Cẩm y vệ Thụy Sĩ - lực lượng bảo vệ Giáo hoàng

Chủ Nhật, 26/03/2023, 21:00

Cẩm y vệ Thụy Sĩ (hay tên gọi khác là Cẩm y vệ Giáo hoàng Thụy Sĩ), là lực lượng vũ trang với mục đích chính là bảo vệ sinh mệnh cho đức Giáo hoàng và tư dinh của ngài là Điện Tông đồ (Apostolic Palace). Cẩm y vệ Thụy Sĩ cũng là đội quân đang hoạt động nhỏ nhất và lâu đời nhất trên thế giới.

Từ những người lính đánh thuê Thụy Sĩ

Tháng 10/1478, Giáo hoàng Sixtus IV ra một thông cáo với nội dung thỏa thuận với Liên minh Thụy Sĩ. Thỏa thuận này sẽ cho phép ngài được tuyển dụng lính đánh thuê người Thụy Sĩ trong suốt thời tại nhiệm của mình, cho đến năm 1479. Lính đánh thuê Thụy Sĩ là một trong những người lính được đánh giá cao nhất bởi lòng trung thành, can đảm và khả năng chiến đấu cùng chiến thắng chống các đội quân lớn.

Cẩm y vệ Thụy Sĩ - lực lượng bảo vệ Giáo hoàng -0
Cẩm y vệ Thụy Sĩ trong một phiên trực. Ảnh nguồn: NBC News.

Sau thời Giáo hoàng Sixtus VI, Giáo hoàng Innocent VIII quyết định gia hạn Hiệp ước này và nó đã tồn tại với những giáo hoàng tiếp sau đó. Khoảng năm 1505, ngài Matthaus Schiner - Đức Tổng giám mục Thụy Sĩ khi đó - đã đề xuất thành lập một đội quân Thụy Sĩ thuộc quyền kiểm soát của đức Giáo hoàng. Ngày 22/1/1506, 150 lính đánh thuê Thụy Sĩ (có Chỉ huy trưởng là Kaspar von Silenen) lần đầu tiên đã tiến vào Vatican thông qua cổng thành “Porta del Popolo” để phụng sự đức Giáo hoàng Julius II.

Số lượng thành viên của Cẩm y vệ Thụy Sĩ thường thay đổi trong các năm và các đời giáo hoàng đã sử dụng họ như là một thành phần thị vệ tháp tùng, và khi cần họ cũng có thể thi triển võ công để bảo vệ sinh mệnh cho đức Giáo hoàng. Trận chiến đầu tiên (thể hiện khả năng chiến đấu và sự hy sinh vì chính nghĩa của Cẩm y vệ Thụy Sĩ) đã diễn ra vào ngày 6/5/1527. Trong sự kiện lịch sử gọi là “Xung đột La Mã”, trong lúc chiến đấu chống lại Hoàng đế Charles V và đại binh của ông, 147 Cẩm y vệ đã tử trận để bảo vệ đức Giáo hoàng Clement VII. Clement VII với sự giúp đỡ của 42 Cẩm y vệ đã trốn thoát thành công thông qua lối đi trên cao Passetto di Borgo - một tuyến đường nối kết Vatican và lâu đài Sant’Angelo (một hành lang dài khoảng 800m, được xây dựng vào năm 1277 bởi Giáo hoàng Nicholas III). Nhưng 8 ngày sau đó, Giáo hoàng Clement VII buộc phải quy hàng và chấp nhận các điều khoản cứng rắn chẳng hạn như chuyển giao nhiều pháo đài và thành phố quan trọng cho cho vua Charles V.

Tiếp theo đó Cẩm y vệ buộc phải giải tán, và giáo hoàng hoán đổi họ bằng con số 200 lính đánh thuê từ Đức và Tây Ban Nha. Tháng 3/1548, Giáo hoàng Paul III đã tái lập Cẩm y vệ Thụy Sĩ dưới quyền chỉ huy của Jost von Meggen. Sau khi chấm dứt chiến tranh, vào khoảng năm 1560, Giáo hoàng Paul III đã quyết định triển khai Cẩm y vệ Thụy Sĩ không chỉ ở dạng là một đơn vị quân sự chiến đấu mà còn cả bảo vệ giáo hoàng. Từ giữa các năm 1560 đến năm 1849, Cẩm y vệ Thụy Sĩ bị giải tán vài lần do các giáo hoàng băng hà hoặc do bại trận trong các cuộc chiến. Tới cuối thế kỷ 19, Cẩm y vệ Thụy Sĩ đã giảm các tiêu chuẩn xuống mức thấp nhất và giáo hoàng chỉ dùng họ như một bộ phận nghi lễ.

Cẩm y vệ Thụy Sĩ - lực lượng bảo vệ Giáo hoàng -0
Một chương trình huấn luyện của Cẩm y vệ Thụy Sĩ.

Tái cơ cấu đội ngũ

Nhằm phục hồi lại Cẩm y vệ Thụy Sĩ và khiến nó lấy lại uy tín như thuở ban đầu, Jules Repond (chỉ huy của đơn vị này từ năm 1910 đến năm 1921) đã thiết lập cơ chế cải cách cơ cấu. Chỉ huy Thụy Sĩ sẽ đưa những loại vũ khí hiện đại vào trong kho vũ khí của Cẩm y vệ. Ngoài ra ông cũng đề xuất việc chiêu mộ chỉ tuyển những người lính được sinh ra và lớn lên trên đất Thụy Sĩ vào hàng ngũ của mình. Ngày 11/2/1929, Nhà nước Italia và Tòa thánh đã ký kết Hiệp ước Lateran để tạo ra một nhà nước mới toanh có tên Thành quốc Vatican. Chiếu theo hiệp ước này thì Cẩm y vệ Thụy Sĩ đã trở thành một đội quân chính thức của Thành quốc Vatican. Sau một vài lần xảy ra các hoạt động ám sát Giáo hoàng John Paul II, vào ngày 13/5/1981, Cẩm y vệ Thụy Sĩ đã được định hướng và hành động thiết thực hơn trong việc bảo vệ giáo hoàng.

Vai trò bảo vệ nghi lễ vẫn rất quan trọng, nhưng trong thời hiện đại đòi hỏi Cẩm y vệ phải đáp ứng những trách nhiệm và vai trò mới.  Đôi khi đơn vị quân sự này còn được mô tả là cảnh sát Thành quốc Vatican, tuy nhiên thực sự có một lực lượng cảnh sát khác đang đảm nhiệm nhiệm vụ an ninh đất nước đó chính là Đội hiến binh giáo hoàng. Trước khi tái cấu trúc vào năm 1914, Cẩm y vệ Thụy Sĩ bao gồm những người lính sinh ra ở La Mã nhưng có tổ tiên là người Thụy Sĩ và nói lưu loát phương ngữ La Mã. Họ được đào tạo thông qua những cuộc diễu hành mang tính chất nghi lễ. Lúc đó, không đầy 100 lính trong đơn vị này, và mức tối đa là không quá 133 người. Lực lượng Cẩm y vệ Thụy Sĩ hiện đại được sáng lập bởi Jules Repond và Giáo hoàng Pius X. Ngày 13/3/1914, quy định mới có hiệu lực. Những người được tuyển dụng chỉ có thể là người gốc Thụy Sĩ, cùng với đó là những cuộc diễn tập quân sự được đưa vào.

Ông Jules Repond cũng đề cập đến việc trang bị một số loại vũ khí hiện đại, tuy nhiên Giáo hoàng Pius X cho rằng chỉ cho phép dùng chúng nếu chúng không hoạt động. Về bản chất thì Cẩm y vệ Thụy Sĩ bao gồm 1 giáo sĩ, 6 sĩ quan, 15 hạ sĩ quan, 110 cận vệ (đội dùng trường kích). Ông Jules Repond cũng tung ra một loại quân phục mới. Đó là một loại áo dài và được đặc trưng bởi các màu xanh đậm, đỏ, vàng, là những sắc màu của các gia đình cao quý Medici và Della Rovere. Trong lúc mặc trang phục truyền thống, Cẩm y vệ sẽ cầm kiếm và giáo, cũng như vận áo cổ lọ màu trắng và đội mũ bảo hiểm có chòm lông vũ cao. Bên cạnh đó còn có những yêu cầu khắt khe để được đứng chân vào đơn vị này, như bắt buộc phải là nam giới theo đạo Công giáo La Mã có quốc tịch Thụy Sĩ, độc thân, sức khỏe tráng kiện, tuổi đời từ 19 đến 30, chiều cao tối thiểu là 1,74m.

Họ cũng phải có bằng tốt nghiệp trung học và qua huấn luyện căn bản trong môi trường quân ngũ Thụy Sĩ. Thời gian tại ngũ tối thiểu trong Cẩm y vệ Thụy Sĩ là 2 năm. Dưới những cải cách của giáo hoàng Francis (vào ngày 29/4/2018), số lượng quân nhân đã tăng lên 135 (thay vì chỉ là 122 người). Trong những năm qua, số lượng tân binh đã giảm. Trung bình để duy trì đơn vị này, Thành quốc Vatican đã tuyển dụng 35 tân binh mỗi năm. Từ cuối thập niên 2010, nhằm thúc đẩy nhiều nam giới hơn có mặt trong Cẩm y vệ, Vatican đã cho phép các thành viên kết hôn sau 5 năm tại ngũ, không phân biệt cấp bậc quân nhân. Theo truyền thông Thụy Sĩ thì Doanh trại của Cẩm y vệ sẽ hoạt động vào năm 2026. Họ cũng lên kế hoạch chào đón các thành viên nữ quân nhân (hiện thời Cẩm y vệ không chấp nhận nữ quân nhân).

Cẩm y vệ Thụy Sĩ - lực lượng bảo vệ Giáo hoàng -0
Đội can thiệp nhanh trực thuộc Quân đoàn hiến binh của Vatican. Ảnh nguồn: Difesa Online.

Trách nhiệm của Cẩm y vệ Thụy Sĩ

Vai trò chính của Cẩm y vệ Thụy Sĩ vẫn luôn đảm trách ổn định các nghi lễ trong những dịp chiêu đãi chính thức tại Thành quốc Vatican. Tuy nhiên, trong các năm qua, do thời gian thay đổi và đà tăng của những mối đe dọa mới mà đơn vị này đã cung cấp thêm nhiều biện pháp an ninh và bảo vệ an nguy cho giáo hoàng. Trách nhiệm chính của Cẩm y vệ Thụy Sĩ là bảo vệ giáo hoàng và tư dinh của ngài; đồng hành cùng giáo hoàng trong các chuyến công du dưới tư cách công vụ, đi lại ngay trong Thành quốc Vatican, hoặc ra nước ngoài; canh gác lối vào Thành quốc Vatican; thực hiện các dịch vụ danh dự và bảo vệ; bảo vệ Hồng Y đoàn (Hồng Y là thành viên cao cấp thuộc hàng giáo phẩm của giáo hội, họ hầu như luôn là giám mục, thường làm lãnh đạo các Tổng giáo phận nổi tiếng hoặc đứng đầu các bộ trong Giáo triều) khi Tòa Thánh trống

Kế hoạch huấn luyện các tân binh trong Cẩm y vệ thường sẽ kéo dài 5 tuần. Khi nhà tuyển dụng hoàn thành việc này, những người lính Thụy Sĩ sẽ đứng tuyên thệ trước mặt Giáo hoàng. Quá trình đào tạo để trở thành Cẩm y vệ thường rất dài và nhiêu khê, gian khổ, bao gồm huấn luyện cách dùng vũ khí và do thám, kiểm soát đám đông, bảo vệ yếu nhân, rèn luyện võ thuật và nhu đạo; học về phản gián và chống khủng bố, những hành vi chiến thuật, an toàn cá nhân, đào tạo cách dùng kiếm, giáo và kích. Nghi lễ diễn ra vào ngày 6 tháng 5 hàng năm, trong suốt thời gian này, tay trái của Cẩm y vệ sẽ cầm cờ của đơn vị mình, cùng lúc đó người lính sẽ giơ tay phải với 3 ngón tay mở ra tượng trưng cho Chúa Ba ngôi.

Cẩm y vệ Thụy Sĩ - lực lượng bảo vệ Giáo hoàng -0
Bên trong kho vũ khí của Cẩm y vệ Thụy Sĩ.

Cũng cần nên biết về kho vũ khí của Cẩm y vệ. Nó bao gồm các loại vũ khí đến từ mọi thế kỷ. Từ những loại áo giáp cổ điển cho đến súng tiểu liên, hầu như mọi thứ đều có thể tìm thấy ở đây. Những loại vũ khí cổ điển là loại súng hỏa mai Thụy Sĩ T59, súng trường Vetterli Model 1871, súng trường M1867, súng máy phụ Hisso MP43-44, súng trường bắn tỉa Schmidt Rubin K31. Dùng làm vũ khí phòng vệ cá nhân (PDW), Cẩm y vệ Thụy Sĩ còn xài loại súng tiểu liên Heckler & Koch MP7, loại vũ khí này rất phổ biến khi được nhiều đơn vị tinh nhuệ sử dụng chẳng hạn như SEAL Team của Mỹ, nó đủ nhỏ gọn để những người lính có thể giấu đi. Về vũ khí phụ thì đơn vị này còn dùng loại súng lục Dreyse Model 1907. Sau vài vụ Giáo hoàng John Paul II bị ám sát hụt  vào năm 1982, loại súng lục bán tự động Sig P220 đã trở thành vũ khí chính thức của những người lính Thụy Sĩ.

Bên cạnh đó, Cẩm y vệ Thụy Sĩ còn dùng loại súng lục Glock 19, những loại súng này có khắc chữ AG (viết tắt của “Ausruestung der Guarde” có nghĩa là “Thiết bị của Cẩm y vệ”) và con dấu của Vatican. Với các loại vũ khí hạng nặng, Cẩm y vệ còn dùng một loạt các loại súng trường tấn công Sig SG550, chúng có thể dùng cho những cuộc chiến tầm gần hay giao tranh tầm xa. Cuối cùng cũng nên biết về những thực thể quan trọng khác ngay trong Thành quốc Vatican. Ngay trong lãnh thổ này còn có Quân đoàn hiến binh của nhà nước Thành quốc Vatican, quân đoàn hiến binh hay là một lực lượng an ninh và cảnh sát địa phương của Vatican, chịu trách nhiệm cho các hoạt động điều tra tội phạm, kiểm soát giao thông và biên cương, cùng việc thực thi những nhiệm vụ cảnh sát khác.

Quân đoàn hiến binh bao gồm 2 đơn vị đặc biệt là Đơn vị chống phá hoại (Unita Antisabotaggio) chuyên giám sát những phong bì và bưu kiện bị nghi ngờ, và có thể trực tiếp can thiệp trong trường hợp có những mối đe dọa khả thi. Thứ hai là Đơn vị can thiệp nhanh (Gruppo Intervento Rapido) chịu trách nhiệm chống lại các hoạt động lật đổ.

Văn Chương (Tổng hợp)
.
.