Giải mã những thủ đoạn lừa đảo tinh vi bằng... con chữ

Thứ Ba, 15/08/2017, 16:08
Hạnh phúc, thành công của giám định viên tài liệu không phải ở những vụ án hình sự, kinh tế lớn mà đôi khi lại là những vụ việc dân sự nhỏ nhưng đem lại sự công bằng cho người dân” - Thượng tá Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trưởng phòng Giám định tài liệu (Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an) đã nói như vậy về công việc hết sức thầm lặng của các giám định viên tài liệu.

Hành trình tìm sự thật

Đầu tháng 6-2016, Công an Bắc Ninh nhận được đơn của ông Lê Quang P. tố cáo chị Hoàng Thị T. lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức nhận xin việc với số tiền chiếm đoạt là gần 1,5  tỷ đồng. Quá trình điều tra, chị Hoàng Thị T. cung cấp cho cơ quan điều tra 1 giấy giao tiền ngày 15-1-2016 có nội dung chị T. đã giao nhiều lần cho ông P. tổng số tiền 1.460.000.000 đồng và hai bên không liên quan gì tới nhau về tiền bạc nữa. Phía dưới nội dung giao tiền có chữ ký của cả ông P. và chị T.

Tuy nhiên, phía ông P. phủ nhận việc chị T. đã trả tiền và tố cáo nội dung giấy giao tiền trên là không có thật. Để có căn cứ xử lý vụ việc, cơ quan điều tra Công an Bắc Ninh đã gửi trưng cầu giám định tờ giấy giao tiền trên tới Phòng Giám định tài liệu - Viện Khoa học hình sự (C54), Bộ Công an.

Qua nghiên cứu, giám định tài liệu, với sự hỗ trợ của các thiết bị giám định tài liệu hiện đại, các giám định viên Phòng Giám định tài liệu đã xác định chữ ký trên giấy giao tiền đúng là chữ ký thật của ông Lê Quang P., song nội dung viết trên giấy đã bị thay đổi. Bằng kinh nghiệm giám định, các giám định viên đã sử dụng các bước sóng và nguồn sáng khác nhau trên thiết bị máy giám định để khôi phục lại nội dung nguyên thủy đã bị tẩy bằng phương pháp dùng nhiệt làm mất màu mực, đồng thời xác định người viết nội dung nguyên thủy này chính là chị T.

Thượng tá Nguyễn Thị Ngọc Lan - Trưởng phòng Giám định tài liệu Viện C54 truyền đạt kinh nghiệm giám định cho các cán bộ trẻ.

Theo đó,  ngày 15-1-2016, T. viết giấy trả ông P. số tiền 20 triệu đồng. Do chủ động thực hiện ý đồ lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên T. đã sử dụng bút bay màu viết nội dung trả số tiền 20 triệu đồng và đề nghị ông P. dùng bút mực bình thường ký tên dưới giấy giao tiền. Sau đó, T. đã sử dụng nguồn nhiệt làm bay mực trên giấy giao tiền này, dùng bút thường viết nội dung mới đã trả ông P. toàn bộ số tiền gần 1,5 tỷ đồng, là nội dung đọc được trên tài liệu cung cấp cho cơ quan điều tra.

Với kết quả giám định này của các giám định viên Phòng Giám định tài liệu đã góp phần quan trọng làm rõ sự thật, vạch trần thủ đoạn lừa đảo của Hoàng Thị T., là căn cứ để cơ quan điều tra Công an Bắc Ninh xử lý vụ việc, xử lý đối tượng.

Đây chỉ là một trong hàng nghìn vụ việc giám định mỗi năm của Phòng Giám định tài liệu - Viện Khoa học hình sự. Với tổng số 27 CBCS, trung bình giải quyết trên 4.000 vụ việc/năm, Phòng giám định tài liệu là một trong những đơn vị có khối lượng công việc nhiều nhất của Viện C54. Với đặc thù công việc của giám định viên tài liệu phần lớn diễn ra ở phòng máy nên không phải ai cũng biết đến. Chính vì vậy, những thành tích của giám định viên tài liệu cũng thầm lặng như chính công việc của họ.

Thượng tá Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trưởng phòng Giám định tài liệu cho biết, do đặc thù nghề nghiệp, Phòng Giám định tài liệu không chỉ giám định phục vụ cơ quan điều tra mà còn giám định trong các vụ việc dân sự theo yêu cầu của tòa án. Việc giám định tài liệu phục vụ các vụ kiện dân sự mang lại cho chị và các đồng nghiệp nhiều cảm xúc, vui buồn lẫn lộn. Vui vì những kết luận của giám định viên đã mang lại công bằng cho không ít người. Nhưng cũng trăn trở bởi lòng tham đã khiến nhiều người tráo trở, sẵn sàng dùng các thủ đoạn làm giả tài liệu như viết thêm, in thêm nội dung vào văn bản có sẵn đã được ký giữa hai bên để làm thay đổi, sai lệch bản chất sự việc theo hướng có lợi cho họ, đẩy người ngay thẳng vào tình thế oan ức.

Đầu năm 2015, Phòng 5 C54 nhận được trưng cầu giám định của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, trưng cầu giám định tài liệu liên quan đến một vụ việc có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số lượng tài sản cực lớn. Theo tố giác của bà V.T.K., Chủ tịch HĐQT một tập đoàn kinh tế, trong thời gian từ năm 2010 đến 2012, bà có cho người quen là anh H.T.L. vay tổng số tiền trên 200 tỷ đồng và gần 9 triệu USD, thời hạn vay 6 tháng. Tuy nhiên, sau đó đã quá hạn, anh H.T.L. không trả mà còn làm giả nhiều tài liệu thể hiện bà V.T.K. là người vay tiền của anh L., nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền đã vay của bà K.

Kèm theo bản trưng cầu giám định là khoảng gần 20 tài liệu bản chính như giấy vay mượn tiền, giấy xác nhận nợ và nhận tiền, biên nhận nhận tiền, hợp đồng xác nhận nợ vay... có chữ ký, ghi họ tên bà V.T.K. và ông H.T.L. Tiến hành giám định cho thấy, chữ viết, chữ ký đứng tên H.T.L. và V.T.K. trên các tài liệu cần giám định có đặc điểm giống nhau cơ bản, đủ cơ sở kết luận cùng do một người ký, viết ra.

Đúng là chữ ký thật, nhưng  tại sao bà V.T.K. lại tố cáo anh H.T.L. và phủ nhận toàn bộ nội dung các văn bản có chữ ký của bà là không đúng sự thật? Với những “ca” khó và phức tạp như vậy, trực tiếp lãnh đạo Phòng gồm  Thượng tá Nguyễn Thị Ngọc Lan - Trưởng phòng, Thiếu tá Vũ Bình Minh - Phó trưởng phòng đã vào cuộc nghiên cứu, giám định. Với sự hỗ trợ của các thiết bị chuyên dụng, 2 giám định viên tư pháp kỹ thuật hình sự về tài liệu giàu kinh nghiệm nhất của Phòng Giám định tài liệu đã tìm ra sự thật của số tài liệu chứa đựng nội dung trị giá hàng nghìn tỷ đồng kia.

Do chủ định chiếm đoạt số tiền vay của bà K., H.T.L. đã thực hiện nhiều thủ đoạn làm giả tài liệu hết sức tinh vi. Trong quá trình làm ăn, giữa bà V.T.K. với anh H.T.L. có nhiều giấy tờ, hợp đồng có chữ ký của cả hai bên. Lợi dụng những hợp đồng này chỉ in 1 mặt, với trang cuối thường là lời cam kết kèm chữ ký của hai bên, H.T.L. đã in thêm nội dung vào mặt sau (mặt giấy trắng) của cùng tài liệu với nội dung hợp đồng cho vay tiền, vàng, trong đó bà V.T.K. là người vay, còn H.T.L. là bên cho vay.

Đối với những giấy biên nhận vay tiền mà H.T.L. đã vay tiền của bà V.T.K. trước đây, với chủ ý từ trước nên H.T.L. cũng cố tình để khoảng trống ở một số vị trí, sau đó in ghép thêm một số chữ có cùng kích cỡ, kiểu chữ với các chữ in còn lại trên cùng tài liệu. Nội dung các chữ in ghép thêm này là “bà V.T.K. có vay và nhận của ông H.T.L. số tiền...”.

Như vậy, với 2 thủ đoạn in thêm mặt sau và in ghép chữ trên cùng một tài liệu, H.T.L. đã “biến” bà V.T.K. từ chủ nợ thành con nợ nghìn tỷ của anh ta. Với kết luận giám định này, các giám định viên đã góp phần quan trọng giúp cơ quan điều tra kết luận đúng bản chất sự việc, vạch trần âm mưu cướp tiền hết sức trắng trợn của H.T.L. Nếu chỉ dừng ở việc kết luận các chữ ký, chữ viết trên văn bản giám định là đúng của bà V.T.K. thôi, vô tình đã biến chủ nợ thành con nợ.

Mang lại công bằng cho người dân

Tâm sự về nghề, Thượng tá Nguyễn Thị Ngọc Lan nhấn mạnh, đạo đức nghề nghiệp của giám định viên thể hiện rõ trên các bản kết luận giám định. Các trưng cầu giám định thường đặt câu hỏi: Chữ ký trên tài liệu giám định với mẫu có do cùng 1 người ký không? Sự thật đúng là như vậy, giám định viên có thể trả lời do 1 người ký. Xét về lý, giám định viên không sai vì nguyên tắc hỏi gì trả lời đó. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì đôi khi sẽ làm bản chất sự việc liên quan thay đổi một phần hoặc thay đổi hoàn toàn, có thể khiến cho một người vô tội bị oan, có thể khiến một người đang là chủ nợ thành con nợ, từ chỗ sở hữu tài sản bỗng dưng tài sản đó rơi vào tay kẻ khác bởi những toan tính, âm mưu đen tối được “gài bẫy” có chủ ý trên tài liệu, trên chữ viết, chữ ký...

Nhiệm vụ của giám định viên không chỉ kết luận về những yêu cầu đặt ra của các cơ quan trưng cầu giám định mà quan trọng hơn, thông qua công tác giám định, các giám định viên tài liệu còn góp phần giải mã sự thật phía sau những bản tài liệu tưởng như vô tri ấy. Và hạnh phúc, thành công của giám định viên tài liệu không phải ở những vụ án hình sự, kinh tế lớn mà đôi khi lại là những vụ việc dân sự nhỏ nhưng đem lại sự công bằng cho người dân.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các giám định viên đã khôi phục lại nội dung nguyên thủy (ảnh trên) từ tài liệu đã được đối tượng viết lại nội dung (ảnh dưới).

Tháng 2-2017, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên có quyết định trưng cầu Phòng Giám định tài liệu - Viện C54, Bộ Công an tại Hà Nội, thực hiện giám định lại toàn bộ chữ viết và chữ ký trên tài liệu trong vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng vay tài sản mà tòa án này thụ lý. Theo đó, từ tháng 12-2010, do cần tiền làm ăn, bà Nguyễn Thị H. có vay của chị A. - một người chuyên cho vay nợ số tiền 112 triệu đồng, trong vòng 1 tháng. Khoảng hơn 2 tháng sau, bà H. vay thêm 20 triệu đồng, phần vay này viết tiếp dưới giấy mượn tiền lần trước. Tuy nhiên khi mang 20 triệu đồng đi trả nợ, bà H. vô cùng hoảng hốt khi chủ nợ thông báo số tiền vay là 200 triệu đồng chứ không phải 20 triệu đồng và chìa tờ giấy mượn tiền có số tiền vay 200 triệu đồng ra làm bằng chứng.

Hai bên đã dẫn nhau ra tòa để giải quyết tranh chấp. Sau 2 lần giám định tại 2 cơ quan giám định khác nhau đều kết luận chữ ký, chữ viết trên giấy vay tiền là của bà H. Không đồng ý với 2 kết quả giám định này, bà Nguyễn Thị H. đã 2 lần làm đơn kháng cáo. Vì vậy, để có căn cứ giải quyết vụ việc, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên đã trưng cầu Viện C54 giám định lại và giám định bổ sung đối với chữ viết, chữ ký trên toàn bộ tài liệu có nội dung “Giấy mượn tiền” do nguyên đơn cung cấp viết bằng bút bi mực màu xanh trên giấy vở học sinh kẻ ô li.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Lan kể, khi nhận hồ sơ vụ việc, mặc dù không biết bà Nguyễn Thị H. là ai nhưng chị cảm nhận được nỗi oan ức của người phụ nữ này. Bản thân bà H. chỉ biết kêu oan chứ không thể chứng minh được vì sao lại như vậy bởi toàn bộ chữ viết, chữ ký trên giấy mượn tiền đúng là do họ viết ra. Nỗi oan ức này chỉ có thể nhờ các giám định viên tài liệu “minh oan” giúp họ.

Tiến hành giám định, dưới các bước sóng của thiết bị nghiệp vụ, Thượng tá Nguyễn Thị Ngọc Lan phát hiện số “0” cuối cùng trong số 200.000.000 đồng trên giấy vay tiền là số được điền thêm, trong khi các chữ số còn lại bị tô lại. Như vậy là đã rõ lý do vì sao bà Nguyễn Thị H. không đồng ý với các kết luận giám định trước đó.

Cùng với kết luận giám định trả lời chữ viết và chữ ký trên tài liệu giấy mượn tiền so với chữ viết, chữ ký của bà Nguyễn Thị H. là do cùng một người viết theo nội dung quyết định trưng cầu, Phòng Giám định tài liệu C54 đã gửi kèm theo công văn về việc phát hiện đặc điểm chữ viết bị tô lại, điền thêm gửi tới Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên. Với kết quả giám định này, bà Nguyễn Thị H. đã được “minh oan”.

Đằng sau những chiến công thầm lặng ấy, Thượng tá Nguyễn Thị Ngọc Lan và các cộng sự của chị tại Phòng Giám định tài liệu tâm sự,  những thủ đoạn lừa đảo bằng tài liệu trong giao dịch dân sự trong những năm gần đây ngày càng gia tăng và tinh vi khiến các giám định viên trăn trở nhiều hơn. Sự mất cảnh giác, thiếu hiểu biết của người dân trong quá trình giao dịch, soạn thảo văn bản, hoặc vì tin nhau quá mà nhắm mắt ký... đã dẫn đến những vụ việc tranh chấp tài sản kéo dài, theo đuổi kiện cáo không chỉ gây mệt mỏi cho người bị hại và còn  gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong giải quyết sự việc.

Nhiều khi, giám định viên bằng mắt thường cũng có thể nhận ra sự không bình thường trong văn bản, tài liệu nhưng để chứng minh phải có đủ căn cứ khoa học. Hành trình tìm ra sự thật của tài liệu gian nan, mất nhiều thời gian, công sức. Có những vụ giám định viên mất nhiều tháng trời nghiên cứu tài liệu, sau đó tổ chức hội thảo khoa học để tìm ra chân lý, góp phần mang lại công bằng và niềm tin công lý trong xã hội.

Không nhắc đến những thành tích mà đơn vị đã đạt được, Thượng tá Nguyễn Thị Ngọc Lan giản dị nói rằng, trước những thủ đoạn mới ngày càng tinh vi của tội phạm làm giả tài liệu,  chị chỉ mong người dân cảnh giác, thận trọng trước khi đặt bút viết, ký trên mọi giấy tờ giao dịch để tự phòng ngừa những hậu quả xấu có thể xảy ra.

Hương Vũ
.
.