Xử lý tình trạng “cát tặc” vẫn “bắt cóc bỏ đĩa”

Thứ Sáu, 29/01/2021, 14:56
Nạn khai thác cát trái phép tại khu vực TP Hồ Chí Minh nói riêng và của khu vực phía Nam lâu nay vẫn gây nhức nhối. Công tác kiểm tra, xử lý còn gặp nhiều bất cập, cam go. Người khai thác có nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, đòi hỏi công tác đấu tranh phải phối hợp đồng bộ giữa các ngành liên quan, trong đó lực lượng chủ chốt là cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường.


Khoanh vùng 3 điểm nóng

Huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, có vị trí đặc thù là khu vực cửa biển và các tuyến sông thuộc tuyến đường vận chuyển vật liệu xây dựng và san lấp từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ về TP Hồ Chí Minh nói riêng, các tỉnh miền Đông Nam Bộ nói chung. Đây cũng là địa bàn giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nên các đối tượng thường xuyên tổ chức hoạt động khai thác cát trái phép.

Trên các tuyến sông Đồng Nai, đoạn sông Tắc thuộc phường Long Trường, Long Phước, Trường Thạnh, Long Bình, khu vực Vàm Cá Hô, rạch Bà Đá Gián thuộc địa bàn quận 9; tuyến sông Sài Gòn khu vực xã Phú Mỹ Hưng, An Phú, An Nhơn Tây, thuộc địa bàn huyện Củ Chi vẫn còn xảy ra tình trạng bơm hút cát trái phép.

Tang vật ghe thuyền hút cát trái phép bị bắt giữ tại khu vực Đồng Nai.

Các đối tượng lợi dụng đêm tối lén lút đưa phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, gắn máy bơm công suất lớn hút cát. Hoạt động khai thác cát trái phép ngày càng tinh vi, manh động, sẵn sàng sử dụng hung khí chống trả khi bị lực lượng chức năng phát hiện truy bắt. Thủ đoạn hay áp dụng là đánh chìm phương tiện để tẩu thoát, tẩu tán tang vật vi phạm.

Trung tá Nguyễn Văn Đạt, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, những năm gần đây, do tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng tại TP Hồ Chí Minh, nhất là cát dùng trong xây dựng, cát san lấp kết hợp với nhu cầu sử dụng tăng cao, trong khi nguồn cung cấp từ các mỏ cát được cấp phép là rất ít, không đáp ứng đủ nhu cầu nên đẩy giá cát tăng cao, càng làm phức tạp tình hình khai thác cát trái phép và vi phạm.

Cẩu phương tiện khai thác cát trái phép tại Phú Quốc về nơi tạm giữ.

Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hồ Chí Minh đã “khoanh vùng” 3 điểm nóng về nạn khai thác cát sỏi trái phép, gồm: Quận 9 là tuyến sông Đồng Nai, địa bàn giáp ranh giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, sông Tắc thuộc phường Long Trường, Long Phước, Trường Thạnh, Long Bình. Tại Củ Chi, chủ yếu là khai thác cát san lấp, tập trung tại đoạn sông Sài Gòn từ xã Trung An đến xã Phú Mỹ Hưng, hoạt động ban đêm, phương tiện sử dụng chủ yếu là ghe gỗ có gắn máy hút cát.

Tại Cần Giờ, khu vực Cồn Ngựa biển Cần Giờ, tiếp giáp các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang. Các đối tượng khai thác cát trái phép sau đó sang bán cho các sà lan vận chuyển về bơm lên san lấp các công trình xây dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh.

Xử lý chưa hiệu quả

Mới đây, ngày 15-12-2020, Trạm Cảnh sát đường thủy Đồng Tranh phối hợp với Cảnh sát Kinh tế Công an huyện Cần Giờ bắt quả tang 6 đối tượng đang tổ chức hút trộm cát với quy mô lớn khi sử dụng 2 ghe hút và 4 phương tiện chuyên chở tại khu vực sông Dừa (xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ).

Phương tiện khai thác cát trái phép tại Phú Quốc.

Sau khi lập biên bản, lực lượng chức năng tạm giữ 2 phương tiện, hơn 15 mét khối cát cùng nhiều tang vật liên quan. 6 đối tượng bị bắt giữ gồm: Nguyễn Hữu Phước (32 tuổi, chủ phương tiện), Phạm Vũ (41 tuổi), Phạm Văn Thảo (43 tuổi), Nguyễn Thanh Hải (30 tuổi), Nguyễn Văn Trường (40 tuổi) và Bùi Văn Thể (43 tuổi, đều ngụ Long An). Đấu tranh khai thác, các đối tượng khai rủ nhau dùng 2 chiếc ghe hút cát chuyên dụng, không có giấy tờ đăng ký, đăng kiểm di chuyển từ Long An lên khu vực sông Dừa để khai thác trộm cát vào ban đêm.

Nhưng, đây chỉ là một trong hàng chục vụ khai thác cát trộm bị bắt giữ thời gian qua. Năm 2020, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị chức năng đã phát hiện, kiểm tra, bắt giữ 36 vụ, 30 phương tiện, 46 đối tượng bơm hút, vận chuyển, mua bán cát trái phép. Tham mưu các cơ quan chức năng ban hành 24 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 298.200.000 đồng, tịch thu 469,89m3 cát; 1 ghe bơm hút. Chuyển hồ sơ 1 vụ cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đề nghị xử lý theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý, kiểm tra, bắt giữ các đối tượng bơm hút cát trên sông tiềm ẩn nhiều rủi ro và phức tạp, các đối tượng manh động chống đối quyết liệt, đánh chìm phương tiện rồi nhảy xuống sông trốn thoát hoặc khi bị phát hiện, không chấp hành kiểm tra, điều khiển phương tiện di chuyển sang địa bàn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... Việc trục vớt phương tiện bơm hút cát bị đánh chìm mất nhiều thời gian, tốn nhiều công sức, tiền bạc và không có bến bãi để tạm giữ các phương tiện vi phạm.

Sà lan trang bị phương tiện hút cát công suất lớn bị phát hiện, bắt giữ tại khu vực biển Cần Giờ.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Đạt, các đối tượng khai thác, vận chuyển cát trái phép đa số được thuê mướn phương tiện và thuyền viên từ nhiều địa phương khác, nhất là số đối tượng ở một số tỉnh, thành phía Bắc nên khó khăn trong công tác điều tra cơ bản, công tác nắm đối tượng.

Khi bị phát hiện, chủ thuê mướn chỉ đạo thuyền viên bỏ trốn, phá hủy máy móc, thiết bị trên tàu gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm. Thời gian gần đây, các phương tiện gắn thiết bị bơm hút vận chuyển cát, khi bị phát hiện kiểm tra thì xóa định vị, có dấu hiệu hợp thức hóa giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc cát bơm hút trái phép.

Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Kiên Giang cảnh báo, thủ đoạn mới hiện nay của các đối tượng là dùng 2 phương tiện khai thác cát trái phép theo phương thức “tận thu, tận diệt”. Hai phương tiện cặp mạn sát bên nhau gồm một sà lan bơm, hút; một sà lan đi song song chỉ để chứa cát.

Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp với các đơn vị chức năng bắt một vụ bơm hút cát trái phép từ biển tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, Kiên Giang.

Khi lực lượng CSMT phát hiện thì họ chặt dây nối giữa hai sà lan, sà lan chứa cát bỏ chạy với tốc độ cao. Khi lực lượng của ta truy đuổi bằng được thì đối tượng của sà lan chứa cát chỉ nhận là người mua, không tham gia khai thác cát. Do đó hình thức xử lý cao nhất chỉ là đóng tiền xử phạt hành chính vì tội mua bán trái phép tài nguyên khoáng sản. Còn sà lan hút, bơm cát được đối tượng sử dụng thường đã cũ, nát, xuống cấp nhưng có đặt máy hút, bơm cát với công suất cao. Nếu tịch thu sà lan này thì trị giá không bao nhiêu tiền.

Năm 2020, lcông an các tỉnh phía Nam đã phát hiện 3.521vụ, xử phạt vi phạm hành chính 7.778 đối tượng; tổng số tiền xử phạt là 29.393.600.000 đồng; tạm giữ, tịch thu 103 máy xúc, máy đào các loại; 172 xe ô tô;187 ghe tàu; 1 sà lan; 2 máy sàng; 1 tàu cuốc; 819.351m³ cát; 3.156m³ đất; 2,3 tấn quặng chì; 3.200 viên đá chẻ; 23 cây đá trụ; 31.354m³ đá. Khởi tố 25 vụ theo Điều 227 về “Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”. Đặc biệt, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 3.328 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên với 3.838 đối tượng, xử phạt hành chính 2.886 vụ/3.251 cá nhân, 55 tổ chức, với tổng tiền phạt 25.469.000.000 đồng.
Huyền Nga
.
.