IS - bóng ma vẫn luôn hiện hữu

Thứ Sáu, 28/01/2022, 11:04

Ngày 22-1, một cuộc giao tranh đẫm máu đã diễn ra giữa chiến binh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và lực lượng người Kurd ở Syria sau khi IS tấn công nhà tù của các chiến binh thánh chiến. Vụ tấn công nhà tù nói trên đã khiến gần 90 người tử vong. Cuộc tấn công vào nhà tù Ghwayran ở phía Đông Bắc thành phố Hasakeh là một trong những cuộc tấn công bạo lực nghiêm trọng nhất của IS kể từ khi nhóm này bị đánh bại ở Syria gần 3 năm trước.

Nguy cơ bất ổn an ninh

Rami Abdel Rahman, người đứng đầu Đài quan sát Nhân quyền Syria, cho biết: “Ít nhất 28 thành viên của lực lượng an ninh người Kurd, 5 dân thường và 56 thành viên của IS đã tử vong”.

Đài quan sát nhân quyền Syria cho biết, IS đã tiến hành cuộc tấn công vào đêm 20-1 nhằm vào nhà tù đang giam giữ ít nhất 3.500 tù nhân bị nghi là thành viên của IS, trong đó bao gồm một số thủ lĩnh của nhóm này. Các chiến binh IS đã “thu giữ vũ khí mà họ tìm thấy” trong trại giam và giải thoát một số chiến binh IS đồng bọn. Hàng trăm tù nhân thánh chiến đã bị bắt lại nhưng hàng chục người được cho là đã tẩu thoát.

Với sự hỗ trợ từ máy bay của lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu, lực lượng an ninh người Kurd đã bao vây nhà tù và giành lại quyền kiểm soát các khu vực lân cận, nơi các chiến binh IS đã sử dụng làm vùng đệm cho các cuộc tấn công của nhóm này.

1.jpg -0
Các bộ trưởng của Liên minh Toàn cầu chống IS tham dự hội nghị tại Rome, tháng 6-2021.

IS đã thực hiện những cuộc tấn công dai dẳng nhằm vào các mục tiêu của người Kurd và Chính phủ ở Syria kể từ khi tổ chức này bị đánh bại vào tháng 3-2019. Hầu hết các vụ tấn công của IS nhằm vào các cơ sở quân sự và cơ sở dầu mỏ ở những vùng hẻo lánh, nhưng vụ tấn công nhà tù ở Hasakeh có thể đánh dấu một giai đoạn mới trong sự trỗi dậy của nhóm này.

Vấn đề IS tấn công nhà tù vốn đã được cảnh báo từ trước. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, từ năm 2019 rất ít nước có hành động trong việc hồi hương những tù nhân nước ngoài, chỉ có số ít tù nhân đã được một vài quốc gia ở Trung Đông và Trung Á nhận lại. Mỹ kêu gọi các quốc gia cho hồi hương công dân từng đứng trong hàng ngũ của IS nhưng các nước châu  Âu đều không mong muốn nhận lại các tay súng hay thân nhân của những người này do lo ngại họ có thể gây ra mối đe dọa an ninh.

Gieo rắc nỗi sợ

Mục đích của IS là thiết lập một nhà nước Hồi giáo thống nhất toàn Trung Đông, áp dụng luật Hồi giáo Sharia nhằm kiểm soát người Hồi giáo trên toàn thế giới.

Thế nhưng, tổ chức này lại có những hành động quá cực đoan, gây ra không ít bạo lực và nỗi sợ hãi. Do vậy, thế giới cho rằng, IS là một tổ chức khủng bố khét tiếng tàn bạo và là hiểm họa của nhân loại. Điều này càng được khẳng định khi IS coi những nhà nước thế tục khác tại Trung Đông là đi ngược lại các nguyên tắc “thánh khiết” của đạo Hồi. Thậm chí, IS còn quy chụp cho người Hồi giáo dòng Shiite là những kẻ phản đạo phải bị trừng trị; đồng thời, chủ trương tiêu diệt cả người Kitô giáo và người dân tộc thiểu số ở những vùng mà chúng chiếm đóng.

2.jpg -0
Các thành viên IS được cho là đang “náu mình chờ thời” để chuẩn bị cho các cuộc tấn công khủng bố dã man hơn.

Trong “đế chế” của mình, IS cũng lấy nỗi kinh hoàng làm công cụ cai trị chính, khi áp dụng những biện pháp trừng phạt tàn khốc và man rợ nhất đối với người bất đồng chính kiến. Ngoài việc liên tục gây ra hàng loạt các hoạt động như đánh chiếm lãnh thổ, tàn sát dân thường tại khu vực Trung Đông, IS cũng đã ngắm đến các quốc gia phương Tây và phần còn lại của thế giới. IS đã thực hiện hàng loạt các vụ khủng bố như đánh bom máy bay Nga (10-2015) khiến 224 người thiệt mạng.

Ngày 13-11-2015, IS đã gây ra loạt vụ đánh bom và xả súng kinh hoàng nhằm vào các địa điểm công cộng ở thủ đô Paris, Pháp. Tháng 6-2016, một tay súng cam kết trung thành với IS đã giết chết ít nhất 40 người tại một hộp đêm ở Orlando, Florida, Mỹ. Để bảo đảm cho hoạt động của mình, IS tăng cường tạo các nguồn thu tài chính thông qua nhiều nguồn khác nhau như bán dầu mỏ, áp thuế lên các khu vực chiếm đóng, tiền tài trợ của nước ngoài, tiền đóng góp, tiền chuộc do bắt cóc con tin...

Từ cuối năm 2016, quân đội Iraq và dân quân người Kurd bắt đầu chiến dịch phản công chiếm lại Mosul, nơi được coi là đại bản doanh của IS. Họ đã thành công trong việc đánh đuổi phiến quân khỏi thành trì này, dù phải trả cái giá rất đắt về sinh mạng dân thường và cơ sở hạ tầng của thành phố. Tháng 12-2017, Iraq tuyên bố đánh đuổi hoàn toàn IS khỏi lãnh thổ.

Mất địa bàn kiểm soát ở Iraq, IS tập trung lực lượng tại Raqqa ở Đông Bắc Syria. Chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria cũng khiến phiến quân mất dần các vùng kiểm soát quan trọng và co cụm tại các khu vực ở miền Nam và Đông Bắc nước này. Kể từ đây, các thành viên IS và gia đình bắt đầu bị dồn ép dần về miền Đông Syria, đối mặt với cả dân quân người Kurd do Mỹ hậu thuẫn và quân đội Chính phủ Syria được yểm trợ bởi hỏa lực không quân Nga. Sau gần 5 năm bị truy quét, ảo vọng về một đế chế hàng triệu km vuông của IS lụi tàn và bị dồn ép vào khu vực chỉ rộng khoảng 50 km vuông sát biên giới Syria-Iraq và ngày một thu hẹp.

Tháng 3-2019, Lực lượng (SDF) do người Kurd dẫn đầu và được Mỹ hậu thuẫn tuyên bố hoàn toàn nắm giữ làng Baghouz, xóa sổ vùng đất cuối cùng mà IS kiểm soát, đánh dấu sự lụi tàn của “vương quốc Hồi giáo” do IS xây dựng. Tháng 10-2019, thủ lĩnh tối cao của IS là Abu Bakr al-Baghdadi đã bị quân đội Mỹ tiêu diệt trong cuộc đột kích của quân đội Mỹ vào tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria.

4.jpg -0
Một tấm ảnh tuyên truyền của IS-K, một nhánh của IS đã gây ra vụ đánh bom kinh hoàng tại Kabul hôm 26-8-2021.

Còn đó những mối lo

Tưởng rằng cơn ác mộng kinh hoàng IS đã chấm dứt, thì vào ngày 26-8-2021, IS-K (Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan), một nhánh của IS hoạt động tại Afghanistan đã gây ra các vụ tấn công liều chết đẫm máu bên ngoài sân bay quốc tế ở thủ đô Kabul. Vụ tấn công đã làm ít nhất 170 người thiệt mạng, trong đó có cả lính Mỹ.

IS-K là nhánh chính thức của IS hoạt động ở Afghanistan, được thủ lĩnh của IS ở Iraq và Syria công nhận và được thành lập vào tháng 1-2015. Được thành lập bởi các cựu thành viên Taliban tại Pakistan, theo thời gian, IS-K đã chiêu mộ thêm các chiến binh từ nhiều nhóm phiến quân khác nhau. IS-K ban đầu bao gồm hàng trăm chiến binh Taliban tại Pakistan từng tị nạn trên khắp biên giới Afghanistan sau các chiến dịch quân sự đẩy lùi họ ra khỏi quốc gia này.

Nhóm này đã dung nạp nhiều phần tử cực đoan khác, trong đó có cả chiến binh của Taliban tại Afghanistan bất mãn với đường lối ôn hòa của đội ngũ lãnh đạo. Đến năm 2018, IS-K đã trở thành một trong bốn tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới, theo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP). Tuy vậy, sau những tổn thất lớn về lãnh thổ và mất đi nhiều thủ lĩnh cấp cao trước các chiến dịch tấn công do Mỹ và liên quân thực hiện, tổ chức này được cho là đã bị đánh bại.

Động thái kinh hoàng và bất ngờ của IS-K trước đó và vụ tấn công nhà tù mới đây cho thấy, các mối đe dọa về khủng bố trên thế giới vẫn chưa thực sự qua đi, cũng như là một lời nhắc nhở về khả năng gây ra hỗn loạn của tổ chức khủng bố IS vẫn luôn hiện hữu.

3.png -0
IS tấn công nhà tù nhằm giải cứu những thành viên cũ đang bị giam giữ.

Nguy cơ gây ra trong tương lai

Dù đã tiêu diệt được Abu Bakr al-Baghdadi nhưng Tổng thống Syria Bashar al-Assad khẳng định cuộc chiến chống IS cũng không thay đổi nhiều. Căn nguyên của vấn đề là tư tưởng Hồi giáo cực đoan đã tồn tại hơn 200 năm qua và nó sẽ không thể biến mất trong một sớm một chiều. 

Tuy IS bị đánh bại trên thực địa, song tờ The Atlantic cho rằng điều này cũng chưa thể giúp loại bỏ hết nguy cơ, nhất là khi năng lực tài chính của tổ chức này vẫn còn rất lớn. Để làm được điều đó cần có sự hợp tác của nhiều quốc gia, tổ chức tài chính và ngân hàng quốc tế. Trong khi đó, giới chuyên gia quân sự khẳng định không thể tiêu diệt IS chỉ bằng những cuộc không kích. Giải pháp khả thi là tăng cường phối hợp, giúp đỡ chính quyền Syria, Iraq và các nước khác để họ có đủ khả năng chống đỡ, tiêu diệt tàn dư IS.

Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần thúc đẩy các biện pháp chia sẻ thông tin, lập các “hàng rào” ngăn chặn tư tưởng cực đoan trên Internet. Theo trang mạng Arab News, chính phủ các nước cũng cần ý thức được rằng, đại dịch COVID-19 sẽ khoét sâu thêm khoảng cách giàu nghèo, tạo ra “mảnh đất màu mỡ” cho các tư tưởng cực đoan sinh sôi nảy nở.

“Chúng ta vẫn chưa thấy các cuộc xung đột kết thúc ở Yemen, Syria, Libya... Tất cả các cuộc xung đột đang diễn ra có thể là “những lò ấp” cho các nhóm khủng bố như IS... Mặc dù IS có thể không bao giờ lặp lại được việc xây dựng được một thực thể trải dài từ Iraq sang Syria như trước, gây ra những tội ác chống lại loài người kinh hoàng và không thể nào quên, thế nhưng các nước cũng không được ngoảnh mặt làm ngơ khi IS đang mưu toan tái hợp lực lượng. Việc không để mắt tới IS ở thời điểm quan trọng này có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc”, trang mạng Arab News bình luận.

Đỗ Tiến
.
.