Trẻ em bị bắt cầm súng đang gia tăng tại châu Phi

Thứ Hai, 18/06/2018, 17:19
Cách đây 5 năm, khi Hassan 11 tuổi, lực lượng dân quân đã giết chết cha cậu bé ở gần nhà tại Kaga Bandoro – thị trấn nhỏ Cộng hòa Trung Phi (CAR). Không bao lâu sau đó, Hassan (không phải tên thật) gia nhập Seleka – liên minh phiến quân Hồi giáo gồm những tay súng trong và ngoài nước chống chính quyền.

Khoảng 3 tháng sau, Hassan được chỉ định chỉ huy một nhóm khoảng 50 tay súng trong đó bao gồm 10 trẻ em. Phiến quân còn giao cho Hassan nhiệm vụ tuyển mộ thêm nhiều trẻ em để chiến đấu trong cuộc nội chiến đẫm máu.

Tháng 3-2018, nữ Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề nhân đạo Ursula Mueller báo cáo “sự tuyển mộ và sử dụng trẻ em bởi các nhóm vũ trang tăng 50% từ giữa các năm 2016 và 2017” giữa cuộc xung đột bạo lực vẫn tiếp tục leo thang ở CAR. Kể từ năm 2004, các quốc gia phương Tây và tổ chức quốc tế như Ủy ban châu Âu (EC), LHQ và Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ cho một vài chương trình giải giáp ở CAR nhằm khuyến khích các nhóm vũ trang buông vũ khí và giúp chiến binh quay trở lại cuộc sống dân thường.

Ursula Mueller, nữ Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo.

Những chương trình này bao gồm: hỗ trợ giáo dục, cung cấp việc làm cho chiến binh (bao gồm cả trẻ em). Nhờ đó mà từ năm 2014 đã có xấp xỉ 12.500 trẻ em rời bỏ các nhóm vũ trang song hơn một phần ba trong số đó vẫn đang chờ sự hỗ trợ của quốc tế. Lý do giải thích sự chậm trễ là thiếu tiền – ví dụ dành cho các hoạt động của UNICEF (Quỹ nhi đồng LHQ) trong khu vực – hay nhân viên cứu trợ không thể làm việc trong những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân. Một nhân viên cứu trợ cao cấp của LHQ than thở: “Nếu chúng tôi làm việc không hiệu quả, trẻ em sẽ quay lại cầm súng”.

Thậm chí, những nhà thương lượng LHQ cố gắng thuyết phục thủ lĩnh phiến quân đồng ý thả trẻ em để đổi lấy sự cung cấp nguồn nước uống và thực phẩm. Chương trình giải giáp trẻ em được coi là phần quan trọng nhất trong mọi nỗ lực xây dựng hòa bình của LHQ song sáng kiến vẫn vấp phải vấn đề - đó là phiến quân lập giả danh sách lính trẻ em để đổi lấy lợi ích từ các tổ chức phi lợi nhuận quốc tế. Louisa Lombard – chuyên gia về CAR và phó giáo sư khoa Nhân chủng học Đại học Yale (Mỹ) – mô tả một số sáng kiến giải giáp của LHQ là “các hố tham nhũng” mà trong đó giới chức chính quyền lợi dụng để bòn rút tiền bạc.

Một chiến binh trẻ em ở thị trấn Malindi, miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo.

Theo Lombard, những chương trình này có vẻ như bị phiến quân lợi dụng để hưởng lợi từ quốc tế. Thậm chí, chiến binh buông súng quy hàng chính quyền cũng cố giữ vũ khí để lén lút sử dụng trái phép sau này. Ví dụ vào giữa các năm 2004 và 2007, khoảng 7.500 chiến binh nổi dậy tham gia một trong những chương trình giải giáp chỉ giao nộp 417 khẩu súng.

Trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí Newsweek (Mỹ), Kenneth Gluck – phó lãnh đạo sứ mạng gìn giữ hòa bình LHQ – thừa nhận việc thực hiện những chương trình giải giáp phiến quân trong quá khứ gặp phải “nhiều vấn đề” song cũng nhấn mạnh những thỏa thuận giải giáp trong tương lai sẽ không lập lại sai lầm nữa.

Thực tế chứng minh rằng việc tái hội nhập xã hội cho những chiến binh trẻ em khó khăn hơn nhiều so với việc giải giáp. Sau thời gian cầm súng, số trẻ em này đã trở nên chai lì tâm hồn và thậm chí nhiều cá nhân còn không muốn trở lại cuộc sống bình thường. Sự lạm dụng ma túy nơi chiến binh trẻ em cũng là vấn đề lớn.

Marciel Mongbu, nhà hoạt động bảo vệ trẻ em ở Kaga Bandoro nằm trong khu vực phiến quân kiểm soát tại miền bắc CAR, nhận xét: “Khi tôi gặp những chiến binh trẻ em, chúng không muốn nhìn vào mắt tôi. Chúng chỉ hướng mắt về phía bụi cây. Chúng có hành vi hung bạo và gây hấn. Nhưng, sau khi được giáo dục, chúng thấy được những gì mà chúng làm trước đó là sai trái”.

Khi chiến binh trẻ em được các nhóm phiến quân thả ra, chúng luôn được giới lãnh đạo địa phương cũng như nhân viên cứu trợ cố gắng giúp đỡ để tái hòa nhập các cộng đồng xã hội. Mongbu nhấn mạnh: “Thông điệp là: Hãy mang chúng trở về nhà”. Nhưng, quá khứ bạo lực của những đứa trẻ này dễ bị cộng đồng từ chối.

Đối với Hassan, tương lai của nó là vô định. Hassan nằm trong số 74 chiến binh trẻ em được phiến quân thả ra hồi tháng 9-2017. 5 tháng sau đó, vào một buổi chiều bụi bậm, bọn chúng tụ tập ở Kaga Bandoro để nói chuyện với một nhân viên UNICEF về ác mộng chiến tranh khủng khiếp đã trải qua. Hassan vẫn mang gương mặt dửng dưng.

Cậu bé đang sống với khẩu phần ăn của UNICEF. Một số thành viên gia đình còn lại của Hassan đang sống ở đâu đó trong các trại tỵ nạn. Dù sao thì Hassan vẫn hy vọng được học những kỹ năng mới để trở thành thợ may mặc hay thợ cơ khí trong tương lai. Hassan bộc bạch: “Em đã sẵn sàng để bắt đầu cuộc sống mới”.

Di An (tổng hợp)
.
.