Xung quanh vụ sát hại một ngôi sao mạng xã hội Pakistan

Thứ Tư, 20/07/2016, 21:25
Qandeel Baloch, một trong những nhân vật khêu gợi nhất Pakistan và nổi tiếng với những hình ảnh nóng bỏng đưa lên mạng xã hội, đã bị chính người anh ruột của mình siết cổ đến chết tại thành phố Multan miền đông nước này hôm 15-7.

Qandeel Baloch là nạn nhân của làn sóng “giết người vì danh dự” ở Pakistan. Philip Reeves, phóng viên hãng tin BBC, bình luận: “Đây là cách hành xử độc ác ở Pakistan đối với những phụ nữ bị buộc tội vi phạm những quy tắc giới hạn của xã hội. Họ bị trừng phạt bằng cái chết bởi chính những người thân là nam giới”. Muhammad Waseem, gã anh trai 25 tuổi của Baloch, đã bị bắt giữ.

Hình ảnh Qandeel Baloch đăng trên Facebook.

Qandeel Baloch, 26 tuổi, tự mô tả bản thân là “đội quân chỉ một phụ nữ” trong cuộc chiến chống lại sự trấn áp phụ nữ ở Pakistan. “Vũ khí” của Baloch là những hình ảnh và video về chính mình đăng tải trên mạng xã hội chống lại một quốc gia cực kỳ bảo thủ về xã hội và tôn giáo.

Qandeel Baloch đã xây dựng được một đội ngũ người hâm mộ đông đảo trên mạng xã hội - với 43.000 người ủng hộ trên Twitter và hơn 700.000 người trên Facebook. Baloch bắt đầu nổi tiếng bất ngờ vào năm 2014 khi tung video đầy tính “khiêu khích” của mình lên mạng. Trong khi Baloch được giới trẻ hâm mộ coi là một biểu tượng văn hóa và ca ngợi quan điểm tự do, cô cũng đối mặt với không ít chỉ trích từ những người bảo thủ thù ghét phụ nữ trên mạng xã hội.

Nhà hoạt động xã hội Sana Ijaz biểu tình phản đối vụ sát hại Baloch.

Sự thật là ở Pakistan, phụ nữ - đặc biệt là những người nghèo khó - không được hưởng những quyền cơ bản như học hành hay chọn chồng và luôn hứng chịu bạo lực. Baloch (tên thật là Fauzia Azeem) phát biểu trên Facebook hôm 14-7, tức chỉ 1 ngày trước khi bị sát hại: “Là phụ nữ, chúng ta phải đứng lên bảo vệ cho chính chúng ta. Tôi tin tôi là người đấu tranh cho nữ quyền thời hiện đại. Tôi tin vào sự bình đẳng”.

Những video cực kỳ khêu gợi gây tranh cãi của Baloch đăng trên Istagram và Facebook đã dẫn đến cái chết không thể tránh khỏi cho cô. Baloch từng gây bão sau khi chụp hình selfie với giáo sĩ nổi tiếng Mufti Qaviback hồi tháng 6-2016. Baloch đã ly hôn với người chồng trong cuộc hôn nhân do gia đình ép buộc lúc chỉ mới 17 tuổi. Chồng cô luôn ngược đãi cô, nhất quyết ngăn không cho cô làm nghề người mẫu.

Trước nhiều lời đe dọa giết chết, Baloch đã viết một bức thư đề nghị Bộ Nội vụ Pakistan bảo vệ cô bằng nhân viên an ninh vũ trang nhưng không được đáp ứng và cô dự định sẽ ra nước ngoài. Hung thủ Muhammad Waseem phát biểu trong một cuộc họp báo ngắn ngủi sau khi bị cảnh sát bắt giữ: “Dĩ nhiên, chính tôi đã siết cổ em gái. Tôi không hề bối rối về chuyện mình đã làm”.

Waseem nói hắn đã cho Baloch uống thuốc ngủ trước khi ra tay giết chết. Waseem giải thích rằng Baloch có “hành vi không thể khoan dung được” và “làm gia đình mất danh dự”.

Sau khi Baloch bị giết, các nhà hoạt động nhân quyền tụ tập bên ngoài Câu lạc bộ Báo chí Peshawar và giơ cao những biểu ngữ chống đối hành vi giết người “nhân danh danh dự”, yêu cầu chính quyền có những biện pháp hiệu quả bảo vệ quyền phụ nữ. Taimur Kamal, lãnh đạo nhóm nhân quyền Pakhtunkhqa Civil Society, nhấn mạnh: “Không một xã hội văn minh nào cho phép diễn ra một vụ giết người ác độc như thế”.

Muhammad Waseem (phải), hung thủ giết chết Baloch.

Qamar Naseem, lãnh đạo nhóm Blue Veins, cho rằng những điều luật về Qisas (sự trừng phạt) và Diyat (tiền máu) cũng cần được sửa đổi để cho những đối tượng phạm tội giết người “vì danh dự” không thể thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

Tương tự, nhà hoạt động xã hội Sana Ijaz lập luận rằng mỗi cá nhân cần có quyền tự do bày tỏ quan điểm: “Qandeel Baloch đã thách thức những điều cấm kỵ của xã hội và văn hóa. Cô là con người can đảm không bao giờ ngưng bày tỏ quan điểm của mình trên mạng xã hội”.

Theo Ủy ban Nhân quyền Pakistan (HRCP), chỉ riêng năm 2015 đã có gần 1.000 vụ giết phụ nữ vì “danh dự gia đình” diễn ra tại nước này. Còn theo số liệu từ hãng tin Reuters, mỗi năm có hơn 500 người bị giết nhân danh “danh dự” ở Pakistan, trong đó gần như hầu hết nạn nhân là phụ nữ.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.