Uẩn khúc những dự án BT đắt đỏ

Thứ Sáu, 11/09/2020, 12:58
Đầu tư theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng-chuyển giao) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình, sau khi xây dựng, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước. Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thỏa thuận hợp đồng BT.

Xét về bản chất, phương thức đầu tư xây dựng-chuyển giao vẫn thể hiện tính tích cực của nó, như Nhà nước không bỏ vốn trước, huy động được vốn nhà đầu tư thực hiện công trình một cách chủ động, hạn chế các khoản chi phí trung gian... Tuy nhiên, thực tế quá trình thực hiện kiểu hợp đồng BT ở nước ta đã bộc lộ những bất cập, kẽ hở lớn dễ nảy sinh tham nhũng, như không đấu thầu dự án, thanh toán đất đai cho nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất... sẽ gây thất thoát lớn tài sản công “chảy” vào túi tư nhân và lợi ích nhóm.

Tuyến đường “đắt nhất hành tinh” ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Dự án 4 tuyến đường chính

Nhiều sai phạm và bất thường ở Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP. Hồ Chí Minh) đã kéo dài nỗi bức xúc của người dân. Nhiều năm qua người dân khiếu kiện, nhiều đoàn thanh, kiểm tra vào cuộc nhưng đến nay sự tình vẫn chưa giải quyết xong. 

Theo hồ sơ, dự án 4 tuyến đường chính Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng (bao gồm chi phí lãi vay và dự phòng trượt giá) do Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (Công ty Đại Quang Minh) thực hiện theo hình thức hợp đồng BT. Theo đó, tuyến đại lộ vòng cung (R1 dài 3,4 km); Đường ven hồ trung tâm (R2 dài 3 km); Đường ven sông Sài Gòn (R3 dài 3km); Đường châu thổ trên cao (R4 dài 2,5 km). Cả 4 tuyến đường trên có chiều rộng mặt cắt ngang từ 11,6m đến 55m, bao gồm 10 cây cầu ngắn bắc qua các kênh rạch nội khu với tổng chiều dài khoảng 1,8km. Phê duyệt dự án và được thi công từ tháng 2-2014, dự kiến hoàn thành công trình trong 36 tháng nhưng đến nay vẫn chưa xong do còn vướng giải phóng mặt bằng.

Kết luận thanh tra số 1037 ngày 26-6-2019 của Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND TP Hồ Chí Minh thu hồi về ngân sách hơn 1.800 tỉ đồng và lãi suất chậm nộp của Công ty Đại Quang Minh về khoản tiền sử dụng đất dự kiến thanh toán cho các dự án BT bổ sung. Hiện nay, công ty cũng đã thực hiện việc nộp 1.800 tỉ đồng vào ngân sách theo yêu cầu của TTCP.

Để thực hiện dự án, ngày 1-12-2014, Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh mới chính thức ký kết hợp đồng BT xây dựng 4 tuyến đường trên. Tuy nhiên, một năm trước đó (tháng 11-2013), Công ty Đại Quang Minh đã ký tắt hợp đồng BT với đại diện phía TP Hồ Chí Minh và dự án đã được khởi công từ đầu năm 2014, mà theo lý giải là để kịp tiến độ dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Bản hợp đồng tắt này được ông Tất Thành Cang, lúc bấy giờ là Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, đại diện cho UBND thành phố ký kết và được đóng dấu “Mật”. Nếu tính chi tiết, 4 tuyến đường này có tổng chiều dài gần 12 km, tổng vốn đầu tư hơn 8.265 tỷ đồng. 

Theo thông báo của Kiểm toán nhà nước về kết quả hoạt động xây dựng và quản lý sử dụng vốn các dự án BT trong Khu đô thị mới Thủ thiêm ngày 21-8-2020. Đối với các tuyến đường giao thông cấp I (tuyến R1) và đường giao thông cấp II (tuyến R2, R3, R4) thì chi phí được đề cập tính suất đầu tư trong Tổng mức đầu tư của dự án không cao hơn suất đầu tư công bố của Bộ Xây dựng năm 2013 (tổng chi phí các hạng mục trong Tổng mức đầu tư của dự án chưa được đề cập trong suất vốn đầu tư của Bộ Xây dựng là 3.860 tỉ đồng chiếm 60,12% và các hạng mục giao thông của dự án so với suất vốn đầu tư của Bộ Xây dựng là 2.561 tỉ đồng chiếm 39,88% trong chi phí xây dựng của TMĐT (nền, mặt đường 552,6 tỉ đồng; cầu 2.008 tỉ đồng)”.

Để thanh toán cho hợp đồng BT này, TP Hồ Chí Minh trả cho Công ty Đại Quang Minh 36 ha đất (đất ở và khai thác thương mại) tại Thủ Thiêm (phường Thủ Thiêm và An Lợi Đông) để xây dựng khu dân cư. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng BT với Công ty Đại Quang Minh đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Việc ông Tất Thành Cang đại diện cho TP Hồ Chí Minh ký kết hợp đồng BT với Công ty Đại Quang Minh làm dự án 4 tuyến đường là không đúng thẩm quyền. Theo Nghị định 108/2009 quy định về đầu tư theo hình thức BT, thành phố chỉ được phê duyệt các dự án có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỉ đồng.
Dự án Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng đang bỏ hoang.

Dự án nhiều lần đội vốn, chậm trễ... gây lãng phí

Một “đại công trình” khác nằm giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh cũng thực hiện theo hình thức hợp đồng BT nhưng kéo dài nhiều năm chưa xong, gây lãng phí đất đai. Đó là công trình Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng nằm trên trục đường 4 mặt tiền ở quận 3, TP Hồ Chí Minh. Theo quy mô dự án, Trung tâm Thể dục thể thao sẽ phục vụ để đăng cai các giải đấu tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á. 

Tổng diện tích đất thực hiện công trình 14.417,8 m2, tổng mức đầu tư 1.953,78 tỷ đồng, công trình gồm 7 tầng nổi và 3 tầng hầm với diện tích xây dựng 7.176 m2, diện tích sản phẩm nổi 25.821 m2, sản phẩm tầng hầm 43.558 m2. Dự kiến ban đầu, công trình hoàn thành trong vòng 24 tháng, nhà đầu tư được thanh toán quỹ đất “vàng” tại 257 Trần Hưng Đạo, 3-3Bis Phan Văn Đạt và khu đất 3ha tại quận 11 (TP Hồ Chí Minh).

Theo điều tra, tháng 3-2010, UBND TP Hồ Chí Minh xin Thủ tướng Chính phủ thực hiện thí điểm dự án đầu tư Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng theo hình thức hợp đồng BT. Tổng vốn đầu tư ban đầu ước khoảng 988 tỉ đồng. Tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ năm 2010-2012 hoàn thành. UBND TP Hồ Chí Minh cũng xin Thủ tướng Chính phủ cho phép bán chỉ định cho nhà đầu tư toàn bộ mặt bằng nhà, đất số 257 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1 với diện tích 2.350 m2, theo giá thị trường.

Năm 2013, UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục nâng mức đầu tư lên 1.352,7 tỉ đồng với lý do “đội vốn” bổ sung thêm khu đất số 3-3Bis đường Phan Văn Đạt, quận 1, để thanh toán cho nhà đầu tư. Sự kéo dài khó hiểu là đến năm 2016, UBND TP Hồ Chí Minh lại phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án với tổng vốn đầu tư tăng lên tới hơn 1.953 tỉ đồng. Đến tháng 7-2018, UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xin giao thêm 3 ha đất tại khu Trường đua Phú Thọ (quận 11, TP Hồ Chí Minh) để thanh toán thêm cho nhà đầu tư là Công ty Phát Đạt.

Để thực hiện dự án, năm 2017, UBND TP Hồ Chí Minh cho tháo dỡ khu nhà cũ để xây mới Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng đạt chuẩn quốc tế, có sức chứa khoảng 4.000 chỗ ngồi. Thế nhưng, đến nay khu đất hoành tráng giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh này được vây tường và bỏ hoang cỏ mọc. 

Theo cơ quan chức năng, dự án chậm triển khai do thẩm định mức đầu tư ban đầu không chính xác dẫn đến đội vốn nhiều lần. Đến tháng 5-2019, khi đơn vị chức năng chuẩn bị ký kết hợp đồng xây dựng với 2 đơn vị đầu tư: Tổng Công ty CP Đền bù giải tỏa và Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt, bị tạm dừng do Chính phủ đã có văn bản yêu cầu dừng việc thực hiện các hợp đồng BT theo phương thức đổi đất lấy công trình trên phạm vi toàn quốc. 

Đến nay, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan làm việc cùng các nhà đầu tư để thỏa thuận và xem xét việc sử dụng khu đất khác thay thế khu đất 3 ha tại khu Trường đua Phú Thọ (quận 11) để thanh toán hợp đồng BT...

Theo luật sư Đoàn Khắc Độ - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đức, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, phần lớn các dự án BT thực hiện theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, mà không thông qua đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu. Điều này không đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc lựa chọn nhà đầu tư. Việc xác định giá trị dự án BT: các quy định của pháp luật về đánh giá, xác định giá trị dự án BT còn nhiều hạn chế, bất cập. Theo Nghị định 69/2019/NĐ-CP thì giá trị dự án BT ghi tại hợp đồng BT để thanh toán được xác định theo kết quả đấu thầu và không thay đổi kể từ ngày hợp đồng BT được ký kết. Tuy nhiên, nhiều dự án không thông qua đấu thầu, giá trị dự án BT ghi trong hợp đồng BT là do nhà đầu tư đề xuất, cơ quan quản lý xem xét phê duyệt. Điều này không đảm bảo tính minh bạch trong việc xác định đúng giá trị dự án BT.

Cũng theo luật sư Đoàn Khắc Độ, việc định giá tài sản công để thanh toán cho dự án BT được cho là “lỗ hổng” dẫn đến tiêu cực, tham nhũng trong các dự án BT, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước. Thực tiễn cho thấy, việc xác định giá trị tài sản công theo đúng giá thị trường để thanh toán cho dự án BT còn nhiều vướng mắc. Quy định của pháp luật chưa hoàn thiện, cơ chế thực hiện thẩm định giá chưa minh bạch, công khai. Nhiều quỹ đất định giá thấp hơn giá thị trường hàng nghìn tỉ đồng. 

Ngoài ra, khi thanh toán dự án BT thì phải thực hiện theo nguyên tắc ngang giá. Đây cũng là một bất cập đối với việc thực hiện dự án BT. Bởi lẽ, khó có thể có sự trùng khớp giữa giá trị dự án BT và giá trị của tài sản công để thực hiện thanh toán ngang giá. Có dự án BT giá trị nhỏ hơn nhiều lần so với giá trị quỹ đất dùng để thanh toán. Trường hợp này, để thực hiện việc thanh toán ngang giá thì khó tránh khỏi những tiêu cực trong việc định giá quỹ đất.

Các dự án BT dưới hình thức “đổi đất lấy công trình” trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều dự án gây thất thoát cho Nhà nước tính bằng đơn vị nghìn tỉ. Một số cán bộ cấp cao có liên quan cũng bị xử lý dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ những bất cập đó, dưới sự phản ảnh của xã hội và đề xuất của các cơ quan hữu quan, Quốc hội đã chính thức cho dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT, kể từ ngày 1-1-2021, ngày Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực thi hành.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 đã thể chế chủ trương dừng thực hiện các dự án BT trong giai đoạn tới. Kể từ ngày 15-8-2020, các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư phải dừng thực hiện. 
Ngọc Như
.
.