Tính mạng và cuộc sống nhà báo trên thế giới liên tục bị đe dọa

Thứ Ba, 15/05/2018, 14:27
Trong xuyên suốt lịch sử, các nhà báo được coi là gánh chịu nhiều nguy cơ nhất. Công việc của họ là cung cấp bằng chứng về sự bất công và đau khổ mà hai điều này đang xảy ra tại Syria. Thế giới sẽ không biết gì về nỗi đau đớn tột cùng của người dân bị bẫy giữa hai lằn đạn từ chính quyền và quân nổi dậy nếu như không có những nhà báo dám hy sinh tính mạng để đưa tin tại chỗ.


Làn sóng bạo lực và bắt cóc nhà báo lan rộng khắp thế giới

Theo số liệu từ Hội nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ, hiện vẫn còn 60 nhà báo bị giam giữ ở nước này – một con số được coi là lớn nhất liên quan đến sự cầm tù báo giới. Thậm chí, một số nhà báo bị tuyên án tù chung thân không phải vì nghề nghiệp của họ mà theo lời của các thẩm phán thì họ có liên quan đến khủng bố! Một số nhà phê bình cho rằng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng các luật chống khủng bố để bắt giữ bất cứ ai có thái độ chống đối nhà nước.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đang tấn công một nhà báo (giữa).

Nhà báo Huseyin Deniz, phóng viên người Đức làm việc cho một tờ báo cánh tả của Thổ Nhĩ Kỳ và từng biên tập cho một tờ báo thân người Kurd, bị cầm tù vì tội là thành viên của một tổ chức khủng bố. Nhưng, Dilsah Deniz - em gái của Huseyin Deniz cho rằng sự buộc tội đối với anh trai của cô là “hết sức lố bịch”. Cô phát biểu: “Những hành vi khủng bố phải liên quan đến bạo lực. Viết hay nói chuyện về vấn đề người Kurd không thể là khủng bố”. 

Trong chuyện giam giữ nhà báo Huseyin Deniz, giới chức chính quyền Ankara từ chối bình luận. Trong khi đó, những nhà báo thân chính quyền luôn nhấn mạnh rằng không hề có sự ngăn cản tự do báo chí ở Thổ Nhĩ Kỳ và họ cũng từ chối nói đến vấn đề của Huseyin Deniz. Theo Hội nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ, trong thời gian qua có hơn 200 nhà báo bị đuổi việc hay buộc phải từ bỏ đưa tin về những vấn đề mà chính quyền cho rằng nhạy cảm.

Khoảng 30 nhà báo – một nửa trong số đó là phóng viên người nước ngoài – bị bắt cóc hay mất tích trong cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria, theo báo cáo của hãng tin Associated Press (AP) vào đầu tháng 11-2013. Đó là con số chưa từng có trước đây ở nước này. 

Theo đánh giá của Ủy Ban Bảo vệ nhà báo (CPJ), nhóm luật sư ở New York, hiện nay Syria là môi trường diễn ra trận dịch bắt cóc nhà báo lan tràn hơn cả Iraq trong thập niên 2000 hay Liban trong thập niên 1980. CPJ là tổ chức phi lợi nhuận độc lập đặt trụ sở tại thành phố New York (Mỹ) hoạt động bảo vệ quyền tự do báo chí và quyền của nhà báo. 

Ruben Espinosa khi đang tác nghiệp.

Trong nỗ lực cảnh báo các nhà báo về tình hình hỗn loạn ở Syria hiện nay, CPJ chỉ tiết lộ tổng số những vụ bắt cóc ở nước này mà không hề đả động đến danh tánh và quốc tịch của các nạn nhân – theo Rob Mahoney, phó giám đốc CPJ. 

Những người khác cũng lập luận rằng việc giữ kín thông tin về những vụ bắt cóc cũng giúp giảm nhẹ sức ép đến các chính quyền. Nếu không có sự yêu cầu hành động từ phía công chúng thì giới chức chính quyền không cần phải hành động gấp rút. Trong một dấu hiệu tích cực, con số thiệt hại về nhà báo ở Syria năm 2013 là 18 người, so với 31 người chết trong năm 2012. 

Trong khi đó, Iraq – nơi có ít nhất 150 nhà báo bị mất mạng giữa các năm 2003 và 2011 – vẫn còn là vùng đất cực kỳ nguy hiểm cho những người làm báo. Theo đánh giá của CPJ, 2/3 số người bị giết ở Iraq không tham gia chiến đấu. Họ mất mạng vì bị ám sát nhằm trả thù cho những bài phóng sự của họ. 

Trong xuyên suốt lịch sử, các nhà báo được coi là gánh chịu nhiều nguy cơ nhất. Công việc của họ là cung cấp bằng chứng về sự bất công và đau khổ mà hai điều này đang xảy ra tại Syria. Thế giới sẽ không biết gì về nỗi đau đớn tột cùng của người dân bị bẫy giữa hai lằn đạn từ chính quyền và quân nổi dậy nếu như không có những nhà báo dám hy sinh tính mạng để đưa tin tại chỗ.

Quấy rối tình dục trong truyền thông đại chúng

Nghiên cứu năm 2013 của Quỹ Truyền thông Phụ nữ Quốc tế (IWMF) cho biết gần hai phần ba số nữ nhà báo bị quấy rối hay xâm hại tình dục dưới nhiều hình thức ngay tại nơi làm việc. Điều tra của IWMF bao gồm một số hành vi từ quấy rối bằng ngôn từ cho đến nghiêm trọng hơn như là đe dọa hay sử dụng bạo lực để tấn công tình dục. 

Đại đa số trong 822 phụ nữ được điều tra bởi IWMF đã không trình báo chính quyền về những vụ việc đã xảy ra do sợ bị trả thù và nhất là sa thải - một điều đồng nghĩa với thất nghiệp – theo Elisa Lees Munoz, nữ giám đốc điều hành IWMF. 

Nghiên cứu mới nhất của Anh cũng tìm thấy hơn một nửa số phụ nữ làm những nghề khác nhau cũng tuyên bố họ từng bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc – tăng đến 63% nơi phụ nữ trẻ trong khoảng từ 16 đến 24 tuổi. Đại đa số phụ nữ được tờ Newsweek phỏng vấn đều tiết lộ họ thường bị quấy rối tình dục khi mới chân ướt chân ráo bước vào ngành truyền thông báo chí, bởi vì đó là giai đoạn họ rất “khát” việc làm nên không dám tố giác về những chuyện bỉ ổi đã xảy ra cho bản thân. 

Đó là trường hợp Janille Miller, khi được phỏng vấn cho vị trí phóng viên truyền hình lúc đang ở độ tuổi hai mươi và phải chấp nhận để được ký hợp đồng làm việc. Cách đây nhiều năm, Elizabeth (không phải tên thật) – lúc đó 23 tuổi - làm phóng viên tại Washington DC và từng bị một đồng nghiệp nam quấy rối liên tục. 

Các nữ nhà báo không chỉ là nạn nhân của ông chủ và đồng nghiệp nam háo sắc mà bản chất công việc cũng thường đặt họ vào những tình huống nguy hiểm. Morgan Spiehs bị một gã đàn ông bám theo quấy rối bên ngoài quán bar Salty Dog ở miền nam bang Nebraska lúc đang làm nhiệm vụ của một phóng viên ảnh thực tập thực hiện phóng sự về đường ống dẫn dầu Keystone XL gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi những nơi làm việc ở Mỹ vận dụng luật pháp bảo vệ phụ nữ chống lại nạn quấy rối tình dục, thì đội ngũ nữ nhà báo tác nghiệp ở nước ngoài lại luôn đối mặt với nguy hiểm. Năm 2011, nữ phóng viên hãng tin Mỹ CBS Lara Logan bị tấn công tình dục khi làm việc tại Quảng trường Tahrir giữa thủ đô Cairo của Ai Cập. CBS đánh giá vụ việc nghiêm trọng và cho phép Lara bay khỏi Ai Cập. 

Nữ phóng viên ảnh Morgan Spiehs, 23 tuổi.

Sau khi Lara công bố tai nạn của mình trên chương trình 60 Minutes vào năm 2011, chủ tịch CBS News lúc đó Jeff Fager bày tỏ hy vọng nữ phóng viên sẽ phá vỡ “bức tường im lặng” quanh nguy cơ tấn công tình dục mà nữ nhà báo phải đối mặt ở hải ngoại. 

Amanda Mustard – nữ phóng viên ảnh 26 tuổi sống và làm việc ở Ai Cập trong 3 năm – cho biết phụ nữ ở Ai Cập thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị cưỡng dâm. Mustard kể: “Mỗi khi phải đi ra ngoài đường, tôi thường cầm theo lon Coca để sẵn sàng ném vào mặt bất cứ kẻ nào đó”. 

Leslie Bennetts, nay đã gần 70 tuổi, làm phóng viên trong suốt 45 năm. Vào ngày thứ 3 sau khi nhận việc tại một tờ báo ở Philadelphia, Bennetts bị một đồng nghiệp làm chung sàm sỡ ngay trong thang máy. Bennetts thừa nhận nạn quấy rối tình dục trong giới báo chí là “chuyện thường  ngày”. 

Mặc dù vấn đề tồn tại từ hàng chục năm, song cụm từ “quấy rối tình dục” chỉ được các sinh viên Đại học Cornel chính thức đề cập đến vào năm 1975. Bennetts cho rằng thế hệ nữ phóng viên trẻ ngày nay phải biết những trải nghiệm của người đi trước bởi vì “nếu bản thân không trải nghiệm thì không hề biết điều đó tồn tại”. 

Mặc dù vậy, Bennetts vẫn cảm thấy lạc quan. Bất chấp những gì xấu xa từng xảy ra cho bản thân khi còn làm phóng viên báo chí, Bennetts nhận thức rằng “thế giới đang thay đổi”. Ví dụ, gia đình trùm truyền thông Murdoch đã kiên quyết trừng phạt Roger Ailes sau khi nhận được những báo cáo về hành vi quấy rối tình dục liên quan đến ông ta. Bennetts phát biểu: “Chúng ta phải chiến đấu, công khai vấn đề và làm tất cả những gì cần thiết. Chúng ta phải có trách nhiệm với con gái chúng ta”.

Chương trình bảo vệ không hiệu quả

Năm 2015 được đánh giá là năm đặc biệt đẫm máu cho báo giới Mexico. Riêng kênh truyền hình quốc tế VICE News đưa tin: “2015 là năm đặc biệt chết chóc cho các nhà báo ở Mexico so với năm 2014” và Ruben Espinosa là “nhà báo Veraruz thứ 2 bị săn lùng và sát hại bên ngoài bang này trong năm 2015, và là nhà báo đầu tiên bị giết chết ở Mexico City”. 

Các nhà báo giương cao bức ảnh chụp đồng nghiệp Ruben Espinosa trong cuộc biểu tình tổ chức tại quảng trường Angel of Independence ở Mexico City, ngày 2-8-2015.

Từ năm 2012, chính quyền Mexico phối hợp với Bộ Nội vụ nước này tạo lập một chương trình bảo vệ nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền bị đe dọa tính mạng. Nhưng, tình trạng bạo lực cứ tiếp diễn, tội ác không bị trừng phạt và mối nghi ngờ chính quyền câu kết với thế giới tội phạm đã khiến cho một số nhà báo miễn cưỡng khi được yêu cầu đề xuất những biện pháp bảo vệ. 

Đó là lý do mà Michael W. Chamberlin - chuyên gia về nhân quyền của Trung tâm Nhân quyền Friar Juan de Larios - có thể khẳng định Espinosa không yêu cầu sự hỗ trợ của chương trình bảo vệ ở cấp bang hay liên bang. 

Hai nhà báo nước ngoài Bryn Karcha (trái) của Canada và Toshifumi Fujimoto (bìa phải) của Nhật Bản đang tác nghiệp tại thành phố Aleppo, Syria, ngày 29-12-2012.

Michael Chamberlin lập luận: “Không chỉ do chương trình bảo vệ nhà báo hoạt động không hiệu quả, mà còn do mối lo sợ sự bảo vệ này càng mang thêm điều tệ hại đến cho những người bị đe dọa”. 

Carlos Lauria - nữ điều phối viên cho bộ phận châu Mỹ của CPJ - cho rằng chính quyền “ở các cấp cao nhất” phải có trách nhiệm rõ ràng đối với chương trình bảo vệ nhà báo bị đánh giá là “không hiệu quả”. Carlos Lauria đưa ra ví dụ như là các “nút bấm báo động” luôn gặp sự cố trong những trường hợp khẩn cấp, hay là những người bảo vệ nhà báo bỗng nhiên “mất tích” mà không được giải thích lý do! 

Lauria bình luận: “Mức độ không trừng phạt tội ác quá cao, mức độ câu kết giữa chính quyền với tội phạm cũng quá cao nhất là ở cấp bang. Chính sự thật đó đã khiến cho các nhà báo không có quyền lựa chọn”. 

Chỉ riêng tháng 7-2015, “chương trình bảo vệ” đã tiếp nhận 203 trường hợp, bao gồm 279 người yêu cầu sự hỗ trợ từ chính quyền và trong đó có khoảng 114 nhà báo – theo Espacio de Organizaciones de la Sociedad Civil, tổ chức bảo trợ thành lập 20 NGO (tổ chức phi chính phủ) hoạt động bảo vệ nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.