Tội phạm rửa tiền đang nhắm tới làng túc cầu thế giới?

Thứ Tư, 18/05/2016, 10:05
Một năm sau vụ bắt giữ 7 quan chức của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) tại một khách sạn ở Thụy Sĩ, làng bóng đá quốc tế lại một phen "điên đảo" bởi phát hiện mới nhất của cảnh sát châu Âu và Bồ Đào Nha.

Điều đáng lo ngại nhất hiện NAY không chỉ là vấn đề tham nhũng mà có mối lo ngại dấy lên rằng mafia hay những tội phạm có tổ chức ngày càng lấn sâu vào hoạt động này và dùng bóng đá như một công cụ giúp chúng rửa những đồng tiền bẩn?

Từ nghi án của Bồ Đào Nha, Italia

Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 9-5, Lực lượng Cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết họ đã được cảnh sát Bồ Đào Nha cung cấp một số bằng chứng cho thấy mafia Nga đã rửa tiền qua các CLB bóng đá ở nước này. Ít nhất 3 người thuộc tổ chức mafia này đã bị bắt và CLB bóng đá Bồ Đào Nha Uniao de Leiria đang bị điều tra. Ngoài ra, còn có 3 CLB bóng đá khác cũng bị nghi ngờ làm ăn cho mafia Nga.

Tờ Newsweek đưa tin, tổ chức mafia Nga được nhắc đến ở đây có tên gọi là Matrioskas (Búp bê Nga). Hàng chục năm qua, tổ chức này đã có hành vi rửa tiền bằng việc bơm tiền qua nhiều nước châu Âu hòng nhắm đến các đội bóng đá đang gặp khó khăn về tài chính và CLB bóng đá Uniao de Leiria mới được nhắm đến là bởi CLB này chỉ chơi ở giải hạng 3 ở Bồ Đào Nha và suýt có nguy cơ bị giải thể do không có đủ kinh phí để trang trải hoạt động.

Cảnh sát Bồ Đào Nha đã phát hiện một lượng lớn tiền mặt được vận chuyển giữa Nga và Bồ Đào Nha. Ảnh: Reuters.

Kết quả điều tra kéo dài hơn 1 năm qua của cảnh sát Bồ Đào Nha và Europol cho thấy, người sở hữu số cổ phần lớn thứ 3 trong CLB Uniao de Leiria là doanh nhân, tỷ phú người Nga Alexander Tolstikov. Ông này đang lên kế hoạch mua lại cổ phần của 2 người đứng thứ 1 hoặc đứng thứ 2 để sở hữu hoàn toàn CLB bóng đá này. Trước đó, vào năm 2015, Alexander Tolstikov đã mua lại cổ phần của CLB bóng đá khi đội bóng tuyên bố phá sản.

Europol còn tin rằng, Alexander Tolstikov là thành viên của Matrioskas và đã giúp tổ chức này rửa tiền bằng việc chuyển nhượng cầu thủ, bản quyền truyền hình cũng như cá cược bóng đá. Số tiền được rửa hiện nay đã lên tới hàng triệu USD. Europol cho hay, sau khi có được quyền kiểm soát ở CLB Uniao de Leiria, Matrioskas đã thực hiện rửa tiền trong các mạng lưới vỏ bọc công ty và nhiều hoạt động tội phạm khác.

Cảnh sát Bồ Đào Nha đã phát hiện một lượng lớn tiền mặt được chuyển giữa Nga và Bồ Đào Nha. Bên cạnh đó là bảng kê khai tiêu chuẩn sống cao cấp của một số cá nhân cấp cao trong CLB Uniao de Leiria trong khi thực tế lại không phải như vậy. Ngoài CLB Uniao de Leiria, 3 ông lớn khác là CLB Sporting Lisbon, CLB Braga và CLB Benfica cũng bị điều tra, nhưng chỉ liên quan tới các vụ chuyển nhượng cầu thủ với CLB Uniao de Leiria.

Đáng chú ý là hoạt động rửa tiền của mafia cũng xuất hiện ở nhiều quốc gia khác và cũng liên quan đến bóng đá chứ không xảy ra ở riêng Bồ Đào Nha. Người đứng đầu cơ quan điều tra về tài chính của Europol Igor Angelini cho biết: "Hoạt động rửa tiền của mafia Nga đang diễn ra ở Áo, Đức và Vương quốc Anh. Chúng tôi đang lần theo từng dấu vết. Có vẻ như Matrioskas đã mở rộng việc rửa tiền trong lĩnh vực bóng đá từ năm 2008. Tại Bồ Đào Nha, chúng tôi đã lục soát 22 căn nhà và công ty, tìm được nhiều bằng chứng quan trọng. Chúng tôi đang tiếp tục tìm thấy các mối dây liên hệ giữa hoạt động của Matrioskas với một số băng nhóm mafia khác ở Estonia, Latvia, Moldova.

Hãng BBC thì dẫn một nguồn tin khác từ Europol cho biết, chiến dịch truy quét mafia trong làng bóng đá được lực lượng cảnh sát châu Âu thực hiện mạnh hơn từ đầu năm nay sau khi CLB Bóng đá nữ Sporting Locri FC của Italia bị tổ chức mafia khét tiếng Calabrian dùng bạo lực để nắm quyền kiểm soát. Đỉnh điểm nhất là hồi cuối tháng 1, tổ chức mafia Calabrian còn bắt giữ 12 cầu thủ nữ của CLB Sporting Locri FC để đưa ra yêu sách đồng thời đe dọa đến tính mạng của họ. Mục đích của tổ chức mafia này là kinh doanh kiếm tìm tài trợ và lợi dụng bóng đá nữ để tìm nhiều phương án kiếm tiền khác.

Trước đó, vào hồi giữa năm ngoái, đã có thông tin về việc mafia biến nhiều đội bóng Italia thành công cụ khuếch trương quyền lực và kiếm lợi nhuận khủng. Chẳng hạn, CLB La Nuova Quarto Calcio từng rơi vào tay của Giuseppe Polverino, ông trùm của băng mafia khét tiếng Camorra ở Napoli. Băng đảng tội phạm này chuyên buôn bán ma túy, đánh cướp tác phẩm nghệ thuật, cưỡng đoạt, cho vay nặng lãi, cá cược bất hợp pháp.

Năm 2012, cuộc chơi quyền lực trong bóng đá của các tổ chức mafia còn dữ dội hơn khi các công tố viên ở Lecce tiết lộ có đến 7 CLB thuộc Eccellenza (giải hạng 5 ở Italia) dưới quyền kiểm soát của băng mafia Sacra Corona Unita. Tuy nhiên, khi đào sâu vào nội bộ giải đấu thì có đến 16/18 CLB có sự kết nối với mafia…

Đến cuộc điều tra của Pháp

Các con số thống kê của FIFA cho thấy, trên thế giới có khoảng 265 triệu cầu thủ, trong đó có 38 triệu cầu thủ đăng ký chuyên nghiệp, 5 triệu trọng tài, 301.000 câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp. Vì thế, đối với các tổ chức tội phạm, bóng đá không còn là trò tiêu khiển mà nó đã trở thành một ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận khổng lồ. Riêng ở châu Âu, ngành công nghiệp bóng đá mỗi năm chiếm từ 0,5% đến 3,7% tổng GDP của Liên minh châu Âu (EU). Mỗi năm, các con số tài chính kia tăng dần đều khoảng từ 4% đến 8%.

Cảnh sát Bồ Đào Nha đã bắt giữ một số đối tượng liên quan đến rửa tiền cho mafia. Ảnh: Ornaldeleiria.pt.

Cơ quan điều tra về tài chính của Europol nhận định, có nhiều cách để tham gia hoạt động rửa tiền trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng: từ đường cá cược, đầu tư, mua tài sản … đến việc trả lương cho cầu thủ và chuyển nhượng cầu thủ. Tội phạm rửa tiền đã tập trung đánh vào điểm yếu này bằng 20 phương thức, trong đó có những phương thức phổ biến như sau: thành lập một CLB nghiệp dư với những khoản đầu tư không rõ ràng; đầu tư vào một CLB đang gặp khó khăn tài chính; nguồn gốc khoản tiền đó sẽ bị bịt kín, mà nếu ngân hàng có điều tra thì họ sẽ rút khỏi cuộc chơi; thiết lập một công ty ma không ai biết đến để tham gia vào việc giúp CLB hoạt động; trốn thuế…

Một bản báo cáo do Trung tâm quốc tế về an ninh thể thao (ICSS) và Đại học Sorbonne ở thủ đô Paris (Pháp) phối hợp thực hiện hồi năm ngoái cũng cho biết, 80% giá trị các khoản cá cược thể thao toàn cầu được thực hiện ở những thị trường bất hợp pháp, không được quản lý đầy đủ. 53% các hoạt động cá độ bất hợp pháp là từ châu Á, trong khi 49% thị trường cá độ hợp pháp là ở châu Âu. Các công nghệ mới và truyền hình trực tiếp đã làm thay đổi hoàn toàn thị trường cá cược thể thao trong những năm gần đây, cho phép người xem thể thao đánh cược liên tục, trực tiếp và với rất nhiều loại hình ngay khi các trận đấu đang diễn ra.

Chris Eaton - chuyên gia của Trung tâm ICSS có trụ sở tại Qatar, cho biết: "Sự biến chuyển nhanh chóng của thị trường cá cược thể thao toàn cầu đã chứng kiến rủi ro ngày càng gia tăng khi tội phạm có tổ chức và các hoạt động rửa tiền xâm nhập vào thị trường này".

Hồi tháng 3 vừa qua, ngôi sao của Đội tuyển Pháp và CLB Real Madrid Benzema đã bị điều tra vì liên quan đến những tổ chức rửa tiền và buôn ma túy. Theo công tố viên của tòa án ở thủ đô Paris, tháng 9 năm ngoái, các băng đảng rửa tiền mà Benzema dính líu đã coi anh này như một nhân vật có tài sản thế chấp nằm trong tay chúng. Thậm chí, chúng còn dùng tên tuổi của Benzema để thành lập một công ty có tên gọi BH Event làm bình phong cho hoạt động rửa tiền. Benzema là cổ đông lớn nhất của công ty này... Báo cáo cũng khẳng định, tình trạng gian lận thuế, trốn thuế và rửa tiền trong bóng đá Anh đã gia tăng và nhiều cầu thủ ở Anh đã bị cám dỗ vào hành vi rửa tiền.

Theo tờ Daily Telegraph, lo ngại trước nguy cơ các tổ chức tội phạm, mafia tìm cách rửa tiền thông qua bóng đá, lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đã đề nghị Ủy ban Chống nạn rửa tiền của EU phối hợp với Europol điều tra về việc này. Đồng thời, UEFA cũng đang xem xét việc thay đổi các điều lệ của mình theo hướng có thể hạn chế được hoạt động phạm pháp này.

Một số thành viên của UEFA cũng đề nghị liên đoàn bóng đá xem xét các quy tắc chống rửa tiền trong bóng đá Argentina như việc minh bạch các khoản thu chi, làm rõ hồ sơ khách hàng trước mỗi vụ trao đổi hoặc ký hợp đồng quảng cáo, chuyển nhượng… Một số thành viên khác thì cho rằng đã đến lúc chính phủ các nước cũng phải ra tay trong việc này.

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.