Nguyên Trưởng phòng giao dịch Sacombank chiếm đoạt 26 tỷ đồng của khách hàng

Thứ Ba, 25/07/2017, 09:53
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Minh Tân (33 tuổi, ngụ ấp Định Hòa, xã Long Thới, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh), nguyên Trưởng phòng giao dịch huyện Tiểu Cần, thuộc Ngân hàng Sacombank, chi nhánh tỉnh Trà Vinh về 2 tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gần 26 tỷ đồng.

Từ năm 2011, Tân là chuyên viên thuộc Ngân hàng Sacombank Chi nhánh tỉnh Trà Vinh. Thể hiện có năng lực, Tân được điều động giữ chức vụ Trưởng phòng giao dịch huyện Tiểu Cần. Để tạo uy tín, Tân đề xuất kế hoạch nâng vị trí phòng giao dịch huyện Tiểu Cần lên hàng chi nhánh, ngang bằng với chi nhánh Sacombank Trà Vinh. Khi đó, đương nhiên chế độ và thu nhập của Tân cũng sẽ được nâng lên.

Để thực hiện, Tân đã chỉ đạo nhân viên trả lãi cho khách hàng gửi tiết kiệm cao hơn 3 đến 4% lãi suất quy định và tổ chức bốc thăm trúng thưởng và nhiều chuyến du lịch trong và ngoài nước cho khách hàng. Hoạt động thu hút khách hàng của Tân đều không nằm trong chủ trương của ngân hàng cấp trên. Tân tự vay nợ cá nhân bên ngoài để chi, dẫn đến mất cân đối và không còn khả năng chi trả.

Để bù vào những khoản chi ngoài quy định và tiêu xài cá nhân, từ năm 2011 đến năm 2013, Tân dùng nhiều thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của bạn bè và khách hàng rồi bỏ trốn. Ngày 14-6-2013, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và truy nã đặc biệt Nguyễn Minh Tân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tân thay tên đổi họ và bỏ trốn.

Tân tại Cơ quan điều tra.

Ngày 15-1-2017, Tân bị Công an tỉnh Trà Vinh bắt giữ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vụ án được phục hồi điều tra và điều tra bổ sung.

Theo kết luận điều tra, Tân đã gây ra 34 vụ lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đối với khách hàng gửi tiền, Tân lấy lý do giữ lại thẻ tiết kiệm gốc của khách hàng để tham gia dự thưởng chương trình du lịch nước ngoài. Sau đó Tân chèn giấy nhận nợ vào hồ sơ để khách hàng ký rồi hợp thức hóa các chứng từ chiếm đoạt tài sản.

Với những khách hàng Tân biết được số dư trong tài khoản, Tân chỉ đạo nhân viên lập giấy lĩnh tiền rồi giả mạo chữ ký để chiếm đoạt. Nhiều khách hàng gửi tiền hoặc trả tiền vay nhưng ngại đến phòng giao dịch làm thủ tục rườm rà, tin tưởng vị trí Trưởng phòng giao dịch của Tân nên đưa tiền mặt cho Tân giải quyết giúp. Tân giả mạo chữ ký, hợp thức hóa hồ sơ để chiếm đoạt.

Với  những khách hàng thân thiết, Tân hỏi mượn tiền với lý do đáo hạn nợ vay cho khách hàng và hứa hẹn sau khi được giải ngân sẽ trả lại. Đến thời gian thỏa thuận, Tân viện lý do hồ sơ vay vốn bị chậm trễ, chưa làm thủ tục giải ngân được, rồi bỏ trốn. Đối với những khách hàng muốn vay vốn, Tân đưa ra lý do muốn giải ngân hết số tiền vay phải mượn tài khoản của người khác để chuyển khoản, vì theo quy định, khách hàng vay vốn bằng hình thức thế chấp thì giải ngân tiền mặt không quá 100 triệu đồng.

Số tiền còn lại sẽ được giải ngân bằng hình thức chuyển khoản qua tài khoản của người khác. Tài khoản do Tân chỉ định.  Sau đó, Tân yêu cầu chủ tài khoản trên chuyển tiền vào tài khoản của Tân qua dịch vụ Internet Banking (IB).

Từ ngày 7-9-2011 đến ngày 5-6-2013, Tân đã chiếm đoạt tài sản của 34 bị hại ở các huyện Tiểu Cần, Trà Cú, Châu Thành, TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) và TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai 25,7 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt được, Tân trả nợ cho khách hàng để tránh bị nợ xấu, làm ảnh hưởng uy tín cá nhân. Tân cũng trả lãi suất ngoài quy định cho khách hàng (có khi lên đến 9%/tháng). Tân còn tổ chức cho khách hàng đi du lịch trong và ngoài nước (Singapore, Thái Lan, Dubai) và trả nợ, mua xe ô tô, điện thoại, góp vốn mở quán giải khát…

Ông Trần Văn Hiệp (ngụ phường 12, quận 8, TP Hồ Chí Minh), khách hàng của Sacombank, là người bị Tân chiếm đoạt nhiều nhất. Tân biết thông tin cá nhân và số dư trong tài khoản của ông Hiệp nên điện thoại cho đồng nghiệp ở phòng giao dịch Sacombank huyện Càng Long yêu cầu lập thủ tục đăng ký dịch vụ IB cho ông Hiệp. Tân lấy lý do tạo thuận lợi cho việc cắt từ tài khoản thanh toán của ông Hiệp sang gửi tiết kiệm trực tuyến. Bởi, ông Hiệp ở TP Hồ Chí Minh, không trực tiếp đến giao dịch nên Tân sẽ chuyển phiếu đăng ký sử dụng IB cho ông Hiệp ký sau.

Tân cung cấp cho cho đồng nghiệp họ tên, số chứng minh nhân dân, số điện thoại của ông Hiệp nhưng thực tế là số điện thoại của Tân để lập phiếu đăng ký sử dụng IB với hạng mức giao dịch 1 tỷ đồng/ngày. Giao dịch hoàn thành sẽ được xác thực qua SMS bằng số điện thoại mà Tân đã cung cấp. Đồng thời, Tân yêu cầu đồng nghiệp lập phiếu cấp mã kích hoạt và mật khẩu mới, mặc dù ông Hiệp chưa ký nhưng đã hoàn thành thủ tục sử dụng dịch vụ.

Từ ngày 8-2-2013 đến ngày 8-5-2013, Tân đã chuyển tiền từ tài khoản của ông Hiệp sang tài khoản cá nhân của Tân 14 lần để chiếm đoạt tổng cộng 6,5 tỷ đồng.

Theo Cơ quan điều tra, đây là vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại tài sản lớn. Theo kết luận điều tra, Tân phải có trách nhiệm trả lại cho ngân hàng 20,3 tỷ đồng, trả lại cho bị hại 5,4 tỷ đồng.

Hiện tại, ngân hàng đã trả 15,3 triệu đồng và lãi phát sinh cho các bị hại và những người liên quan. Số tiền này, Tân buộc phải có trách nhiệm trả lại cho ngân hàng.

Văn Vĩnh - Minh Tuyền
.
.