Nạn nhà báo “ma” ở phương Tây

Thứ Ba, 04/01/2022, 13:56

Trong bối cảnh các luồng thông tin ngày càng trở nên nhiễu loạn, vai trò của người biên tập viên các tờ báo ngày càng quan trọng. Họ giống như người lính “gác cổng” chỉ mang sự thật đến với tay bạn đọc.

Vậy nhưng trong thời gian gầy đây ban biên tập của một loạt tòa soạn uy tín tại Mỹ và Anh đã bị những phóng viên “ma” dùng các chiêu trò lừa để đăng bài trên báo của họ. Đằng sau câu chuyện này liệu có phải là sự lỏng lẻo của mạng lưới truyền thông phương Tây và nỗ lực của các thế lực ngoại quốc nhắm đến việc thao túng dư luận những nước lớn?

Người thật hay giả?

Giáo sư Marc Owen Jones ở trường Đại học Hamad bin Khalifa (Qatar) là người góp công lớn nhất trong việc phát hiện ra mạng lưới phóng viên giả. Ông trả lời phỏng vấn tờ báo Anh The Morning Star như sau: “Người bạn của tôi là tổng biên tập một tòa soạn tại UAE. Một ngày nọ anh ấy nhận được email của một phóng viên tên Rafael Badani. Người này tỏ ý muốn viết bài bình luận về tổ chức Anh em Hồi Giáo. Điều lạ là khi bạn tôi đặt vấn đề nhuận bút, Raphael thẳng thắn từ chối và tuyên bố sẵn viết bài cho không. Bạn tôi sinh nghi nên mới nhờ tôi tìm hiểu về người tự xưng là nhà báo này.”

Càng tìm hiểu về Raphael Badani, vị giáo sư lại càng nảy sinh nhiều nghi vấn. Anh phát hiện ra bức chân dung của Raphael thực chất là ảnh một người đàn ông khác không có liên quan đăng lên Facebook. Bức ảnh này sau đó được chỉnh sửa và lật lại theo chiều dọc nên sử dụng công cụ tìm kiếm hình ảnh Google Image cũng không dễ tìm được bản gốc.

Nạn nhà báo “ma” ở phương Tây -0
Nhiều câu hỏi đặt ra về những thế lực đứng sau chuyện phóng viên giả.

Chưa hết, tuy Raphael từng viết bài cho một số cơ quan truyền thông lớn như The Washing Examiner và Newsmax, phần lớn những bài báo của anh ta được đăng tải trên hai trang web Arab Eye and Persiaow. Điểm đáng nghi ngờ là cả hai website tin tức này đều được đăng ký tên miền trong cùng một ngày, có cùng mã Google Analytics và địa chỉ IP. Trong khi đó, số điện thoại và trụ sở của họ tại Luân Đôn không có thật. Về phần hai tổng biên tập Sharif O’Neil (Arab Eye) và Timur Hall (Persiaow), không hề có bất kỳ dấu vết gì cho thấy họ tồn tại.

Raphael Badani chỉ là trường hợp nghi vấn đầu tiên. Giáo sư Owen Jones sau đó còn tìm ra 19 cá nhân khác có quan hệ tương tự với Arab Eye và Persiaow. Một số người có hồ sơ trên trang LinkedIn, nhưng phần học vấn và tiểu sử công tác của họ đều viết theo kiểu rất mù mờ. Chưa hết, họ sử dụng hoặc là ảnh lấy của người khác, hoặc lấy làm ảnh chân dung những bức hình do trí tuệ nhân tạo làm ra.

Có một website tên là This Person Does Not Exist thường xuyên đăng tải những bức ảnh như thế. Họ cho trí tuệ nhân tạo “học hỏi” qua hàng triệu bức ảnh chân dung nhằm mục đích biết mắt mũi con người ra làm sao để tự “vẽ” được ảnh chân dung giả. Vì không hề có bức ảnh nào do trí tuệ nhân tạo làm ra giống nhau nên rất khó để người ta tìm hiểu xem chân dung thật hay giả.

Nạn nhà báo “ma” ở phương Tây -0
Ngay cả các tờ báo có uy tín cũng là nạn nhân của tin giả.

Ai đứng đằng sau tin thất thiệt?

Ai đã dựng lên danh tính 19 phóng viên giả rồi sử dụng chúng để viết bài cho các tờ báo phương Tây. Theo giáo sư Owen Jones, một phần câu trả lời nằm trong nội dung họ viết ra: “Một điểm chung của các bài báo này là chỉ trích Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và tổ chức Anh em Hồi Giáo. Mặt khác, những phóng viên giả giữ thái độ tích cực đối với chính phủ Arab Saudi và UAE bằng cách thường xuyên viết bài ca ngợi họ”.

Đây cũng là quan điểm chung của Arab Eye và Persiaow. Không phải bài báo nào được họ đăng tải cũng do phóng viên giả viết ra. Giáo sư Owen Jones và nhóm nghiên cứu của mình đã ghi nhận được một số phóng viên, nhà bình luận có thật. Điểm lạ là họ chỉ mời những người viết từng công khai chỉ trích các nước có quan hệ không được “trôi chảy” với Arab Saudi và UAE. Tuy về cơ bản điều này không vi phạm quá nhiều quy tắc trung lập trong báo chí, nhưng thái độ của những tác giả thật viết cho Arab Eye và Persiaow quả thật có phần quá cực đoan.

John Lancer, một trợ lý của giáo sư Owen Jones, cho biết: “Chúng tôi tìm thấy nhiều tin giả được Arab Eye và Persiaow đăng tải, trong đó một số do Hussain al-Ghawi viết. Nhân vật này người Arab Saudi và tự xưng là nhà báo nhưng thực chất không có bằng cấp gì. Ngoài việc viết bài, anh ta còn thường xuyên lên Youtube lan truyền những thông tin sai sự thật như “Quân đội Iran thảm sát người Sunni ở Iraq”.

Nạn nhà báo “ma” ở phương Tây -0
Giáo sư Marc Owen Jones.

Một trong những “mục tiêu” bị 19 phóng viên giả nhắm tới là nữ nhà báo, nhà hoạt động chính trị Tawakkol Karman, người giành được giải Nobel Hòa bình năm 2011 do công lao của mình đối với cuộc cách mạng Yemen. Sau khi tập đoàn Facebook bị tố cáo “làm ngơ” trước những tin bài kích động bạo lực ở Myanmar và Bangladesh, họ thành lập một ủy ban giám sát và mời Tawakkol Karman tham gia.

Không lâu sau khi việc bổ nhiệm cô Karman này được công bố, xuất hiện thông tin rằng nữ nhà báo có quan hệ bí mật với tổ chức Anh em Hồi Giáo và không xứng đáng được giữ chức vụ quan trọng tại Facebook. Điều này thật vô lý, vì Tawakkol Karman từng nhiều lần phê phán các tổ chức, nhà nước thiếu dân chủ như Hội Anh em Hồi Giáo và chính phủ Arab Saudi. Từ phát hiện của giáo sư Marc Owen Jones, giới chức mới điều tra ra được các phóng viên giả nói trên là người đầu tiên tung ra tin đồn thất thiệt.

Bà Clara Jeffery, tổng biên tập tạp chí điều tra Mother Jones của Mỹ từng nhận được bài của một trong những phóng viên giả. Bà nhận xét: “Những bài viết mà cá nhân này gửi cho tôi hoàn toàn không có bất kỳ lỗi chính tả hay tu từ nào. Đây mới là điều khiến tôi nghi ngờ. Kể cả những phóng viên giỏi nhất tôi từng gặp cũng từng nhầm lẫn trong khi viết. Còn nhà báo giả kia sử dụng tiếng Anh một cách hoàn hảo trong khi anh ta nói mình là người Nhật. Chưa hết, lối hành văn của anh ta khiến tôi có cảm giác như mình đang đọc bài thông cáo báo chí quá chỉnh chu chứ không phải một phóng viên đi ghi lại những cái lộn xộn của cuộc sống”.

Giả thuyết mà nhiều chuyên gia đang đặt ra là chính phủ Arab Saudi và UAE đang sử dụng điệp viên của mình hay thuê công ty quan hệ công chúng để giả danh nhà báo? Suy đoán này không phải không có cơ sở. Sau khi cả thế giới lên án việc họ can dự vào cuộc nội chiến Yemen và gây ra thảm họa nhân đạo, Thái tử Mohammed bin Salmen đã tác động để tập đoàn truyền thông Publicis Groupe của Pháp mở chi nhánh tại Riyadh của công ty quan hệ công chúng Qorvis MSLGroup trực thuộc.

Vào hồi giữa năm 2016, Arab Saudi ra lệnh tử hình 47 người biểu tình đòi dân chủ, trong đó có nhiều cá nhân chưa đầy 18 tuổi. Ngay sau đó Bộ trưởng Ngoại giao nước này, Bin Ahmed Al-Jubeir đã viết bài trên báo Mỹ bôi nhọ những người biểu tình, đồng thời biện minh cho hành động của Riyadh. Bài viết đăng trên tạp chí Newsweek khiến giới trí thức phương Tây vô cùng bất bình và bị tòa soạn rút lại. Còn vị Bộ trưởng Ngoại giao, ông này sau đó bị buộc thuyên chuyển công tác do có liên quan đến vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi. Theo lời Al-Jubeir, ông này bị Thái tử Bin Salman đưa ra làm “bia đỡ đạn”, còn bài báo ông viết trước đây là do các chuyên gia PR của Qorvis MSLGroup soạn thảo.

Từ đó đến nay, Qorvis vẫn tiếp tục làm theo “thỏa thuận bí mật” giữa họ và Thái tử bin Salman. Tổ chức Nhân quyền Quốc tế cáo buộc Qorvis “gột sạch” tai tiếng của vị thái tử sau khi ông ra lệnh ám sát nhà báo Jamal Khashoggi. Qorvis làm việc này bằng cách tổ chức những sự kiện như hòa nhạc, triển lãm, công diễn thời trang… tại Arab Saudi với sự tham gia của những ngôi sao hàng đầu ngành giải trí Mỹ. Sự kiện hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Riyadh năm ngoái được cho là cũng nhờ Qorvis vận động hành lang.

Nạn nhà báo “ma” ở phương Tây -0
Tất cả những điều người ta biết về Raphael Badani là mấy dòng tiểu sử mù mờ.

Thay đổi cách ứng xử với tin giả

Bản thân giáo sư Owen Jones cũng lúng túng khi đưa ra lời khuyên để mọi người tự bảo vệ bản thân trước tin giả: “Nếu có thể thì bạn đọc hãy Google tên tác giả bất kỳ bài báo nào trước khi học để tìm hiểu xem người viết là ai, quan điểm chính trị như thế nào, v.v…Nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời, vì các đối tượng phóng viên giả càng ngày trở nên tinh vi hơn!”.

Theo giáo sư Owen Jones thì, nguồn gốc của vấn đề nằm ở sự “tan rã” của truyền thông phương Tây: “Doanh thu của các tờ báo, hãng tin đang càng ngày đi xuống. Một mặt họ giảm lương phóng viên, mặt khác phải hạ tiêu chuẩn nhận bài từ cộng tác viên để có nội dung. Điều này đã tạo cơ hội để các đối tượng phóng viên giả lợi dụng. Họ nói sẽ viết bài miễn phí cho tòa soạn thật chẳng khác đặt miếng mỡ trước miệng mèo đói cả. Lối giải quyết ổn thỏa nhất mà tôi nghĩ ra được là, tăng mức lương mà các nhân viên tòa soạn nhận được để họ vừa tăng chất lượng biên tập, vừa tự sản xuất thêm tin bài!”.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.