Khai thác điểm yếu tâm lý để thao túng

Thứ Bảy, 25/03/2023, 08:00

Khởi phát từ TP Hồ Chí Minh, các cuộc tấn công qua mạng viễn thông nhằm vào phụ huynh học sinh dưới chiêu bài "con cấp cứu, cần chuyển tiền gấp" hiện đã lan ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Dư luận đang rất hoang mang và căm phẫn cao độ trước hành vi khai thác điểm yếu tâm lý của con người, đó là tình thương đối với con trẻ để kiếm ăn. Việc “đọc vị” thủ đoạn phạm tội để phòng ngừa chủ động, không tự biến mình thành nạn nhân của tội phạm, là điều mà nhiều người quan tâm.

“Cận cảnh” chiêu thức mới

Khai thác điểm yếu nhất trong tâm lý nội tâm con người là tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng, để đưa ra thông tin gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, là hành vi “thất đức” nhất mà bọn tội phạm mạng đã thực hiện trong những ngày vừa qua.

1.jpeg -0
Tin nhắn điện thoại của ngành giáo dục Hà Nội gửi đến các phụ huynh

Sự việc gây chấn động dư luận bắt đầu từ buổi chiều ngày 3/3, khi Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) ra cảnh báo tình trạng kẻ xấu mạo danh nhân viên y tế và giáo viên để lừa đảo các gia đình. 

Cụ thể, từ 11giờ 30 đến 14 giờ cùng ngày, bộ phận hướng dẫn cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận ba phụ huynh của Trường Quốc tế Việt Úc (TP Hồ Chí Minh) đến tìm con. Theo các phụ huynh, họ nhận được điện thoại từ người lạ báo tin con họ nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện này. Trong đó, có hai phụ huynh ở TP Thủ Đức nhận được điện thoại báo tin con bị té ngã chấn thương sọ não, đang cần mổ gấp nên người nhà phải chuyển khoản tiền để thầy giáo đóng viện phí. Một phụ huynh đã chuyển khoản 1 lần, người còn lại chuyển khoản 2 lần vào số tài khoản do người báo tin cung cấp. Tổng số tiền mà họ đã chuyển là 70 triệu đồng. Người thứ ba chưa chuyển khoản mà trực tiếp đến bệnh viện tìm con.

Từ đầu tháng 3/2023 đến nay, Công an TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận 14 trường hợp phụ huynh học sinh bị lừa đảo, tổng số tiền lên đến 825 triệu đồng. Đặc biệt, qua thông tin các nạn nhân cung cấp, thấy trò lừa được thực hiện với nhiều “lớp lang” khá tinh vi, từng bước thao túng tâm lý và dẫn dụ nạn nhân “sập bẫy”.

Chẳng hạn, một phụ huynh có con học tại Trường THCS Trần Văn Ơn (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) cho biết mình đã nhận được cuộc gọi từ số 070 7915387 của một người tự xưng là người phụ trách y tế nhà trường. Tại cuộc gọi đầu tiên, người này thông báo cháu M.T bị ngã vỡ đầu trong nhà vệ sinh, đã được nhà trường đưa vào Bệnh viện 115 (Quận 10) để cấp cứu. Vì tình trạng nguy kịch, cần mổ gấp nên yêu cầu gia đình tới ngay để ký hồ sơ mổ cho con. Tại cuộc gọi thứ 2, một giọng khác tự xưng là bác sĩ cho phụ huynh biết con họ hiện đang rất nguy kịch. Trong điện thoại, nghe có tiếng các bác sĩ trao đổi và gọi tên con, tiếng máy thở… Đến cuộc gọi thứ 3, đầu dây bên kia giục phụ huynh chuyển khoản 45 triệu để tạm ứng viện phí, kịp thời mổ cho con.

Sau khi bị “dội” liên tiếp những cuộc gọi, vị phụ huynh nọ đã run bắn vì sợ. Nghĩ rằng không chuyển tiền ngay sẽ nguy hiểm đến tính mạng của con, nên bà đã  báo kế toán chuyển tiền vào tài khoản mà “nhân viên y tế” nhà trường đã cung cấp. Tuy nhiên sau đó bà gọi điện cho nhà trường và được biết con đang học trên lớp, cũng chưa ký duyệt lệnh chuyển khoản, nên số tiền chưa bị chuyển đi.

Rộ lên ở TP Hồ Chí Minh vài ngày, trò lừa “con cấp cứu” đã “lan” ra Hà Nội và một số tỉnh khác. Chia sẻ về tình huống bị tấn công lừa đảo của mình với báo chí, chị Vũ Thị Hương L (chủ một doanh nghiệp tại Hà Nội) kể vào khoảng 14 giờ ngày 6/3, số điện thoại lạ (094 8650745) gọi cho chị 4-5 lần. Nghĩ là có việc quan trọng nên chị nghe máy. Đầu dây bên kia là một giọng nam giới, tự xưng là giảng viên trường ĐH Kinh tế quốc dân thông báo con gái chị (là sinh viên trường này) vừa bị ngã đập đầu vào cầu thang, đã được nhà trường đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp . Người này yêu cầu chị nói chuyện với bác sỹ rồi chuyển máy cho người thứ hai tự xưng là Trưởng khoa Chấn thương - Bệnh viện Bạch Mai. Người này thông báo tình trạng bệnh lý của con chị L. Sau đó, người xưng danh là giảng viên liên tục gọi điện cho chị giục giã, yêu cầu gia đình đến Bệnh viện ngay ký cam đoan trước để mổ sớm cho con để giữ tính mạng.

Vài giây sau, người này tiếp tục gọi, thông báo rằng bệnh viện yêu cầu đóng gấp 50 triệu tiền viện phí thì mới cho con chị vào phòng mổ, không thể đợi người nhà đến được vì tình hình rất nguy cấp. Kẻ gọi điện nói sẽ xin số tài khoản của nhân viên thu ngân của bệnh viện để gia đình chuyển tiền vào đó. Là người khá thận trọng, nên dù khá hoang mang nhưng chị L vẫn quyết định “chậm lại một nhịp” để gọi điện cho con gái. Nhờ vậy mà chị đã “thoát hiểm” trong gang tấc bởi con gái chị cho biết vẫn đang học ở trường.

Một lát sau, đầu dây bên kia lại tiếp tục gọi giục chị L chuyển tiền vì tình hình rất gấp rồi. Nhưng khi chị L trả lời bằng một câu hỏi: “Sao em sống thất đức thế?" thì đầu dây bên kia dập máy luôn.

Các bước thao túng tâm lý

Có thể thấy trong trò lừa đảo này, đối tượng đã khai thác tối đa điểm yếu trong tâm lý của các bậc làm cha, làm mẹ khi nghe tin con bị tai nạn ở trường. Trong tình huống “máu chảy ruột mềm” đó, vì lòng thương con mà đa số các phụ huynh sẽ rất nhanh chóng lâm vào tình trạng hoảng hốt, lo lắng.

Đây là thời điểm thiếu sáng suốt, thiếu tỉnh táo nhất mà đối tượng có thể lợi dụng để thao túng tâm lý, từng bước dẫn dụ nạn nhân làm theo yêu cầu của mình. Đối tượng tạo ra tình huống khẩn cấp, như cần tiền đóng viện phí ngay để phẫu thuật, không cho phép phụ huynh chần chừ, do dự, tính toán hay kiểm tra lại thông tin. Vì sốt ruột lo lắng cho con, sợ sự chậm trễ của mình có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, nên nhiều người đã dễ dàng làm theo các yêu cầu của đối tượng, chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp.

Mặt khác, khi đối tượng đã gọi đúng số máy, đọc đúng tên phụ huynh và tên con, tên lớp, thì các nạn nhân thường sẽ không còn nghi ngờ gì nữa mà mặc định đó là giáo viên hoặc cán bộ nhà trường nơi con mình đang học.

Khai thác điểm yếu tâm lý để thao túng -0
Nhiều phụ huynh ở TP Hồ Chí Minh nhận được điện thoại con đang cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy

Việc đồng bọn của kẻ mạo danh sẽ đóng vai nhân viên y tế thông báo tình hình bệnh lý của con, càng tạo được lòng tin từ phía nạn nhân.

Có một điểm chung giữa các vụ việc đó là ban đầu kẻ lừa đảo luôn bảo nạn nhân tới bệnh viện ngay để đóng tiền viện phí cho con.

“Đòn tâm lý” này khá lọc lõi, tạo ra ở nạn nhân sự tin cậy rằng mọi chuyện rất “minh bạch”. Vì nếu không có chuyện con bị nạn sao dám bảo cha mẹ tới bệnh viện. Đã nói điều này, chứng tỏ thông tin đã cung cấp là trung thực. Khi đã tạo được lòng tin với nạn nhân, thì bọn lừa đảo mới tung ra các chiêu thức tiếp theo, từng bước dẫn dụ nạn nhân vào “thế”. Đó là do sự chuyển biến của tình hình bệnh lý, không thể chờ đợi được, cần phải giải phẫu cho con họ ngay. Mà như vậy thì cha mẹ phải đóng ngay tiền viện phí thông qua số tài khoản mà chúng cung cấp.

Mấu chốt để kẻ lừa đảo  thực hiện được thủ đoạn này, là chúng phải có được số máy của nạn nhân và nắm rõ thông tin cá nhân, quan hệ của người đó với học sinh ở lớp. So sánh với thủ đoạn lừa đảo giả danh cơ quan pháp luật, các cơ quan cung cấp dịch vụ thiết yếu như điện, nước, bưu điện, ngân hàng… đã từng xảy ra trong những năm gần đây, thì trò lừa này có sự khác biệt khá rõ nét. Đó là mục tiêu tấn công được xác định trước, căn cứ theo thông tin cá nhân về họ mà đối tượng lừa đảo có được theo một cách nào đó. Trong khi ở các chiêu trò lừa đảo giả danh trước đây, đối tượng thường gọi điện có tính chất “hú họa” tới bất kỳ số điện thoại nào, nghĩa là chúng có thể không xác định trước nạn nhân.

Vấn đề đặt ra là thông tin cá nhân của học sinh bao gồm tên tuổi, địa chỉ trường lớp, tên phụ huynh, số điện thoại… vì sao lại lọt vào tay bọn tội phạm?

 Trên thực tế, nơi lưu giữ các thông tin về học sinh thường là nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp học, Ban phụ huynh học sinh của lớp, của trường. Bên cạnh đó, ở các lớp học, thường có nhóm zalo chát giữa phụ huynh học sinh với giáo viên mà tại đó có thể lưu trữ danh sách lớp. Ngoài ra, trẻ em có thể tham gia nhiều hoạt động ngoài trường học, như tham gia các lớp dạy thêm về văn hóa, ngoại ngữ, kỹ năng, năng khiếu…, mà khi tham gia, đương nhiên học sinh phải khai báo các thông tin cá nhân của mình và cha mẹ. Rất có thể thông tin đã bị lộ lọt từ các nguồn nói trên một cách vô ý hoặc cố tình.

Bức tường lửa bảo vệ tài sản   

Trong bối cảnh tội phạm sử dụng công nghệ cao đang gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, ý thức cảnh giác chính là “bức tường lửa” chắc chắn nhất để bảo vệ “túi tiền” của mỗi người.

Để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm, người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin trên báo chí về tình hình an ninh, trật tự; đọc các khuyến cáo, thông báo phòng ngừa của cơ quan chức năng và các chuyên gia, nhà nghiên cứu nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác.

Trong giao tiếp xã hội thông qua mạng internet, mạng viễn thông, tuyệt đối không dễ tin vào những gì nghe thấy, đọc được, không dễ dàng làm theo yêu cầu của người lạ, hoặc các khuyến cáo đáng ngờ trên mạng. Việc nhận diện chiêu trò, đọc vị thủ đoạn, sẽ khiến tội phạm “hết đất diễn”. Do đó, giải pháp căn cơ nhất để phòng ngừa tội phạm đó là mỗi người phải tự ý thức nâng cao vốn hiểu biết, không chủ quan, coi thường nguy cơ tội phạm xảy ra đối với mình.

Nếu nhận được cuộc gọi thông báo con em mình bị tai nạn, phụ huynh hãy lập tức truy hỏi: "Anh/chị là ai, làm gì ở trường, số điện thoại hoặc tên hiệu trưởnglà gì…?". Với những câu hỏi này, đối tượng sẽ biết mình đang bị kiểm tra, rất dễ lộ ra sơ hở, bởi chúng chỉ có một vài thông tin về học sinh và phụ huynh chứ không thể có toàn bộ những dữ liệu nêu trên.

Phụ huynh cũng có thể gọi điện thoại cho con hoặc cho giáo viên, nếu con không có điện thoại hoặc giáo viên không dùng điện thoại trong giờ dạy thì có thể gọi phòng y tế hoặc đường dây nóng của trường, hoặc trực tiếp đến trường. Nếu đối tượng nói đã đưa con đến bệnh viện, phụ huynh có thể hỏi là đưa đến bệnh viện nào, khoa nào, rồi có thể gọi vào số đường dây nóng của bệnh viện hoặc khoa đó để hỏi thêm thông tin có đúng không.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần khẩn trương xác minh các vụ việc đã xảy ra; phát thông báo phòng ngừa tội phạm (không chỉ ngành công an mà cả giáo dục, y tế…), triển khai tuyên truyền đến từng cơ sở giáo dục, từng lớp học, từng nhóm phụ huynh học sinh.

Giữa nhà trường và các gia đình học sinh cần tăng cường sự liên lạc, trao đổi thông tin thông qua đường dây nóng, để phụ huynh học sinh có thể cập nhật tình hình của con ở trường. Lưu ý khi lên lớp giáo viên thường không bắt máy, nên phải có những số máy thường trực luôn ở trạng thái chờ kết nối, tức là đường dây nóng với nhà trường. Các lớp học, giáo viên và phụ huynh học sinh cần nâng cao ý thức bảo mật thông tin, đề phòng bị hack điện thoại, hoặc vô tình lộ lọt thông tin cá nhân, danh sách lớp học.

Đào Trung Hiếu
.
.