Lấy trộm 40 triệu USD để... giúp người nghèo

Thứ Hai, 02/09/2024, 11:42

Tháng 3/1986, Tanya Smith bị Tòa án liên bang Mỹ tuyên phạt 24 năm tù giam vì đã sử dụng mạng máy tính để chiếm đoạt 40 triệu USD. Theo lời khai của cô, toàn bộ số tiền này đã được dùng vào việc giúp đỡ những người cùng khổ ở thành phố Minneapolis. Việc xác minh của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) sau đó cho thấy lời khai của Tanya là đúng sự thật…

Vượt ngục

Trưa ngày 15/3/1988, Tanya Smith khi ấy đã thụ án được 2 năm trong nhà tù liên bang Tây Virginia với tội danh sử dụng mạng máy tính để chiếm đoạt tài sản và đã bị tuyên phạt 24 năm tù thản nhiên bước ra cổng trong chiếc áo choàng màu xanh đậm, vai khoác cặp da, tay cầm dù che mưa thay vì bộ áo liền quần màu da cam dành cho những tù nhân đặc biệt nguy hiểm. Lúc đến trước phòng kiểm tra an ninh, một sĩ quan quản giáo sau khi nhìn vào cuốn sổ thăm viếng đã mỉm cười chào cô rồi bấm nút điện mở rào chắn. Vẫn rất thản nhiên, Tanya chậm rãi tiến đến chiếc xe hơi đã đợi sẵn rồi chỉ vài giây, nó hòa vào dòng xe xuôi ngược trên cao tốc liên bang.

Lấy trộm 40 triệu USD để... giúp người nghèo -0
Tanya thời điểm thực hiện những vụ trộm tiền trong tài khoản người khác.

Vụ vượt ngục của Tanya chỉ bị phát hiện vào giờ điểm danh tối. Sĩ quan trực phòng kiểm tra an ninh khai với Cục Điều tra liên bang (FBI): “Mỗi phiên trực của chúng tôi kéo dài 4 tiếng. Lúc nhận phiên từ 7 giờ  sáng đến 11 giờ trưa, tôi thấy trong sổ ghi chép những cuộc thăm viếng có tên luật sư Nancy, vào gặp tù nhân Colemann nên khi Tanya đi ra hồi 10 giờ, tôi cứ nghĩ cô ta là Nancy”. Sĩ quan trực phiên kế tiếp cũng khai: “Tôi nhận phiên lúc 11 giờ. Đến 11 giờ 30, luật sư Nancy ra. Xem xét thẻ hành nghề, tôi thấy đúng như đã đăng ký nên tôi không thắc mắc”.

Ông Michael Daryl, đặc vụ FBI nói: “Xác minh nơi cấp thẻ hành nghề luật sư, chúng tôi biết nó là đồ giả.  Hình ảnh thu được từ camera cho thấy người đi ra lúc 10 giờ là tù nhân Tanya, còn người ra lúc 11 giờ 30 là một kẻ lạ mặt. Cả hai đều là phụ nữ đa đen. Theo suy luận của chúng tôi, kẻ đóng vai luật sư giúp Tanya vượt ngục sau khi vào trong nhà tù, bằng cách nào đó đã đưa cho Tanya áo choàng, dù, đôi giày và chiếc cặp da vì ngoại trừ những kẻ mang án tử hình hoặc bị kỷ luật biệt giam, còn thì tất cả tù nhân được cho ra sân chơi thể thao, tắm nắng…”.

Tù nhân Colemann khai: “Sáng hôm ấy tôi được quản giáo gọi gặp luật sư. Tôi rất ngạc nhiên vì tôi không hề thuê mướn bởi không có tiền. Khi hỏi chuyện này với quản giáo, ông ấy bảo có thể đó là sự trợ giúp pháp lý của các tổ chức xã hội. Trong suốt 2 tiếng rưỡi nói chuyện với luật sư Nancy, bà ta chỉ đề cập những chuyện vớ vẩn về nhân thân, gia đình, về những sở thích cá nhân. Nhiều lúc tôi muốn chấm dứt cuộc gặp gỡ nhưng với cái án 12 năm vì buôn bán ma túy, trò chuyện với người ngoài xã hội vẫn hơn là bó gối trong phòng…”.

Vụ vượt ngục của Tanya đã gây chấn động trong hệ thống nhà tù Mỹ bởi đây là một trong rất ít những lần hiếm hoi, tù nhân đang thụ án vẫn đàng hoàng đi ra cổng. Lệnh truy nã Tanya Smith lập tức được FBI ban hành trên toàn liên bang nhưng cô ta vẫn bặt vô âm tín. Cha mẹ, bạn bè, người thân và cả 3 đứa con của Tanya cũng đều cho biết cô không hề liên lạc với họ hay gặp họ. Mẹ Tanya nói kể từ khi con bà bị kết án, bà chỉ đi thăm 1 lần duy nhất vì… không có tiền!

Lấy trộm 40 triệu USD để... giúp người nghèo -0
Camera an ninh ghi lại hình ảnh Tanya lúc ra khỏi cổng nhà tù.

Thiên tài trộm cắp

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, miền Trung Tây nước Mỹ, cuộc sống ban đầu của Tanya trôi qua trong sự đói kém nhưng cô và năm anh chị em lại nhận được sự giáo dục tuyệt vời từ cha mẹ. Chỗ ở của gia đình cô trở thành trung tâm hội tụ tầng lớp lao động da đen, kể cả những người vô gia cư, nơi họ luôn được chào đón.

Trong cuốn hồi ký “Never Saw Me Coming - Chẳng ai nhìn thấy tôi đang đến”, được Tanya hoàn thành sau ngày ra tù và được Hãng phim trực tuyến Netflix mua đứt bản quyền để dựng thành phim, Tanya viết: “Cha mẹ tôi luôn nói bầu trời là giới hạn nhưng lòng người thì vô hạn, và câu này đã trở thành kim chỉ nam cho những hành động tội phạm của tôi sau này”.

Đầu năm 1982, Tanya lúc ấy 22 tuổi tình cờ đọc được mấy cuốn sách nói về mạng máy tính. Trong hồi ký, Tanya viết: “Thông qua cuốn sách, tôi hiểu rằng chỉ cần 1 điện thoại là có thể xâm nhập tài khoản của những người giàu có trong ngân hàng để lấy tiền. Tôi không chắc mình sẽ làm điều đó như thế nào nhưng tôi biết tôi sẽ tìm ra cách…”.

Mất thêm một thời gian tìm hiểu về nguyên tắc hoạt động của mạng máy tính ngân hàng, tháng 6/1982 Tanya bắt đầu ra tay. Thoạt tiên, cô chọn những số điện thoại ngẫu nhiên trong cuốn niên giám toàn quốc mà chủ nhân của nó đều là nữ giới rồi dùng những số điện thoại ấy để đăng ký mở tài khoản tại nhiều ngân hàng. Sau đó, Tanya đột nhập vào tài khoản của những người giàu rồi thực hiện lệnh chuyển tiền đến những tài khoản do cô tạo ra.

Trong hồi ký, Tanya viết: “Để tránh bị lộ, tôi không lấy nhiều, mỗi tài khoản chỉ là 20 hoặc 50 USD và tôi chỉ chọn những tài khoản có số dư là số lẻ. Nếu bạn có năm bảy trăm nghìn USD trong ngân hàng, hẳn là bạn sẽ ít để ý nếu số tiền của bạn bị mất vài chục…”.

Lấy được tiền, bước tiếp theo Tanya yêu cầu ngân hàng giao tiền mặt cho người nhận dưới hình thức ủy nhiệm chi. Tanya nói: “Tôi cảm thấy nhiệm vụ của tôi là giúp đỡ những người cùng khổ. Bạn nghĩ thế nào khi một bà mẹ có vài đứa con nhưng lại không thể nấu ăn, không thể tắm giặt, buổi tối nhà không có điện chỉ vì không có tiền để trả cho các hóa đơn gaz, điện, nước?”. Ông Wilson, giao dịch viên của một ngân hàng cho biết “khi chủ tài khoản nào đó điện thoại yêu cầu ngân hàng thực hiện lệnh chuyển tiền và nếu người ấy nói đúng họ tên, số tài khoản cùng mật khẩu và dãy số bảo mật của họ thì chúng tôi chuyển”.

Bà Hillmore, người da đen ở khu ổ chuột Yellowsand, thành phố Minneapolis nói: “Một bữa có nhân viên ngân hàng đến gặp tôi, bảo tôi ký nhận 500 USD. Tôi ngạc nhiên lắm, cho rằng ai đó gửi nhầm nhưng khi nhân viên ngân hàng đọc đúng họ tên, ngày tháng năm sinh, sinh quán, địa chỉ người nhận là tôi nên tôi nghĩ rằng đây là món quà của các nhà hảo tâm…”.

Theo sĩ quan đặc vụ FBI Michael Daryl, cho đến ngày bị bắt, Tanya đã lấy cắp tổng cộng 40 triệu USD. Kết quả điều tra cho thấy có khoảng 60.000 người nghèo ở Minneapolis được Tanya chia sẻ số tiền này, người nhiều nhất được 20.000 USD còn ít nhất là 500 USD. Phần lớn những người nhận tiền đều dùng nó làm phương tiện mưu sinh như mở quán ăn, mở xưởng sửa chữa những thứ lặt vặt, mua xe tải vận chuyển hàng hóa… Một số ít coi tiền nhận được là “tiền chùa” nên dùng nó để ăn chơi. Chỉ duy nhất bà ngoại của Tanya khi được nhân viên ngân hàng yêu cầu ký nhận 5.000 USD, bà đã cho rằng “ngân hàng nhầm lẫn” nên bà dứt khoát không ký.

Vẫn theo đặc vụ Michael Daryl, tiến hành kiểm tra những tài khoản nhận tiền do “người lạ” chuyển đến, người đứng tên tài khoản cho biết họ chưa hề mở tài khoản ở ngân hàng A hay ngân hàng B bao giờ, số tiền chuyển và nhận trùng khớp nhau, chẳng hạn như tài khoản của ông Anderson bị mất 50 USD thì tài khoản của bà Marianna lại nhận được 50 USD, diễn ra chỉ trong vòng vài phút: “Từ những thông tin ấy, chúng tôi nhận ra đây là thủ đoạn mới của tin tặc nên ngay lập tức, chúng tôi cảnh báo các ngân hàng cần thay đổi hình thức mở tài khoản, chuyển khoản và các biện pháp bảo mật khác…”.

Lấy trộm 40 triệu USD để... giúp người nghèo -0
Bà Hillmore ký nhận 500 USD mà không biết là tiền trộm cắp.

“Khôn” nhưng không “ngoan”

Giữa năm 1983, Tanya phạm phải một sai lầm chết người. Đó là thay vì sử dụng họ tên, địa chỉ, số điện thoại của những phụ nữ mà cô ngẫu nhiên tìm thấy trong cuốn niên giám toàn quốc để mở tài khoản thì Tanya lại thiết lập một mạng lưới cộng tác viên, là một số người mà cô đã từng cho tiền. Sau khi họ mở tài khoản, Tanya chuyển số tiền lấy cắp được vào những tài khoản đó rồi báo cho họ biết là phải đem tặng những ai. Sau này khi bắt Tanya, nó đã trở thành một trong những chứng cứ buộc tội cô.

Và trong khi FBI đang tập trung điều tra người phụ nữ bí ẩn thì họ được biết chỉ một thời gian ngắn, 160.000 USD đã được chuyển vào tài khoản của một người tên là Simson. Nguồn gốc của số tiền ấy hình thành từ 194 vụ trộm cắp. Đặc vụ Michael Daryl nói: “Ngày 21/9/1983, văn phòng FBI ở Las Vegas, bang Nevada nhận được thông tin có người vừa rút 160.000 USD từ tài khoản của Simson tại máy rút tiền trong sòng bạc Caesars Palace. Lập tức, chúng tôi ra lệnh bắt người rút tiền. Chẳng khó khăn gì để anh ta khai ra mình chính là Simson, và người yêu cầu anh ta rút tiền là Tanya Smith”.

3 ngày sau, đến lượt Tanya sa lưới. Trong những cuộc hỏi cung, Tanya không hề chối cãi hành vi phạm tội của mình nhưng cô khẳng định “chỉ để giúp người nghèo”. Các điều tra viên FBI trực tiếp thẩm vấn Tanya đều thừa nhận rằng “với những tội phạm khác, họ luôn tìm cách chối cãi nhưng với Tanya, cô ta chỉ “sửa lại” những gì chúng tôi nói chưa đúng, mà “sửa lại” theo hướng nhận tội. Cô ta rất thông minh, am hiểu về mạng máy tính hơn nhiều người đã được đào tạo bài bản. Tanya còn tự hào rằng “luôn đi trước FBI 10 bước”.

Những người Negro (chữ dùng để chỉ người da đen) nếu bị bắt thì hầu hết chỉ là cướp của, giết người, buôn bán ma túy nhưng không ai có bộ não tinh vi như Tanya…”. Kết quả kiểm tra tài sản riêng của Tanya cho thấy cô chỉ có 1 chiếc nhẫn kim cương giá 5.000 USD mà theo lời Tanya thì: “Tôi mua bằng tiền trộm cắp. Tôi thích nó từ khi tôi mới 10 tuổi. Tôi cũng có quyền thỏa mãn mơ ước của mình…”.

Tháng 3/1986, Tanya ra tòa với 37 tội danh rồi nhận 24 năm tù giam. 2 năm sau, cô vượt ngục nhưng bị bắt lại 8 tháng sau đó khi đang lẩn trốn ở một chung cư tồi tàn, được che chở bởi những người da đen xưa kia cô đã cho tiền. Giữa năm 2009, Tanya được tha. Không ai biết Tanya bắt đầu viết cuốn hồi ký “Never Saw Me Coming” vào thời gian nào nhưng cuối năm 2022, Hãng phim trực tuyến Netflix đã mua đứt bản quyền của cuốn hồi ký để dựng thành phim với tựa đề “Ghost in the Machine - Hồn ma trong cỗ máy” nhưng giá mua không được tiết lộ. Theo một số nguồn tin, nó không ít hơn 7 con số, nghĩa là từ 1 triệu USD trở lên.

Đặc vụ Michael Daryl nói: “Nghe được chuyện ấy, chúng tôi đến gặp những người đứng đầu Netflix. Viện dẫn điều luật về an ninh mạng, chúng tôi yêu cầu Netflix cắt bỏ toàn bộ những mô tả chi tiết kỹ thuật, kể cả trên phim lẫn hồi ký mà Tanya đã thực hiện trong việc xâm nhập mạng máy tính để chiếm đoạt tiền. Mặc dù hiện tại công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính tiền tệ đã có những bước tiến vượt bậc so với hồi năm 1982, 1983 nhưng không vì thế mà chủ quan bởi lẽ thuật toán Tanya đã sử dụng, ít nhiều vẫn có thể can thiệp vào lập trình lõi…”.

Hiện tại, Tanya 64 tuổi, sống yên ổn với 3 đứa con. Trả lời phỏng vấn của tờ Thời báo New York, Tanya vẫn rất tự tin dẫu rằng hành động trộm cắp dù bất cứ dưới lý do gì, vẫn đáng phải lên án: “Tôi không ân hận mà ngược lại, tôi nhận ra rằng tôi chiến đấu vì sự   nghèo đói chứ không phải vì tôi. Tôi muốn cho họ thấy chính xác những gì người phụ nữ da đen này có thể làm…”.

Vũ Cao (Theo Criminal Record)
.
.