Cán bộ “làm xiếc” trên đất rừng của dân?

Thứ Tư, 16/11/2022, 14:25

Dân được chia đất, cấp sổ lâm bạ (bìa xanh) nhưng sau khi có chủ trương cấp đổi bìa đỏ, nhiều diện tích đã cấp cho người dân đã “đi lạc” vào bìa của cán bộ địa chính xã. Một số hộ dân có tên trong danh sách cấp sổ đỏ nhưng lại không được nhận sổ, không có đất… là những chuyện lạ có thật, đang xảy ra tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Đất rừng của dân “đi lạc” vào bìa đỏ cán bộ

Từ năm 1998, hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương (Nghệ An) được chính quyền địa phương giao đất để trồng và bảo vệ rừng, được UBND huyện cấp giấy chứng nhận giao đất (sổ xanh). Đến năm 2006, thực hiện chủ trương thu hồi sổ xanh, cấp đổi lại sổ đỏ để giao đất 50 năm cho các hộ dân, huyện Thanh Chương đã cấp đổi tổng cộng 659 bìa đỏ cho 591 hộ gia đình trên địa bàn xã Thanh Thủy.

Dat_rung_NA2-1668563658202.jpg
Nhiều hộ dân bị mất đất sau khi cấp đổi bìa xanh thành bìa đỏ.

Tuy nhiên, khi nhận bìa đỏ, nhiều hộ dân tá hỏa khi phát hiện ra, bìa đất của mình đã bị xà xẻo, diện tích được cấp mới giảm rất nhiều so với thực địa được giao trước đó. Thậm chí, nhiều người dân sau đó đã phải viết đơn cầu cứu cơ quan chức năng khi nhận thấy cán bộ địa chính liên tục “làm xiếc”, phù phép để chiếm dụng đất đã cấp cho người dân trước đó. Không chỉ đất của dân “đi lạc” vào bìa đỏ của cán bộ, mà nhiều hộ dân được UBND huyện có quyết định cấp đất, nhưng đến nay vẫn không nhận được sổ trong khi đất lại rơi vào tay người khác, hoặc chính quyền đã ký hợp đồng kinh tế với một số hộ dân trên chính những thửa đất này.

Trường hợp khác là ông Lê Doãn Thành, trú tại xóm 3 xã Thanh Thủy, được giao 5,7 ha đất rừng tại vùng Khe Trổ, thế nhưng sau cấp đổi, bìa đỏ diện tích này lại mang tên ông Bùi Xuân Liên, là… em trai của cán bộ địa chính xã Bùi Xuân Hùng thời kỳ này. Phát hiện bị mất rừng, ông Thành làm đơn khiếu nại, UBND xã Thanh Thủy mời ông Bùi Xuân Liên lên để giải thích. Ông Liên cho rằng, do ông Thành và ông Liên là hàng xóm láng giềng, nên đã gặp nhau thỏa thuận bằng miệng hoán đổi vị trí rừng cho nhau (?). Ông Thành xin cấp vùng đất ông Liên đã làm đơn và ngược lại, ông Liên xin cấp vùng đất ông Thành đã được giao sổ lâm bạ. Mặc dù không có văn bản nhưng cán bộ địa chính thấy hợp lý nên đã cấp đổi theo nguyện vọng. Tuy nhiên, điều đáng nói là diện tích đất mà chính quyền cho rằng đã giao cho ông Thành, nay cũng đã… mang tên một người khác, có hộ khẩu sinh sống tại TP Vinh (Nghệ An).

Bất thường việc đất rừng của cán bộ “bỗng dưng” nhiều lên

Cũng năm 2006, sau cấp đổi bìa đất, nhiều hộ dân không có địa chỉ thường trú tại xã Thanh Thủy vẫn có tên trong danh sách được cấp đổi, nhận đất. Lý giải vấn đề này, ông Hà Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho rằng, qua xác minh thì phần đất nói trên, 3 công dân nhận chuyển nhượng lại từ một người dân xã Thanh Thủy, được xã cấp đất trước thời điểm cấp đổi bìa đỏ, nên khi thu hồi sổ lâm bạ để cấp mới, thì tên chủ rừng là những người đã nhận chuyển nhượng. Tuy nhiên, vì sao danh sách lại ghi các hộ này có địa chỉ tại xã Thanh Thủy, thì người đứng đầu chính quyền lại không giải thích.

Cá biệt nhất là trường hợp của cán bộ địa chính Bùi Xuân Hùng, năm 1998 ông này được giao 9 ha đất rừng, nhưng sau cấp đổi diện tích theo bìa đỏ đã tăng vọt lên 27,5 ha. Tại một thửa đất khác, ông Hùng sau khi cấp bìa đỏ đã được tăng diện tích từ 3,6 ha lên 8,8 ha. Trong khi đó, nhiều hộ dân đã giảm đột ngột như ông Phan Duy Dương từ 14,8 ha xuống còn 4,2 ha; hộ ông Nguyễn Hữu Giáp từ 20 ha xuống còn 7,8 ha; hộ ông Nguyễn Văn Dần từ 18 ha xuống còn 1,8 ha…

Ông Phan Duy Trinh, nguyên Chủ tịch UBND xã, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thủy cho biết, nguyên nhân là do ngày xưa đi giao đất không đo đạc mà chỉ ước lượng diện tích. Sau này, quá trình cấp đổi bìa đỏ, địa phương có thuê đơn vị tư vấn về làm nên có sự chênh lệch. Nhưng điều đáng nói là ông Trinh không giải thích được vì sao sự chênh lệnh theo hướng tăng lên chỉ diễn ra ở các khoảnh đất của cán bộ, còn diện tích của các hộ dân đều bị giảm...

Ông Hà Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết, những vấn đề liên quan đến đất rừng trên địa bàn xã từ sau khi cấp đổi từ sổ lâm bạ sang bìa đỏ “là một câu chuyện khó hiểu, gây bức xúc cho nhân dân”. Ông Thái mới lên nắm quyền, đang tích cực phối hợp, rà soát để hỗ trợ người dân xử lý, giải quyết những tồn đọng, vướng mắc kéo dài từ hàng chục năm qua. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần mời cán bộ địa chính thời kỳ cấp đổi này là ông Bùi Xuân Hùng lên để phối hợp làm rõ. Ông Hùng thừa nhận đã ký nhận toàn bộ sổ đỏ của dân từ UBND huyện Thanh Chương, nhưng một số người khi về đến xã không nhận được, theo ông này có thể là do người dân đã nhận trực tiếp từ huyện.

Trong khi đó, ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho rằng, những bất thường xảy ra tại xã Thanh Thủy trong quá trình cấp đổi bìa đất là do lịch sử để lại. “Sự việc xảy ra từ năm 2006, và sau 10 năm tôi mới làm Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, nên việc các hộ dân đâm đơn kiện tôi là không đúng quy định”, ông Thanh cho biết. Ông Thanh cho biết thêm, nội dung công dân “tố” cán bộ địa chính xã lập khống danh sách để cấp bìa đất, qua rà soát thấy phản ánh này là có cơ sở nên UBND huyện đã ra quyết định hủy các bìa đất cấp sai, đồng thời kỷ luật cán bộ đã để xảy ra sai phạm.

Ngày 17/6/2020, UBND huyện Thanh Chương ban hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy Phan Duy Trinh vì buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm về đất đai trên địa bàn. Ông Trinh hiện là Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thủy. Còn cán bộ địa chính của xã thời điểm đó có trách nhiệm làm thủ tục cấp đổi sổ đỏ cho người dân là ông Bùi Xuân Hùng, nay đã nghỉ hưu.

Thiện Thành
.
.