Lừa đảo từ các dịch vụ đọc trộm tin nhắn mạng xã hội

Thứ Tư, 12/04/2023, 20:49

Hành vi xâm phạm bí mật thư tín, bí mật đời tư của người khác bị pháp luật nghiêm cấm. Nhưng, hiện nay nhiều ổ nhóm bán các loại dịch vụ đọc trộm tin nhắn, soi mật khẩu tài khoản mạng xã hội... vẫn hoạt động công khai trên nhiều hội, nhóm. sử dụng dịch vụ của các đối tượng này, người dùng không chỉ đối mặt với các vấn đề pháp lý mà còn có nguy cơ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hoạt động công khai

Để tìm được các nhóm bán dịch vụ đọc trộm tin nhắn, người dùng chỉ cần gõ trên thanh tìm kiếm của mạng xã hội Facebook cụm từ “đọc trộm tin nhắn” hoặc “dịch vụ đọc tin nhắn Facebook, Zalo”. Sau khi tìm kiếm, sẽ có hàng chục group kinh doanh các loại dịch vụ này với số điện thoại công khai hiện ra. Tại đây, các đối tượng quảng cáo đủ loại dịch vụ liên quan đến mạng xã hội nhưng tập trung vào việc đọc trộm tin nhắn của một tài khoản bất kì theo yêu cầu của khách hàng.

Tính sơ qua một số nhóm hiện trên đầu của giao diện tìm kiếm, số thành viên tham gia những nhóm này có thể lên tới hàng trăm ngàn người. Một số nhóm có nhiều thành viên phải kể đến như “Đọc trộm tin nhắn không bị lộ 100%” với 92.000 thành viên, “Dịch vụ hack nick FB Zalo - Đọc trộm tin nhắn Zalo FB vợ chồng” với 43.000 thành viên hay “Hack nick Facebook đọc trộm tin nhắn” với 77.000 thành viên. Tuy nhiên, các hội nhóm này do một số ít đối tượng lập lên nên mỗi tuần chỉ có 2-3 bài quảng cáo được đăng tải, với cùng một số hotline, cùng loại dịch vụ.

Lừa đảo từ các dịch vụ đọc trộm tin nhắn mạng xã hội -0
Dịch vụ đọc trộm tin nhắn tràn lan trên mạng.

Thử liên hệ với một đối tượng bán loại dịch vụ này trong group có gần 100.000 thành viên để tìm hiểu về dịch vụ đọc trộm tin nhắn. Sau khi gửi cho một tài khoản Facebook ngẫu nhiên, đối tượng này cho biết để đọc trộm được tin nhắn của mục tiêu thì cần vài giờ, có khi là vài ngày vì mức độ bảo mật khác nhau. Chi phí đọc tin nhắn thì từ 1-2 triệu đồng/tài khoản, tùy theo độ khó mà kĩ thuật viên phải tốn nhiều công sức hơn.

“Các tài khoản có tích xanh hoặc đã từng bị hack, được lấy lại và bật bảo mật nhiều lớp thì khó xâm nhập để lấy thông tin hơn. Tuy nhiên, khi làm xong thì có thể yên tâm đăng nhập, mọi cảnh báo bảo mật đều đã bị ngắt, sẽ không bị phát hiện...”, đối tượng này cho biết. Đáng nói, một số đối tượng còn quảng cáo có khả năng "soi" mật khẩu chỉ trong chưa đầy 1 giờ, với Facebook thì 1 triệu đồng/tài khoản, Zalo, Instagram sẽ có mức giá cao hơn, có thể lên đến 2 triệu đồng/tài khoản. Mặc dù trên bài quảng cáo mà một số đối tượng đăng tải, loại dịch vụ này không yêu cầu trả tiền trước mà chỉ nhận tiền khi đã lấy được thông tin tin nhắn của tài khoản mục tiêu.

Tuy nhiên, sau khi trao đổi với một số đối tượng, tất cả đều có điểm chung là đòi đặt trước 50% tiền cọc, khi khách hàng có thể đăng nhập tài khoản để đọc tin nhắn thì mới thanh toán nốt số tiền còn lại. Lý do đưa ra đó là phải mất tiền “kĩ thuật” khi xâm nhập vào các tài khoản mục tiêu, 50% còn lại mới là tiền công mà các đối tượng được hưởng. Bên cạnh đó, để tăng độ uy tín, các đối tượng này cũng sẵn sàng “bảo hành” với thời gian lên đến 2 tháng. Theo đó, sau khi đã hack nick thành công và có thể đọc được tin nhắn người khác, nếu có sự cố hay bất cứ vấn đề nào liên quan đến bảo mật, người sử dụng dịch vụ này có thể liên hệ với đối tượng và được fix lỗi miễn phí.

Lừa đảo từ các dịch vụ đọc trộm tin nhắn mạng xã hội -0
Lời mời chào trên mạng xã hội.

Nguy cơ bị lừa đảo

Mặc dù được quảng cáo với đủ lời lẽ, cam kết về chất lượng dịch vụ nhưng nhiều người đã bị lừa tiền cọc khi sử dụng dịch vụ của các đối tượng này. Sau khi chuyển từ 30-50% tiền cọc như thỏa thuận, các đối tượng thường “biến mất” không trả lời tin nhắn hoặc chặn số, chặn liên lạc Facebook của khách hàng ngày sau khi nhận được tiền.

Còn nhớ cuối năm 2022, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện đối tượng Lý Văn Thảo (SN 2003, trú tại thôn Quyết Tiến, xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) có hành vi lừa đảo với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, đối tượng sử dụng nhiều tài khoản Facebook giả danh khác nhau để bình luận, đăng tải bài viết trên các hội nhóm với nội dung như “Khôi phục tài khoản Facebook, Zalo bị hack”, “nhận đọc trộm tin nhắn”, các dịch vụ tăng tương tác... Khi có người nhắn tin, liên hệ, Thảo yêu cầu đặt cọc tiền lệ phí và thực hiện các thao tác theo hướng dẫn của đối tượng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản qua việc hack tài khoản Facebook, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.

Với thủ đoạn trên, Lý Văn Thảo khai nhận từ đầu năm 2022 đến nay đã chiếm đoạt tài sản của nhiều người ở nhiều địa phương trên cả nước với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng.

Mở rộng điều tra, Phòng an ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lạng Sơn đã làm rõ đối tượng Lý Hiểu Phong (SN 2001, trú tại thôn Cảo, xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng) có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại với thủ đoạn tương tự, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 50 triệu đồng.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena cho biết, hầu hết tất cả các bài quảng cáo về dịch vụ đọc trộm tin nhắn được đăng trên mạng xã hội là lừa đảo để lấy tiền cọc. “Các công ty như Facebook, Google... đều là những công ty công nghệ có giá cả nghìn tỷ đô, nếu có thể hack các tài khoản của họ dễ dàng như vậy thì các công ty này đã phá sản, không còn tồn tại đến bây giờ. Những công ty công nghệ nói chung đều đầu tư rất nhiều cho vấn đề bảo mật để phục vụ khách hàng, vì vậy không thể có chuyện chỉ trong 30 phút - 1 tiếng có thể hack được một tài khoản như các đối tượng quảng cáo...”, ông Thắng chia sẻ.

Chuyên gia này cũng cho biết, có không ít các đối tượng có thể hack tài khoản mạng xã hội nhưng đó là một quá trình theo dõi dài hơi. Các đối tượng này sẽ tìm hiểu thông tin đăng tải trên trang cá nhân của đối tượng, tìm cách giải mã độc để từ đó chiếm quyền điều khiển, lấy được thông tin. Vì vậy, người dùng cũng cần cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội, tránh truy cập vào những trang web, đường link đáng nghi. Ngoài ra, cũng không nên tin tưởng vào các loại hình dịch vụ như đọc trộm tin nhắn bởi không chỉ có khả năng bị lừa tiền, người dùng có thể sẽ phải đối mặt với các vấn đề pháp lý vì đây là một hành vi sai trái.

Cùng quan điểm trên, ông Ngô Minh Hiếu - chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng quốc gia cho rằng, dịch vụ đọc trộm tin nhắn hoàn toàn là lừa đảo, chủ yếu đánh vào tâm lý người có nhu cầu theo dõi thông tin của người khác.

Lừa đảo từ các dịch vụ đọc trộm tin nhắn mạng xã hội -0
Ông Ngô Minh Hiếu - chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng quốc gia.

“Các dịch vụ như vậy nếu có thì nó phải hoạt động rất kín chứ không phải rao bán, chạy quảng cáo với số tiền dịch vụ các đối tượng đưa ra là quá rẻ. Đa phần các đối tượng sau khi nhận tiền là khóa nick, mất tích luôn. Thực ra, nếu có đối tượng nào nhận làm dịch vụ này thì số tiền phải bỏ ra là không thể đong đếm, mà dùng những dịch vụ này không phải là những người tầm thường sử dụng, để vào tầm nhắm thì cũng không phải nạn nhân bình thường”, ông Hiếu cho biết. Chuyên gia này cũng từng cảnh báo và chặn rất nhiều đối tượng lừa đảo với thủ đoạn tương tự trên các nền tảng website và Facebook. Tuy nhiên, để người dân không bị lừa tiền và thậm chí là mất thông tin với các đối tượng lừa đảo thì không nên ấn vào những đường link độc hại, không nên tò mò tìm hiểu các dịch vụ vi phạm pháp luật trên Facebook, Zalo hoặc những trang web mà có liên quan đến những chủ đề như vậy trên Google với các từ khóa đọc trộm tin nhắn.

“Khi gặp những trang web như vậy thì nên báo cáo lên trang canhbao.ncsc.gov.vn. Mọi người cũng nên đọc và tìm hiểu những phương thức phòng tránh lừa đảo trên không gian mạng qua trang dauhieuluadao.com của Bộ Thông tin - Truyền thông. Từ đó, mọi người có thể thấy các đối tượng lừa đảo nắm bắt hình thức, tâm lý thế nào để lừa mình. Các đối tượng sẽ nhắm vào tâm lý tò mò, tâm lý sợ hãi, đánh vào lòng tham... Nếu tâm lý vững thì hầu như mình sẽ không bao giờ bị lừa trên mạng”, ông Hiếu chia sẻ.

Lừa đảo từ các dịch vụ đọc trộm tin nhắn mạng xã hội -0
Đối tượng Lý Văn Thảo và Lý Hiểu Phong cùng tang vật bị thu giữ tại cơ quan Công an.

Ngoài việc tránh để bị các đối tượng lừa đảo, người dân cũng nên nhận biết về hành vi của mình có vi phạm pháp luật hay không. Bởi lẽ, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình... được pháp luật bảo vệ. Việc cố tình tìm hiểu, đọc trộm thông tin của người khác cũng là một hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định, với hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10- 20 triệu đồng tùy mức độ, hậu quả xảy ra. Hoặc có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng căn cứ Nghị định 144/2021/NĐ-CP nếu có hành vi đọc trộm tin nhắn hoặc có hành vi tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, các đối tượng này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác với mức phạt tù lên đến 3 năm.

Còn với các đối tượng bán dịch vụ, nếu có những hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, các đối tượng này còn có thể bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng theo Nghị định 144/2021/NĐCP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất là tù chung thân. Theo đó, người thuê dịch vụ đọc trộm tin nhắn có thể bị phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 15/2020/NĐCP nêu trên.

Mai Ngọc
.
.