Coi chừng “sập bẫy” nhà mạng dỏm

Thứ Sáu, 31/03/2023, 08:20

Nhân việc các doanh nghiệp viễn thông sẽ tạm dừng hoạt động của thuê bao nếu không chuẩn hóa thông tin cá nhân sau khi đối soát thông tin với cơ sở dữ liệu dân cư và có thông báo đến khách hàng. Lợi dụng vấn đề này, các đối tượng xấu đã gia tăng hoạt động chiếm đoạt thông tin cá nhân bằng những cuộc gọi giả mạo, khiến cho nhiều nạn nhân vẫn hồn nhiên “sập bẫy...”.

Chiêu độc từ nhà mạng “dỏm"

Thời gian gần đây, bà Trần Thị Lương (60 tuổi, quê Phú Thọ, tạm trú xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) liên tục nhận được các cuộc gọi từ “nhà mạng” yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân gồm: Họ, tên khai sinh, số căn cước công dân, hộ khẩu thường trú và số thẻ ngân hàng để “nhà mạng” thực hiện thủ tục chuẩn hóa thông tin với căn cước công dân gắn chip.

Bà Lương làm nghề bán rau, gần 10 năm nay chỉ dùng một số điện thoại duy nhất. Nghe nhân viên “nhà mạng” yêu cầu cung cấp thông tin bà cũng thật thà khai hết và còn nhờ anh chị nhà mạng hỗ trợ giúp vì mình đã có tuổi, không am tường mấy việc kỹ thuật phức tạp như vậy.

Coi chừng “sập bẫy” nhà mạng dỏm -0
Công an làm việc với đối tượng gọi điện thoại lừa đảo tại Tp Hồ Chí Minh.

Trở về nhà, trong bữa cơm tối, bà Lương hỏi vợ chồng con trai có nhận được cuộc gọi “nhà mạng” cung cấp thông tin để gia hạn sim điện thoại hay không? Con trai bà ngơ ngác, hỏi “nhà mạng” nào? Bà Lương kể lại sự việc và được con trai thông báo “bà đã bị lừa”. Ngay sáng hôm sau, con trai bà Lương phải chở mẹ tới nhà mạng chính thống để thông báo sự việc, cũng như đến ngay ngân hàng thực hiện bảo mật tài khoản.

Bà Lương cho biết, thỉnh thoảng vẫn nhận được cuộc gọi của nhân viên nhà mạng thông báo về các gói khuyến mãi cước phí và tư vấn về cách sử dụng hoặc có vấn đề gì về thuê bao thì bà cũng gọi lên tổng đài nhờ hỗ trợ. Nay nhận được cuộc gọi từ “nhà mạng” như thế thì bà tin tưởng tuyệt đối, bà đâu biết đó là phường lừa đảo.

Trước mánh khóe và chiêu thức trên, không chỉ bà Lương mà rất nhiều người bị đánh cắp thông tin cá nhân qua cuộc gọi từ nhà mạng dỏm. Trong đó, nạn nhân phần lớn thuộc nhóm đối tượng làm nghề lao động tự do, công nhân, buôn bán, nội trợ...

Coi chừng “sập bẫy” nhà mạng dỏm -0
Nhiều người nhận được cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo việc khóa sim.

Câu chuyện của bà Lương còn bi hài hơn ở phần sau. Theo đó, khi được nhân viên dỏm lấy thông tin và nhiệt tình “giúp đỡ” cập nhật trên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, bà Lương đi khoe ngay với những bạn hàng của mình. Lo sợ bị khóa sim điện thoại sẽ mất kênh liên lạc bán buôn, các bà đồng loạt nhờ bà Lương nói hộ “nhà mạng” làm giúp. Thế là, thêm hai bà nữa “lọt lưới” của “công ty viễn thông”. Sau khi biết đó là trò lừa đảo, các bà vô cùng lo lắng, mất ăn mất ngủ.

Bà Lương vẫn thuộc hàng tỉnh táo và khắc phục được hậu quả kịp thời nhờ con trai nhanh trí. Có nhiều trường hợp cay đắng mất cả tài sản. Như ông Trần Công Minh (56 tuổi, chạy xe ôm trước cổng trường Đại học Tôn Đức Thắng, Q.7, TP Hồ Chí Minh) vẫn chưa lấy lại được tinh thần suốt mấy ngày nay, khi mất sạch số tiền tiết kiệm trong thẻ ngân hàng.

Một tuần trước, ông Minh nhận được cuộc gọi nhân viên nhà mạng viễn thông thông báo thuê bao điện thoại của ông đến ngày 31/3 này sẽ bị khóa hai chiều do ông chưa cập nhật thông tin lên hệ thống dữ liệu dân cư, số thuê bao không khớp với thông tin của căn cước công dân. Ông Minh xem tivi và đọc báo có nghe đến vấn đề này nhưng chưa biết phải làm gì để chuẩn hóa được thông tin của mình. Ông dự định sẽ tìm đến công ty viễn thông để hỏi thì nay nhận được sự hỗ trợ của “nhà mạng” khiến ông tin ngay. Ông nhiệt tình đọc vanh vách các thông tin cá nhân của mình cho nhân viên tổng đài và vui vẻ đọc luôn cả số tài khoản ngân hàng.

Sau cuộc gọi, điện thoại ông Minh nhận được tin nhắn truy cập vào đường link để chuẩn hóa thông tin. Nhân viên hướng dẫn, ông chỉ cần bấm vào các đường link rồi chọn “cập nhật” và “hoàn thành” là xong. Ông Minh chăm chú làm theo từng bước trên link hướng dẫn cho đến khi nhận được tin nhắn từ ngân hàng thông báo số dư trong tài khoản bằng “0” thì ông mới giật mình. Ông ngơ ngác kéo một em sinh viên lại hỏi “tại sao chú đăng nhập chuẩn hóa thông tin mà lại trừ hết tiền trong tài khoản”.

Cậu sinh viên xem xong thương xót báo rằng, ông đã bị kẻ xấu lừa. Các thao tác ông thực hiện vừa rồi chính là cung cấp thông tin, truy cập tài khoản cá nhân và lệnh chuyển tiền, không liên quan đến nhà mạng nào cả. Ông Minh thẫn thờ muốn khuỵu xuống, lòng đau như dao cứa, vừa uất nghẹn lại vừa tuyệt vọng.

Coi chừng “sập bẫy” nhà mạng dỏm -0
Thông tin chuẩn hóa thuê bao di động được thông báo chính thống từ nhà mạng.

Chiêu lừa cũ, kịch bản mới

Thời gian qua, rất nhiều người nhận được cuộc gọi theo hình thức “chuẩn hóa thuê bao”. Thực tế, đây không phải là chiêu lừa đảo mới, đối tượng dùng phương thức quen thuộc nhưng áp dụng vào đúng thời điểm, đánh trúng nhu cầu và tâm lý của một bộ phận người dân. Một số người hiểu biết pháp luật, có kiến thức xã hội hoàn toàn tránh được cái bẫy này. Anh Nguyễn Ngọc Lành, nhân viên kỹ thuật công ty điện máy Sài Gòn cho biết, bản thân anh nhận được 2 cuộc gọi từ nhà mạng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Đã có sự cảnh giác cao độ, anh Lành nhận ra ngay đây là cuộc gọi lừa đảo nên đã đưa ra vài câu hỏi “thẩm tra” lại nhân viên. Nhận thấy không lừa được, đầu dây bên kia cúp máy rất nhanh. Tương tự, chị Lê Thị Thu Xuân, kế toán công ty nhân lực SNC Q.8, TP Hồ Chí Minh nhận được cuộc gọi hù dọa số thuê bao của chị sẽ bị cắt trong vòng một tuần nữa. Chị Xuân nhìn thấy cuộc gọi đến là số điện thoại di động chứ không phải điện thoại bàn nên nghi ngờ ngay. Chị hỏi lại nhân viên “tại sao nhà mạng không dùng số cố định hay số tổng đài mà lại gọi bằng số cá nhân”. Đầu dây bên kia khẳng định, đây là số của công ty, vì thời gian này đang quá tải nên công ty phải cung cấp nhiều đầu số để phục vụ nhu cầu chuẩn hóa thuê bao cho khách hàng. Chị Xuân nói nhân viên chờ máy để mình gọi điện lên công ty xác minh rồi mới cung cấp thông tin. Nghe đến đây, đầu dây bên kia chỉ còn tiếng “tút tút”.

Chị Xuân cho biết, bản thân từng bị lừa một lần bằng hình thức này nên rất cảnh giác và tỉnh táo. “Các cuộc gọi bên ngoài đến với đầu số lạ mà trước đó mình không hề tương tác hoặc giao dịch thì tỷ lệ lừa đảo rất cao. Tôi sẽ phải hỏi lại thật kỹ người gọi điện, chỉ cần nghe họ trả lời là biết lừa đảo hay không”, chị Xuân chia sẻ. 

Ông Huỳnh Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin NSB cho biết, với quy định được các cơ quan quản lý đưa ra thì thông tin thuê bao phải trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư, điều này sẽ gây bối rối cho đa số người sử dụng.

Bởi lẽ, thuê bao đã sử dụng từ rất lâu, các thông tin đăng ký như số chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú có thể không còn đúng với các thông tin mới nhất được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu dân cư. Ví dụ như đã bỏ chứng minh nhân dân cũ và thay bằng số căn cước công dân mới, hộ khẩu thường trú cũng có thể thay đổi trong quá trình sinh sống... Khi không biết thông tin của mình có trùng khớp hay không, người dùng sẽ có tâm lý chờ đợi để xem mình có nhận được tin nhắn thông báo từ nhà mạng hay không.

Coi chừng “sập bẫy” nhà mạng dỏm -0
Một “hang ổ” lừa đảo bằng chiêu gọi điện thoại bị Công an Tp Hồ Chí Minh triệt phá cuối năm 2022.

Với sự bất an như vậy, có thể dễ bị kẻ xấu lợi dụng để gửi các tin nhắn giả mạo, lừa đảo như kích hoạt lại SIM, đăng ký lại thông tin, từ đó có thể bị mất SIM, mất thông tin cá nhân... Các chiêu này thực tế đã có từ lâu nhưng liên tục được thay đổi kịch bản khiến người dùng không lường trước.

Trước tình trạng trên, Công an TP Hồ Chí Minh đã phát đi thông báo cảnh báo người dân về thủ đoạn gọi điện thoại đe dọa khóa sim để lừa đảo. Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian gần đây có thông tin phản ánh về việc một số người dân nhận được cuộc gọi thông báo về tình trạng khóa sim điện thoại (sau ngày 31/3/2023) và yêu cầu thực hiện các thủ tục khai báo thông tin cá nhân bằng cách ấn phím điện thoại và làm theo hướng dẫn. Đây không phải là cách thức cảnh báo, thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao của các nhà mạng và có thể coi là một thủ đoạn nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân của người dùng.

Thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai nhiều biện pháp kết nối dữ liệu thông tin thuê bao của doanh nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phát hiện còn nhiều trường hợp thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, nhất là giải quyết tình trạng sử dụng sim thuê bao di động không đúng quy định, các doanh nghiệp viễn thông sẽ gửi tin nhắn cho những thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin cá nhân ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất 1 lần để đề nghị cập nhật dữ liệu.

Thuê bao sẽ bị dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày kể từ ngày nhận thông báo; dừng hai chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày tiếp theo; 30 ngày sau khi bị dừng hai chiều, nếu vẫn không thực hiện chuẩn hóa thông tin sẽ chấm dứt hợp đồng thuê bao.

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, việc rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao của người sử dụng là cần thiết, góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng sim điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật... Vì vậy, Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, không cung cấp, tiết lộ thông tin cá nhân theo các phương thức trên. Khi người dân có nhu cầu chuẩn hóa thông tin thuê bao, cần liên hệ nhà mạng để thực hiện theo đúng quy định.

Ngọc Thiện
.
.