Cảnh giác với chiêu trò du lịch giá rẻ

Thứ Hai, 05/06/2023, 19:44

Mùa hè nắng nóng là thời điểm bùng nổ về du lịch. Nắm bắt nhu cầu muốn đi nghỉ dưỡng nơi cao cấp nhưng giá cả phải chăng của nhiều du khách, các đối tượng đã lập ra những hội nhóm, fanpage giả mạo các resort, khách sạn nổi tiếng, công ty lữ hành, phòng bán vé máy bay... để lừa đảo, với chiêu bài bán, thanh lý combo nghỉ dưỡng hay vé máy bay giá rẻ.

Bẫy lừa từ mạng xã hội

Có thể nói, nhu cầu du lịch đang dần trở nên thiết yếu đối với nhiều gia đình mỗi dịp hè đến. Thời đại công nghệ 4.0, nhiều người tiêu dùng vẫn có thói quen tìm kiếm thông tin các tour du lịch, vé máy bay giá rẻ hay “săn sale” các voucher giảm giá trên mạng. Quả thật chỉ cần lên mạng xã hội gõ cụm từ “voucher du lịch” sẽ cho ra một loạt hội nhóm rao bán, thanh lý voucher khách sạn, resort, du lịch giá rẻ. Muốn nghỉ dưỡng ở đâu, xa, gần, trong nước, hay ngoài nước... trên mạng đều có đủ. Lợi dụng việc này, nhiều cá nhân, tổ chức đã dùng các chiêu trò tinh vi, tung các thông tin “siêu giảm giá” 30-50% so với giá gốc, thậm chí miễn phí để lừa đảo khách hàng. Thực tế, rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo trên. Khi người tiêu dùng phát hiện ra bị kẻ lừa đảo chiếm đoạt tiền thì chúng đã cao chạy xa bay.

Những ngày qua, cộng đồng mạng lan truyền hình ảnh một khách sạn đẹp như “chốn bồng lai tiên cảnh” ở vịnh Hạ Long. Theo bài quảng cáo, đó là “Fantasy Ha Long Bay” - “khách sạn có vị thế lưng tựa núi, nằm bên trong vùng lõi của di sản. Du khách có thể ngắm toàn cảnh vịnh nhờ thiết kế cửa kính 360 độ. Tại tầng 5 của khách sạn còn có một hồ bơi lớn. Thiết kế giếng trời đón ánh sáng ngập tràn không gian bên trong toàn khách sạn...”.

Cảnh giác với chiêu trò du lịch giá rẻ -0
Đối tượng Vi Đức Quang tại cơ quan Công an. Ảnh: Công an tỉnh Bắc Giang

Bài viết nhận được hàng ngàn bình luận, lượt thích và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, kèm theo những lời ca ngợi như một siêu phẩm du lịch của Hạ Long. Nhiều người còn bình luận hỏi thông tin để đặt phòng. Nhưng, trên thực tế đây chỉ là hình ảnh 3D thiết kế khách sạn được một trang mạng xã hội của đại lý du lịch đăng tải.

UBND TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã phải phát đi văn bản đề nghị cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm người đăng thông tin không đúng sự thật về khách sạn “Fantasy Ha Long Bay”. UBND TP Hạ Long khẳng định, thông tin trên không đúng sự thật, trên địa bàn không có quy hoạch nào được phê duyệt liên quan đến dự án có tên “Fantasy Ha Long Bay” đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành không sử dụng các hình ảnh không đúng sự thật về các sản phẩm du lịch để "câu like, câu view", bán phòng nghỉ, voucher du lịch và đề nghị người dân, du khách cảnh giác trước các thông tin không đúng sự thật, tránh để các đối tượng lừa đảo bán phòng nghỉ, voucher du lịch không có thật.

Trước đó, mạng xã hội xôn xao trường hợp anh P.N.L (Hà Nội) bị lừa đảo khi mua voucher du thuyền Hạ Long 5 sao. Theo anh L, tháng 4/2023, anh thấy thông tin quảng cáo “Chương trình khuyến mại du thuyền Hạ Long Ambassador 5 sao, 3 ngày 2 đêm với giá chỉ 1.999K/khách” của một fanpage giống hệt của du thuyền Hạ Long Ambassador anh từng tham khảo. Thấy giá quá hời vì bình thường, du thuyền này có mức giá khá cao - 7,9 triệu đồng/người nên anh không ngần ngại liên hệ đặt tour cho 9 thành viên, với tổng số tiền là 14 triệu đồng. Để giữ voucher cho chuyến đi vào tháng 5/2023, tư vấn viên yêu cầu anh phải chuyển khoản 50% để đặt cọc. Sau khi chuyển tiền, anh L phát hiện đã bị fanpage chặn tài khoản. Nghi ngờ bị lừa, anh liên hệ đến một đơn vị cung cấp loại hình tương tự thì được biết, không có đơn vị nào bán voucher với mức giá như trên. Email đã xác thực thanh toán cũng không còn phản hồi. Lúc này, anh L mới biết mình đã mua phải voucher “ảo”.

Chính quản lý của du thuyền Ambassador Hạ Long (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) đã phải lên mạng cảnh báo việc du thuyền Ambassador liên tục bị giả mạo trong thời gian gần đây và cảnh báo khách hàng thận trọng.

Cũng nhu cầu đưa cả gia đình du lịch Vinpearl Nha Trang, anh P.V.M (Hải Phòng) đã đặt phòng qua một đối tượng chuyên quảng bá voucher du lịch giá rẻ trên một hội nhóm. Tin tưởng lời mời chào của đối tượng này, anh đã chuyển trước 13,5 triệu đồng tiền phòng vì theo nguyên tắc đặt phòng khách sạn phải chuyển khoản 100%. Đúng ngày giờ, gia đình anh đáp máy bay vào Vinpearl Nha Trang nhưng lúc check phòng thì anh vô cùng bất ngờ khi lễ tân báo anh chưa thanh toán tiền phòng. Cả anh và lễ tân gọi cho đối tượng kia thì không bắt máy. Lễ tân còn cho anh biết, số điện thoại anh và lễ tân gọi cũng từng lừa một người y như trường hợp của anh. Tình hình cấp bách, anh buộc phải đặt lại phòng và thanh toán, còn số tiền kia coi như mất trắng. Đó cũng là kì nghỉ đáng nhớ của gia đình anh khi phải thanh toán giá trị tiền phòng đắt gấp đôi bình thường.

Cảnh giác với chiêu trò du lịch giá rẻ -0
Nhóm đối tượng lừa bán vé máy bay giá rẻ bị cơ quan Công an bắt giữ. Ảnh: Công an tỉnh Bắc Giang

Chị B.L (Hà Nội) cũng bức xúc cho biết, bạn chị vừa cùng gia đình chồng từ Hàn Quốc trở về Việt Nam du lịch cũng đặt tour qua một đối tượng trên mạng để đi du lịch Phú Quốc. “Lúc đầu, khi tư vấn, bạn này nói bạn mình chuyển 50% cọc trước nhưng khi chuyển xong lại báo chuyển cọc thêm 50% nữa với lý do tạp vụ báo phải thanh toán đủ mới làm được thủ tục. Bạn mình thì tin người, lại đang ở nước ngoài nên không gọi check thông tin, số điện thoại, thế là chuyển luôn 100% số tiền cọc 10 triệu đồng và sau khi chuyển xong, đối tượng chặn luôn bạn mình. Số tiền tuy không lớn nhưng rất ức chế vì bọn mình hoàn toàn tin tưởng mới đặt cọc trước. Ai ngờ bị lừa đau đớn”, chị L bức xúc cho biết.

Người dân cần nâng cao cảnh giác

Cuối tháng 4/2023, Công an tỉnh Bắc Giang đã triệt phá một đường dây lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ. Cầm đầu là đối tượng Vi Đức Quang, 25 tuổi, trú tại xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Đối tượng Quang đã lợi dụng mạng Internet để tổ chức thực hiện việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức bán vé máy bay qua mạng.

Theo đó, vào khoảng tháng 12/2022, qua tìm hiểu trên mạng xã hội và trên mạng Internet, Vi Đức Quang biết nhiều người có nhu cầu đặt vé máy bay online nên có ý định lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa bán vé máy bay. Đánh vào tâm lý khách hàng muốn mua vé máy bay giá rẻ nên Quang lập ra trang web bán vé máy bay giảm 20% so với các đại lý khác để lừa đảo. Ban đầu, Quang thuê người lập trình và quản lý website: https://airbamboobooking.co m" và tạo 7 fanpage rồi chạy quảng cáo trên mạng xã hội Facebook.

Để quản lý và tư vấn bán vé máy bay qua các fanpage cho khách hàng nhắn tin đến, Quang đã tải và cài đặt ứng dụng trực tuyến trên điện thoại rồi thuê các đối tượng: Nguyễn Thị Mỹ Trang (29 tuổi, trú tại phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, Bình Dương), Vi Thị Thu Huyền (22 tuổi, trú tại phường Hiệp Thành, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương), Lê Thị Thu Hiền (22 tuổi, trú tại phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, Bình Dương), Vi Thị Thu Huyền (20 tuổi, trú tại xã Long Nguyên, huyện Bàu Bản, Bình Dương) là em ruột vợ Quang làm nhiệm vụ hằng ngày vào kiểm tra các tin nhắn của khách hàng có nhu cầu đặt vé trên fanpage, lấy số điện thoại liên lạc, thông tin khách hàng rồi gửi cho Vi Thị Thùy Linh (là vợ của Quang) tư vấn.

Sau khi nhận thông tin, Linh sử dụng tài khoản Zalo mang tên "Hỗ Trợ Săn Vé Toàn Quốc" kết bạn trên Zalo rồi truy cập ứng dụng "Traveloka" (ứng dụng miễn phí để tra cứu thông tin liên quan đến du lịch), lấy thông tin chuyến bay theo yêu cầu để tư vấn và báo giá cho khách hàng. Khách hàng đồng ý, Linh sẽ tạo mã đặt chỗ giả gửi cho khách để họ sử dụng mã này truy cập website https://airbamboobooking.co m kiểm tra.

Kiểm tra thấy đầy đủ thông tin chuyến bay, khách sẽ chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng Quang. Sau khi đã nhận được tiền, Linh hủy kết bạn Zalo và chặn liên lạc để chiếm đoạt số tiền khách chuyển. Các đối tượng làm cho Quang sẽ được hưởng 10% trên số tiền lừa đảo chiếm đoạt của khách do mình giới thiệu, tư vấn thành công. Từ lúc lừa đảo đến khi bị bắt, Quang và nhóm đối tượng đã chiếm đoạt của khoảng 200 khách hàng với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Chị Bùi Khánh Ly, giám đốc một công ty lữ hành ở Hà Nội cho biết: “Tour du lịch giá rẻ hay vé máy bay giá rẻ là có, các công ty du lịch cũng như các khách sạn, rồi các du thuyền và các hãng hàng không cũng tung ra khá nhiều vé giá rẻ, nhưng chỉ tồn tại trong thời gian COVID-19 khó khăn thôi. Hiện nay du lịch đã mở cửa trở lại, nếu đi chơi ở các điểm “hot” vào mùa cao điểm du lịch thì việc giảm giá là rất ít, vì vậy du khách cần hết sức cảnh giác”.

Cũng theo chị Ly, mùa du lịch đang ngày càng nóng nhưng để tránh tiền mất tật mang, tốt nhất là du khách nên đến tận nơi có trụ sở, chi nhánh của các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành có uy tín để đặt tour. Nếu vẫn muốn giao dịch trực tuyến, tìm kiếm trên mạng, trước khi chuyển tiền hãy tìm được số điện thoại công bố trên các website chính thống của các đơn vị lữ hành, của đơn vị lưu trú hay hãng bay để xác nhận các voucher, các chương trình khuyến mại. Nếu đặt tour qua các cá nhân tự xưng là nhân viên của các công ty du lịch thì trước khi chuyển tiền mua tour phải yêu cầu hợp đồng công ty, có dấu chữ ký của giám đốc và thực hiện các biện pháp tra cứu để biết được rõ tư cách pháp nhân của công ty du lịch như website công ty, tên miền, hồ sơ đăng ký kinh doanh, địa chỉ, mã số thuế... để xác thực, tránh rủi ro mất tiền.

Trước thực trạng lừa đảo du lịch đang diễn ra hết sức tinh vi trên không gian mạng, nhất là vào các thời điểm nghỉ lễ và nghỉ hè, Bộ Công an đã phát đi cảnh báo 5 phương thức, thủ đoạn lừa đảo mùa du lịch:

Đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (từ 30-50% giá trị) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn, từ đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc.

Đăng bài viết quảng cao dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Sau khi nạn nhân chuyển khoản chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ... Sau đó lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền.

Làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch, các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.

Làm giả/chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức. Đối tượng có thể sử dụng công nghệ Deep[1]fake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hệt như hình ảnh của người mà các đối tượng muốn giả mạo) và thực hiện cuộc gọi video (hình ảnh) để nạn nhân tưởng rằng đang nói chuyện với người thân của mình và nhu cầu vay tiền là có thật, từ đó chuyển tiền cho các đối tượng.

Các đối tượng mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng. Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất ra vé máy bay và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.

Mai Ngọc
.
.