Cuộc chiến với vàng tặc trong rừng Amazon

Thứ Sáu, 06/05/2022, 21:53

Những năm gần đây là thời kỳ khó khăn cùng cực đối với các cộng đồng thổ dân tại Brazil. Cuộc sống vốn đã khó khăn vì hạn hán, lũ lụt, cháy rừng,… liên tiếp xảy ra; giờ đây họ còn phải đối mặt với vấn nạn vàng tặc. Những cánh rừng, khúc sông thiêng liêng với họ đang hằng ngày bị phá hoại vì cơn sốt vàng.

Cơn sốt vàng đang phá nát rừng già

Khu bảo tồn Raposa Serra do Sol, bang Roraima, Brazil cách không xa đường biên giới giữa nước này với Guyana và Venezuela. Chiếm phần lớn diện tích khu bảo tồn là những trảng cỏ rộng lớn nằm ở bìa rừng Amazon. Hiện có khoảng 26.000 người thuộc năm nhóm thổ dân khác nhau sống ở Raposa Serra do Sol, phần lớn là người Macuxi. Họ coi khu bảo tồn là mảnh đất thiêng bởi có đỉnh núi Serra do Atola là nơi con người  giao tiếp với thần linh.

ca.jpg -0
Cả một khoảng rừng bị phá hỏng vì nạn khai thác vàng trái phép

Vì tầm quan trọng đối với đức tin của người Macuxi nên Chính phủ Brazil không cho phép khai thác vàng tại bang Roraima. Nhưng từ nhiều năm nay vàng tặc vẫn ngang nhiên đào bới trong khu bảo tồn. Vào tháng 3-2022, quân đội, cảnh sát và cơ quan môi trường Brazil đã tiến hành đột kích vào một trại khai thác vàng trên núi Serra do Atola, bắt giữ 400 công nhân đồng thời đánh sập nhiều hố đào, đãi vàng. Công việc khử độc thủy ngân trên đất đào vàng hiện vẫn còn đang diễn ra.

Ông Edinho Batista Macuxi, lãnh đạo hội đồng dân tộc thiểu số Roraima cho biết: “Khu trại đào vàng cảnh sát triệt phá mới chỉ là một. Chúng tôi ước tính có đến 2.000 cơ sở như thế. Đấy là chưa kể vàng tặc đến đâu là rượu chè, ma túy và mại dâm đi theo đến đó.

Theo điều tra của phóng viên hãng tin AP tại hai ngôi làng Maturuca và Waromada trong khu bảo tồn thì việc đào vàng trái phép vẫn đang diễn ra ngày đêm. Các trại vàng hoạt động ngày đêm không nghỉ bên bờ sông Ireng. Những toán vàng tặc càng ngày đi sâu vào trong rừng để tìm những mạch vàng mới. Trên bản đồ vệ tinh có thể nhìn thấy cả một diện tích rộng mang màu xám ngắt vì rừng bị chặt hạ và đất nhiễm độc thủy ngân.

Sau nhiều lần tiến hành đột kích và thu giữ máy móc, cảnh sát Brazil mới nhận ra họ vẫn không thể ngăn chặn vàng tặc bởi vừa đánh sập một trại thì chỉ vài ngày sau lại có hai trại mới được dựng lên. Cảnh sát quay ra tấn công mạng lưới vận chuyển vàng. Do người dân và chính quyền đặt chốt tại những con đường ra vào khu bảo tồn nên các băng đào vàng đã chuyển sang sử dụng máy bay để chuyển hàng. Đầu năm nay, cảnh sát đã bắt giữ được 20 chiếc máy bay trực thăng được dùng để vận chuyển vàng lậu.

Cuộc chiến với vàng tặc trong rừng Amazon -0
Những mẩu vàng lậu được vàng tặc bán cho các đầu mối thu mua

Ai đang đứng sau những khu mỏ quy mô lớn như vậy. Theo ông Edinho Macuxi thì: “Không thiếu người ngoài dòm ngó vào khu bảo tồn. Mảnh đất này có rừng, có vàng, ai cũng muốn độc chiếm lấy nó. Máy móc khai thác đều thuộc về những ông chủ đất và chính trị gia sống trong vùng. Họ lấy 25% lợi nhuận bán vàng rồi trả 4% cho những làng có đất bị khai mỏ, và 71% cho công nhân”.

Ông Edinho Macuxi cung cấp cho phóng viên một số báo cáo nội bộ của cảnh sát về vụ bắt giữ 20 chiếc máy bay. Các máy bay này đều đứng tên vợ con, họ hàng, bạn bè của những chính trị gia trong chính quyền bang. Lợi nhuận thu được sẽ bị họ đem rửa tiền tại các khách sạn, resort, nhà hàng,… trên đảo Boa Vista thuộc quần đảo Cape Verde. Interpol đã ra nhiều cảnh báo về mối liên hệ giữa Boa Vista và các tổ chức tội phạm có tổ chức lẫn mạng lưới rửa tiền quốc tế.

Đáng lo ngại hơn là cả những doanh nghiệp hợp pháp cũng đang tham gia đường dây khai thác vàng trái phép. Tập đoàn Icaraí Turismo Táxi Aéreo được chính phủ hợp đồng điều hành hệ thống xe buýt và xe cứu thương trong khu bảo tồn. Họ lại lén lút dùng xe để chở vàng ra khỏi khu bảo tồn. Cảnh sát đã phong tỏa khối tài sản 1,7 triệu USD của Icaraí Turismo Táxi Aéreo vì cho số tiền này là lợi nhuận từ việc buôn lậu vàng.

Một ví dụ khác có liên quan trực tiếp đến Thế vận hội Olympics 2016 diễn ra tại Rio de Janeiro. Nước chủ nhà tuyên bố rằng những chiếc huy chương vàng được đúc từ vàng khai thác hợp pháp. Nhưng kết quả chụp X-quang cho thấy trong những chiếc huy chương có chứa thành phần bạc và thủy ngân “bẩn”. Những tên vàng tặc hay nấu chảy kính vỡ để lấy thủy ngân và bạc dùng trong việc đãi vàng. Loại vàng pha tạp chất này rất dễ gây kích ứng nếu tiếp xúc với da người trong thời gian dài.

Sau vụ scandal huy chương, Chính phủ Brazil buộc phải mở cuộc điều tra tập đoàn khai thác khoáng sản Marsan, nhà cung cấp vàng cho thế vận hội Olympics. Những nhà điều tra phát hiện ra Marsan bí mật mua gom vàng khai thác trái phép rồi sau đó làm giả giấy tờ nguồn gốc xuất xứ của số vàng này. Không chỉ mỗi huy chương Olympics mà vàng “bẩn” từ Marsan có trong cả sản phẩm công nghệ cao của các tập đoàn Microsoft, Tesla và Amazon.

Cái giá phải trả

Cuộc sống của thổ dân đang bị đặt vào vòng nguy hiểm bởi hoạt động khai thác vàng lậu. Trước hết là việc họ bị mất đất sản xuất. Già làng Maturuca kể với phóng viên: “Họ đào vàng trên những đồng cỏ mà chúng tôi vẫn chăn gia súc. Các cánh rừng chúng tôi trồng cũng bị họ chặt hạ hết. Các gia đình trong làng chịu đói do không làm ăn được gì vì họ”.

Cuộc chiến với vàng tặc trong rừng Amazon -0
Một trại khai thác vàng trái phép bên sông Ireng đoạn chảy qua khu bảo tồn Raposa Serra do Sol

“Cày nát” phần đất mà người dân dùng để sản xuất chưa đủ, vàng tặc còn động đến cả các mảnh đất mang giá trị tâm linh với người dân bản địa. Họ biến sườn núi thiêng Serra de Atola thành một công trường khai thác vàng nham nhở vì nổ mìn phá đá, nào là máy xúc, máy gàu hạng nặng,... Dưới chân núi là cả một “thị trấn lều” gồm những cửa hàng phục vụ cho công nhân khai thác vàng. Không khó gì để nhìn thấy cái bóng của các cô gái điếm và những tên ma cô lượn lờ quanh khu lều. Một phần vì dịch COVID-19, một phần vì vàng tặc mà từ nhiều năm nay người Macuxi không còn dám lên núi làm lễ nữa.

Một đoàn bác sỹ của các chính phủ và tổ chức UNICEF đã đến khảo sát Raposa Serra do Sol. Kết quả xét nghiệm cho thấy 48,1% trẻ em sống tại khu bảo tồn có hàm lượng chì và thủy ngân trong máu cao quá mức an toàn. Nhiều em đang đứng trước nguy cơ bị mù mắt, truỵ tim và hỏng thận vĩnh viễn.

Trước sự bất lực của chính quyền, người dân đã hành động theo cách của mình. Họ tự tổ chức lập rào chắn và đặt các chốt kiểm soát tại những tuyến đường ra vào khu bảo tồn. Từ đây đã nổ ra những cuộc ẩu đả giữa người dân và vàng tặc. Tháng 6-2021, đã xảy ra đụng độ giữa một nhóm vàng tặc với dân làng Waromada. Thanh niên trong làng xông vào trại vàng định phá lều bạt, máy móc đào vàng. Các đối tượng vàng tặc dùng súng bắn vào dân làng khiến một người chết, sáu người khác bị thương. Sau đó chúng còn kéo đến tận làng Waromada hành hung một số người dân khác và đốt trụi hai căn nhà. Ông Antenor Enzo Silva, cha một thanh niên bị vàng tặc đánh chết kể về cái chết của con trai mình rằng: “Con tôi được làng phân nhiệm vụ canh chốt chặn đường. Buổi tối hôm ấy nhà tôi đang ngủ thì nghe thấy tiếng súng. Lúc chúng tôi chạy ra chốt chặn thì con tôi đã chết rồi. Có người bắn hai phát vào ngực nó, sau đó dùng xe đâm thẳng qua hàng rào. Cảnh sát vẫn chưa tìm được kẻ đã giết con tôi”.

Cảnh sát khi triệt phá các trại vàng đã thu giữ được một số súng đạn. Những thứ vũ khí này là để các nhóm vàng tặc bảo vệ khu khai thác của mình khỏi đối thủ cạnh tranh và người dân.

Tương lai mù mịt

Một điều tra viên tại Sở Cảnh sát bang Roraima phàn nàn: “Những kẻ đứng sau hoạt động đào vàng đều giữ quyền lực chính trị ở địa phương nên viện kiểm sát không dám làm mạnh. Vì vậy nhiều vụ dù có chứng cứ có trong tay nhưng chúng tôi chỉ xử phạt hành chính chứ không thể khởi tố.

Cuộc chiến với vàng tặc trong rừng Amazon -0
Ngôi làng của dân tộc Macuxi tại khu bảo tồn Raposa Serra do Sol ở Brazil

Quyền hạn của cảnh sát Brazil vốn đã ít ỏi như vậy lại càng bị thu hẹp lại dưới thời Tổng thống Jair Bolsonaro. Kể từ khi nhậm chức đến giờ, ông Bolsonaro đã đưa ra nhiều quyết định nới lỏng luật khai thác khoáng sản.

Cảnh sát không được phép thu giữ máy móc khai thác vô thời hạn nữa mà phải trả lại cho chủ sở hữu sau một khoảng thời gian. Mới đây nhất, ông Bolsonaro và đảng của mình đã bỏ phiếu phủ quyết dự án đưa Raposa Serra do Sol vào diện khu bảo tồn đặc biệt và cấp kinh phí phục hồi rừng. Lý do được tổng thống đưa ra là “Thổ dân cứ bám vào rừng mãi thì không giàu được”.

Cuộc chiến với vàng tặc trong rừng Amazon -0
Những tên vàng tặc đang phá hỏng môi trường và cuộc sống nhiều thổ dân Brazil

Giáo sư Mark Pieth tại trường Đại học Basel (Thuỵ Sỹ), một chuyên gia về các hoạt động khai thác khoáng sản, nhận xét: “Chủ đất và các công ty khai mỏ là hai nhóm cử tri quan trọng của Tổng thống Jair Bolsonaro. Việc ông Bolsonaro nới lỏng việc khai thác vàng nói riêng và khai thác khoáng sản nói chung thực chất là nhằm mua phiếu bầu. Hành động thiển cận này cần phải chấm dứt ngay lập tức, bằng không rừng Amazon và các cộng đồng thiểu số sống trong rừng sẽ còn chịu nguy hiểm”.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.