Ngăn chặn dòng chảy của ngà voi, vảy tê tê từ Nigeria đến châu Á

Thứ Sáu, 11/01/2019, 14:03
Theo đánh giá của Tổ chức Interpol, mạng lưới tội phạm ở châu Phi và châu Á thực hiện hành vi mua bán bất hợp pháp nhiều loại hàng hoá từ động vật hoang dã.


Vảy tê tê và ngà voi là hai mặt hàng cấm bị phát hiện và thu giữ nhiều nhất trong số những chuyến hàng được chuyển từ Nigeria đến châu Á, vì chúng có nhu cầu tiêu thụ cao ở nhiều nước thuộc châu lục này, trong đó có Việt Nam. Riêng giá trị mua bán vảy tê tê bất hợp pháp ước tính khoảng 50 triệu đô la Mỹ/ năm.

Gia tăng đột biến số lượng ngà voi và vảy tê tê buôn lậu

Có thể nói, ngà voi được coi là biểu tượng quyền lực của tầng lớp thượng lưu trong xã hội, thể hiện sự thịnh vượng và giàu có. Đây chính là động lực làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ ngà voi đối với tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Ngà voi được dùng làm đồ trang trí, chạm khắc, đũa ăn, lược chải tóc và đồ trang sức. Các sản phẩm từ ngà voi có giá dao động từ 145 đến 3.500 USD/ sản phẩm.

Còn vảy tê tê có chứa chất keratin, đồng chất với sừng tê giác, tóc và móng tay người. Mặc dù khoa học đã chứng minh vảy tê tê không có tác dụng trong việc nâng cao sức khoẻ và thể trạng nhưng nó vẫn được người châu Á tin dùng để chữa các bệnh hen suyễn, đau lưng, da liễu, tuần hoàn máu kém, ung thư, trĩ, các chứng sưng và viêm, cũng như để tăng tiết sữa, ngừa viêm phổi và chữa trị vết thương. Vảy tê tê thô có giá dao động từ 300 đến 2.500 USD/ kg.

Các lực lượng chức năng của Việt Nam phát hiện một vụ buôn lậu ngà voi qua cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).

Ngà voi và vảy tê tê từ châu Phi thường được vận chuyển từ Nigeria đến một số nước ở châu Á để sau đó phân bổ cho các thị trường tiêu thụ nội địa. Theo đánh giá của Tổ chức Interpol, từ năm 2016 đến 2018, số lượng các vụ phát hiện, bắt giữ ngà voi và vảy tê tê tăng đột biến, nhất là năm 2018 vừa qua. Ngà voi và vảy tê tê chủ yếu xuất phát từ khu vực Tây Phi, đặc biệt là Nigeria, được vận chuyển theo đường hàng không hoặc đường biển đến các thị trường tiêu thụ ở một số nước châu Á, điển hình là Trung Quốc và Việt Nam.

Số liệu thống kê của Interpol cho thấy, năm 2016, có 2 vụ vận chuyển ngà voi bị phát hiện và thu giữ tại Việt Nam với tổng khối lượng 755kg; 1 vụ vận chuyển vảy tê tê bị phát hiện và thu giữ tại Trung Quốc với khối lượng 3.000kg. Năm 2017, có 7.200kg vảy tê tê bị phát hiện và thu giữ tại Malaysia.

Năm 2018 (tính đến tháng 10) đã có 3.480kg ngà voi bị phát hiện và thu giữ tại Singapore; 7.100kg vảy tê tê bị phát hiện và thu giữ tại Hongkong, Trung Quốc; 6.805kg vảy tê tê và 2.193kg ngà voi bị phát hiện và thu giữ tại Việt Nam. Nhìn vào số liệu này có thể thấy khối lượng thu giữ năm 2018 tăng gấp 5 lần khối lượng thu giữ năm 2016.

Những thủ đoạn che giấu tinh vi

Để có thể thu gom và vận chuyển ngà voi và vảy tê tê, các tổ chức tội phạm chia thành nhiều nhóm nhỏ, thực hiện các phần việc khác nhau. Nhóm “thợ săn” có nhiệm vụ thực hiện hành vi săn bắn, giết và lấy vảy tê tê hay ngà voi. Sau đó, “người trung gian” sẽ mua vảy tê tê, ngà voi từ “thợ săn” và sắp xếp chỗ cất giấu, gom hàng rồi liên hệ với các công ty xuất, nhập khẩu để tổ chức vận chuyển hàng lậu.

Những người này sẽ quyết định phương thức che giấu hàng, phương thức làm giả giấy tờ xuất nhập khẩu và thông quan hàng hoá. “Người trung gian” ở các nước xuất khẩu thông thường có sự câu kết với tòng phạm ở nước trung chuyển và nước đến để sắp xếp thông quan hàng hoá.

Các lực lượng chức năng của Việt Nam phát hiện một vụ buôn lậu ngà voi qua cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).

Bên cạnh “người trung gian” bao giờ cũng có “người hỗ trợ”, những người này lợi dụng vị trí, chức vụ cá nhân hoặc sự tin tưởng của cơ quan chính quyền để qua mặt các đơn vị hải quan. Thông thường, “người trung gian” và “người hỗ trợ” nhận lệnh từ những đối tượng cầm đầu tổ chức tội phạm. Hai mắt xích này có sự kết nối chặt chẽ và có liên lạc thường xuyên từ khâu chuẩn bị hàng đến khi hàng được giao cho người nhận ở nước đến.

Trong tổ chức tội phạm này, “thợ săn” và “người vận chuyển” ít hoặc không có liên hệ với những tên tội phạm khác trong nhóm một khi đã hoàn thành phần việc của mình. Thậm chí, ở một số vụ án, “người vận chuyển” có thể không biết về mặt hàng buôn lậu được che giấu.

Luôn luôn giấu mặt là những ông trùm, cầm đầu những tổ chức tội phạm. Những đối tượng này thường không trực tiếp tham gia vào các khâu của việc vận chuyển hàng để tránh bị phát hiện.

Tổng hợp từ 10 vụ buôn lậu ngà voi và vảy tê tê từ Nigeria đến châu Á trong giai đoạn 2016- 2018 có thể thấy các tổ chức tội phạm thường sử dụng muôn hình vạn trạng các phương thức cất giấu rất tinh vi. Phổ biến là các đối tượng khai gian các mặt hàng buôn lậu thành các mặt hàng khác như thực phẩm, gỗ, lạc, nhựa hoặc nhựa phế thải; giấu các mặt hàng buôn lậu phía sau các mặt hàng khác có kích thước lớn hơn.

Ở Việt Nam cũng đã bắt được vụ giấu ngà voi, vảy tê tê trong lõi của các khối đá nhân tạo. Hoặc các đối tượng giấu các mặt hàng buôn lậu ở một số ít trong tổng số rất nhiều các túi, hộp hoặc kiện hàng được vận chuyển. Chúng còn tách một chuyến hàng lớn thành nhiều chuyến hàng nhỏ lẻ để tránh bị phát hiện, hoặc nếu bị phát hiện thì không bị thu giữ quá nhiều hàng. Để đối phó với việc kiểm tra bằng máy quét tia X, các đối tượng còn gói, bọc hàng hoá bằng giấy nhôm; hoặc giấu hàng lậu trong hành lý của hành khách đi máy bay.

Lagos, Nigeria là địa điểm trung chuyển phổ biến nhất của các sản phẩm động vật hoang dã được vận chuyển từ châu Phi sang châu Á. Những sản phẩm như ngà voi, vảy tê tê chủ yếu xuất phát từ các quốc gia Trung Phi như Cộng hoà Trung Phi, Cộng hoà dân chủ Công Gô… Hàng lậu sau đó được vận chuyển đến Nigeria bằng đường bộ qua các tuyến biên giới dọc Cameroon.

Ngà voi và vảy tê tê thường được vận chuyển bằng đường hàng không từ Nigeria (Lagos) đến Malaysia (Cảng hàng không quốc tế Kuala Lumpur) hoặc qua Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (Abu Dhabi) và châu Âu đến Việt Nam và Hongkong, Trung Quốc. Điển hình, ngày 30-7-2017, hải quan Malaysia tại Cảng hàng không quốc tế Kuala Lumpur phát hiện và thu giữ 2 hộp chứa 75,74 kg ngà voi được khai gian là thực phẩm vận chuyển trên chuyến bay của Hãng Etihad Airways bay từ Lagos, Nigeria, trung chuyển tại Abu Dhabi, Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất. Tuy nhiên, địa chỉ nơi đến ghi trên kiện hàng là giả.

Interpol cũng ghi nhận những chuyến hàng lậu khối lượng lớn được vận chuyển từ Tây Phi, qua cảng Lagos, Nigeria, sau đó trung chuyển qua Singapore (cảng Pasir Panjang) và các cảng của Malaysia để vận chuyển đến Việt Nam, Hongkong, Trung Quốc và Trung Quốc đại lục; hoặc vận chuyển bằng đường bộ qua Malaysia, Thái Lan và Lào đến Trung Quốc.

Ngày 5-10-2018 vừa qua, tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát hiện và thu giữ 6.000kg vảy tê tê và 2.000kg ngà voi được cất giấu trong các thùng nhựa phế thải trên một chuyến hàng được vận chuyển từ Nigeria.

Các nước phải chung tay bảo vệ động vật hoang dã

Theo Tổ chức Interpol, ngà voi và vảy tê tê thuộc danh mục các sản phẩm động vật hoang dã đã được bảo vệ theo Công ước CITES, do đó các lực lượng chức năng cần tập trung đấu tranh, ngăn chặn việc khai thác và mua bán bất hợp pháp các mặt hàng này.

Thực tế cho thấy, số lượng ngà voi và vảy tê tê bị phát hiện trong năm 2018 tăng đột biến cũng đồng thời chỉ ra sự gia tăng hiệu quả của các biện pháp kiểm soát tại sân bay và cảng biển được thực hiện bởi các cơ quan chức năng thời gian qua.

Để tăng cường hơn nữa hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu vảy tê tê và ngà voi, Interpol đề xuất các cơ quan hữu quan của Nigeria, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Trung Quốc đại lục và Hongkong, Trung Quốc chia sẻ thông tin với Interpol về tất cả các vụ phát hiện, bắt giữ và quá trình điều tra các vụ án buôn lậu vảy tê tê và ngà voi từ Nigeria trong giai đoạn 2016-2018.

Số ngà voi buôn lậu bị lực lượng chức năng phát hiện thu giữ.

Các cơ quan thực thi pháp luật (bao gồm lực lượng Hải quan, Cảnh sát và quản lý xuất nhập cảnh…), các công ty vận chuyển đường biển và đường hàng không, các công ty kho vận, công ty xuất nhập cảnh hàng hoá, các cơ quan quản lý về vận tải, động vật hoang dã và ngư nghiệp cũng chia sẻ thông tin và phối hợp với các cơ quan điều tra trong các vụ án buôn lậu vảy tê tê và ngà voi; xác định và củng cố những mắt xích dễ bị tác động trong chuỗi cung ứng.

Interpol đề xuất các cơ quan hữu quan các nước thành viên Interpol tiến hành kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm đối với các chuyến hàng, hành lý và hành khách tại các điểm trung chuyển, xuất cảnh, chẳng hạn như các chuyến hàng lớn từ Nigeria đến châu Á. Các cơ quan hữu quan của các nước thành viên Interpol cũng xem xét khả năng thực hiện những phân tích khoa học hình sự đối với những lô hàng từ động vật hoang dã đã bị bắt giữ để thu thập thông tin về nguồn gốc xuất xứ của vảy tê tê và ngà voi. Điều này sẽ hỗ trợ quá trình truy tìm dấu vết các tổ chức tội phạm.

Ngà voi và vảy tê tê thuộc danh mục các sản phẩm động vật hoang dã được bảo vệ theo Công ước CITES (công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp).

Công ước CITES là Hiệp định giữa các chính phủ, được thiết lập nhằm mục tiêu kiểm soát hoạt động buôn bán quốc tế mẫu vật của các loài động, thực vật hoang dã một cách bền vững, đảm bảo rằng hoạt động này không làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của loài trong tự nhiên.

CITES được ký tại Washington DC., Hoa Kỳ vào tháng 3-1973, và có hiệu lực vào ngày 1-6-1975. Qua 35 năm, hiện nay CITES là một trong những Công ước có số thành viên lớn nhất, 173 nước thành viên vào tháng 6-2008..

Việt Nam trở thành thành viên thứ 121 của CITES vào ngày 20-1-1994. Để thực hiện CITES, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10-8-2006 về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

T.Hoà
.
.