Lật tẩy trò lừa dùng "bẫy" tâm lý

Thứ Hai, 20/03/2023, 20:49

Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội cũng như nhiều tỉnh,thành trên cả nước liên tục xảy ra các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. điểm chung của những vụ án này đều do các đối tượng sử dụng những thủ đoạn tinh vi để khiến bị hại mất cảnh giác. Đặc biệt, các đối tượng tỏ ra là những bậc thầy về thao túng tâm lý, có thể khiến bị hại - dù là những người có học thức cao, có vị trí trong xã hội, song vẫn mắc bẫy để rồi bị chiếm đoạt số tiền lên đến nhiều tỷ đồng.

Nữ giảng viên đại học yếu bóng vía

Dù sự việc đã trôi qua nhiều ngày, song chị Lê Thị T. (sinh năm 1981, giảng viên một trường đại học lớn tại Hà Nội) vẫn còn chưa hết bàng hoàng trước sự việc vừa xảy ra đối với mình. Tiền mất đã đành, song chị không thể ngờ được rằng đã có lúc bị những kẻ "vô danh" trên mạng điều khiển, sai khiến đến nỗi u mê đến như vậy.

Chị T. kể lại: Sáng 4/3/2023, chị T. đang chuẩn bị lên lớp thì nhận được cú điện thoại lạ. Phía đầu dây là giọng nói của một người đàn ông hỏi tên tuổi của chị và cho biết số điện thoại của chị có liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy trái phép đặc biệt nghiêm trọng. Người đàn ông này cho biết chị cần phải phối hợp với Cơ quan công an một cách khẩn trương, nghiêm túc để có thể tìm ra các đối tượng trong đường dây và để lấy lại sự trong sạch cho chị.

Lật tẩy trò lừa dùng
Người dân trình báo cơ quan công an sau khi bị các đối Tượng giả danh cơ quan pháp luật lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tiếp đó, đối tượng nối máy để chị nói chuyện với cấp trên của anh ta. Chị T. được yêu cầu lập một tài khoản messenger đồng thời chị phải di chuyển đến một nơi kín đáo không cho bất cứ ai biết nhằm giữ bí mật cho chuyên án. Ban đầu chị T. hết sức hoang mang không hiểu thật giả như thế nào. Tuy nhiên, đối tượng đã gửi cho chị hình ảnh chụp lệnh bắt của “Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an” với tên tuổi, ngày tháng năm sinh, số CCCD và số điện thoại của chị. Nhận được hình ảnh trên, chị T. hết sức lo lắng và từ đó răm rắp làm theo tất cả những yêu cầu của đối tượng.

Chị T. đã thuê một căn phòng tại một nhà nghỉ trên địa bàn phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) rồi nhốt mình trong đó và làm theo yêu cầu của đối tượng. Các đối tượng đã giả vờ tra hỏi về “số tiền bẩn" mà chị đã nhận được từ đường dây ma túy. Và, chị phải cung cấp cho các đối tượng tài khoản ngân hàng cùng mã giao dịch OTP để các đối tượng kiểm tra số tiền của chị. Nếu sau khi kiểm tra, xác định được số tiền này không liên quan đến đường dây ma túy thì chị T. sẽ được nhận lại.

Sau khi đã gửi cho các đối tượng số tài khoản của mình, chị T. nhận được yêu cầu cần phải chuyển thêm tiền vào tài khoản. Chị đã liên hệ với người nhà để nhờ họ chuyển gấp số tiền 200 triệu đồng vào tài khoản của chị để giải quyết công việc. Khi đó anh Lê Văn T. (sinh năm 1984, thường trú tại phường Định Công - là em trai chị T.) cảm thấy có rất nhiều điều bất thường nên đã gặng hỏi chị gái lý do cần tiền gấp. Chị T. cho biết nếu không chuyển tiền thì sẽ bị bắt tạm giam. Khi chị T. gọi điện thoại video về nhà thì mọi người phát hiện ra nhiều dấu hiệu bất thường. Chị vật vã, khóc lóc vẻ rất sợ hãi. Dường như chị đang bị khống chế tại một căn phòng vắng vẻ nào đó và chị T. cũng cương quyết không nói địa chỉ mình đang ở đâu.

Lật tẩy trò lừa dùng
Nữ giảng viên đại học T. bị các đối tượng thao túng tâm lý, dẫn đến phải thuê nhà nghỉ để làm theo các yêu cầu của chúng.

Hết sức lo lắng, gia đình chị T. đã lên Cơ quan công an trình báo. Rất khẩn trương, Công an phường Định Công đã phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàng Mai và Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) vào cuộc điều tra. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chiều tối cùng ngày, lực lượng Công an đã tìm ra chị T. đang ở một mình với trạng thái tâm lý hoảng loạn. Trên tay người phụ nữ là 2 chiếc điện thoại di động. Một chiếc dùng để liên lạc với kẻ lạ mặt, chiếc còn lại là để giục người nhà chuyển tiền.

Điều khôi hài là khi tổ công tác thuyết phục chị T. trình bày lại sự việc với Cơ quan công an thì chị này không chịu. Chị ta cho biết đang làm theo yêu cầu của công an "trên Bộ" và hỏi "các anh định đưa tôi đi đâu?". Mặc dù các chiến sĩ đã ra sức giải thích rằng chị đang bị các đối tượng giả danh công an để lừa đảo, song nhiều giờ trôi qua chị T. vẫn không thoát khỏi tình trạng bị các đối tượng thao túng tâm lý.

Bỗng nhiên nằm trong... “đường dây rửa tiền”

Thượng tá Ngô Văn Đáp - nguyên điều tra viên Đội Hướng dẫn điều tra tội phạm có yêu tố nước ngoài và công nghệ cao (Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội) cũng chia sẻ về những trường hợp bị thao túng tâm lý. Đó là bà Trần Thị H. (thường trú tại quận Hai Bà Trưng, là giáo sư một viện nghiên cứu) được người nhà đưa lên trong tình trạng hết sức hoảng loạn. Sau khi được các chiến sĩ công an động viên, bà H. cho biết buổi sáng hôm ấy nhận được cú điện thoại của một người xưng là công an TP Hồ Chí Minh. Ngay câu đầu tiên, đối tượng đã yêu cầu bà phải cắm sạc điện thoại để liên hệ với Cơ quan công an không bị gián đoạn.

Cũng với thủ đoạn vu vạ rằng bà H. có liên quan đến một vụ án rửa tiền đặc biệt nghiêm trọng, các đối tượng yêu cầu bà phải kê khai tất cả tài sản. Tiếp đó để chứng minh mình trong sạch, nữ giáo sư phải chuyển tất cả số tiền trong tài khoản và sổ tiết kiệm vào một tài khoản cho các đối tượng. Đồng thời, bọn chúng cũng yêu cầu bà làm việc một cách bí mật, "để bảo đảm cho chuyên án được thành công".

Lật tẩy trò lừa dùng
Đường dây chuyên lừa đảo dưới hình thức giả danh cơ quan chức năng bị công an tỉnh Thái Bình bắt giữ.

Bọn chúng còn dọa rằng nếu bị hại hé răng nói với bất kỳ người nào, kể cả người thân hay nhân viên ngân hàng, thì đều sẽ bị xử lí hình sự vì tiết lộ thông tin của chuyên án. Chính vì thế, khi một số nhân viên ngân hàng đã hỏi rằng "bác chuyển tiền cho ai, có bị ép buộc gì không?" thì bà H. nằng nặc nói rằng "các cô cứ thực hiện theo chức trách" và "không nên hỏi nhiều". Chỉ đến khi số tiền chuyển cho các đối tượng (nhiều tỷ đồng) đã cạn sạch, bà H. vẫn bị chúng yêu cầu phải chuyển thêm tiền thì bà đành hỏi vay con trai. Khi nghe mẹ mình kể lại câu chuyện, anh con trai lập tức cho rằng mẹ mình đã bị lừa và đưa bà lên Cơ quan công an trình báo.

Chưa hết, trong một lần tiếp nhận đơn trình báo của một bị hại vốn là tiến sĩ tại một viện nọ, các chiến sĩ Phòng Cảnh sát hình sự đã được một phen không nhịn được cười trước sự ngây thơ, ngu ngơ của nữ tiến sĩ này. Chị ta cho biết qua mạng Internet, được một đối tượng là doanh nhân nước ngoài gửi cho một số tiền lớn để ủng hộ trẻ em nghèo. Gã đã chụp ảnh về số tiền lên đến hàng trăm ngàn USD được gói trong một chiếc thùng các tông, trên đó có ghi tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của nữ tiến sĩ. Hắn bảo rằng số tiền này đã về đến sân bay Nội Bài và sẽ có người liên hệ giao cho chị.

Sau đó, một đối tượng nữ gọi điện thoại cho chị nói rằng chị phải nộp phạt 20 triệu đồng vì chuyển ngoại tệ không khai báo. Tiếp đó, một đối tượng khác gọi cho chị nói rằng chị phải nộp thêm tiền thuế phí nhận hàng là 50 triệu đồng. Cứ như vậy, với đủ mọi lý do, các đối tượng đã moi được của chị cả tỷ đồng. Thậm chí, nữ tiến sĩ này đã phải đi vay mượn người thân để gửi tiền cho bọn chúng với hy vọng sẽ nhận được món hàng.

Khi biết sự việc, anh trai của chị này khuyên nên trình báo tại Cơ quan công an. Dù vậy, sau khi đã làm tường trình tại Phòng Cảnh sát hình sự, nữ tiến sĩ vẫn giục: "Các anh làm nhanh lên để tôi còn ra sân bay Nội Bài nhận thùng hàng" (!?).

Làm gì để thoát bẫy tâm Lý?

Có thể nói, thời gian vừa qua, tội phạm trên không gian mạng ngày càng có những chiêu thức, thủ đoạn đoạn tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, bọn chúng đã tạo ra những cái bẫy tâm lý khiến những người yếu bóng vía hay thiếu kinh nghiệm, thiếu trải nghiệm trong cuộc sống rất dễ bị sa bẫy.

Phân tích về những tình huống bị thao túng tâm lý (bẫy tâm lý), nhà tâm lý học Trịnh Trung Hòa chia sẻ. Trong cuộc sống luôn có những tình huống như mà đối với những người này thì rất dễ xử trí, song đối với những người khác thì lại khiến cho họ bấn loạn. Đơn cử như khi nhận được một cuộc gọi thông báo về việc vi phạm giao thông thì nhiều người ngay lập tức tìm ra những điều dối trá của kẻ lừa đảo. Song, cũng không ít người nghĩ rằng cuộc điện thoại trên là thật và cho rằng mình đã từng phạm lỗi. Từ đó họ đã có những hành động thiếu suy nghĩ để cho các đối tượng dắt mũi và cuối cùng là bị chiếm đoạt rất nhiều tiền.

Những người bị thao túng, dẫn dắt tâm lý sẽ không còn nhận thức được hành vi, suy nghĩ của mình một cách khách quan. Họ bị phụ thuộc vào những đối tượng thực hiện hành vi thao túng. Nạn nhân sẽ không nhận định được đúng sai, không đưa ra được những quyết định độc lập liên quan đến cuộc sống của bản thân.

Phân tích theo một hướng khác, Thượng tá Đáp cho rằng, phải nói là các đối tượng phạm tội là “bậc thầy” về thao túng tâm lý. Một khi phát hiện bị hại cảm thấy có biểu hiện sợ hãi khi "làm việc" với cơ quan pháp luật, bọn chúng lập tức sẽ thực hiện theo kịch bản, "nối máy" để nói chuyện với những đối tượng cấp trên, với lời lẽ đanh thép khiến bị hại bở vía. Đồng thời, về phía bị hại, có những người cả đời không một lần tiếp xúc với pháp luật nên các đối tượng mới chỉ xưng là công an, viện kiểm soát, tòa án... là đã sợ toát mồ hôi, răm rắp làm theo mọi yêu cầu của đối tượng.

Để tránh bẫy thao túng tâm lý, mỗi người dân cần tỉnh táo trước các mối quan hệ qua mạng, đặc biệt là khi mình không biết rõ nhân thân, địa chỉ của đối phương; Đồng thời, khi nhận được các cuộc gọi từ người lạ thì cần phải kiểm chứng lại các thông tin đối tượng cung cấp, tuyệt đối không chuyển tiền vào số tài khoản mà chúng yêu cầu, nhanh chóng trình báo Cơ quan công an để điều tra làm rõ sự việc, hạn chế xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Theo nhà tâm lý học Trịnh Trung Hòa, thao túng tâm lý là một hình thức lạm dụng tâm lý, gây ra những ảnh hưởng quá mức tới người khác thông qua việc bóp méo tinh thần, bạo hành tâm lý và cảm xúc với mục đích chiếm lấy quyền lực, quyền kiểm soát, lợi ích hoặc một đặc quyền nào đó của nạn nhân. Đây được xem là hành vi kiểm soát tâm lý của người khác, buộc họ phải thuận theo suy nghĩ và mong muốn của mình. Thao túng tâm lý có thể xuất hiện ở bất kể môi trường nào, có thể xảy ra từ những người thân trong gia đình, đồng nghiệp, bạn bè... thậm chí cả những người xa lạ.

Minh Khang
.
.