Nhiều container hàng lậu ra khỏi cảng thế nào?

Thứ Tư, 17/12/2014, 14:50
Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, các đối tượng trong đường dây buôn lậu do một đối tượng Việt kiều Mỹ và một đối tượng cầm đầu đang bị Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an truy nã, đã nhập lậu 27 container hàng cấm vào thị trường nội địa tiêu thụ. Trong đó, có 16 container hàng được xác định có tổng giá trị hơn 7,3 tỉ đồng. Dư luận đang đặt câu hỏi, với hàng loạt lô hàng lậu được thông quan dễ dàng như vậy, trách nhiệm thuộc về ai?

Thành lập nhiều công ty để buôn lậu

Với mục đích vào Việt Nam để tổ chức "đường dây" buôn lậu, năm 2010, Nguyễn Văn Sinh (Việt kiều Mỹ) nhập cảnh vào Việt Nam, đứng tên thành lập Công ty TNHH MTV An Khang Lạc (gọi tắt Công ty An Khang Lạc) tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP HCM và cấu kết với Đoàn Đức Thắng (từ năm 1998 đến nay bị Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an truy nã về tội buôn lậu và đưa hối lộ) nhập lậu mặt hàng phụ tùng xe đầu kéo đã qua sử dụng về Việt Nam tiêu thụ. Để che giấu thân phận, Sinh chỉ làm Giám đốc Công ty An Khang Lạc đến ngày 21/3/2012 thì thay đổi đăng ký kinh doanh, thuê Vũ Mạnh Dũng (57 tuổi, ngụ Q.7, TP HCM) là đối tượng không có nghề nghiệp, làm Giám đốc Công ty. Theo sự phân công, Sinh "rút" về Mỹ và điều hành hoạt động công ty từ xa. Đoàn Đức Thắng chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành trực tiếp mọi hoạt động buôn lậu tại Việt Nam. 

Để tránh bị các cơ quan chức năng tại Việt Nam phát hiện, Sinh chỉ đạo liên tục giải thể công ty và thành lập mới các công ty khác nhau. Cụ thể,  tháng 10/2012, Công ty An Khang Lạc giải thể, Công ty TNHH Nông ngư cơ Thắng Lợi (gọi tắt Công ty Thắng Lợi) được thành lập mới và hoạt động đến tháng 7/2013 thì lại… chấm dứt. Công ty TNHH DV-XNK KAL (gọi tắt Công ty KAL) tiếp tục thành lập để thay thế. Tất cả các công ty này đều do Vũ Mạnh Dũng làm Giám đốc.

Nguyễn Văn Sinh và Đoàn Đức Thắng.

Ngày 23/7/2013, Lê Công Hớn - nhân viên lái xe Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn KV2 (Cảng Khánh Hội), làm dịch vụ giao nhận hàng nhập khẩu tại cảng cho Sinh và Đức, mở tờ khai hải quan số 100713 ngày 23/7/2013 cho Công ty KAL khai báo hàng hóa nhập khẩu là 6 máy phát điện đã qua sử dụng, xuất xứ từ Mỹ, trị giá 8.000USD. Sau khi Hớn nộp tờ khai và chờ kiểm hóa container hàng thì bất ngờ lực lượng kiểm tra gồm: Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn KV1, Đội kiểm soát Hải quan thuộc Cục Hải quan TP HCM và Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP HCM (PC46) yêu cầu Hớn cùng với Vũ Mạnh Dũng chứng kiến việc kiểm tra hàng hóa thực tế tại container. Kết quả kiểm tra xác định, hàng hóa chứa trong container không có máy phát điện như khai báo mà tất cả hàng nhập đều là máy móc, phụ tùng xe đầu kéo đã qua sử dụng. Theo kết quả giám định, lô hàng lậu trên có giá thị trường 435,2 triệu đồng.

Từ lô hàng lậu bị bắt giữ, mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT đã phanh phui toàn bộ thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây này. Từ khi đi vào hoạt động cho đến khi bị cơ quan chức năng phát hiện, các đối tượng đã dùng pháp nhân 3 công ty: Công ty An Khang Lạc, Công ty Thắng Lợi và Công ty KAL nhập lậu tổng cộng 27 container hàng về Việt Nam tiêu thụ.

"Móc nối" Hải quan?

Sau khi thành lập nhiều công ty để tổ chức buôn lậu, Sinh và Thắng thuê Lê Công Hớn, làm dịch vụ giao nhận hàng nhập khẩu tại cảng. Theo thỏa thuận, hàng nhập về Việt Nam cho đến khi vận chuyển ra khỏi cảng và đưa về đến kho thì giá dịch vụ trọn gói là 85 triệu đồng/container (bao gồm chi phí nộp thuế, chi phí vận chuyển, "chi phí tiêu cực" cho cán bộ hải quan kiểm hóa, các chi phí khác…) và được các bên đồng ý. Đầu tháng 1/2013, Công ty Thắng Lợi nhập về 2 container hàng, trong đó có 1 container nhập về Cảng Cát Lái (Q.2) và 1 container nhập về Cảng Vict (Q.7).

Hớn cho biết, để thông quan trót lọt cả 2 container hàng trên, Hớn phải chi tiền cho cán bộ hải quan, cụ thể như sau: Do có thời gian cùng công tác với N.V.T. và H T.V. là cán bộ Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn KV1 (Cảng Cát Lái) và Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn KV3 (Cảng Vict), nên khi hàng nhập về Cảng Vict và Cảng Cát Lái, Hớn nhờ T. và V. "giúp đỡ" làm thủ tục nhập khẩu với giá là 45 triệu đồng/container. T. và V. đồng ý.

Sau đó, Hớn nhận Vận đơn số SE00008489, ngày 7/12/2012 của Hãng tàu HANJIN do Đoàn Đức Thắng giao, kèm theo bản phôtô hồ sơ cũ (gồm tờ khai, hợp đồng, invoice), để Hớn dựa vào đó làm hồ sơ mới cho đơn vị nhập hàng. Từ thông tin trên vận đơn, Hớn nhờ người làm dịch vụ mở Tờ khai Hải quan số 4784/NKD ngày 9/1/2013 cho Công ty Thắng Lợi với nội dung trên tờ khai "nhập 3 động cơ máy thủy công suất trên 450HP đã qua sử dụng và 1 tổ máy phát điện hiệu GE công suất lớn hơn 250KVA đã qua sử dụng".

Tờ khai mở xong được in ra và Giám đốc Vũ Mạnh Dũng ký tên, đóng dấu Công ty Thắng Lợi. Sau đó, Hớn nộp Tờ khai Hải quan số 4784/NKD ngày 9/1/2013 cho Chi cục Hải quan Cảng Cát Lái để chờ làm thủ tục hải quan. Do thỏa thuận từ trước nên N.V.T. kiểm hóa hàng trong container, kiểm tỉ lệ 100%. Nhưng khi kiểm tra hàng, T. chỉ mở cửa container nhìn sơ bên trong cho có lệ. Mặc dù chỉ có một mình T. kiểm hóa, có sự chứng kiến của Hớn, nhưng sau khi nhận lại bộ tờ khai do T. giao trả thì Hớn thấy có dấu xác nhận kiểm hóa của hai nhân viên hải quan khác (chứ không phải T.). Tương tự, tại Cảng Vict, Hớn nhờ người mở Tờ khai số 12/NKD ngày 11/1/2013 cho Công ty Thắng Lợi, nội dung tờ khai ghi "hàng nhập là 5 động cơ máy thủy công suất trên 160HP đã qua sử dụng và 1 tổ máy phát điện hiệu GE công suất lớn hơn 75KVA đã qua sử dụng".

Theo phân công của Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn KV3, container hàng trên do V và một người nữa kiểm hóa, hình thức kiểm hóa là 100%. Cũng theo chứng kiến của Hớn, mặc dù phân công 2 nhân viên hải quan kiểm hóa nhưng thực tế chỉ có một mình V. kiểm. Quá trình chờ kiểm hóa, V. chỉ yêu cầu cắt seal (niêm phong) rồi đóng cửa container lại (không có kiểm hóa gì) và chờ lấy tờ khai đã được hai nhân viên hải quan phân công kiểm hóa ký tên, đóng dấu rồi thông quan. Sau khi kiểm hóa thấy "không có gian lận gì", hai lô hàng được thông quan, vận chuyển ra khỏi cảng đưa về kho của Công ty Thắng Lợi tại số 3/26A Quốc lộ 1A, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh.

Đến tháng 7/2013, Đoàn Đức Thắng tiếp tục liên hệ với Lê Công Hớn thuê làm dịch vụ giao nhận tiếp 2 container hàng phụ tùng xe đầu kéo đã qua sử dụng nhập về qua Cảng Cát Lái, đứng tên Công ty KAL, với giá dịch vụ là 100 triệu đồng/container. Hớn khai nhận, do đã từng  "làm ăn" và có quan hệ mật thiết với một số viên chức hải quan tại Cảng Cát Lái nên Hớn nhận lời. Lần này, Hớn vẫn tiếp tục "nhờ"  N.V.T. giúp kiểm hóa, với giá trọn gói là 45 triệu đồng.

Lúc đầu T. chưa nhận mà hỏi lại ở bên ngoài có lo được hay không (tức ra khỏi cảng có bị bắt không), Hớn gọi lại cho Thắng thì Thắng nói ở ngoài Thắng tự lo được. T. đồng ý "giúp" với giá là 45 triệu đồng. Khoảng 16 giờ ngày 16/7/2013, hai cán bộ hải quan, (trong đó có T.) được phân công kiểm hóa lô hàng theo Tờ khai số 96834 ngày 15/7/2013 của Công ty KAL với tỉ lệ 10%. Sau khi cắt seal, mở cửa container, T. nhìn sơ qua rồi bỏ đi… Lô hàng đã được thông quan. Nếu như 3 lô hàng trên "lọt" qua cửa hải quan một cách dễ dàng thì đến lô hàng thứ 4, khi đã hoàn tất thủ tục khai báo và  trong lúc chờ kiểm hóa thì bất ngờ lực lượng kiểm tra xuất hiện, kiểm tra hàng hóa thực tế trong container phát hiện đó là hàng lậu.

Theo khai nhận của Hớn, trong việc làm dịch vụ giao nhận 4 container hàng nêu trên, Hớn đã nhận số tiền 385 triệu đồng, trong đó đã chi phí cho Hải quan, nộp thuế và các chi phí khác hết tổng cộng hơn 320 triệu đồng. Tổng giá trị 4 container hàng có trị giá khoảng 2 tỉ đồng.

Tại Cơ quan điều tra, hai cán bộ hải quan N.V.T. và H.T.V. đều không thừa nhận có thỏa thuận nhận tiền để giúp Hớn trong việc kiểm hóa hàng nhập khẩu. Thực tế, vấn đề dư luận đặt ra là nếu các cán bộ hải quan làm đúng theo quy định thì tại sao liên tiếp các lô hàng lậu lại qua mặt được cán bộ hải quan? Hơn thế nữa lời khai của Hớn với Cơ quan điều tra đã vạch rõ thủ đoạn làm lơ, ăn tiền của một số viên chức hải quan là người trực tiếp tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu… Cơ quan CSĐT cũng đã nhận định, công tác kiểm hóa của 6 cán bộ cảng Cát Lái, Cảng Vict có dấu hiệu sai phạm. Vậy mà không hiểu vì sao, họ "mạnh" cỡ nào mà đến nay vẫn ung dung làm nhiệm vụ kiểm hóa, thông quan ở những cảng trọng điểm trong thành phố?

Nhiều container hàng lậu "lọt lưới" Hải quan

Mở rộng điều tra, Cơ quan điều tra phát hiện trong số 15 container hàng nhập lậu dưới pháp nhân Công ty Thắng Lợi thì có 6 container hàng được nhập về qua Cảng ICD Phước Long 1, quận 9. Từ tháng 4/2013 đến tháng 6/2013, toàn bộ 6 container hàng trên, Công ty Thắng Lợi không khai báo hải quan theo quy định mà đánh tháo ra khỏi cảng bằng Phiếu E (Phiếu giao nhận container) có dấu công chức hải quan giám sát giả. Thắng chỉ yêu cầu Dũng ký giấy giới thiệu, không ký tờ khai nhưng vẫn lấy được hàng ra khỏi cảng!?

Liên quan đến việc này, Cơ quan điều tra xác định có sự tham gia của Nguyễn Văn Bình, hành nghề dịch vụ xuất nhập khẩu. Bình thừa nhận: "Đã giúp Nguyễn Văn Sinh đánh tháo 6 container hàng đứng tên Công ty Nông ngư cơ Thắng Lợi tại Cảng ICD Phước Long 1 nêu trên mà không làm thủ tục khai báo hải quan theo quy định. Do có quen biết Sinh từ trước, nên khi Sinh gọi điện từ Mỹ về cho Bình và nói có nhập một số container phụ tùng xe đầu kéo đã qua sử dụng về Việt Nam nhưng không thông quan được nên nhờ Bình làm dịch vụ giao nhận giúp. Dù biết rõ đó là hàng cấm nhưng Bình vẫn đồng ý giúp Sinh lấy hàng ra khỏi cảng, chi phí làm dịch vụ là 40 triệu đồng/container".

Bình khai nhận, ngoài 6 container hàng đứng tên Công ty Thắng Lợi đánh tháo ra khỏi Cảng bằng Phiếu E có dấu hải quan giả mà không bị phát hiện. Với thủ đoạn thực hiện tương tự, Bình còn tham gia đánh tháo 29 container hàng của hai công ty khác tại Cảng ICD Phước Long 1 và Cảng Vict.

Theo nhận định của Cơ quan CSĐT: "Đây là vụ án buôn lậu có tổ chức, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp, do đối tượng Nguyễn Văn Sinh (Việt kiều Mỹ) và Đoàn Đức Thắng (đang bị Cục An ninh điều tra - Bộ Công an truy nã) cầm đầu. Các đối tượng đã cấu kết thành lập nhiều pháp nhân khác nhau tại TP HCM để nhập lậu tổng cộng 27 container hàng đưa về Bình Chánh tiêu thụ. Trong số các container hàng trên, có 11 container không xác định được hàng và trị giá hàng để làm cơ sở điều tra xử lý. 16 container còn lại đứng tên Công ty Thắng Lợi và Công ty KAL được xác định có hàng nhập là phụ tùng xe đầu kéo đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu, với tổng giá trị hơn 7,3 tỉ đồng.

Cơ quan CSĐT cho biết, vừa hoàn tất hồ sơ chuyển Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM đề nghị truy tố các bị can Vũ Mạnh Dũng (57 tuổi, ngụ Q.7), Lê Công Hớn (47 tuổi, ngụ Q.10), Nguyễn Văn Bình (35 tuổi, ngụ Q.3) và Đỗ Thị Diệu Lợi (28 tuổi, ngụ Q.4, nhân viên của Dũng) về tội "buôn lậu". Do Nguyễn Văn Sinh đã xuất cảnh sang Mỹ từ tháng 7/2012, Đoàn Đức Thắng đã bỏ trốn, nên ngày 14/11 vừa qua, Cơ quan điều tra đã ra Quyết định truy nã đối với Sinh và Thắng.

Mặc dù vụ án đã hoàn tất hồ sơ, song việc hàng loạt cán bộ hải quan liên quan đến vụ án này, ai cũng "sạch sẽ, trắng tay" không hề bị xử lý khiến không ít người lên án bất bình.Và đây có lẽ cũng là một trong những nguyên do vì sao vấn nạn buôn lậu ở Việt Nam không hề thuyên giảm.

Nhóm PVĐT
.
.