thế giới. Phần lớn dược phẩm giả ở Ấn Độ được sản xuất tại những cơ sở nhỏ lẻ hoạt động lén lút, trong khi ở Trung Quốc chúng được cung cấp bởi những công ty hợp pháp.

Khu vực Đông Nam Á chính là điểm trung chuyển dược phẩm giả của Trung Quốc và Ấn Độ ra thị trường toàn cầu. Theo Tổ chức Hải quan Quốc tế (WCO) đặt trụ sở tại thành phố Bruselles (Bỉ), 50-60% lượng thuốc tây giả bất hợp pháp được vận chuyển qua đường biển. Các tổ chức tội phạm ở châu Á và Đông Âu nắm giữ mạng lưới phân phối thuốc tây giả. Lợi nhuận thu được một cách bất hợp pháp được rửa sạch tại hệ thống ngân hàng nhiều nước như là SaintKitts & Nevis (quốc gia vùng Caribe) và Panama. 

Thuốc Viagra thật (phải) và thuốc giả.

Theo báo cáo Interpol năm 2014, một băng nhóm tội phạm liên kết với mafia Trung Quốc hoạt động tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia và bán dược phẩm giả trong chuỗi hộp đêm và nhà thổ ở nước này. Một mạng lưới kinh doanh thuốc giả ở Campuchia được Interpol phát hiện có mối liên kết với tổ chức tội phạm Yakuza Nhật Bản. Thuốc giả của mạng lưới này được bán trên các trang web ở Capuchia và Nhật Bản.

 Các nhà điều tra tuyên bố hơn 60% số thuốc chữa sốt rét ở châu Á là giả và từ đó góp phần lây lan mạnh virus. Phần lớn thuốc tây giả không có công hiệu và thậm chí một số loại còn chứa hỗn hợp độc hại có thể gây chết người. Trong một số trường hợp, thuốc tây là thật song đã quá hạn sử dụng cũng gây nguy hiểm cho người dùng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có đến 1 triệu người tử vong do sử dụng thuốc tây giả trên toàn thế giới vào mỗi năm – trong đó bao gồm 100.000 trẻ em chỉ riêng ở khu vực châu Á.

Năm 2015, 4 người chết và 7 người khác bị tổn thương não trầm trọng sau khi dùng thuốc chữa rối loạn cương dương giả. Thậm chí, nhiều quốc gia vẫn chưa có luật chống loại tội phạm sản xuất và kinh doanh thuốc tây giả. Theo Interpol, thuốc tây giả cũng được bán lan tràn tại các quốc gia phát triển ở Bắc Mỹ, Tây Âu và Australia.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.