Cuộc đời đầy bi kịch của cha đẻ phần mềm diệt virus McAfee

Chủ Nhật, 04/07/2021, 22:22
Ngày 24/6/2021, ông John David McAfee, 75 tuổi, cha đẻ của một trong những phần mềm diệt virus máy tính phổ biến nhất thế giới McAfee, đã tự sát trong tù ở Tây Ban Nha.

Ông John bị bắt giữ vì tội trốn thuế và đúng vào ngày ông qua đời, chính phủ Mỹ đang chuẩn bị dẫn độ ông về quê nhà để xét xử.

Hành trình khởi nghiệp của triệu phú diệt virus

John McAfee sinh năm 1945 tại Cinderford, Anh trong một gia đình có cha là một lính Mỹ đóng quân tại Anh và mẹ là người Anh. Sau khi giải ngũ, cha của John đưa cả gia đình về Virginia, Mỹ sinh sống. Gia đình John sớm tan vỡ năm cậu bé lên 15 tuổi do người cha nghiện rượu, hay ngược đãi vợ con đã tự sát bằng súng sau nhiều năm trầm cảm.

Vốn là một học sinh xuất sắc, John được nhận vào khoa Toán Đại học Roanoke năm 1967 và quyết định học lên thạc sĩ Toán ở Đại học Tây Bắc Louisiana nhưng bị đuổi học năm 1968 do có quan hệ yêu đương với một sinh viên đại học - người sau này trở thành vợ đầu của ông. 

Sự cố đó không cản trở sự nghiệp của John và kĩ sư phần mềm trẻ tuổi được nhận vào làm lập trình viên cho dự án Apollo của NASA từ năm 1968 đến năm 1970. Sau khi dự án kết thúc, John trở thành kĩ sư phần mềm cho Tập đoàn Univac, rồi sau đó là Xerox tới năm 1978 và Công ty tư vấn Booz Allen Hamilton từ năm 1980 đến 1982. 

Bước ngoặt cuộc đời của John vào năm 1986. Lúc này, 2 anh em ở Pakistan vừa mới lập trình ra virus máy tính đầu tiên trên thế giới và do tò mò về hiệu quả của virus, họ đã đính kèm tên tuổi, số điện thoại cùng địa chỉ của mình vào những dòng mã rồi gửi virus đi. 

Tuy hai anh em không hề có ý muốn gây hại cho bất kì ai nhưng chỉ 1 năm sau đó, con virus với cái tên Brain đã xâm nhập vào máy tính trên toàn thế giới. John tình cờ đọc được một bài báo trên tờ San Jose Mercury về một thứ mã độc thâm nhập và phá hoại dữ liệu trên máy tính. John muốn ngăn chặn những trận tấn công không báo trước của virus Brain.

John McAfee khi còn trên đỉnh vinh quang.

John thành lập công ty McAfee tại Santa Clara với một kế hoạch hoạt động đơn giản: tạo ra một chương trình diệt virus, sau đó để mọi người download phần mềm miễn phí. 

Trong vòng 5 năm, hơn 50 công ty thuộc top 100 công ty lớn nhất nước Mỹ đã sử dụng phần mềm McAfee và họ bắt đầu trả tiền cho công ty của John. Tính tới năm 1990, phần mềm McAfee đã mang lại cho John 5 triệu USD.

Khi Công ty McAfee bắt đầu phát triển, John mua một căn phòng ở Winnebago, xếp đầy máy tính trong đó và mạnh bạo tuyên bố mình vừa thành lập đội y tế chống bệnh dịch virus máy tính đầu tiên trên thế giới. 

Khi khách hàng gọi điện báo với ông về một số sự cố xảy ra với máy tính ở công ty của họ, ông lập tức lái xe tới tận nơi để tìm kiếm “tàn dư virus”. John còn mua hẳn một chiếc xe bán tải, lái đi khắp nơi để cài đặt phần mềm chống virus cho khách hàng và gọi chiếc xe của mình là “phương tiện diệt bọ máy tính tối tân đầu tiên trên thế giới”.

Đến cuối năm 1988, John bắt đầu xuất hiện trên chương trình truyền hình “The MacNeil/Lehrer News Hour” để phát biểu rằng các tập đoàn kinh tế lớn sắp sụp đổ vì virus máy tính và triệu phú cũng nhấn mạnh về thiệt hại virus có thể gây ra trong cuốn sách bán chạy nhất năm 1989 “Những mối nguy máy tính của bạn đang phải đối mặt”. 

John viết rằng cho dù không ai đang lập trình ra virus mới, nhưng sự lan truyền của những phần mềm tin tặc hiện có là đủ để gây ra một tai họa khủng khiếp, không thể tránh khỏi. 3 năm sau, John khẳng định với gần như tất cả các kênh truyền hình và tờ báo có tên tuổi toàn quốc rằng mình đã khám phá ra một virus mới có tên Michelangelo, và virus này có thể đánh sập 5 triệu máy tính toàn cầu. 

Cho dù số lượng người mua phần mềm McAfee tăng đột ngột, chỉ có vài chục nghìn máy tính bị nhiễm Michelangelo và John nhận chỉ trích nặng nề do phát ngôn sai sự thật. Bất chấp điều tiếng, lợi nhuận của McAfee tăng 10 lần chỉ trong 2 tháng, 50 lần trong 6 tháng và nhanh chóng chiếm phần lớn thị phần của thị trường phần mềm diệt virus đang nở rộ. 

Kiến thức lập trình và tài năng quảng cáo đã mang lại cho John khối tài sản khổng lồ. Năm 1982, khi công ty của John lên sàn chứng khoán Nasdaq, giá trị cổ phiếu lên tới 80 triệu USD.

John McAfee trên "đảo thiên đường" Belize.

Từ lập trình viên thành “chúa đảo”

Trong những năm tiếp theo, John sống một cuộc sống êm đềm với người vợ thứ hai tên Judy. Tại thung lũng Sillicon, các doanh nghiệp mới thường xuyên tìm đến John để được ông tư vấn về chiến lược kinh doanh, Đại học Stanford viết hẳn 2 nghiên cứu về thành công của Công ty McAfee và thậm chí còn mời ông đến thuyết giảng.

John mở một trung tâm dạy yoga trong ngôi biệt thự rộng hàng nghìn mét vuông của mình, sau đó viết tới 4 cuốn sách về tâm linh. Kể cả sau khi ông ly dị người vợ thứ 2 của mình, John vẫn được đánh giá là một người đàn ông mẫu mực, chăm chỉ đóng góp máy tính cho nhiều trường học và bỏ tiền túi ra đăng quảng cáo khuyên can người trẻ không nên sử dụng ma tuý trên nhiều tờ báo.

John bắt đầu thấy mệt mỏi với cuộc sống bận rộn của một triệu phú vào cuối những năm 2000 và ông nhận thấy việc sở hữu hàng loạt tài sản như biệt thư, siêu xe, phi cơ riêng… khiến bản thân bị căng thẳng. Bà Jennifer Irwin, bạn gái của John lúc đó, tin rằng ông muốn mở rộng tầm mắt và thay đổi lối sống.

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã gây thiệt hại rất lớn cho Công ty McAfee, và triệu phú không còn đủ khả năng duy trì lối sống xa hoa của mình nữa. Tính đến năm 2009, ông đã bán gần hết tài sản của mình, bao gồm hơn 1.000 héc-ta đất ở Hawaii và một sân bay ở New Mexico. 

Ngoài lý do cần tiền, John cũng muốn tránh khỏi những vụ kiện nhằm moi tiền của ông liên quan đến sân bay tai tiếng kia. Sau đó, John tìm cách chuyển đến hòn đảo Belize tại quốc gia cùng tên - một đất nước nhỏ có ngôn ngữ chính và tiếng Anh - để có thể trốn tránh việc nộp thuế và đền bù cho những người đâm đơn kiện ông. Theo nhiều bạn bè của John, hòn đảo này chính là nguyên nhân khiến ông mất hết tất cả.

Tại Belize, triệu phú bắt đầu nuôi khát vọng thay đổi hòn đảo nghèo: ông liên tục xây nhà, mở xí nghiệp sản xuất xì gà, công ty phân phối cà phê, công ty vận tải… John chia tay người bạn gái lâu năm Jennifer Irwin sau khi phải lòng một gái mại dâm 16 tuổi tên Amy Emwishller và vẫn tiếp tục ở bên cô gái này sau khi Amy suýt chút nữa bắn chết ông nhằm cướp tiền. 

Ngoài Amy, John còn qua lại với hàng loạt những cô gái bán hoa trên hòn đảo toàn khách du lịch và một trong những người tình trẻ từng tố cáo John vì đã chuốc thuốc và lạm dụng cô.   

Sau một thời gian trên “đảo thiên đường”, John nhận ra nơi này là một bến trung chuyển ma tuý đến Mexico và cuộc sống trên hòn đảo vô cùng nguy hiểm. Quá lo sợ, John bỏ tiền mua chuộc một số thành viên băng đảng địa phương về làm vệ sĩ cho mình, xây đồn cảnh sát và nhà tù. 

Thế lực của ông trên đảo mạnh đến mức chỉ 1 ngày  sau khi tên xã hội đen David Middleton gây sự với John, hắn đã bị những kẻ giấu mặt tra tấn đến chết. Cái chết của David không bị điều tra và đến năm 2012, John trở thành “chúa đảo” có toàn quyền điều khiển thị trấn, thậm chí ông còn ban hành cả giờ giới nghiêm cho người dân địa phương.

Đến năm 2012, chính quyền Belize không thể ngoảnh mặt làm ngơ được nữa, và buộc phải cử lực lượng đặc nhiệm đến bắt giữ John. Trong cuộc khám xét, cơ quan chức năng thu được 10 khẩu súng cùng 320 băng đạn, và John phải ngồi tù một đêm do sở hữu vũ khí bất hợp pháp. 

Ngay sau khi rời khỏi nhà tù, John lớn tiếng buộc tội chính quyền Belizeddax bắt giữ ông vì ông không chịu hối lộ các quan chức, và John quyết định chuyển đến thị trấn San Pedro. 

Rắc rối vẫn tiếp tục theo chân John khi người hàng xóm Greg Faull than phiền về 11 con chó dữ của triệu phú và chỉ 1 ngày sau, ông Greg bị hạ sát. Chính quyền tin rằng John là kẻ đứng đằng sau cái chết bí hiểm của Greg tuy nhiên John đã nhanh chân hơn một bước - ông lập tức bỏ trốn đến Guatemala bằng đường thủy.

Tại Guatemala, John nhận lời trả lời phỏng vấn cho tờ Vice và từ những chi tiết trong bức ảnh chụp John ngồi trong phòng khách sạn, cơ quan chức năng Belize sớm suy luận ra nơi ông đang lẩn trốn và tiến hành bắt giữ cựu “chúa đảo”. 

Sau khi bị dẫn độ đến Belize, ông giả vờ bị đau tim để được nhập viện và “câu giờ” cho đến khi luật sư kiến nghị để ông được quay về Mỹ. Ngay trong đêm ông hạ cánh tại Miami, Mỹ, ông đã gặp gỡ một cô gái bán hoa tên Janice Dyson - người sau này sẽ trở thành vợ ba của John.

Ngôi nhà của "chúa đảo" McAfee tại Belize.

Trở lại Mỹ và cái kết đầy bi kịch

Quay lại Mỹ, John lại tiếp tục trở thành người nổi tiếng khi liên tục lên án những tờ báo viết về ông và móc mỉa chính đứa con tinh thần McAfee Antivirus - lúc đó đã được Intel mua lại với mức giá lên tới hàng tỉ USD. 

Sau đó, John quay lại làm lập trình viên, nhậm chức Giám đốc công ty công nghệ MGT và vào năm 2012, John đại diện đảng Tự do để tranh cử tổng thống Mỹ. Sau thất bại thảm hại vào năm 2012, 2016, ông lại tranh cử năm 2020 để né những cáo buộc trốn thuế, tuy vậy, đảng Tự do đã từ chối đề cử John sau một loạt những phát biểu gây tranh cãi của ông về tiền ảo.     

Những cuộc phiêu lưu của John McAfee đi đến hồi kết vào tháng 10-2020 khi ông bị bắt giữ tại Tây Ban Nha vì trốn thuế và trục lợi từ thao túng tiền ảo. Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định John kiếm lời hàng triệu USD từ việc quảng cáo tiền ảo, diễn thuyết, tư vấn cho một số doanh nghiệp… tuy nhiên ông trốn thuế bằng cách sử dụng tiền ảo và gửi tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng ma. 

Nếu bị kết tội, ông John có thể sẽ phải đối mặt với một bản án rất nặng. Đáp trả lại những cáo buộc này, John khẳng định mình đã trả hàng triệu USD tiền thuế và Chính phủ Mỹ đang “bịt miệng” ông vì John đã khui ra nạn tham nhũng trong hệ thống ngân hàng Mỹ. 

Bất chấp những lời kêu oan của triệu phú, Bộ Tư pháp Tây Ban Nha vẫn đồng ý để Bộ Tư pháp Mỹ dẫn độ John về Mỹ và khẳng định những lời nói của John là không có căn cứ. 

Ông Andrew B. Gordon, một trong các luật sư của John, phát biểu: “Khi nghe tin ông McAfee sắp bị dẫn độ, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần để chứng minh rằng thân chủ của mình hoàn toàn vô tội. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hiểu rằng ông McAfee sẽ rất mong muốn được chia sẻ câu chuyện của mình cũng như giải oan cho bản thân. Chính vì vậy, chúng tôi vô cùng kinh ngạc khi nhận được tin ông đã qua đời”.

Huyền Thi
.
.