Anh - Pháp: Khẩn trương đề phòng “sói đơn độc”

Thứ Ba, 06/01/2015, 22:45
Ngay trước Giáng sinh, hai nước Anh và Pháp đã khẩn trương bố trí lực lượng cảnh sát, an ninh tại các thành phố lớn để ngăn chặn nguy cơ tấn công mang tính chất khủng bố sau khi xảy ra một loạt vụ tấn công bằng hình thức tông xe vào đám đông ở nước này trước đó vài ngày.

Trên khắp nước Anh, cảnh sát đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Trên các đường phố ở London, cảnh sát được tăng cường lực lượng và tuần tra 24/24 tại các khu vực trọng yếu, như khu mua sắm đêm Đại lộ Oxford và các trạm xe buýt đầu mối để đề phòng những bất trắc. Các quan chức an ninh chống khủng bố Anh đang nghiên cứu một thủ đoạn tấn công mới "tông xe rồi bỏ chạy" nhằm ngăn chặn kịp thời những tình huống có thể xảy ra.

Một quan chức Chính phủ Anh khẳng định, việc ngăn chặn các vụ tấn công kiểu tông xe bỏ chạy đang trở thành ưu tiên trong công tác chống khủng bố. Các cơ quan an ninh, cảnh sát đã phát đi những khuyến cáo cho các trung tâm mua sắm và các doanh nghiệp bán hàng về nguy cơ tấn công bằng bom xe của chiến binh thánh chiến Hồi giáo cực đoan, giờ được bổ sung thêm đối tượng "cực đoan đơn độc".

Trong khi đó tại Pháp, tình hình có vẻ căng thẳng hơn ở Anh. Khoảng 300 binh sĩ quân đội đã được điều động bổ sung cho lực lượng tuần tra, gìn giữ an ninh. 780 người trên các tuyến phố trọng yếu tại các thành phố lớn của nước Pháp, như Đại lộ Champs-Élysées và các khu mua sắm lớn ở thủ đô Paris.

Ngày 24/12, Cảnh sát thành phố Cannes đã bắt giữ một người đàn ông trang bị vũ khí "tận răng" đang chuẩn bị thực hiện một vụ tấn công. Vụ bắt giữ này là lời cảnh báo mức độ nghiêm trọng của các mối đe dọa an ninh trong dịp lễ Giáng sinh tại Pháp.

Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ tấn công ở Dijon.

Trước đó, liên tiếp trong các ngày 20, 21 và 22/12, nước Pháp đã phải hứng chịu 3 vụ tấn công bằng hình thức hoàn toàn mới: lái xe tải tông thẳng vào đám đông tại các khu vực đông người như khu mua sắm, chợ, trạm xe buýt.

Vụ tấn công mới nhất tại thành phố Nantes, hung thủ lái một chiếc xe chở khách loại 15 chỗ ngồi tông thẳng vào đám đông người tại một khu chợ Giáng sinh vào đêm 22/12 khiến 17 người bị thương, trong đó 1 người tử vong do vết thương quá nặng. Kẻ lái xe đâm vào đám đông là một người đàn ông Pháp da trắng, 37 tuổi, từng có nhiều tiền sự phạm tội vặt. Sau khi gây ra vụ đâm xe, gã này đã rút dao tự đâm vào ngực mình.

Đêm 21/12, một người đàn ông gốc Arập 40 tuổi cũng lái xe đâm vào người đi bộ trên vỉa hè ở thành phố Dijon, miền Trung nước Pháp, làm 11 người bị thương. Người đàn ông gây ra vụ đâm xe được cho là có tiền sử tâm lý bất ổn.

Còn tại thành phố Tours, cũng thuộc miền Trung nước Pháp, hôm 20/12, một thanh niên Hồi giáo gốc Burundi, 20 tuổi, đã dùng dao đâm trọng thương 3 nhân viên cảnh sát. Hung thủ sau đó đã bị cảnh sát bắn chết. Trước khi gây án, hung thủ từng phát biểu trên Sky News rằng mình từng 157 lần ra vào bệnh viện tâm thần!

Tại Anh, ngày 22/12 cũng xảy ra một vụ đâm xe tương tự như vụ việc ở Dijon. Theo tường thuật của báo chí Anh, một chiếc xe chở rác đã lao lên vỉa hè Đại lộ Nữ hoàng gần Quảng trường George, thành phố Glasgow, và đâm vào đám đông đang đi mua sắm dịp lễ Giáng sinh làm chết 6 người.

Liệu có mối liên hệ nào giữa 3 vụ tấn công "sói đơn độc" ở Pháp hay không? Và liệu vụ tai nạn ở Glasgow có phải là một vụ tấn công tương tự như ở Pháp hay không? Ở Anh, cơ quan chức năng không xem vụ việc là một vụ tấn công mà chỉ là tai nạn xe thông thường, nhưng nhiều người vẫn lo sợ vì mức độ nghiêm trọng và số người chết không có vẻ như là một vụ tai nạn giao thông.

Còn ở Pháp, các nhà điều tra nhận định cả 3 vụ tấn công không liên quan gì với nhau, mặc dù trông có vẻ như chúng đã được lên kế hoạch, được thực hiện bởi những phần tử cùng một tổ chức.

Cảnh sát Pháp tuần tra an ninh khu vực công viên gần Tháp Eiffel dịp Giáng sinh.

Theo các nhà điều tra Pháp, các vụ tấn công xe vừa qua mang tính chất "bắt chước" nhau hơn là có tổ chức, và các hung thủ đều có tiền sử bất ổn tâm lý, tâm thần. Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã lên tiếng kêu gọi người dân bình tĩnh và gọi đây là những vụ tấn công đơn lẻ, không phải là khủng bố nghiêm trọng, nhưng người dân cũng cần phải cảnh giác.

Điều đáng quan tâm là trong 2 vụ ở Dijon và Tours, các hung thủ đều hô to "Allahu Akbar (Thượng đế vĩ đại) bằng tiếng Arập, và điều đó đã khiến nhiều người lo ngại rằng rất có thể đây là hình thức tấn công khủng bố kiểu mới đang được các phần tử cực đoan triển khai.

Nỗi lo ngại này không phải là không có cơ sở. Tình trạng an ninh nước Pháp đã trở nên đáng báo động kể từ tháng 9/2014 sau khi các thủ lĩnh IS đã kêu gọi những người ủng hộ mình khắp thế giới dùng mọi cách có thể, kể cả phương tiện công cộng đang dùng, để tấn công người phương Tây nhằm trả thù cho đồng bọn bị chết dưới bom đạn của các nước phương Tây. Pháp là một trong các quốc gia ủng hộ chiến dịch không kích Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria do Mỹ cầm đầu.

Đặc biệt, các vụ tấn công ở Pháp xảy ra chỉ một tuần sau vụ bắt cóc con tin tại quán cà phê Lindt ở Sydney, Australia, cũng do một "sói đơn độc" thực hiện, với kết cục là 3 người chết, toàn bộ con tin được giải cứu.

Giới chức an ninh Pháp lo ngại, hình thức tấn công bằng phương tiện giao thông cá nhân này rất khó đề phòng vì kẻ thực hiện các vụ tấn công là các công dân Pháp cư trú tại địa phương ủng hộ IS. Thậm chí họ có nhân thân tốt và chưa từng có tiền án, tiền sự.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve thông báo đã bắt giữ 118 kẻ tình nghi chuẩn bị rời nước Pháp để tham gia chiến đấu với IS. Những kẻ ủng hộ IS này rõ ràng là mối đe dọa tiềm ẩn cho an ninh không chỉ của nước Pháp mà cả các quốc gia lân cận, cho toàn châu Âu. Nước Pháp hiện có 7% dân số theo đạo Hồi, trong đó có 1.000 người có tiếp xúc với thành phần Hồi giáo cực đoan. Đây cũng là nỗi lo lớn cho an ninh Pháp.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.