MH17: Lời cáo buộc sau nửa thập niên

Thứ Hai, 24/06/2019, 19:10
Sau 5 năm, các điều tra viên đã đưa ra danh sách 4 người được cho là đứng đằng sau vụ rơi máy bay MH17 chấn động thế giới. Tuy nhiên, với tính phức tạp và đa quốc gia của một lời buộc tội, câu chuyện vẫn chưa thực sự ngã ngũ.

Đối mặt với công lý?

Ngày 17-6, Nhóm điều tra quốc tế về vụ việc máy bay MH17 bị bắn hạ tại đông Ukraine tháng 7-2014 (JIT), gồm đại diện cơ quan chức năng của Hà Lan, Bỉ, Malaysia, Ukraine và Australia đã tổ chức thông báo cho thân nhân các gia đình nạn nhân và ngay sau đó tiến hành họp báo quốc tế để cập nhật tiến trình điều tra.

JIT đã công bố chính thức danh tính 4 nhân vật tình nghi liên quan trực tiếp đến vụ việc trên, gồm Sergei Dubinsky, Oleg Pulatov, Igor Girkin (cả ba đều có quốc tịch Nga, hiện đang ở trong lãnh thổ Nga, được cho là các điệp viên của FSB, GRU, Spetsnaz) và Leonid Kharchenko (quốc tịch Ukraine, hiện cư trú ở vùng lãnh thổ do quân ly khai kiểm soát ở Donetsk).

Igor Girkin, mật danh “Strelkov” là nghi phạm đáng chú ý nhất. Girkin sinh ngày 17-12-1970 ở Moscow, mang quốc tịch Nga và từng là một đại tá trong Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB). JIT cho rằng, Girkin từng kinh qua nhiều chiến trường từ Chechnya đến Nam Tư và từ năm 2014 tự xưng là Bộ trưởng Quốc phòng của “Cộng hòa Nhân dân Donesk” do phe ly khai miền đông Ukraine lập ra.

Sergey Dubinsky và Oleg Pulatov được cho là làm việc dưới quyền Igor Girkin vào năm 2014 và từng là điệp viên của GRU, cơ quan tình báo quân đội Nga từng bị cáo buộc trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal ở Anh.

Nghi phạm thứ 4, Leonid Kharchenko là công dân Ukraine cũng có mối liên hệ với những lãnh đạo của lực lượng ly khai. Kharchenko từng lãnh đạo một đơn vị trong quân đội ly khai. Bên cạnh đó, Kharchenko còn có thể tham gia phối hợp vận chuyển bệ phóng tên lửa từ Donetsk, thành phố chính do quân ly khai kiểm soát ở đông Ukraine. Hiện các nhà điều tra không tìm được tung tích của Kharchenko, mặc dù họ tin rằng, nghi phạm này có lẽ đang ở trong lãnh thổ ly khai.

Đại diện JIT công bố hình ảnh các nghi phạm.

JIT đã phát lệnh bắt giữ quốc tế và đưa 4 đối tượng trên vào danh sách truy nã quốc tế. Theo Trưởng Công tố viên Hà Lan Fred Westerbeke, 4 người nói trên bị buộc tội gây ra vụ máy bay MH17 bị bắn hạ cùng cái chết của toàn bộ 298 hành khách, phi hành đoàn. Theo đó, các nghi phạm sẽ bị xét xử bởi Tòa án La Haye từ ngày 9-3-2020, tại một địa điểm bảo mật an ninh ở gần sân bay Schiphol.

JIT đề nghị Chính phủ Nga và Ukraine tích cực hợp tác, cung cấp thêm thông tin và bằng chứng, tiến hành bắt giữ những kẻ tình nghi; song sẽ không yêu cầu dẫn độ vì luật pháp hai nước này không cho phép dẫn độ công dân của mình ra nước ngoài. Quá trình điều tra đang tiếp tục được mở rộng và không loại trừ khả năng sẽ có thêm nhiều đối tượng bị buộc tội.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong thông báo ngày 19-6, cho biết: “Chúng tôi kêu gọi Nga đảm bảo rằng bất kỳ cá nhân nào bị truy tố đang ở Nga đều phải đối mặt với công lý”. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh kết luận của cuộc điều tra do Hà Lan dẫn đầu, bày tỏ hy vọng những kẻ có tội trong vụ bắn rơi máy bay sẽ phải bị đưa ra xét xử.

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho rằng Nga “phải hợp tác đầy đủ với cơ quan công tố và cung cấp mọi hỗ trợ mà họ yêu cầu”. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng việc đưa ra các cáo buộc đánh dấu một “cột mốc quan trọng trong nỗ lực khám phá sự thật đầy đủ và đảm bảo rằng công lý đã được thực thi”.

Phản ứng của Moscow

Bộ Ngoại giao Nga ngay lập tức gọi các cáo buộc trên là vô căn cứ và nhằm làm mất uy tín của Nga. Moscow nhấn mạnh rằng họ sẵn sàng “hỗ trợ toàn diện cho cuộc điều tra” nhưng đã bị phớt lờ. Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov chỉ trích JIT đã phớt lờ thiện chí đối thoại của Moscow, không tạo điều kiện cho Nga tham gia ngay từ đầu vào tiến trình điều tra.

Thậm chí, một chuyên gia chính trị cấp cao của Nga khi trả lời Hãng tin TASS đã cho rằng thông tin do nhóm điều tra hỗn hợp quốc tế (JIT) công bố chứng minh rằng cuộc điều tra được thực hiện một cách rất cẩu thả.

Giám đốc Trung tâm chính sách đương đại Alexei Chesnakov cho rằng rõ ràng, cuộc điều tra về vụ tai nạn máy bay Boeing được thực hiện theo cách rất thiếu chuyên nghiệp. Họ khẳng định rằng có một cuộc trò chuyện qua điện thoại đã được ghi lại giữa (nghi phạm làm rơi máy bay MH17) Igor Girkin với (trợ lý Tổng thống Nga) Vladislav Surkov và điều này hoàn toàn vô lý.

Ông Chesnakov nói thêm rằng: “Ông Surkov chưa bao giờ có bất kỳ cuộc trò chuyện nào với ông Girkin, cả trực tiếp lẫn qua điện thoại. Cấp liên lạc (xứng tầm) với ông Surkov là những người đứng đầu các nước cộng hòa Donbass (tự xưng). Đoạn ghi âm này phải được gửi tới một cơ quan phân tích độc lập, theo đó sẽ chứng minh một cách dễ dàng rằng đoạn ghi âm này không có tiếng nói của ông Surkov trong đó”. Chi tiết nhỏ này tạo ra sự nghi ngờ đối với toàn bộ cuộc điều tra.

Máy bay mang số hiệu MH17 (Boeing-777) đang bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur thì bị bắn rơi vào ngày 17-7-2014, ở khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine. Toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Nạn nhân của thảm họa đến từ 10 quốc gia, phần lớn là công dân Hà Lan. Chính quyền Ukraine và lực lượng ly khai ở miền Đông cáo buộc nhau về vụ bắn rơi chiếc máy bay xấu số này.

Những tài liệu ban đầu cho thấy, chiếc phi cơ đã lao xuống và cách không phận của Nga khoảng 50km. Một nguồn tin giấu tên cho hay, chiếc Boeing đã được tìm thấy trên mặt đất thuộc khu vực phía Đông Ukraine và đã bị cháy đen. Một nguồn tin giấu tên khác thuộc Cơ quan An ninh Ukraine cho biết, chiếc máy bay biến mất khỏi màn hình radar ở độ cao khoảng 10.000m, sau khi nó rơi xuống gần thị trấn Shakhtyorsk.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.