FIFA “dọn nhà” trước thềm World Cup

Thứ Sáu, 13/05/2022, 11:22

Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã gặp không ít “sóng gió” trong vòng mười năm qua. Hàng loạt những scandal hối lộ, tham nhũng, dàn xếp tỷ số,…bị đưa ra ánh sáng khiến uy tín của FIFA suy giảm nghiêm trọng.

Kỳ World Cup 2022 sắp tới là cơ hội vàng để FIFA lấy lại lòng tin của người hâm mộ lẫn những nhà tài trợ. Tại thời điểm chỉ còn vài tuần nữa là giải vô địch bắt đầu, FIFA đang chạy đua với thời gian để “dọn sạch” những scandal của mình.

Tranh chấp ngoài sân cỏ

Chưa một kỳ vòng loại World Cup nào mà lại không xảy ra tranh chấp giữa các nước tham gia cả. Hai scandal đang nhận được sự chú ý nhiều nhất hiện nay đều liên quan tới các nước châu Phi. Trước hết là vụ cổ động viên Nigeria nổi loạn sau khi đội tuyển quốc gia nước này để hòa 1-1 Senegal trên sân nhà. Trước khi trận đấu diễn ra, ban quản lý sân, cảnh sát và quân đội đã phải rất vất vả mới ngăn được khoảng 1.000 cổ động viên không vé tìm cách lọt vào sân. Sau khi nghe tin đội nhà bị loại và Senegal có được tấm vé vào chung kết, số cổ động viên trong sân đồng loạt nổi loạn.

Nhà báo thể thao Shina Oludare, người có mặt trực tiếp tại hiện trường, kể lại: “Cảnh sát vớ được người nào cũng đánh bằng dùi cui. Tôi giơ thẻ nhà báo ra cũng bị đánh. Đến khi tôi chạy ra được ngoài sân thì lại kẹt giữa cuộc hỗn chiến. Người ta lấy gạch đá ném nhau, rồi đốt xe, đốt lốp mù mịt, ai trong đám đông cũng cay xè mắt”.

Nổi loạn ở Nigeria chưa qua lâu thì lại có vụ việc mới xảy ra tại Senegal. Trong trận đấu giữa đội tuyển quốc gia hai nước Senegal và Ai Cập, cổ động viên chủ nhà luôn có các hành vi “phá bĩnh” đội bạn. Họ xịt nước, ném chai lọ, thậm chí là chiếu laze vào mặt các cầu thủ Ai Cập. Danh thủ Mohammed Salah là nạn nhân bị cổ động viên Senegal “chăm sóc” nhiều nhất. Salah đá hỏng một quả phạt đền quan trọng vì bị chói mắt bởi laze. Trận đấu kết thúc với bàn thắng duy nhất được ghi bởi Sadio Mané (đồng đội của Salah ở Liverpool) bên đội Senegal.

Trong cả hai trường hợp, FIFA đều phạt tiền các nước chủ nhà: Senegal là 180.000 USD, còn Nigeria phải chịu mất 154.000 USD. Cả hai đội tuyển quốc gia của họ đồng thời sẽ phải thi đấu 5 trận tiếp theo trên sân nhà mà không có khán giả cổ vũ. Trước đó Congo và Lebanon cũng đã phải chịu những hình phạt tương tự cũng vì hành động của khán giả. Xu hướng rõ thấy hiện nay là người hâm mộ đang trở nên manh động hơn nhiều.

FIFA “dọn nhà” trước thềm World Cup -0
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino phát biểu tại trung tâm hội nghị Doha ở Qatar.

Nhà bình luận thể thao người Ý Fabio Caressa nhận xét: “Đối với nhiều người dân ở châu Phi, World Cup 2022 là một trong những thứ ít ỏi mà họ mong chờ sau hai năm đầy rẫy những tai họa như hạn hán, châu chấu, nạn đói, chiến tranh và đại dịch. Việc họ thể hiện mình qua những hành vi quá khích cũng không có gì lạ. Có trách thì trách ban tổ chức giải và FIFA đã không lường trước được việc này mà có động thái phòng ngừa sớm”.

Rất có thể sự giận dữ của khán giả trên sân còn có những lý do khác ngoài tổn thương lòng tự hào dân tộc. Tại quốc gia nào cũng vậy, mỗi kỳ World Cup là dịp cho các dịch vụ ăn theo đua nhau nở rộ. Đội tuyển quốc gia nước nào bị loại đồng nghĩa với việc nền kinh tế nước đó mất đi “cơ hội vàng”. Ví dụ như sau khi Colombia mất tấm vé tham dự chung kết World Cup 2022, hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ nước này ước tính họ sẽ chịu tổn thất 810 triệu USD chỉ riêng từ việc kinh doanh nhà hàng, quán cà phê và quầy lưu niệm.

Anh Fabio Tsuzchi, một người kinh doanh quần áo tại Chile, nói với phóng viên tờ Sport Illustrated: “Tôi đã đặt sẵn 100 chiếc áo phông để bán cho cổ động viên. Bây giờ đội nhà bị loại, tôi chẳng biết bán áo cho ai nữa. Bây giờ tôi chỉ còn nước trông chờ vào phán quyết của FIFA”. Phán quyết mà anh Fabio đề cập tới là vụ kiện giữa Chile và Ecuador.

Sau chiến thắng 3-0 mà đội tuyển quốc gia Ecuador đã giành được từ tay Chile, phía Chile đã đệ đơn khiếu nại lên FIFA về việc cầu thủ Byron Castillo bên đội Ecuador thực chất là người Colombia và còn lớn hơn ba tuổi so với hồ sơ của mình. Trong trường hợp FIFA xử thắng cho Chile, kết quả trận đấu nói trên sẽ buộc phải bị hủy bỏ. Hiện nay FIFA chưa có bình luận gì về vụ việc.

FIFA “dọn nhà” trước thềm World Cup -0
Cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter (trái) và cựu Chủ tịch UEFA Michel Platini (giữa) sẽ phải ra hầu tòa vào tháng 6 tới.

“Đóng cửa bảo nhau”

Những vụ rắc rối kiểu như Chile và Ecuador là thứ FIFA hoàn toàn không muốn phô ra trước công chúng. Hình ảnh mà FIFA muốn mọi người biết tới là một tổ chức thống nhất và minh bạch, nơi từng nước thành viên có thể thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình. Nhưng sự thật không được đẹp như thế.

Nguyên Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Peru Manuel Burga trong thời gian còn tại vị đã nhận hối lộ khoảng 6,6 triệu USD để dàn xếp thứ tự thi đấu vòng bảng hai giải vô địch Copa America và Copa Libertadores. Toà án Mỹ sau đó đã đưa ông này cùng với những đồng phạm ra xét xử. Chỉ Manuel Burga được trắng án. Tuy vậy, mới đây FIFA đã tuyên bố phủ nhận phán quyết của toà án Mỹ và tiếp tục cuộc điều tra ông Burga. Vụ án sẽ được cơ quan điều tra của Ủy ban Đạo đức FIFA trực tiếp xác minh.

Một vụ việc khác cũng đang được Ủy ban Đạo đức FIFA điều tra là scandal hãm hiếp cầu thủ trẻ ở Gabon. Các đối tượng bị điều tra gồm huấn luyện viên Patrick Assoumou Eyi của đội tuyển U17 quốc gia, hai trợ lý huấn luyện viên Triphel Mabicka và Orphée Mickala cùng cán bộ cấp cao của FIFA Serge Mombo. Một cuộc điều tra của tờ The Guardian đã tìm ra hơn 20 nạn nhân dưới 20 tuổi từng bị Eyi hãm hiếp tại nhà riêng của y. Eyi và đồng bọn sau đó còn sử dụng quan hệ của mình để gây áp lực lên các nạn nhân buộc họ phải ngậm miệng.

Quy mô và mức độ nghiêm trọng của các vi phạm khiến công luận phải đặt câu hỏi: Liệu có nên để FIFA tự xử lý những vụ việc này? Theo nhiều nhà quan sát, FIFA sẽ tìm mọi cách để ngăn điều đó xảy ra. Báo Telegraph viết: “Sợi dây kinh tế chứ không phải tinh thần thể thao đưa các thành viên FIFA lại gần nhau. Ở trung tâm tổ chức này là một thứ “mạng nhện” chằng chịt những mối quan hệ tiền bạc và quyền lực. FIFA rất không muốn người ngoài động đến mạng lưới này.”

Ví dụ minh chứng rõ nhất cho những tính toán của FIFA là việc tổ chức này cấm các đội tuyển quốc gia từ Zimbabwe và Kenya thi đấu quốc tế. Lý do được FIFA đưa ra là chính phủ hai quốc gia này đã xen vào hoạt động của liên đoàn bóng đá nước họ. Trước đó nhà chức trách Zimbabwe và Kenya đã khởi tố một số lãnh đạo liên đoàn bóng đá vì tội biển thủ công quỹ và nhận hối lộ. Riêng nguyên Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Kenya Nick Mwendwa bị cáo buộc đã biển thủ 1,2 triệu USD tiền đóng góp cho hoạt động phát triển bóng đá trẻ.

Trong thời gian cuộc điều tra diễn ra, Liên đoàn Bóng đá Zimbabwe và Kenya sẽ nằm dưới quyền điều hành tạm thời của chính phủ hai nước này. FIFA đã yêu cầu chính phủ Zimbabwe và Kenya khôi phục quyền hoạt động độc lập của hai liên đoàn bóng đá nhưng  chính phủ hai nước từ chối vì lý do bảo vệ bằng chứng cho cuộc điều tra.

Cùng với lệnh cấm thi đấu quốc tế, FIFA cũng đình chỉ việc cấp kinh phí cho hai liên đoàn bóng đá châu Phi. Theo thông tin nội bộ, FIFA đã định đưa ra lệnh cấm từ tháng 1-2022 nhưng sau đó quyết định lùi lại để đội tuyển Kenya có thể thi đấu tại Cúp châu Phi…

FIFA “dọn nhà” trước thềm World Cup -0
Cầu thủ Byron Castillo (phải) đang dính phải vụ kiện xuyên quốc gia với liên đoàn bóng đá Chile.

Việc FIFA gây áp lực trực tiếp lên chính phủ các nước như trên đáng lẽ ra đã được lên trang nhất các báo, nhưng nó xảy ra trong thời điểm cả thế giới thể thao đang ngóng theo vụ xét xử cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter và Chủ tịch UEFA Michel Platini. Họ sẽ phải ra trước tòa án Thụy Sỹ. Nếu như vụ án diễn ra ổn thỏa, rất có thể tòa sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng trước tháng 10.

Cách đây sáu năm rưỡi, ông Sepp Blatter buộc phải rời chiếc ghế chủ tịch sau khi bị phát hiện đã lấy 2 triệu USD từ quỹ của FIFA giao cho ông Michel Platini mà không có lý do chính đáng. Thụy Sỹ sau đó còn đưa ra một loạt những bằng chứng cho những tội danh khác của hai vị lãnh đạo gồm có lừa đảo, bòn rút công quỹ, làm giả chữ ký và để lộ thông tin nội bộ.

Nhưng điều FIFA lo sợ nhất từ vụ kiện này là gì? Theo luật sư Yvan Henzer tại Công ty Luật thể thao Libra Law (Thụy Sỹ) thì: “Ảnh hưởng của Sepp Blatter và Michel Platini trong việc Qatar được chọn làm nước chủ nhà World Cup 2022. Vòng chung kết đã “sát sườn” rồi, chắc chắn FIFA và chính phủ Qatar sẽ không muốn có điều thất thiệt bị đưa ra làm bằng chứng trước các nhà điều tra”.

Luật sư của Michel Platini mới đây đã đệ đơn kiện FIFA lên tòa án Pháp. Đơn khiếu nại việc Chủ tịch FIFA, ông Gianni Infantino, đã sử dụng quan hệ của mình để đưa vụ xét xử Platini sang tòa án Đức, trong khi đáng lẽ ông này phải bị xử bởi toà án Pháp theo đúng quốc tịch của mình. Ông Marco Villiger, cựu giám đốc bộ phận pháp lý của FIFA, được lá đơn chỉ tên là người đứng giữa chủ tịch Infantino và một số nhân vật có quyền lực tại Đức. Hiện vẫn chưa rõ liệu phía Pháp sẽ mở một cuộc điều tra xuyên quốc gia vì đơn kiện này hay không.

Từ FIFA đến những từng cá nhân người hâm mộ đều đang đặt rất nhiều hy vọng vào vòng chung kết World Cup sắp tới. Thế giới bóng đá hiện rất cần một giải vô địch hoàn hảo trong mọi khâu để xốc lại tinh thần sau những năm sóng gió vừa qua. Thật đáng tiếc là nhìn vào những sự cố trước thềm World Cup, ai cũng có thể thấy trong nội bộ FIFA đang đầy rẫy những rắc rối và rất cần một cuộc cải tổ toàn diện.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.