Hàng loạt “cháu ông chú ở Viettel” bị bắt giam

Thứ Hai, 19/01/2015, 21:15
Phòng PC50 Công an TP Hà Nội vừa đánh sập hàng chục trang web lừa đảo nạp thẻ cào điện thoại nhận khuyến mãi khủng. Với thủ đoạn tự xưng là "cháu ông chú ở Viettel, bà cô ở MobiFone, bà chị ở Vinaphone"… Tung thông tin khuyến mại của các nhà mạng không có thật, chỉ trong một thời gian ngắn, các đối tượng đã chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của những người nhẹ dạ…

"Ông chú ở Viettel" hoành hành facebook

Cụm từ "ông chú ở Viettel" có lẽ không còn xa lạ với người sử dụng facebook Việt Nam trong năm 2014. Rất nhiều người bất ngờ nhận được tin nhắn inbox hoặc được một người khác tag lên tường tin nhắn mạng di động Viettel khuyến mãi "khủng" gấp 10 lần giá trị thẻ cào:

"Theo thông tin mới lộ ra do người chú của mình làm ở Viettel cho biết thì Viettel đang có chương trình khuyến mãi đặc biệt... Kỷ niệm 10 năm thành lập, Tập đoàn Viettel khuyến mãi x10 giá trị thẻ nạp cho nhân viên trong công ty của Viettel. Tin này chỉ trong Viettel mới biết nha. Chú mình đã bảo mình làm ngay và mình vừa nạp một cái thẻ 50k thử trước thấy được. Mình mua thêm một cái thẻ 50k nạp tiếp, tài khoản của mình hiện tại là 1 triệu tẹt ga rùi zui thiệt. Mình chụp ảnh màn hình luôn rồi nè, mình nghĩ nên chia sẻ cho mọi người cùng biết cách làm chi tiết như sau: B1 - Chuẩn bị một thẻ Viettel 50k, 100k, 200k, 500k tùy ý bạn và cào lấy mã thẻ. B2 - Bấm * 103 * 8416681…. * mã thẻ # OK (gọi). Trong đó (103 là đầu số khuyến mãi của Viettel, 8416681….. là dãy số bí mật dùng để xác nhận là nhân viên của Viettel được hưởng khuyến mãi, nhớ bỏ dấu cách nhé)".

Tuy nhiên, khi làm theo hướng dẫn trên, người dùng điện thoại di động không những không nhận được tiền khuyến mại mà còn bị mất luôn số tiền trong thẻ cào.

Chiêu lừa "ông chú ở Viettel" hoành hành người dùng facebook suốt một thời gian dài và được BKAV xếp vào top 3 chiêu lừa phổ biến nhất trong năm 2014. Khi chiêu trò này được lật tẩy và cảnh báo cho người dân, ngay những ngày đầu năm 2015, thủ đoạn lừa đảo nạp thẻ điện thoại tiếp tục tái diễn.

Lần này, các đối tượng tiết lộ "có bà chị làm ở Vinaphone, bà cô làm ở MobiFone thông báo chương trình khuyến mại nội bộ với mức khuyến mại cũng gấp 10-20 lần so với số tiền nạp thẻ, sau đó hướng dẫn người nhận tin vào một số trang web để thực hiện việc nạp thẻ kèm theo lời nhắn: "Đây là cơ hội hiếm nên các bạn làm nhanh ngay đi nhé kẻo nhà mạng sẽ nhanh chóng kết thúc chương trình". Sợ nhà mạng "đóng cửa", không ít người cuống cuồng làm theo hướng dẫn và cũng rơi vào cảnh mất tiền cho bọn lừa đảo.

Trước tình trạng lừa đảo nạp thẻ cào điện thoại  ngày càng phát triển, ban đầu từ tin nhắn SMS cho đến việc lập các website, Phòng PC50 Công an Hà Nội đã vào cuộc điều tra, truy tìm những "ông cháu" của "ông chú Viettel" đang giấu mặt.
Mẫu tin nhắn “ông chú ở Viettel” do các đối tượng tung lên mạng để lừa đảo.

Bước đầu, Cơ quan điều tra đã  làm rõ và khởi tố 4 vụ, bắt tạm giam 3 bị can  về hành vi  "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số chiếm đoạt tài sản"  quy định tại Điều 226b-BLHS. Tổng số tiền các đối tượng đã chiếm đoạt lên đến hàng trăm triệu đồng.

"Chân dung" các cháu "ông chú ở Viettel"

Phòng PC50 cho biết, các đối tượng lừa đảo nạp thẻ điện thoại bị bắt giữ đều  rất trẻ, trong độ tuổi 9X, ở nhiều tỉnh, thành. Nhiều đối tượng đang là sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, am hiểu về công nghệ thông tin. Tại Cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận đã lên các diễn đàn về công nghệ thông tin trên mạng Internet để học chiêu lừa này.

Một trong các đối tượng bị PC50 bắt giữ là Đỗ Văn Dũng (SN 1995), ở Đông Hà, Quảng Trị khai nhận: Tháng 10/2014, Dũng truy cập mạng Internet tìm hiểu cách xây dựng các website nạp thẻ điện thoại khuyến mại, cách thức thanh toán tích hợp qua cổng thanh toán Gamebank để lập website lừa khách hàng nạp thẻ cào điện thoại vào rồi chiếm đoạt.

Ngày 13/10/2014, Dũng sử dụng email "daudung74..." tạo tài khoản trên website www.baokim.vn của Công ty CP Thương mại điện tử Bảo Kim sau đó mua tên miền www.napthe3s.com tại Công ty CP GMO Runsytem với giá 179.000 đồng.

Dũng thuê địa chỉ đặt host (máy chủ) của Công ty TNHH Công nghệ điện tử Ánh Sáng Việt và lập 3 tài khoản "stardd3s", "stardd3ss", "stardd3sss" của Công ty CP công nghệ TMĐT RNG - Gamebank rồi tích hợp lên website www.napthe3s.com do Dũng lập ra và giữ quyền quản trị.

Đầu tháng 11/2014,  Dũng đăng tin lên website với nội dung: Nếu khách hàng nạp thẻ cào điện thoại qua website này sẽ nhận được số tiền gấp 10 lần giá trị thẻ nạp, tương đương với mức khuyến mại từ 500-800%.
Đỗ Văn Dũng và Nguyễn Tuấn Anh.

Khi khách hàng vào trang web nói trên thực hiện các bước  nạp thẻ cào của Viettel, Vinaphone, MobiFone theo hướng dẫn trên trang web  (nhập mã số thẻ cào, số serial và số điện thoại), hệ thống sẽ tự động nạp thẻ  vào 3 tài khoản Gamebank  trên của Dũng.

Thấy nhiều người mắc bẫy lừa, giữa tháng 11/2014, Dũng lập thêm website mới tên miền: www.thecao3s.com, tích hợp 2 tài khoản gamebank lên website này. Đến ngày 18/11/2014, các tài khoản trên 2 website do Dũng lập ra đã nhận được hơn 30 triệu đồng từ những người làm theo hướng dẫn "nạp thẻ khuyến mại" trên trang web.

Tương tự như vậy, đầu tháng 11-2014, đối tượng Nguyễn Tuấn Anh (SN 1992, ở tổ 16 Vị Xuyên, Hà Giang) đã lập 2 trang web bugthecao.com và thenapdidong.com, tích hợp lên website thông qua các cổng thanh toán Ngân Lượng, Gamebank, 365PAY rồi đăng tin khuyến mại nạp thẻ cào lên tới 500%. Trong vòng hơn 1 tuần, tài khoản của Tuấn Anh đã nhận được tiền từ 204 thẻ nạp điện thoại với tổng số tiền 8 triệu đồng.

Theo Đại úy Vũ Việt Anh, Đội trưởng Đội 3, PC50, Công an Hà Nội, nhóm đối tượng lừa đảo nạp thẻ điện thoại chủ yếu tung thông tin lừa đảo qua facebook. Thủ đoạn của các đối tượng là nhắn tin spam (thông qua comment) hoặc đăng tin nhắn lừa đảo rồi tag vào các trang facebook kinh doanh online được nhiều người theo dõi; các hội, nhóm đông thành viên trên facebook hoặc hack tài khoản facebook của người khác chiếm quyền điều khiển rồi nhắn tin lừa đảo, tag vào danh sách bạn bè của người bị hack.

Thông tin về "chương trình khuyến mãi" này được đăng tải lên những trang facebook có lượng người theo dõi lớn dưới dạng các bình luận hay trên các diễn đàn có lượng người tham gia đông đảo. Thậm chí nhiều trang facebook "trá hình", mạo danh các ngôi sao, nhân vật nổi tiếng... được lập ra với mục đích lừa đảo cũng thường xuyên đăng tải những nội dung như trên.

Với thủ đoạn này, thông tin lừa đảo được nhân bản tràn lan trên mạng Internet khiến nhiều người mắc bẫy. Các đối tượng chỉ cần ngồi một chỗ cũng kiếm được bộn tiền từ những người nhẹ dạ.

Mắc bẫy vì hám lợi        

Một điều tra viên Phòng PC50 cho biết, trò lừa đảo nạp thẻ điện thoại nhận khuyến mại khủng này xuất hiện đã lâu, các phương tiện thông tin truyền thông đã cảnh báo nhưng ham khoản tiền lớn bỗng nhiên "từ trên trời rơi xuống" nên vẫn nhiều người mắc bẫy.

Mặt khác, những kẻ lừa đảo liên tục thay đổi chiêu trò lừa, biến các mạng xã hội như facebook thành "ma trận" với tràn lan bẫy khuyến mại mạo danh các nhà mạng như Viettel, Vinaphone, MobiFone. Các ứng dụng nhắn tin miễn phí trên di động khác như Zalo, Viber cũng bị những kẻ lừa đảo lợi dụng giăng bẫy khuyến mại nạp thẻ, tin nhắn lừa trúng thưởng tiền và hiện vật của nhà mạng đến người sử dụng.

Đầu năm 2014, Phòng PC50 Công an Hà Nội cũng đã bắt giữ được nhóm đối tượng giả danh cán bộ ngân hàng và cán bộ mạng thông tin di động, lừa đảo tin nhắn trúng thưởng xe máy gồm: Trương Văn Chỉ (SN 1991, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Công nghệ), Trần Xuân Hùng (SN 1994), Nguyễn Tuấn Anh (SN 1991) và Nguyễn Thị Xuân (SN 1957), đều đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Đại úy Vũ Việt Anh khuyến cáo, theo quy định tại Thông tư số 11/2010/BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định hoạt động khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động thì tổng giá trị của dịch vụ, hàng hóa chuyên dùng thông tin di động dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của dịch vụ, hàng hóa chuyên dùng thông tin di động được khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại quy định tại Điều 7 Nghị định 37/2006/NĐ-CP.

Do đó, khi nhận bất kỳ thông tin khuyến mại nào qua điện thoại di động hoặc qua các mạng xã hội, người dùng nên chủ động gọi hỏi tổng đài trực tiếp của nhà mạng đó để biết chính xác nội dung khuyến mại, trúng thưởng có phải lừa đảo hay không.

Hương Vũ
.
.