Hiểm họa từ phong trào Hồi giáo Uzbekistan ở Afghanistan

Chủ Nhật, 13/06/2021, 21:35
Xuất hiện tại Afghanistan từ năm 1995, Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU) dưới sự lãnh đạo của Tahir Yuldashev và Juma Namangani, được cả Taliban lẫn al-Qaeda che chở nên ngày càng có cả chỗ đứng lẫn thế lực, nhất là khi người Mỹ và đồng minh bắt đầu rút quân thì sự hiện hữu của IMU đã làm dấy lên nhiều lo ngại về sự ổn định của Afghanistan và một số quốc gia vùng Trung Á …


Sự ra đời của IMU

Cuối năm 1991, khi Liên Xô tan rã, tại thung lũng Fergana, Uzbekistan, xuất hiện một phong trào gọi là "Adolat - tiếng Uzbekistan có nghĩa là Tư pháp" do hai thanh niên trẻ Tahir Yuldashev và Juma Namangani cầm đầu.

Uthman Ghazi, kẻ lãnh đạo IMU hiện tại.

Rất nhanh chóng, Adolat thu hút sự tham gia của những "người nghèo mới", bao gồm công nhân công nghiệp và những người làm việc trong các tổ chức, công ty, trước đây được tài trợ bởi Liên Xô, cũng như giới thanh niên thất nghiệp cùng những người hưu trí bị mất các khoản phúc lợi từ nhà nước cũ.

Thoạt đầu, phong trào Adolat tổ chức theo mô hình dân quân Hồi giáo. Các thành viên của nó tham gia giữ gìn an ninh trật tự xã hội, theo dõi và trừng phạt bọn tội phạm, điều chỉnh giá cả những loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường. Được sự ủng hộ của số đông quần chúng, dần dà Yuldashev và Namangani có tham vọng đưa phong trào Adolat vượt ra khỏi phạm vi thung lũng Fergana bằng cách tạo áp lực với chính quyền mới ở Uzbekistan với những cuộc biểu tình dài ngày, thậm chí tổ chức những vụ nổi dậy với sự giúp đỡ của phe Hồi giáo đối lập.

Đối mặt với mối đe dọa từ Adolat, phản ứng duy nhất của chính quyền mới ở Uzbekistan là sử dụng bạo lực. Từ đầu năm 1992, họ đã tiến hành nhiều cuộc đàn áp có hệ thống nhắm vào bất kỳ nhóm đối lập nào. Cùng với những việc ấy, quân đội được điều đến thung lũng Fergana để tiêu diệt phong trào Adolat. Do nắm ưu thế về lực lượng, lại thêm vũ khí dồi dào do Liên Xô để lại, quân đội nhanh chóng đè bẹp phong trào Adolat.

Vì vậy, với những thành viên Adolat may mắn không bị bắt hoặc bị giết thì lưu vong là cách duy nhất để sống còn. Hàng nghìn người trong số họ đã cùng gia đình bỏ chạy sang những khu vực hẻo lánh giữa biên giới Afghanistan và Pakistan, nương náu trong các trại huấn luyện chiến binh thánh chiến của Taliban hoặc các làng của bộ tộc Pastun, vốn thiện cảm với Taliban, trong đó có cả 2 nhân vật lãnh đạo của Adolat là Namangani và Yuldashev.

Từ những năm 1995 đến 1998, ở Peshawar, Pakistan, Yuldashev đã tìm kiếm mối quan hệ và sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời tiếp xúc với nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan khác nhau, bao gồm cả Taliban và al-Qaeda. Yuldashev cũng đã từng gặp gỡ Osama bin-Laden, kẻ cầm đầu tổ chức khủng bố al-Qaeda. Trong những cuộc gặp này, Yuldashev đồng ý với Bin-Laden về quan điểm các cuộc thánh chiến nên vượt ra ngoài khái niệm chủ nghĩa dân tộc Hồi giáo.

Các tay súng Uzbekistan trong hàng ngũ Taliban.

Năm 1998, Yuldashev và Namangani chính thức cho ra đời Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU) với các thành viên chủ lực là người Uzbekistan. Bên cạnh đó, nó cũng tiếp nhận những chiến binh người Tajikistan, Kyrgyzstan và thậm chí cả người Duy Ngô Nhĩ. Được giới lãnh đạo Taliban khuyến khích "thánh chiến" chống lại chế độ Uzbekistan, IMU được phép sử dụng những căn cứ quân sự của Taliban ở Afghanistan để phát động những cuộc tấn công vào vùng Trung Á.

Chỉ hơn 1 năm sau khi ra đời, sức mạnh quân sự của IMU tăng lên đáng kể, thể hiện bằng một làn sóng khủng bố diễn ra vào năm 1999 nhắm vào các lực lượng an ninh Uzbekistan. Không những thế, Taliban còn "đặt hàng" cho IMU tấn công các nước láng giềng Tajikistan và Kyrgyzstan. Đến năm 2000, IMU đóng góp 600 tay súng cho Taliban chống lại Liên minh phương Bắc, một lực lượng được Nga, Ấn Độ và Iran hậu thuẫn nhằm tiêu diệt Taliban.

Sự xuất hiên của Liên minh Hồi giáo Jihad

Tháng 10-2001, quân đội Mỹ tiến vào Afghanistan để thực hiện chiến dịch "Tự do bền vững" nhằm đáp trả cuộc tấn công khủng bố vào Tòa tháp đôi, Trung tâm thương mại thế giới ở New York, Mỹ, xảy ra vào ngày 11-9-2001. Mục đích của cuộc chiến này là bắt giữ Osama Bin Laden, tiêu diệt al-Qaeda và Taliban vì đã cung cấp chỗ ẩn náu đồng thời hỗ trợ nhân lực cho al-Qaeda.

Thời điểm ấy, IMU được người Mỹ xem như một lực lượng nằm dưới sự điều khiển của Taliban. Các cuộc giao tranh với sự yểm trợ không giới hạn của Không quân Mỹ đã giết chết hàng trăm tay súng IMU, trong đó có cả thủ lĩnh Namangani. Bị săn đuổi ráo riết, Yuldashev - thủ lĩnh còn lại của IMU tìm cách liên kết với các bộ tộc người Pashtun ở phía Tây Bắc Pakistan và một số các nhóm Hồi giáo cực đoan khác để cho ra đời cái gọi là Liên minh Hồi giáo Jihad (IJU) bởi lẽ lúc ấy, IMU không còn khả năng bổ sung nhân lực cũng như tái trang bị vũ khí tuy họ vẫn được các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Arab Saudi, Syria, Pakistan…, hỗ trợ tiền bạc. Dẫu vậy, IMU vẫn là thành phần nòng cốt trong IJU.

Thành viên bộ tộc Pastun và chiến binh IJU thực hiện động tác thề sẽ  đoàn kết.

Sau khi ra đời, mục tiêu của IJU là tập trung vào cuộc thánh chiến giành quyền kiểm soát Afghanistan để từ đó, phát triển sang các quốc gia Trung Á láng giềng. Điều này giải thích vì sao ngay từ những ngày đầu thành lập, IJU đã chọn chiến thuật đánh bom liều chết của al-Qaeda như một biện pháp chính nhằm làm suy yếu chính quyền Afghanistan, cũng như tiêu hao sinh lực Mỹ. Bên cạnh đó, IJU cũng đồng thời chống lại Chính phủ Uzbekistan. Và cũng như IMU, IJU có mối quan hệ chặt chẽ với al-Qaeda bởi lẽ khu vực mà những bộ tộc người Pashtun sinh sống ở phía Tây Bắc Pakistan từ lâu đã là thánh địa của al-Qaeda.

Trong các video phát hành sau những vụ khủng bố, al-Qaeda đã công khai xác nhận có sự tham gia của thành viên IJU, chẳng hạn như vụ đánh bom nhắm vào Đại sứ quán Mỹ và Israel ở thành phố Tashkent, Uzbekistan, hay như vụ thảm sát ở thành phố Andjian mà al-Qaeda tuyên bố "chống lại những kẻ thù xa trong khu vực". Ngay cả khi thất bại trong vụ đánh bom tự sát vào một căn cứ của Không quân Mỹ ở Ramstein, Tây Nam nước Đức hoặc các cơ quan ngoại giao Mỹ ở Uzbekistan, al-Qaeda muốn Chính phủ Đức và Uzbekistan hiểu được cái giá mà họ phải trả khi họ là đồng minh với Mỹ trong cuộc chiến Afghanistan.

Mối đe dọa càng trở nên nghiêm trọng khi 3 thành viên IJU sản xuất được gần 800kg hóa chất Hydrogen Peroxide, đủ để tạo ra những quả bom có sức công phá lớn hơn rất nhiều lần so với những quả bom mà al-Qaeda dùng để tấn công tự sát. Nó nói lên tính chuyên nghiệp ở các trại huấn luyện của IJU đặt trong những vùng kiểm soát của các bộ tộc Pastun tại Pakistan. Chưa hết, việc phát hiện những nhóm IJU ẩn trong cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức cho thấy kế hoạch tuyển mộ từ xa của IJU phần nào đã thành công.

Năm 2009, Tahir Yuldashev, thủ lĩnh IMU chết trong một cuộc không kích của máy bay Mỹ. Thay thế ông ta là Abu Usman Adil. Cùng với cái chết của Yuldashev, sự cục bộ địa phương trong các bộ tộc người Pastun theo IJU cũng biến mất mà thay vào đó, họ thống nhất đi theo con đường của IMU, bên cạnh al-Qaeda và Taliban, chống lại quân đội Mỹ và đồng minh NATO ở Afghanistan. Sự thay đổi nhận thức ấy phần lớn là do thủ lĩnh Abu Usman Adil tạo nên cho đến khi ông ta bị giết bởi máy bay không người lái, Mỹ, vào tháng 4-2012. Hiện tại, lãnh đạo của IMU là Uthman Ghazi.

Tương lai bất định

Theo các chuyên gia phân tích chính trị thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, trên thực tế không có sự khác biệt về quan điểm giữa IJU và IMU đối với Pakistan. Trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát Afghanistan, IJU cũng coi Islamabad là kẻ thù. Vào tháng 10-2006, IJU đã tổ chức 3 vụ tấn công khủng bố ở Pakistan mà trong đó, 2 vụ xảy ra gần tư dinh của Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf còn vụ thứ 3 nhắm vào trụ sở Cơ quan Tình báo Pakistan. Những vụ tấn công ấy cùng nhiều vụ khác đều nhằm mục đích bảo vệ cho những nơi trú ẩn của các tay súng IJU, IMU trên đất Pakistan đồng thời đặt cả Pakistan lẫn Afghanistan vào tư thế lúc nào cũng phải đề phòng các đòn "cắn trộm".

Và không chỉ Pakistan, Afghanistan, IMU còn xem Tajikistan là mục tiêu. Trong các năm 2009 và 2010, các chiến binh thánh chiến người Tajikistan theo IMU đã nhiều lần xâm nhập lãnh thổ Tajikistan với mục đích khuấy động sự bất mãn của dân địa phương với chính phủ nhằm thực hiện những cuộc nổi dậy. Sự xâm nhập này tuy vẫn còn ở mức độ nhỏ nhưng theo Cơ quan An ninh Tajikistan, một số địa phương miền Bắc đã có các phần tử IMU hoạt động mà cụ thể là tháng 1-2013, chiến binh IMU địa phương đã tổ chức một vụ đánh bom tự sát tại tỉnh Khujand, thủ phủ miền Bắc Tajikistan.

Ngày 11-4-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định việc rút hết quân Mỹ ra khỏi Afghanistan sẽ bắt đầu trước ngày 1-5 và hoàn tất trước ngày 11-9. Bên cạnh đó, quân đội các nước đồng minh với Mỹ thuộc Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng sẽ rời khỏi quốc gia này. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, khi sự yểm trợ của Không quân Mỹ giảm bớt ngoại trừ những trường hợp thật cần thiết thì Taliban và IMU cũng bắt đầu gia tăng hoạt động nhưng mục tiêu của họ lúc này không phải là lính Mỹ mà là quân đội và cảnh sát Afghanistan. Theo các thông tin tình báo, lực lượng IMU hiện đang có mặt trong hàng ngũ Taliban là khoảng 2.000-3.000 người, phần lớn là dân Uzbekistan.

Tất cả các nước Trung Á nhiều lần bày tỏ quan ngại về những gì có thể xảy ra với Afghanistan. Trong một bài phát biểu, Tổng thống Uzbekistan đã nói rất rõ về mối đe dọa tiềm tàng của Taliban, IJU và IMU. Ông đề xuất cộng đồng quốc tế khởi động một cuộc đối thoại dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc để giải quyết các vấn đề mà Uzbekistan sẽ gặp phải sau khi liên minh quốc tế rút khỏi Afghanistan.

Chính quyền Kyrgyzstan cho rằng tất cả các mối đe dọa đối với an ninh của đất nước sẽ đến từ Afghanistan và sự hỗn loạn chắc chắn sẽ theo sau sự rút lui của quân đội Mỹ. Tajikistan thì lo ngại sự trỗi dậy của các phần tử thánh chiến, chịu ảnh hưởng của IMU, còn Kazakhstan tuy không có đường biên giới chung với Afghanistan nhưng cũng nêu ra những quan tâm lớn về tình hình bất ổn ở Trung Á trong bối cảnh Zabiullah Mujahed, người phát ngôn của Taliban đã mạnh mẽ tuyên bố "tự tin về sự chiến thắng vì Taliban hiện ở khắp mọi nơi, ngay cả  những vùng xa xôi nhất của Afghanistan".

Bên cạnh đó, cũng nhằm để trấn an dư luận, đề phòng người Mỹ có thể quay lại, Zabiullah Mujahed khẳng định một khi Taliban tái cầm quyền, họ sẽ thiết lập một hệ thống chính trị và pháp lý ôn hòa hơn nhưng những tuyên bố này không mang lại nhiều sự bảo đảm cho các chính phủ vùng Trung Á bởi lẽ bên trong Taliban, vẫn còn đó IJU và IMU…

Vũ Cao (Theo World News)
.
.