Ngày kinh hoàng ở Istanbul

Thứ Năm, 17/11/2022, 12:05

16h20 ngày 13/11/2022, một quả bom hẹn giờ đã phát nổ tại đại lộ Istiklal, con phố nổi tiếng dành cho người đi bộ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ làm 6 người chết, 81 người bị thương. Đây chính là giờ cao điểm đông đúc người qua lại nhất trên con phố này. Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cho biết “một phụ nữ đã ngồi trên chiếc ghế băng trong 45 phút” và vụ nổ xảy ra ngay sau khi cô ta rời đi. Nữ nghi phạm cùng với 46 người có liên quan đã bị bắt giữ.

Những lời tố cáo từ nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ

Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu cho biết, cuộc tấn công đã được lên kế hoạch tại một thị trấn có đa số người Kurd ở miền Bắc Syria, ông đổ lỗi cho các tay súng thuộc Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) và Đơn vị Phòng vệ nhân dân (YPG). Soylu nói: “Chúng tôi tin rằng lệnh tấn công khủng bố chết người này đến từ Ayn al-Arab ở miền Bắc Syria, nơi đặt đại bản doanh của chi nhánh PKK / YPG tại Syria”.

hinh 1.jpg -0
Đại lộ Istiklal ở Istanbul chiều ngày 13/11, người dân sợ hãi trước khi quay đầu bỏ chạy.

Trong quá khứ, sau những cuộc tấn công khủng bố nhắm vào trung tâm Istanbul các tay súng người Kurd hoặc những kẻ tấn công có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo (IS) thường sẽ nhanh chóng lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công,  nhưng lần này, hai ngày sau vụ nổ bom, vẫn chưa có nhóm nào chính thức ra tuyên bố.

Từ lâu, Ankara, Washington và EU đã  xếp PKK là một nhóm khủng bố, căn cứ vào việc PKK tiến hành đấu tranh bằng bạo lực khủng bố chống Thổ Nhĩ Kỳ, một cuộc đấu tranh đã kéo dài hàng thập kỷ nhằm đòi quyền tự trị cho người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Dẫu YPG  có quan hệ mật thiết với PKK, nhưng nhóm này lại là một thành phần của Lực lượng Dân chủ Syria được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc đối đầu với các tay súng IS ở miền Bắc Syria.

Fahrettin Altun, Giám đốc truyền thông của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đã ám chỉ đến những tiêu cực tiềm tàng trong mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ những bất mãn đã có từ lâu của Ankara đối với việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ các nhóm người Kurd ở miền Bắc Syria.

Theo ông Altun: “Cộng đồng quốc tế cần phải chú ý. Các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào dân thường của chúng tôi là hậu quả trực tiếp và gián tiếp của  sự hỗ trợ các nhóm khủng bố đến từ một số quốc gia. Các quốc gia này phải ngừng ngay lập tức việc hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp nếu họ muốn có được tình bạn của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Từ nhiều năm nay, PKK thường xuyên là mục tiêu tấn công trong các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Iraq, Ankara cũng đã ra tay chặn Thụy Điển gia nhập NATO sau khi cáo buộc nước này khoan hồng và dung dưỡng đối với nhóm này.

Ngăn chặn phát tán thông tin

Các video đăng trực tuyến ở vào thời điểm xảy ra vụ tấn công cho thấy những đám người kinh hãi chạy tán loạn và cố gắng nấp trong các cửa hàng gần đó khi một quả cầu lửa nổ tung trên đầu họ.

Hiện RTUK, Cơ quan thanh tra truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ, tạm thời cấm đưa tin về vụ nổ, ngăn các đài truyền hình chiếu hình ảnh thời điểm vụ nổ xảy ra hoặc những  hình ảnh hiện trường sau vụ nổ  “để tránh việc các chương trình phát sóng tạo ra nỗi sợ hãi, hoảng loạn và bất ổn trong xã hội và vì thế phục vụ cho mục đích của những kẻ khủng bố”.

Tổ chức giám sát tự do web NetBlocks sau khi nghiên cứu các dữ liệu mạng đã nhận thấy, sau vụ tấn công, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng hạn chế quyền truy cập vào các nền tảng truyền thông xã hội như Twitter, Instagram, YouTube và Facebook. “Tiếp cận thông tin là rất quan trọng trong trường hợp khẩn cấp. Nghiên cứu cho thấy các hạn chế trên mạng xã hội làm gia tăng thông tin sai lệch sau các sự cố bảo mật và các cuộc tấn công”, Alp Toker - người sáng lập NetBlocks cho biết.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã thông qua luật mới nghiêm cấm “thông tin sai lệch”, theo đó những người sử dụng mạng xã hội hoặc nhà báo bị cáo buộc vi phạm có thể bị bỏ tù tới 3 năm. Giám đốc RTUK Ebubekir Sahin cảnh báo người dân không nên lan truyền thông tin sai lệch về vụ tấn công. “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến. Vui lòng không khai thác thông tin từ các nguồn không rõ ràng. Hãy lấy thông tin từ các nguồn đáng tin cậy. Đừng vô tình lan truyền thông tin sai lệch”, ông nói.

Vụ nổ đã gợi lại những ký ức kinh hoàng

Thổ Nhĩ Kỳ đã hứng chịu hàng loạt vụ đánh bom khủng bố trong thời gian từ 2015- 2017. Thủ phạm là Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm người Kurd sống ngoài vòng pháp luật.

Có thể kể đến vụ đánh bom liều chết tại một con phố ở thủ đô vào ngày 19/3/2016 khiến 5 người thiệt mạng và 36 người bị thương. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ sau đó cho biết kẻ đánh bom liều chết có liên hệ với IS.

Trước đó, vào tháng 1/2016, một kẻ đánh bom liều chết ở quận Sultanahmet nhộn nhịp đã giết chết 13 người. Vào tháng 6, những kẻ tấn công được trang bị vũ khí tự động và những chiếc thắt lưng gài đầy thuốc nổ đã tấn công lối vào sân bay Ataturk của Istanbul, giết chết 45 người và làm hơn 230 người khác bị thương, những kẻ tấn công cũng đã kích nổ tự sát cùng với các nạn nhân .

Soner Cagaptay, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu chính sách vùng Cận đông cho biết: “Cho đến giờ vẫn chưa biết ai  đứng sau vụ tấn công mới nhất này, nhưng thực tế đây là vụ tấn công khủng bố đầu tiên xuất hiện trở lại sau 6 năm. Nó gợi lại ký ức khủng khiếp về giai đoạn 2015-2016 khi hàng trăm người chết trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi tin rằng vụ nổ này sẽ góp phần làm gia tăng mức độ ảnh hưởng của cánh hữu đối với cử tri trong cuộc bầu cử sẽ được tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm tới và bất cứ ai xuất hiện như là ứng cử viên đại diện cho lực lượng an ninh chống khủng bố sẽ có rất nhiều cơ hộ dành chiến thắng”.

Dương Thắng (Tổng hợp)
.
.